HỘI LÀNG TRIỀU KHÚC
Làng Triều Khúc (Xã Triều Trân - Thanh Trì - Hà Nội) là một làng quê xinh đẹp nổi tiếng với nghề thêu dệt. Mỗi dịp xuân về, làng Triều Khúc lại tưng bừng mở hội, thu hút đông đảo mọi người gần xa về trảy hội. Làng có đền thờ đức Thánh Tổ Vũ Uy - người có công truyền dạy cho dân làng nghề dệt, thêu, làm lông vũ. Tương truyền, xưa kia dân làng chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng. Từ khi có cụ già họ Vũ mang theo nghề thêu, dệt về làng, dân học theo và làng trở nên trù phú từ đó. Khi cụ mất, dân làng tôn thờ cụ làm “Nghệ sư Vũ sứ thần”, lập từ đường gờ riêng trong họ Vũ và đúc tượng đồng hun thờ ở ngoài đình, hàng năm đều có tế lễ rất trọng thể.
Sản phẩm đẹp nhất của làng nghề xưa là nón quai thao, vì vậy làng còn có tên là Kẻ Đô. Không biết từ bao giờ, ở đây vẫn truyền tụng câu ca:
“Ai làm chiếc nón quai thao
Để anh trông thấy cô nào cũng xinh”
Ngày nay, hoạt động của các phường nghề dệt vẫn luôn tấp nập, từ dệt quai thao, bấc đèn, đến thêu ren, làm tua cờ thổ cẩm. Làng Triều Khúc cũng là nơi sản xuất huân chương, quân hàm cho quân đội. Quanh năm, không khí làng nghề luôn náo nhiệt. Rộn ràng hơn cả là tiếng thoi đưa lách cách hoà tiếng cười nói ríu rít của các bà, các cô đang ngày đêm cần mẫn dệt, thêu, làm tua, nhuộm sợi, kết chổi phất trần... tạo ra nhiều sản phẩm tinh tế, để làm đẹp cho đời. Nghề thủ công cổ truyền đã làm cho làng Triều Khúc tồn tại và phát triển, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Làng Triều Khúc có chùa Vân Hương. Cũng như nhiều ngôi chùa cổ, chùa nằm trong khuôn viên đẹp, rợp mát bóng cây. Sử cũ chép rằng, ngày trước nơi đây là đại bản doanh của nghĩa quân Phùng Hưng thời Bắc Thuộc. Đình Đại được xây dựng năm 791, có kiến trúc đẹp, mái ngói rêu phong cổ kính. Sau bao năm tháng thăng trầm vẫn hầu như nguyên vẹn. Để ghi nhớ công ơn của vị anh hùng dân tộc, mỗi năm từ ngày 10 - 12 tháng Giêng (âm lịch), tại đây làng mở hội tái hiện cuộc tiến công năm xưa của Phùng Hưng. Ngày mùng 9, người ta mở cửa lau chùi và làm lễ “nhập tịch”. Sáng mùng 10 lễ tế chính thức được cử hàng. Trước đó, là một đám rước long trọng đưa mũ áo hoàng đế từ Đình Sắc về Đình Đại. Các cụ già, những chàng trai, cô gái làng ăn mặc đẹp theo đúng nghi thức hội lễ: quần lụa, áo the, áo gấm, hài thêu hoa văn cầu kì, rực rỡ. Đám đông vừa rước kiệu, nghi trượng che lọng vàng, lọng tía... vừa múa hát trong tiếng nhạc réo rắt (trống, chiêng, não bạt, thanh la...) của đội nhạc phụ hoạ vang lừng, làm người xem như đang sống trong thế giới huyền ảo của những câu chuyện cổ tích thời thơ ấu. Khi đám rước vào đến Đại Đình, một cụ già đọc văn tế và kính cẩn dâng hương, mùi hương trùn ngào ngạt càng tăng thêm sự linh thiêng, đưa chúng ta về với cội nguồn dân tộc. Tiếp đó là những điệu múa tưng bừng, được dân làng phô diên rất tài tình. Hay nhất là điệu mùa cờ. Các dũng sĩ cầm cờ quay những động tác dứt khoát, khoẻ khoắn, cờ ngũ sắc tung bay xoay tròn theo nhịp trống dồn dập, bày những thế trận được dàn dựng rất công phu. Đây chính là điệu múa nhắc lại sự tích tập dượt quân sĩ của Phùng Hưng ngày trước, nó làm cho không khí ngày xuân thêm ấm áp, rộn ràng.
Có thể nói, hội làng Triều Khúc là một sinh hoạt văn hoá đặc sắc rất bổ ích, bởi cái hiện đại và nét cổ truyền luôn đan xen nhau, thúc đẩy nhau cùng tiến bước làm nên sự hấp dẫn cho một vùng quê giàu đẹp.
Thùy Dương