Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Gia phong

GIA PHONG

Ngày Tết, con cháu có dịp quây quần tụ hội, thắp hương trước bàn thờ tổ tiên trong gia đình, đi lễ ở nhà thờ họ, mừng tuổi ông bà cha mẹ..... Đó là một nét đẹp trong phong tục Việt Nam. Nhiều nơi trên thế giới không có tục lệ này.

 Xin kể bạn đọc nghe một câu chuyện. Vào khoảng thế kỷ thứ 17, trên đất Hải Dương đã truyền đi câu chuyện động trời: Một vị Thượng thư đã lập tòa án gia đình để xử tội một ông em tiến sĩ. Đó là Thượng thư Vũ Duy Chí (1604-1678), làm quan trong phủ chúa Trịnh Tạc. Bà mẹ ông là một phụ nữ phi thường. Chồng chết sớm, một mình bà nuôi năm người con trai, sau này ba người làm quan đến thượng thư, và hai người đỗ hoàng giáp, tiến sĩ. Bà giàu lòng từ thiện, không tham lam, một lần đã trả lại tấm lụa cho một khách hàng bỏ quên, sau khi mua hàng của bà. Một gia đình có danh vọng như vậy bỗng xảy ra một việc đáng tiếc. Em út của cụ Chí là tiến sĩ Vũ Cầu Hối, được cử làm quan ở Thanh Hóa, bị can vào một vụ hối lộ ở địa phương. Triều đình gọi về xét xử. Cụ Chí rất giận em. Ông Hối chưa kịp vào triều, đã bị cụ gọi về, quỳ trước bàn thờ mẹ. Ông gọi tất cả anh em con cháu đến, bắt từng người kể lại những mẩu chuyện về cuộc đời thanh bạch, lòng nhân ái của mẹ cho ông Hối nghe. Tiếp đó, cụ cũng quỳ xuống, khấn xin hương hồn mẹ tha thứ cho mình, là anh mà không biết dạy em gìn giữ cái gia phong của một nhà danh giá. Ông Hối khóc, cúi lạy bàn thờ mẹ, chắp tay xin lỗi các anh và hứa cải tà quy chính, giữ lấy nếp nhà.

Cách hiểu về gia phong của người xưa là như vậy. Gia phong là nếp nhà, là tập quán của gia đình, của gia tộc đã tạo nên cái đẹp truyền thống trong nhà. Gia phong được thể hiện ở nhiều mặt.

Có gia phong của một nhà trung nghĩa. Cụ Phan Đình Phùng có câu thơ tự hào: "Hiếu trung là nếp nhà ta". Và đúng thế, cả gia đình họ Phan từ đời ông cha đến con cái đều một lòng vì nước.

Cùng cái nếp này, còn có những gia đình có truyền thống khoa bảng từ đời cố đời ông đến cháu chắt vẫn chăm chỉ học hành, đạt kết quả tốt. Nhác học, bỏ học là không giữ được gia phong.

Cũng không phải chỉ những nhà cách mạng, nhà khoa bảng, nhà có người làm việc ở cấp cao mới có gia phong. Những gia đình bình dân, nghèo đói vẫn có gia phong, có nếp nhà, đòi hỏi con cháu phải giữ gìn, phát huy. Kinh Lễ có câu: "Con người làm cung phải học làm nỏ, con người làm áo tơi phải học chằm lá. Vì thế mà có hai chữ Ky cừu trong một vế câu đối đặt ở bàn thờ gia đình: Ky cừu kế thuật cựu gia phong. (Con nhà làm cung tên, tơi nón vẫn tiếp tục nghề cha ông để giữ gia phong).

Vấn đề gia phong có còn thích hợp trong thời đại ngày nay nữa không? Chắc ai cũng dễ dàng nhất trí rằng đó là vấn đề mà mọi gia đình phải gìn giữ, và có thể giữ được. Không ai muốn có tình trạng Cha làm thầy, con đốt sách. Tất nhiên vẫn có trường hợp cha mẹ đỗ đạt cao, có chức vụ lớn, mà con cháu chỉ là người bình thường, nhưng vẫn giữ được gia phong, vì con cháu đều có đạo đức, có lao động, không làm gì để gia đình mang tiếng xấu. Nhưng nếu cha mẹ làm to rồi mà chạy chọt luồn lọt để kiếm chỗ đứng cho con, thì không phải là gìn giữ gia phong. Ta đã có câu thơ chế giễu chuyện này: "Con nên chức phận cha mòn trán, em được khoa danh chị nát đồ".

Gìn giữ gia phong, tất nhiên là phải do con cháu nhớ đến thanh danh, đến cái nếp nhà mà có ý thức phấn đấu, tu dưỡng. Song cái chính là vai trò của cha mẹ. Mẹ phải biết dạy: "Ở sao cho có nhân nghì, thơm danh vả lại làm bia miệng người".  Cha phải biết dạy con, đừng dạy theo cái kiểu: "Con ơi nhớ lấy lời cha, một đêm ăn trộm bằng ba năm làm!"... thì nói chuyện gia phong làm gì nữa.

Vũ Ngọc Khánh

Theo website quehuong.org.vn