Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Tín ngưỡng thờ Thần Hoàng, Thành Hoàng

TÍN NGUỠNG THỜ THẦN HOÀNG , THÀNH HOÀNG

Thành hoàng là một trong những vị thần làng được vua phong tước vương, đại diện cho vua đứng đầu chư thần trong làng. Mỗi làng có nhiều thần làng, nhưng mỗi thời điểm mỗi làng vốn chỉ có 1 vị thành hoàng. Nhưng do nhiều làng, thôn hợp lại thành xã, nên trong các bản khai năm 1938, (các sưu tập Q40 18 và AE) (2) lý dịch các xã khai một xã có nhiều thành hoàng, có khi 4 thành hoàng, như trường hợp làng Đang Triều, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh (Q40 18/II, 33), có xã còn nhiều thành hoàng hơn nữa...

Vì sao dân làng lại phải thờ thần làng? Thần làng là nhân vật nào?

“Đất có thổ công, sông có hà bá”.

Đó là tư duy người Việt, thể hiện bằng ngôn ngữ dân gian với thuật ngữ Hán Việt.

Đất, Nước là hai nguồn sống của người Việt. Ngày nay “Đất Nước” vẫn chỉ quốc gia, tổ quốc. Quốc gia, Tổ quốc là hai khái niệm vay mượn của văn hoá Hán. Hai khái niệm này chỉ “nước và nhà”, “nước của tổ tiên”, từ “Quốc” dịch ra tiếng Việt là “Nước” nhưng không phải là “nước sông”, trong chữ Hán “Thuỷ” là “nước”, “Quốc” chỉ lãnh thổ của nhà vua theo tinh thần “Phổ thiên hạ mạc phi vương thổ” của người Trung Hoa cổ đại. Nội hàm của “Quốc gia” và “Tổ quốc” của người Hán vốn khác với “Đất Nước” của người Việt, nhưng nay đã trở thành những khái niệm đồng đẳng, đồng nghĩa.

Đất là cơ sở để trồng trọt sản xuất, nguồn sống và là nơi cư trú bao che con người khi sống và khi chết. Nước là nguồn nguyên liệu thiên nhiên không thể thiếu của cây lúa nước và là nguồn sống của con người.

“Lạy trời mưa xuống,

Lấy nước con uống,

Lấy ruộng con cày,

Lấy đầy bát cơm,

Lấy rơm đun bếp”.

Đất cùng Nước nuôi sống người Việt. Từ khi trồng lúa nước, người Việt đã nhận thức được tầm quan trọng sống còn của Đất, Nước cho nên đã thiêng hoá và nhân cách hoá thành Thần, mà ngày nay diễn đạt bằng chữ Hán là Thổ công (Thần Đất được phong tước Công) và Hà bá (Thần Sông được phong tước Bá). Đất Nước là Tổ quốc, đây là một tư tưởng nông nghiệp trồng lúa nước. Đó là tâm linh tôn giáo của người Việt.

Đất là núi rừng và ruộng đồng. Núi rừng thì có thần Núi, thần Đá, thần Cây. Ruộng đồng thì có thần là người khai phá và bảo vệ làng. Nước thì có sông và biển, nhưng người Việt trồng lúa là chính, chỉ đánh bắt cá nước ngọt trên sông, hoạt động trên biển không đáng kể, nên chủ yếu thờ thần Sông như các thủy thần, mà rắn là một. Long vương - thần Biển chủ yếu du nhập từ văn hoá Hán.

Dần dần phát triển thành thờ tất cả những thế lực thiêng nào ảnh hưởng đến cuộc sống bình an của họ. Phổ thần làng bao gồm: Thần Tự nhiên (nhiên thần), thần Người (nhân thần) và thần linh Tôn giáo (Phật giáo, Đạo giáo). Nhưng không phải làng nào cũng có đủ 3 hệ thần linh đó.

Nhà nước “phong kiến” nhận thấy vai trò thần làng trong đời sống tâm linh dân làng, bèn tổ chức kê khai, phong thần và phong thành hoàng.

Thành hoàng là một khái niệm Hán, các triều đại phong kiến nước ta đã tiếp thu khái niệm đó. Nhưng thành hoàng Việt Nam khác thành hoàng Hán. Thành hoàng Hán là vị thần bảo hộ một ngôi thành giúp cho quan binh đồn trú chống kẻ địch tấn công chiếm thành. Kẻ địch thường là nông dân khởi nghĩa, như vậy thành hoàng bảo vệ vua chống nhân dân. Còn thành hoàng Việt Nam là vị thần làng vốn do dân làng suy tôn, vì có công với làng, về sau triều đình phong kiến lợi dụng uy tín của thần làng mà phong một vị làm thành hoàng đại diện cho vua cai quản các thần và dân chúng trong làng. Đó là chính sách hợp nhất thần quyền với vương quyền rất thông minh và được lòng dân.

Thành hoàng nước ta có hai chức năng: Hộ Quốc, Tí Dân. Chức năng Tí Dân là chức năng cơ bản vì đó mà dân làng thờ. Thần làng phò hộ nhân dân, đem lại mưa thuận gió hoà, xã hội an ninh, không bị tai ương thiên tai địch hoạ. Chức năng Hộ Quốc là đại diện cho vua cai trị các thần làng và nhân dân, tham gia chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc. Tiêu chuẩn phong thành hoàng trước tiên là “Hộ Quốc” tức bảo vệ quốc gia, là chống xâm lăng và bảo vệ ngôi vua. Các vị hàn lâm đại học sĩ xem xét thành tích của các vị thần và bổ sung lý lịch sao cho thể hiện được chức năng Hộ Quốc để vua phong cấp. Các thần tích do Nguyễn Bính soạn năm 1572 thể hiện rất rõ tinh thần này. Thành hoàng đại diện cho vua thường được phong tước vương, quản lý phần Hồn; lý trưởng đại diện cho vua quản lý phần Xác của dân làng.

Tư liệu về thần làng và thành hoàng khá phong phú. Ngoài tư liệu rải rác trong các sách cũ thì có các sưu tập lớn như sưu tập mang ký hiệu Q40 18 hiện lưu trữ tại Thư viện Khoa học xã hội ở Hà Nội đã được biên tập thành Thư mục thần tích thần sắc (TMTTTS); sưu tập AE hiện lưu trữ tại Thư viện Viện Hán Nôm ở Hà Nội đã biên soạn thành Bảng tra thần tích theo địa danh làng xã (BTTT). Hai thư mục này rất có ích cho người nghiên cứu thần làng và thành hoàng.

Trong tập tư liệu điều tra dân tộc tiến hành năm 1938 mang ký hiệu Q4018 được Thư viện Viện Khoa học xã hội biên soạn Thư mục thần tích thần sắc thì thần làng được phân loại thành Nhân thần, Thiên thần, Thủy thần, Sơn thần, Thành hoàng. Do trình độ nhận thức hạn chế của các ông lý trưởng (lập bản khai) nên có sự nhầm lẫn trong phân loại như thiên thần thành nhân thần, ví dụ thần núi Cao Sơn, có làng liệt vào nhân thần, có làng liệt vào thiên thần...

Không có điều kiện thống kê toàn bộ số thần trong TMTTTS mà chỉ thống kê 3 tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hoá làm ví dụ. Tôi chia Nhân thần thành hai loại: Nhân thần vô danh và nhân thần hữu danh. Số lượng nhân thần vô danh (NTVD), nhân thần hữu danh (NTHD), thiên thần (TT), Thuỷ thần (ThT), Thành hoàng (TH), thần Phật giáo (PG), thần Đạo giáo (ĐG) như sau:

 

Tỉnh 

NTVD

NTHD

TT&n bsp

ThT&nb sp

TH  & nbsp

PG

ĐG

Tổng số

Bắc Ninh   

614

160

252

47

36

04

26

1139

Hà Đông    

921

92

358

116

58

24

51

1620

Thanh Hoá

61

09

15

02

02

03

01

93

 

 

Bảng thống kê này dựa trên giả định mỗi tổng là một làng cổ, nên lấy tổng làm đơn vị thống kê. Một vị thần được thờ nhiều thôn xã trong một tổng như Cao Sơn chỉ được tính là 1 vị. Nhưng khi cũng là Cao Sơn được thờ trong một tổng khác thì lại được tính 1 vị nữa... Như vậy, số thần được thờ tương đối phổ biến như Cao Sơn, Quý Minh, Tản Viên, Liễu Hạnh, Đông Hải hay Trần Hưng Đạo... Số liệu tổng kết toàn tỉnh chỉ là số lần các vị thần đó được thờ chứ không phải số lượng thần được thờ. Nói chung số liệu tuyệt đối thiên thần, thủy thần và nhân thần hữu danh không chính xác, số liệu thống kê nhiều hơn số thần đó.

Thống kê cho thấy một điều: Số lượng thần làng là nhân vật vô danh, người có công với làng là số lượng áp đảo trong thần làng Việt Nam, đông gấp 5, gấp 10 lần số nhân thần hữu danh (nhân vật lịch sử). Có họ mới có làng, có làng mới có nước. Và người dân mỗi làng đều đời đời nhớ ơn họ dù năm tháng trôi qua, họ tên và lý lịch công tích của họ đã phai mờ.

Nhân thần hữu danh kể từ thời Hùng Vương đến thời Nguyễn thì chỉ có các nhân vật lịch sử chủ yếu, như: Lạc Long Quân, Âu Cơ, Hùng Vương, An Dương Vương, Trưng Trắc, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Ngô Quyền, các sứ quân, các vua quan thời Lý, Trần, Lê... Tất cả chỉ khoảng 100 nhân vật. Cộng thêm một số nhân vật không phải Việt như Lã Gia, Triệu Đà, Trọng Thuỷ, Cao Biền, Sĩ Nhiếp, Thạch Sùng, Đào Hoàng... Họ thường được thờ ở nhiều làng, nhiều tỉnh trong cả nước.

Nhân thần vô danh thì chủ yếu gắn bó với địa bàn gốc nhỏ bé, phần lớn chỉ là một đơn vị hành chính cơ sở (mà tôi) gọi là làng. Làng phát triển thành tổng. Cho nên, nói chung có thể coi một tổng trong bảng điều tra 1938 tương đương một làng. Nhân thần vô danh này lại chia thành 2 nhóm. Một nhóm có đủ tên họ hình dung được là một con người bằng xương bằng thịt. Nhóm này vẫn còn gặp khá nhiều trong TMTTTS, nhiều khi là một, hai người cùng một họ, nhiều khi còn thần tích sắc phong. Nhóm thứ hai chỉ còn tên không có họ hay một danh hiệu nào đó không định hình được nhân vật. Nhóm thứ hai lại đông nhất. Nhóm này có thể quá cổ cho nên những người làm bản khai năm 1938 không còn nhớ được tên họ, đôi khi là một cái tên người, đôi khi một mỹ tự nào đó như công chúa, tướng công, dực thánh, uy dũng...

Nhóm thứ nhất có lẽ gần đây hơn, nên trong tâm trí người năm 1938 còn rõ nét. Một số còn thần tích như Đặng Oánh thờ ở làng Tháp Dương, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh (Q40 18/IV, 76). Một số có cả thần tích lẫn sắc phong như Lưu Quý Công thờ ở làng Đạo Sử, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh (Q4018/IV, 45). Theo chế độ phong thần thì các thần đều được bao phong và chia thành ba cấp thượng, trung, hạ đẳng thần, ban sắc phong cho phép dân làng thờ. Trong số các thần một làng thì chọn một vị làm thành hoàng, thường là thượng đẳng thần được phong tước vương và được ghi danh hiệu cùng mỹ tự trong sắc phong. Nhân thần vô danh được phong thành hoàng không ít, đặc biệt có trường hợp nữ cũng được phong thành hoàng như Ngô Thị Nữ Trung có thần tích và 5 sắc phong là thành hoàng làng Hoàng Kênh, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh (Q40 18/IV.72). Có những nhân thần được phong thành hoàng ở một thời điểm nào đó, nhưng không được tái phong trong “khoá” sau. Hoặc giả cùng một vị thần mà ở xã này được phong thành, ở xã khác lại không được phong. Một số sắc phong Cao Sơn đã biết cho thấy tình hình đó. Thành hoàng không phải quan tước vĩnh hằng mà có thời gian và không gian.

Dưới đây thống kê so sánh thành hoàng 3 tỉnh Hà Đông, Bắc Ninh, Thanh Hoá trong 2 bộ sưu tập Q4018 và AE.

I- Trong sưu tập Q4018 biên soạn thành TMTTTS:

1- Tỉnh Hà Đông có 59 vị thành hoàng chia thành 2 loại. Loại không rõ tên chỉ ghi Thành Hoàng, Bản Cảnh Thành Hoàng v.v... gồm 25 trường hợp; loại rõ tên: 34 trường hợp.

Số thành hoàng rõ tên này có một số là nhân vật có tên hiểu được, chấp nhận được là người thật. Nhóm này gồm có Nguyễn Nến, La Sơn, An Lô, Trần Tuệ, Trần Minh, Nguyễn Hựu. (Theo tôi) đó là những người có công với làng mà không phải là nhân vật lịch sử, thuộc phạm trù nhân thần vô danh. Trong TMTTTS tỉnh Hà Đông không có thành hoàng là nhân thần hữu danh tức nhân vật lịch sử.

2- Tỉnh Bắc Ninh có 36 thành hoàng chia thành 2 loại. Loại không rõ tên: 7 trường hợp; loại rõ tên: 29 trường hợp.

Trong số thành hoàng rõ tên thì có 2 trường hợp là nhân thần hữu danh như Lã Gia, Linh Lang. Có nhiều nhân thần vô danh trong đó có Minh Lang, Ngô Thị Nữ Trung, Đồ Chiết, Chư Thành...

3- Tỉnh Thanh Hoá có 2 thành hoàng thì có 1 vị là thiên thần, 1 vị là nhân vật lịch sử Trung Quốc.

II- Trong sưu tập AE đã được biên soạn Bảng tra thần tích theo địa danh làng xã (BTTT) có 2821 mục từ cho 22 tỉnh từ Nghệ An ra Bắc. Khi (tôi) lập bảng thống kê thành hoàng trong sưu tập AE thì BTTT chưa xuất bản. Thử lấy 3 tỉnh trên làm ví dụ, từ trong bảng thống kê 382 thành hoàng (mà tôi) đã nhặt ra từ sưu tập AE thì:

1- Tỉnh Hà Đông có 98 thành hoàng, nhiều hơn danh sách trong TMTTTS 39 vị - 98 vị đó chia thành 2 loại. Loại không rõ tên có 22 trường hợp; loại rõ tên có 76 trường hợp.

Trong 76 trường hợp loại rõ tên đó, có 3 nhân thần hữu danh tức nhân vật lịch sử như Sĩ Vương (Sĩ Nhiếp), Linh Lang, Đằng Châu sứ quán (Phạm Phòng Át). Còn lại là những nhân thần vô danh, trong đó có 14 vị: Đỗ Lang, Đỗ Minh, Vũ Văn An, Đỗ Tam Lang, An Duy, Đặng Xuân, Bùi Sĩ Lượng, Nguyễn Bình Công, Nguyễn Uy, Nguyễn Hồng, Trịnh Thắng Lực, Lê Hoàng, Lê Võ, Lê Uy...

2- Tỉnh Bắc Ninh có 47 thành hoàng, nhiều hơn sưu tập TMTTTS 11 vị. 47 vị này chia thành 2 loại thì loại không rõ tên có 20 trường hợp; loại rõ tên có 27 trường hợp.

Trong số 27 vị rõ tên đó có 1 nhân thần hữu danh là nhân vật lịch sử Nguyễn Linh Công (1 trong 12 sứ quân); còn lại là nhân thần vô danh trong đó có Bá Minh, Trọng Minh, Quý Minh, Lân Nhĩ, Lữ Hựu.

3- Tỉnh Thanh Hoá có 60 thành hoàng, nhiều hơn số thành hoàng trong TMTTTS những 58 vị. Trong số 60 vị đó có 26 trường hợp không rõ tên và 34 trường hợp rõ tên.

Trong số 36 thành hoàng rõ tên có 1 nhân thần hữu danh là nhân vật lịch sử Đinh Tiên Hoàng, còn lại là nhân thần vô danh trong đó có Nguyễn Quý, Cao Minh...

Tuy nhiên, tất cả đều là số liệu thống kê không đầy đủ, không chính xác, có một số lầm lẫn kể cả về chính tả lẫn danh từ. Lấy một ví dụ về Bắc Ninh. Nay theo BTTT thử thống kê tại tỉnh Bắc Ninh thì thấy:

Tỉnh Bắc Ninh có 171 mục từ, thống kê được 313 thần làng, trong đó có 248 vị không được phong thành hoàng và 65 vị được phong thành hoàng. Như vậy số thành hoàng thống kê lần này nhiều hơn số thống kê theo AE trong danh sách 382 thành hoàng là 18 vị. Có thêm một vị thành hoàng nhân vật lịch sử là Tô Hiến Thành (AEa7: 18), số 17 vị còn lại không có thêm tư liệu gì mới. Số nhân thần hữu danh không được phong thành hoàng trong lần thống kê này có Lã Gia, Triệu Đà, Phụng Hiểu, Đoàn Thượng, Trần Quang Khải, Phùng Hưng Lã Gia được thờ ở một làng huyện Gia Bình (AEa7: 10) nhưng không được phong thành hoàng, còn trong sưu tập Q4018 thì Lã Gia được phong thành hoàng ở một làng huyện Gia Lâm (Q4018/IV,45).

Dẫn một trường hợp so sánh để thấy tư liệu các sưu tập không hoàn toàn khớp nhau, nhưng tinh thần cơ bản về phân loại thần làng và thành hoàng không thay đổi, dù rằng TMTTTS ghi chép của Bắc Ninh có 1139 vị thần còn BTTT lại chỉ có 313 vị. Cho nên tư liệu của 2 sưu tập lớn này chưa phải toàn bộ tư liệu, càng không phải hoàn toàn nhất trí cho mọi trường hợp.

Bất chấp tất cả các sai biệt, khiếm khuyết tư liệu thì tín ngưỡng thần làng vẫn không thay đổi.

“Lệnh làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”.

Và Đất thì có Núi Rừng cùng Ruộng Đất. Núi rừng có thần Núi, thần Đá, thần Cây. Ruộng đất thì có thần Người. Nước thì có Sông và Biển. Sông có Thuỷ thần, thần Rắn, Biển có Long Vương.

Thần Núi nổi tiếng nhất và được thờ hầu như khắp nước là thần Tản Việt thuộc núi Ba Vì, tỉnh Hà Tây ngày nay. Bộ ba Cao Sơn-Tản Viên-Quý Minh với nhiều dị bản khác nhau và là huyền thoại Sơn Tinh-Thuỷ Tinh với nhiều cách lý giải về tình yêu, về chống lũ... hấp dẫn lòng người.

Thần Cây thường được biết trong dân gian nhiều nhất là thần cây đa, thần cây gạo, nhưng được phong thành hoàng thì có Linh Mộc (cây Thiêng) ở xã La Chàng, tỉnh Hưng Yên. Đó là mô hình thần điện Cây Thiêng - Hòn Đá (hay ông Bình Vôi). Linh Mộc được phủ lên một số dấu chân thiêng tiêu biểu cho Đế Thích (AEa3:4). Trong TMTTTS ghi thờ Mộc Thần ở làng Bối Khê, phủ Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (Q40 18/II, 76); thờ Mộc Thần ở làng Đào Xá, phủ Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông (Q4018/II,87), thờ Đô Thiên Cây Gạo ở làng Bà Khê, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh (Q4018/II, 25), thờ Cây Gạo ở làng Công Đình, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh (Q4018/II,24); thờ Đại Mộc Linh Thần ở làng Nguyệt Viên, phủ Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá (Q4018/XXIII,16)... nhưng không ghi là thành hoàng.

Thần Đá thì nổi tiếng nhất là thần đá được nhân cách hoá thành Thạch Khanh trong Việt Điện U Linh và Lĩnh Nam Chích Quái. Chuyện kể về việc Lý Thường Minh dựng Tam Thanh Quán tổ chức thi tài giữa Thạch Khanh và Thổ Lệnh để chọn một vị đưa vào đạo quán. Hiện còn khá nhiều tư liệu về thờ Đá. Tượng Mỵ Nương cụt đầu ở Cổ Loa (ngoại thành Hà Nội) chính là thần điện Cây thiêng Hòn Đá được nhân dạng hoá thành Mỵ Nương. Trong TMTTTS có ghi thờ Thạch Thần ở làng Phi Liệt, huyện Văn Giang tỉnh Bắc Ninh (Q40 18/IV,5); thờ Thạch Hoàng ở làng Xuân Ái, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (Q40 18/IV,57)...

Thần Rắn nổi tiếng nhất là Linh Lang thờ ở đền Voi Phục, thành phố Hà Nội. Chuyện kể rằng, Linh Lang là con vua nhà Lý có công dẹp ngoại xâm rồi biến thành con thuồng luồng dài trăm trượng bò xuống Hồ Tây. Thần Rắn khá phổ biến ở vùng đồng trũng với mô típ trứng rắn nở ra người hùng làng, rồi trở lại thành rắn. Trong TMTTTS có ghi thờ thần Hổ Mang ở làng Thượng Trì, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (Q40 18/II,68)... Thần Xà tức Bạch Xà thờ trong đình Vĩnh Ninh, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) (Q40 18/II,64) là người học trò của Chu Văn An, vốn là thái tử Long Vương nể lời thầy phun mực lên trời hoá mưa cứu hạn dân xung quanh đầm Mực, ngày nay vẫn còn. Một cặp Rắn Tổ là Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra trăm trứng theo đúng mô típ Rắn phủ người trinh nữ sinh ra trứng, nở ra Rắn Thần trở thành Vật Tổ của người Việt.

Thuỷ thần khá nhiều, nhưng nổi tiếng nhất là Trương Hống, Trương Hát tức hai con Rắn thần gọi là Ông Dài, Ông Cụt mà huyền thoại gán cho là vị thần đã ngâm thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư...” giúp Lý Thường Kiệt đánh tan quân Tống trên sông Như Nguyệt. Thần được thờ phổ biến ở khu vực sông Cầu, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Thần Câu Mang là con rắn hay con cua biển phò hộ dân chài được thờ làm thành hoàng làng An Kiện, tỉnh Hà Đông (AEa2:77) và các làng thuộc tỉnh Ninh Bình tại cửa biển Thần Phù (AEa15: 11, 13, 17, 29, 33).

Long Vương là thần Biển thì không nhiều lắm, có lẽ chủ yếu chịu ảnh hưởng văn hoá Hán hơn là sản phẩm của người Việt trồng lúa nước, bắt thuỷ sản nước ngọt.

Nhân thần là nhóm thần làng đông đảo nhất. Tỉnh Bắc Ninh có 774 nhân thần trong số 1139 thần làng chiếm hơn 68% tổng số; Hà Đông có 1013 nhân thần trong số 1620 thần làng chiếm 62% tổng số; Thanh Hoá có 70 nhân thần trong số 93 thần làng chiếm hơn 75% tổng số. Tất nhiên đó chỉ là những con số tương đối. Nhưng nhân thần chiếm hơn 50% thần làng là điều hiện thực. Bởi vì chính con người tạo lập nên làng, cho nên họ là chủ thể của thần làng. Không có con người thì không có làng, không có làng thì không có Nước. Tính nhân bản của tín ngưỡng thần làng Việt Nam ở đó. Qua một số trường hợp có thể nghiên cứu được thì trong số những nhân thần vô danh đó có không ít người khai hoang lập ấp thuộc một cá nhân, một dòng họ hay nhiều dòng họ khai hoang lập ấp sáng lập Làng.

Lấy vài ví dụ, theo TMTTTS thì tỉnh Bắc Ninh có 614 vị nhân thần vô danh trên tổng số 774 nhân thần, tỉnh Hà Đông có 921 vị trên tổng số 1013 nhân thần, tỉnh Thanh Hoá có 61 vị trên tổng số 70 nhân thần. Trong loại nhân thần vô danh này có nhiều người khai hoang lập ấp, gồm có hai nhóm. Một nhóm do các quan lại tổ chức khai hoang theo chính sách doanh điền của triều đình như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Hữu Cảnh, Bùi Tá Hán... Nhóm thứ hai mới là nhóm chính gồm những cá nhân, dòng họ bình dân khai hoang lập ấp, hoặc còn tên họ đầy đủ, hoặc chỉ còn tên, hoặc chỉ còn một mỹ tự nào đó. Khó xác định những nhân thần vô danh nào đã thấy trong sưu tập Q4018 là người khai hoang lập ấp. Các nhân thần vô danh như Phạm Tuấn, Phạm Hùng ở thôn Bến làng Liễu Khê, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (Q40 18/IV, 53); Nguyễn Gia Đa, Nguyễn Thị Mễ, Nguyễn Gia Châu ở Khe Chợ làng Liễu Ngạn, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (Q40 18/IV, 53), Vũ Hiền, Vũ Hán, Vũ Tố, Lê Phả, Lê Bảo, Trương Dực, Trương Nha, Đặng Hoàng, Đặng Tạo ở làng Phù Ninh, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (Q40 18/IV, 5) là ví dụ về nhân thần vô danh còn đủ danh tính. Các nhân thần vô danh như Dũng Công, Hùng Công, Lục Công ở làng Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (Q40 18/IV, 4). Như Phương, Tuấn, Nghiêm, Phúc, Hồng ở làng Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (Q40 18/IV, 21) là những nhân thần vô danh, chỉ còn tên không có họ. Những ví dụ như vậy nhan nhản trong TMTTTS. Tuy lý lịch không còn, nhưng khẳng định chắc chắn chính họ là những người có công với làng, mà chủ yếu là công “lập ấp” tức lập làng. Có làng mới có nước: Làng Nước. Phải chăng những vị nhân thần vô danh có đủ họ tên và hai ba người của một hay hai ba họ như trường hợp ở Khe Chợ, thôn Bến, Phù Ninh dẫn trên là những người khai hoang lập ấp?

Những thần làng có công khai hoang lập ấp đã biết chắc chắn thì có Hoàng Lệ Mật, Trần Lựu, Trịnh Kim Tiền.

Hoàng Lệ Mật (Còn gọi Hoàng Thái Tể) là người làng Lệ Mật có công cứu công chúa nhà Lý được vua cho phép vào thành khai hoang lập ấp thành khu Thập Tam Trại nay còn mộ và được thờ ở các làng Vĩnh Phúc, Liễu Giai, Kim Mã, Ngọc Khánh thuộc quận Ba Đình, thủ đô Hà Nội.

Trần Lựu là một tướng nhà Trần về khai hoang lập làng Thanh Hà nay vẫn còn được thờ ở đình Thanh Hoà, quận Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội. Trong đình có tấm bia (niên đại 1430) kể công tích của ông.

Cả hai ông đều chưa phát hiện sắc phong thành hoàng.

Có sắc phong thành hoàng là Trịnh Kim Tiền. Ông giữ một chức quan nhỏ, khai hoang lập ấp rồi ở lại đó, được phong thành hoàng ấp Quyết Bình tỉnh Ninh Bình (AEa4:17).

Trong số 382 thành hoàng (mà tôi) đã thống kê được, có lẽ Đỗ Lang, Đỗ Minh, Vũ Văn An, Đặng Xuân, Nguyễn Uy, Nguyễn Hồng, Trịnh Thắng Lực, Lê Hoàng, Lê Võ, Lê Uy... là những ông có công lập ấp được phong thành hoàng.

Cũng thuộc hệ nhân thần còn thờ những thế lực nào uy hiếp cuộc sống bình yên của làng như thờ ông ăn mày, người chết đuối, người chết bất đắc kỳ tử, tên ăn trộm chính bị dân đánh chết... Vì sau khi xảy ra những sự kiện đó thì ngẫu nhiên làng “động”, cho nên phải thờ để “cầu an”.

Ngoài ra còn thờ cả những quan lại Hán cai trị áp bức như Cao Biền, Sĩ Nhiếp... là vì chịu ảnh hưởng tư tưởng văn hoá Hán và vì những nhân vật ngoại bang đó hoặc đã làm việc gì có ích cho dân Việt như Sĩ Nhiếp dạy học, Cao Biền đánh quân Nam Chiếu... hay vì đặc điểm nào đó như Thạch Sùng giàu nứt đố đổ vách bị phá sản, Triệu Đà, Lã Gia chống Hán... Những nhân vật Hán đó được thờ do sự có mặt của các ông thầy đồ “tú mền, tú kép” từng học Bắc sử nay không được làm quan về làng “gõ đầu trẻ”. Văn hoá dân gian nước ta “nhiễm” nhiều yếu tố văn hoá Hán cũng vì các ông đồ này.

Trong cuốn Thành hoàng làng Việt Nam, Vũ Ngọc Khánh dẫn 2 tư liệu về thành hoàng sống. Một, theo Nếp cũ - tín ngưỡng Việt Nam của Toan Ánh thì vào khoảng năm 1938-1940 ở xóm Dinh, thị xã Vĩnh Yên có một người chăn dê lấy sữa tên là Nguyễn Đình Cận. Mỗi khi ông Cận đi ngang đình làng Khai Quang, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên thì ngai thần đổ. Chức dịch cầu mộng và xem bói thì thành hoàng cũ báo cho biết đã về thiên đình giữ chức vụ khác, nay ông Nguyễn Đình Cận làm thành hoàng làng này. Dân làng bèn tôn ông Cận làm thành hoàng, nhưng ông Cận vẫn ở nhà chăn dê. Hai, theo Quỳnh Đôi hương biên thì vào khoảng năm 1894 - 1895 ông Hoàng Mậu thi đỗ phó bảng làm quan. Khi về hưu thì làng Yên Lai, huyện Nông Cống “động”. Dân làng đi bói, thầy bói nói thành hoàng đã xuất ngoại phải mời ông Hoàng Mậu làm thành hoàng. Do đó, ông được dân làng này tôn vinh. Nhưng ít lâu sau, ông về quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu sống như mọi người bình thường cho đến chết. Đây là một hiện tượng xưng tôn của dân làng, là “thành hoàng dân gian”, cũng như không biết bao nhiêu “vua”, “hoàng hậu”, “công chúa” cũng dân gian hoá như thế, trong các bản khai thần làng. Không phải là thành hoàng được nhà nước phong kiến sắc phong (kể cả “thành hoàng mua” như trong cuốn Văn hoá dân gian cổ truyền: Đình Nam Bộ, tín ngưỡng và nghi lễ Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Hồ Tường đã phát hiện ở Nam Bộ có trường hợp chỉ cần gửi ra triều đình Huế đơn xin phong thành hoàng kèm theo một mandat 2 đồng bạc thì được cấp sắc phong). Rõ ràng đến thời cận đại, hiện tượng thần làng hay thành hoàng đã suy tàn. Như có “Nàng Tây Trắng, ông Tây Trắng” được thờ ở thôn Băng, làng Ba La, tổng Thanh Mai, Châu Mai