Đình Mộ Trạch, còn gọi là đình làng Chằm thượng hay đình làng Chằm, thuộc xã Tân Hồng, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương, ven Đường 194, cách thị xã Hải Dương 20km.
Đình vốn ở xứ Tây Trù đầu thôn; vào khoảng giữa thế kỷ XVII, đình được dời đến chỗ dựng ngôi đình hiện nay.
Đình quay hướng đông, kiểu chữ "đinh". Phiá trong là đình trong, có cửa đóng kín nối liền với hậu cung tạo thành kiểu kiến trúc hình chuôi vồ. Hậu cung có mái chồng diêm, bờ nóc đắp tượng lưỡng long triều nguyệt, bốn đầu mái cong vút. Hai bên hậu cung là hai nhà giải vũ hình thước thợ. Giải vũ lợp ngói, sát tường xây nhiều bệ, mỗi bệ là một bàn thờ tổ tiên của một họ.
Trước đình trong là đình ngoài lợp ngói, bờ nóc gắn hai hàng gạch, hai đầu bờ mái gắn hình dây cuốn.
Trước đình có sân hình chữ nhật xây tường ba mặt. Trước sân có cột đồng trụ và hai cổng tả hữu.
Cột kèo trong đình đều làm bằng gỗ lim. Xà, đầu dư, cốn, đấu, ván bưng, đều được chạm trổ các hình rồng phượng. Bức hoành phi "Thánh thọ vạn niêm" treo ở gian giữa. Hai gian kề bên xây sàn có nhiều bậc cao thấp để phân biệt ngôi thứ trong làng.
Nhân dân làng Mộ Trạch Thuộc nhiều dòng họ như Vũ, Lê, Tạ, Nguyễn, Nhữ, Cao, Lương, Trương, Trịnh, Phạm, trong đó họ Vũ, họ Lê có số người đông hơn cả. Làng Mộ Trạch có truyền thống học hành, đỗ đạt, nên dân làng còn gọi là "Tổ Tiến sĩ" (Tiến sĩ sào).
Hằng năm, ngày 8 tháng giêng âm lịch, dân làng vào đám, rước thành hoàng làng là Vũ Hồn, ông tổ họ Vũ, từ miếu theo đường "nghinh" vòng ra ngoài đồng rồi về làng tổ chức tế lễ, có hát chèo và nhiều cuộc vui.
Vào đám xong, lại rước thành hoàng về miếu. Hậu cung đình chỉ đặt bàn thờ vọng.
Sưu tầm từ binhthuan.gov.vn