NHÀ SỬ HỌC VŨ QUỲNH
Vũ Quỳnh (武瓊, 1453-1516) là một vị quan nhà Lê sơ, đồng thời cũng là nhà sử học xếp hàng thứ 4 ở Việt Nam, sau 3 nhà sử học Lê Văn Hưu tác giả Đại Việt sử ký (1272), Phan Phù Tiên tác giả Đại Việt sử ký tục biên (1455) và Ngô Sỹ Liên tác giả Đại Việt sử ký toàn thư (1479).
Vũ Quỳnh tự là Thủ Phác, Viên Ôn, hiệu là Đốc Trai, Trạch Ổ, Yến Xương. Ông là người làng Mộ Trạch, huyện Đường An (nay là thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang,tỉnh Hải Dương).
Năm 1478, ông đỗ Tiến sĩ dưới triều vua Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức thứ 09). Trong sự nghiệp làm quan của mình, ông từng giữ các chức vụ Thượng thư các bộ: bộ Công, bộ Binh, bộ Lễ,Tư nghiệp Quốc tử giám và Tổng tài Sử quán.
Năm 1511, dưới thời vua Lê Tương Dực với cương vị Tổng tài Sử quán soạn xong bộ Đại Việt thông giám thông khảo thường được gọi tắt là Đại Việt thông giám, chép từ thời Hồng Bàng đến năm đầu Lê Thái Tổ, gồm 26 quyển.
Về nội dung và thời gian thì bộ Đại Việt thông giám của Vũ Quỳnh cũng tương tự bộ Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên soạn trước đó, tuy nhiên về mặt phân kỳ lịch sử, phân ranh giới giữa Ngoại kỷ và Bản kỷ thì Vũ Quỳnh có quan điểm khác với Ngô Sĩ Liên. Theo ghi chép của Phạm Công Trứ sau này cho biết, bộ sử của Vũ Quỳnh chép từ thời Hồng Bàng đến đến thời 12 sứ quân là Ngoại kỷ và từ thời Đinh Tiên Hoàng đến đầu thời Lê Thái Tổ là Bản kỷ và sau này Phạm Công Trứ cũng đã ảnh hưởng quan điểm này của Vũ Quỳnh và chép mở đầu phần Bản kỷ cũng từ triều Đinh.
Trên cơ sở của bộ Đại Việt thông giám thông khảo, năm 1514 vua Lê Tương Dực sai Lê Tung soạn bài Đại Việt thông giám tổng luận. Bài tổng luận của Lê Tung được các soạn giả bộ Đại Việt sử ký toàn thư đưa toàn bộ vào phần đầu của bộ quốc sử Việt Nam.
Vũ Quỳnh là một học giả lớn thời Lê, ông vừa giỏi viết sử lại tài thơ văn, là con người đức hạnh, trọng tiết nghĩa. Nhà vốn thanh bần, nhưng vẫn vui vẻ, tự nhiên, yêu thơ phú. Vũ Quỳnh còn có công với văn học dân gian. Năm 1492, ông đã chỉnh lý lại cuốn Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp, trong đó ông có bàn về ý nghĩa của 22 tập truyện cổ tích Việt Nam, thể hiện được tinh thần dân tộc. Ngoài ra ông còn có biệt tài về toán học, ông đã bổ sung bộ Đại thành toán pháp của cụ Vũ Hữu. Khi làm quan ở Hải Đông (Hải Dương) ông được dân vùng này rất mến trọng vì tính thanh liêm và lòng cương trực.
Các tác phẩm chính của ông:
- Đại Việt thông giám thông khảo
- Tham bổ Lĩnh Nam chích quái liệt truyện.
- Đại thành toán pháp.
- Tố cầm tập văn.
Để ghi nhận sự nghiệp của ông, TP. Đà Nẵng có đặt tên ông cho một con đường ở quận Thanh Khê (ảnh 1). Vợ ông họ Lê, hiệu là Thục Đức sinh hai con trai là Vũ Bằng Tường, Vũ Tức Hiên cùng 4 con gái: Vũ Thị Quýnh, Vũ Thị Phương, Vũ Thị Phân và Vũ Thị Phĩ.
Vũ Quỳnh là đời thứ 2 của phái Giáp (Cha ông là cụ Vũ công hiệu Chân Nhân, sinh khoảng năm 1428 -1433?), nhưng là bậc khoa bảng nên được tôn làm Khai tổ phái Giáp làng Mộ Trạch (Mộ Trạch Vũ tộc Bát phái phả) và lưu truyền đến nay được 23 đời.
Hiện ông được thờ tại nhà thờ Quang Trạch trong làng Mộ Trạch (ảnh 2). Con cháu cụ Vũ Quỳnh có về quê tổ dâng hương, xin liên hệ ông Vũ Xuân Tình (Cháu đời thứ 20,ĐT: 0979502583) hoặc ông Vũ Xuân Truyền (Cháu đời thứ 21, ĐT: 01687160043).
Cử nhân VŨ HỮU CHÍNH tổng hợp
(Hậu duệ đời thứ 21-ĐT: 0903035058)