Từ xưa, nhân dân ta chịu ảnh hưởng lễ nghi của người Trung Hoa, cho nên lễ tang được cử hành trong khuôn khổ đó, tuy vậy cũng có khác đi nhiều chỗ. Mọi sự tế lễ của ta căn cứ theo "Thọ Mai Gia Lễ" và "Gia Lễ Chỉ Nam". Thọ Mai cư sĩ, tên chính là Hồ Gia Tân, sinh sống vào thời hậu Lê, đã soạn cuốn gia lễ thành sách, có nhiều chỗ đã phỏng theo nghi thức của Chu Văn Công tức Chu Hi, còn gọi là Chu Tử, đời Nam Tống đặt ra và Thọ Mai cư sĩ cũng đã có sửa đổi ít nhiều.
Cho tới ngày nay, nhiều nghi lễ đã được giản tiện, phù hợp với hoàn cảnh sống trong thực tế xã hội, nhất là ở các nơi thành thị. Tuy nhiên một số lễ chính có ý nghĩa quan trọng vẫn còn được áp dụng. Vì tinh thần báo hiếu vẫn luôn là vấn đề thiết yếu trong đời sống con người Việt Nam, được đặt lên hàng đầu, nên khi cha mẹ chết, ai ai cũng muốn lo cho đủ lễ và toàn vẹn. Không những là cha mẹ, những người thân trưởng thượng hay là bất cứ người nào trong quyến thuộc khi từ trần cũng được thân nhân lo lắng chu toàn mọi việc. Sinh hoạt xã hội Á Đông nặng tình cảm, coi trọng huyết thống gia đình thân tộc hơn, nên từ hàng ngàn năm trước, vấn đề tang lễ đã đươc đặt ra một cách có qui cũ. Rất nhiều sách vở, tư tưởng của các triết gia Á Đông đã nói đến bổn phận của người ta trong việc tang ma một cách cẩn thận chu đáo. "Sinh", "lão", "bệnh", "tử" là bốn điều phải có trong một đời người, không ai tránh khỏi. Cái chết còn có ý nghĩa chấm dứt sự sống một cuộc đời. Từ xưa, tang lễ rất nghiêm trọng. Ngay từ giờ hấp hối của một người sẽ phải vĩnh viễn ra đi, không khí trong gia đình trở nên trầm lắng xuống với vẻ thiêng liêng. Con cháu ở xa gần được báo tin vội vã quay về, tuy đông vầy, đều im lặng với nỗi buồn da diết.
Lúc bấy giờ thân nhân phải giữ cho được bình tĩnh. Theo lệ xưa trong giờ phút này, con cháu phải lo thay quần áo mới cho người chết và bỏ hết quần áo cũ đang mặc đi. Thường người ta làm việc này vào lúc sắp tẩm liệm trong đó có việc lau lại cơ thể người chết bằng rượu hay bằng cồn (alcool), có ý nghĩa vệ sinh y tế là khử trùng. Trước khi nhập quan phải qua thủ tục liệm xác, gọi là khâm liệm. Công việc này cần được tiến hành sớm, vì không nên để xác chết nằm lâu ở ngoài. Bởi sau một ngày một đêm, xác sẽ hư, bốc mùi hôi thối. Cho nên người ta phải toan liệu gấp rút. Thường thì tang gia nhờ một ông thầy cúng coi ngày giờ, chọn một giờ tốt gần nhất để tiến hành khâm liệm và nhập quan. Việc coi giờ này, nay vẫn còn nhiều người chú trọng áp dụng.
Khi khâm liệm, tất cả đồ liệm này đã có cơ sở mai táng lo liệu cung cấp và vải thường là vải sô, vải mùng. Những thứ vải này cũng có thể được nhà mai táng cung cấp làm quần áo và đồ tang may sẵn. Cổ lễ quy định chi tiết việc khâm liệm, nhập quan như sau:
1. Đại liệm, tiểu liệm: dùng vải trắng hoặc lụa. Tiểu liệm gồm một miếng vải trắng dài 14 thước ta, có ba đoạn vải ngang, mỗi đoạn 6 thước ta đặt thẳng góc với miếng vải chính. Đại liệm cũng có chiều dài tương tự nhưng gồm 5 đoạn ngang. Các đoạn này phải sắp cho vừa với thân người để buộc lại khi liệm thành mảnh thứ nhất ngang đầu và tới mảnh cuối cùng ngang bàn chân người chết.
2. Khâm: Là chăn liệm người chết. Có hai chăn, dùng một cho đại liệm, một dùng cho tiểu liệm.
3. Tạ quan: cần phải có đầy đủ trong quan tài như là gối kê đầu, hai gối lót hai bên tai, một tấm đệm đầu, hai tấm đệm chân, hai tấm đệm dựa về đùi, hai tấm đệm về chân, tấm che mặt. Tất cả những thứ này đều làm bằng giấy bồi, trong có nhồi bấc.
4. Liệm xác: Khi liệm, tang chủ vào khóc quỳ xuống, người chấp sự quỳ theo và khấn: "Được ngày giờ, xin lễ liệm, cẩn cáo." Tang chủ sụp lạy và đứng lên. Những người lo việc liệm xác phải tiến hành những việc: Cởi bỏ buộc hàm, chít đầu và phủ mặt xác chết bằng vải vuông hay vóc nhiễu màu đen lót hàng màu hồng có dải buộc ra đằng sau gáy, lồng bao tay, mang vớ và giày. Trước khi nhập quan, trong áo quan có rải sẵn một lượt trà, bỏng gạo hoặc bất cứ thứ gì có thể hút nước của người chết tiết ra.
5. Lễ nhập quan: Lễ nhập quan được tiến hành ngay sau khi liệm xong. Thân nhân có mặc đứng thứ tự xa gần, trên dưới quanh quan tài. Phải canh đúng "giờ tốt" do thầy cúng hay thầy tu ở chùa coi sách chọn. Những người kỵ tuổi với người chết (trong vòng con cháu ruột), vào giờ nhập quan phải lánh mặt ra chỗ khác, xa hẳn để phòng ngừa tai hại về sau (vì theo cổ tục người ta tin rằng người chết có thể bắt theo).
Cổ tục có định cho con trai đứng bên trái, con gái đứng bên phải người chết. Người lo việc nhập quan nâng người chết bằng bốn góc tấm vải tạ quan, và đặt nhẹ nhàng vào áo quan. Chỗ trống trong áo quan được dồn đầy quần áo của người chết khi còn sống mặc thường ngày và giấy cuốn kèn. Xong xuôi, người ta gấp vải tạ quan lên phía trên, phía dưới, trái trước, phải sau. Sau cùng các thủ tục là bôi sơn trên thanh quan tài và đậy nắp, đóng "cá" cho chắc. Quan tài đã được nhập xác gọi là linh cữu. Lúc bấy giờ, những con cháu "kỵ tuổi" phải lánh mặt ra ngoài từ trước đã được phép trở vô để cùng với mọi người sụp lạy.
Linh cữu được đặt ở chính giữa nhà. Ngày nay, việc đặt đúng vị trí đã được thực hiện từ trước khi tẩm kiệm và nhập quan. Lệ xưa đã định rằng quan tài bao giờ cũng sơn đỏ, sau khi đã xong mọi thủ tục nhập quan. Cổ lễ còn định rằng, trong trường hợp người chết cha mẹ còn sống thì linh cữu đặt ở gian bên cạnh, trên đầu linh cữu có quàng khăn tang của cha mẹ, quay về hướng Nam. Ngày xưa nhà thường cất ba gian, ngày nay nhà thường chỉ có một căn với khoảng 4 mét (12 ft), không có gian giữa và phải, trái cho nên những gia đình theo tục lệ truyền thống này phải đặt linh cữu lệch sang một bên, tránh đặt ngay giữa nhà.
Sau khi linh cữu đã được đặt đúng vị trí, thân nhân phải để một chén cơm lồng chặt và một quả trứng đặt giữa hai chiếc đũa bông cắm đứng thẳng, gọi là cơm bông. Đũa có thể là que tre tước đầu thành như bông hoa cắm vào chén cơm quả trứng. Mục đích là gì? Chưa thấy quyển sách nào giải thích về chén cơm, hai chiếc đũa tách riêng này. Ngày nay, người ta đặt hai chiếc đũa thường không tước đầu, mỗi bên một chiếc và giải thích ngộ nghĩnh rằng đó là "cơm mời Tử thần ăn" (đến rước linh hồn người chết về âm phủ), và vì có một chén cơm và đũa để riêng từng chiếc, tử thần sẽ khó dùng, ăn chậm không hối thúc linh hồn người chết về âm phủ sớm được.
Trở lại lúc linh cữu được an vị, con cháu phải trải cơm ngồi ở hai bên, vẫn trai bên tả, gái bên hữu. Cũng xin lưu ý điểm này: tục đặt quan tài đầu quay ra ngoài có ý nghĩa là những người tới phúng điếu sẽ làm lễ lạy ở phía đầu chứ không phải lễ lạy ở phía chân. Trừ những tôn giả ngang hàng bậc cha chú, người đến viếng lớn tuổi hơn hoặc làm vai trên thì cũng lễ lạy trước linh cữu, vì người mình khi xưa đã quan niệm rằng chết rồi thì thành thần (tử giả vi thần). Vào lúc đưa đám, người ta cũng khiêng linh cữu theo cách đầu đi trước, khác với người sống đi cáng đi võng thì được khiêng đàng chân đi trước. Trong trường hợp võng, cán thi hài người chết thì cũng đầu đi trước như đám tang, để cho người đi đường trông thấy, phân biệt được ngay. Cũng như ở trong nhà, lệ thường người sống bao giờ ngủ cũng nằm đầu ở phía trong, chân ra phía ngoài, và người ta rất kiêng kỵ không bao giờ nằm ngủ chân trở vào phía trong như đặt thây người chết.
Ngày nay, người ta thường mặc áo tang ngay sau khi cử hành lễ nhập quan. Những gia đình theo Phật giáo mời Thầy trong chùa và một số Tăng ni đến tụng kinh, một số gia đình theo Thiên Chúa giáo mời Đức cha tới làm phép rửa tội và họ hàng thân nhân cùng đều đọc kinh cho người đã qua đời, có khi chuyện đọc kinh này kéo dài vài ngày liền trước khi an táng.
Ngay sau khi người bệnh nặng có dấu hiệu sắp trút hơi thở cuối cùng, những nhà có thân nhân đông đã kín đáo kiểm điểm số người phải mặc tang rồi lo may đồ tang trước cho từng người, theo thứ tự quan trọng trước sau. Người lo sắp sẵn đủ tang phục cho con trai, con gái, con dâu, con rể, các cháu nội ngoại, kể cả chút chít, nếu có và anh chị em, các cháu trong họ hàng. Thường thì người ta nhờ thầy cúng làm lễ phát tang. Nếu thầy cúng còn trẻ, chưa có tuổi tác đức độ nhiều thì chính tang chủ phát tang cho từng người. Ở những gia đình thuộc hàng bình dân, mọi người vào lạy trước linh cữu cúng trầu rượu, rồi trở ra lấy quần áo tang mặc vào.
Con trai mặc áo sô, đội mũ nùn, ngày nay dùng một cái khăn hình tam giác cùng vải tang, có dây cột, trùm buột lên đầu cho gọn và đặt trên một cái bích cân làm bằng rơm quấn dây vải, hai thứ này được gọi là mũ bạc hay mũ rơm. Thân mình quấn một cái đai làm bằng dây rơm cũng quấn vải, gọi là dây rơm. Con trai còn phải cầm gậy, cha gậy tre mẹ gậy tầm vông. Các cháu trai cũng mặc tang phục như con trai, chỉ khác là có làm dấu đỏ tròn trên mũ ở trước trán để mọi người nhìn vào dễ phân biệt. Con dâu cũng mặc sô gai thắt lưng ra ngoài bằng dây bện bẹ chuối, áo sổ gấu hay không thì tùy trường hợp còn cha hay mẹ ruột, cũng như con gái còn ở nhà khác con gái đã lấy chồng: áo có sổ gấu và không. Mọi người đều xõa tóc đội mũ mấn. Con rể và anh em mặc áo thụng trắng, chị em quấn vặn khăn trắng với tóc. Tất cả thân thuộc đều mặc đồ trắng cả.
Kể từ đây tất cả các trai gái dâu rể phải luôn luôn túc trực hai bên linh tọa và linh cữu, vẫn nam tả nữ hữu và phải đáp lễ những khách đến phúng điếu. Linh cữu còn để trong nhà thì khách đến phúng điếu phải lễ hai lạy như đối với người sống, cả gia đình chủ tang mỗi người đáp lại một nữa lễ tức là một lạy. Ngày nay, khách đến viếng mà lạy hai lạy có nghĩa là khi đưa đám, người ấy sẽ đi tiễn đưa người chết đến huyệt mộ hay lò hỏa táng. Còn như người ấy lễ ba lạy thì có nghĩa người ấy bận việc không thể đi tiễn đưa lúc di chuyển linh cữu được.
Đám tang nào cũng có người đến phúng viếng. Bạn bè thân thuộc của người chết, con cháu xa gần sau khi được hung tin, và ngay cả những người giao dịch thường ngày quen biết với con cháu, lại phải kể tới các gia đình thông gia, kế tiếp nhau đến chia buồn cùng tang gia và phúng viếng người qua đời. Những đám tang lớn của những nhân vật quan trọng hay các gia đình lớn danh giá, thường có ban nghi lễ chuyên trách việc sắp xếp giờ giấc theo một chương trình nghiên cứu khít khao để tránh sự lộn xộn vì đông người tới cùng một lúc.
Xưa, lễ cúng viếng thường là trầu cau trà rượu, nhưng cũng có người viếng những câu đối, những bức trướng trong đó có nhắc lại cách ăn ở hay tính tốt của người vừa qua đời. Nay, người ta lễ với tiền mặc, nhang đèn, giấy tiền vàng bạc, tràng hoa cườm hay hoa tươi...
Ngày xưa, những bức trướng và câu đối phúng viếng được treo ngay ở xung quanh tường vách nơi đặt linh cữu để hương hồn người khuất có thể nhận thấy được, và cũng để những khách tới viếng có thể đọc thưởng thức nghệ thuật văn chương với ý hay, lời đẹp. Cùng treo với những câu đối này còn có những đối trướng của con cháu khóc ông bà cha mẹ, viết bằng lơ xanh hoặc chữ đen trên vải trắng. Những câu đối và trướng của các con cháu là những xuất phẩm của những "tay văn tự" có tiếng nghĩ ra và viết, thường được đền ơn công lao xứng đáng, ít nhất cũng là trà, cùng trầu cau là những thứ được coi có là ý nghĩa. Người ta rất trọng văn nho, đối liễn, cho nên những người con trai, con gái đều có câu đối khóc cha, vợ khóc chồng và cả anh em cũng có th khóc lẫn nhau nữa.
Ở thôn quê, người trong cùng thôn xóm khi cúng một số tiền để trực tiếp giúp đỡ tang gia lúc cần thiết. Đây là một việc rất thực tiễn. Mọi món tiền hoặc đồ lễ phúng viếng của đều được ghi rõ ràng và được ghi vào quyển sổ, để về sau tang chủ coi theo mà cảm ơn, trả ơn hoặc khi có người nào lâm vào tình cảnh tang chế như mình thì cúng viếng giúp đỡ lại. Đây là một đặc điểm của tương quan giao tế xã hội mà người Việt đã ý thức có từ lâu trong cuộc sống cộng đồng tập thể.
Khách đến viếng lễ trước linh sàng hai lễ rưỡi nếu linh cữu còn quàng tại nhà. Sau khi chôn cất rồi mà khách đến viếng muộn màng thì sẽ lễ bốn lễ rưỡi trước bàn thờ. Khách lễ trước linh sàng, tang chủ hoặc con cháu khác của người chết thay thế tang chủ, phải đứng lên án thờ đáp lễ. Chỉ phải đáp lễ bằng một nữa số lễ khách lễ người khuất. Khách lễ hai lễ, đáp lại một lễ, khách lễ bốn lễ, đáp lại hai lễ. Ngày nay, người ta "lạy trả lễ" cùng lúc và đủ số, hoặc là hai hay ba lạy. Nam trả lễ đối với nam, nữ trả lễ đối với nữ.
Sưu tầm từ website vietshare.com