Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ XUNG QUANH THƯ TỊCH CỔ VIẾT VỀ VŨ HỒN -Th.S. Nguyễn Hữu Tâm - Viện Sử học Việt Nam

 

ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ XUNG QUANH
THƯ TỊCH CỔ VIẾT VỀ VŨ HỒN

Th.S. Nguyễn Hữu Tâm - Viện Sử học Việt Nam

Trong các thư tịch cổ Việt Nam, như An Nam chí lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông cương mục …, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy nguồn tư liệu chính viết về Vũ Hồn, mà các sách đưa ra đều có xuất xứ từ Tân Đường thư như trong trong bộ Nhị thập tứ sử của Trung Quốc. Trước khi trích dẫn nguyên vănphần viết về Vũ Hồn, chúng ta cùng nhau tìm hiểu sơ lược hoàn cảnh ra đời, nội dung khái quát cùng tác giả của bộ sách, để có thể phần nào nhận thức được giá trị đích thực và độ tin cậy của các tư liệu được sử dụng trong bộ sách này.

Tân Đường thư là tên gọi của bộ sách được soạn dưới thời Tống Nhân tông, vua thứ tư của Bắc Tống Trung Quốc, làm vua được 42 năm (1022-1063). Vốn bộ sách Đường thư sau đổi gọi là Cựu Đường thư do Lưu Húc, Trương Chiêu Viễn biên soạn vào đời Hậu Tấn, hoàn thành năm Khai Vận thứ 2 (945), gồm 200 quyển viết về lịch sử đời Đường, từ Đường thái tổ năm Vũ Đức thứ nhất (618) đến Đường Ai đế năm Thiên Hựu thứ 4 (907). Sau khi Đường thư ra đời, dư luận có ý kiến phê bình về cách biên soạn, sử liệu chưa được đầy đủ, nhiều chổ sai lầm chưa được hiệu chỉnh tốt, đặc biệt phần viết về hậu ký đời Đường còn thiếu, cần phải bổ sung. Bắt đầu từ năm Khách Lịch thứ 4(1044), Tống Nhân tông ra lệnh cho Tống Kỳ, sau này là Âu Dương Tu chủ trì việc biên soạn lại Đường thư, sau 17 năm với sự tham gia của nhiều người, bộ sách với tên gọi Tân Đường thư được hoàn thành vào năm gia Hựu thứ 5 (1060 ),(sau đó, để phân biệt với bộ sách này thì người đời thường gọi Đường thư thành Cựu Đường thư). Bộ sách vẫn giữ nguyên cách biên soạn theo thể tài kỷ truyện của Đường thư, nhưng về nội dung cùng tư liệu được bổ sung,sửa chữa,rút gọn,cải tiến hơn nhiều. Toàn bộ sách gồm 225 quyển trong đó phần Đế kỷ 10 quyển, chí 50 quyển, Biểu ngắn gọn nhưng thông tin được bổ sung trong đó lại nhiều hơn.Tân Đường thư cắt giảm 61 nhân vật trong phần Liệt truyện, song lại tăng thêm 331 nhân vật khác có nhiều liên quan tới lịch sử đời Đường. Bộ sách còn bổ sung thêm ba thiên phần Chí, bốn thiên thần Biểu. Có thể nhận thấy những sự kiện lịch sử đời Đường, đặcbiệt hậu kỳ đời Đường được chép trong Tân Đường thư đầy đủ hơn Đường thư. Tân Đường thư biên soạn thêm phần Binh chí, Tuyển cử chí, Nghi vệ chí, đây là lần đầu tiên những phần Chí này được chính thức chép trong quốc sử. Từ đời Tống trở về sau, lịch sử của các triều đại đều tiếp tục kế thừa phương thức biên soạn này. Âu Dương Tu cùng Tống Kỳ đã khôi phục lại truyền thống thiết lập phần Biểu trong bộ sử ký của Tư Mã Thiên và bộ Hán thư của Ban Cố, xây dựng thêm 4 Biểu trong Tân Đường thư gồm: Tể tướng, Phương trấn, Tôn thất thế hệ và Tể tướng thế hệ. Việc lập 4 Biểu trên đã cung cấp nhiều tư liệu cần thiết để giúp cho người đọc dễ dàng tìm hiểu tình hình dựng đặt, diên cách, phế lập cùng tên gọi và thời gian giữ quyền của các tể Tướng, nắm vững sự phát triển, tiêu vong, quá trình thống nhất, ly tán của các phiên trấn địa phương, diễn biến của các chi phái trong tôn thất … của đời Đường. Trong đó tể tướng thế hệ Biểu nổi trội hơn cả, nó rất thuận tiện cho việc tra cứu nhân thế, sự nghiệp của từng nhân vật. Phần Biểu của Tân Đường thư được bổ sung hơn 2000 sự kiện lịch sử, nguồn tư liệu phần lớn dược chắt lọc từ gia phả, bi ký, tiểu thuyết… đã qua thẩm định tương đối kỹ càng, những tư liệu của sấm ký, các truyện hoang đường, quái đản đều không chép vào. Bộ sách từng được các học giả nhận định “sự kiện tăng hơn sách cũ, văn phong tinh giản hơn cựu sử”, sách cũ và cựu sử đều chỉ bộ Đường thư. Nhưng Tân Đường thư Đường thư (Cựu Đường thư) đều có những sở trường và sở đoản riêng. Nếu như Cựu Đường thư vẫn bảo lưu được nhiều tư liệu nguyên thuỷ, thì Tân Đường thư lại phong phú hơn về tư liệu của đời Tống bổ sung cho Cựu Đường thư. Có thể nói giá trị của hai bộ sách Tân Cựu Đường thư vô cùng quý giá và luôn hỗ trợ cho nhau, cung cấp những sử liệu cần thiết để giới nghiên cứu có thể tìn hiểu lịch sử đời đường (618 – 907) một cách đầy đủ toàn diện.

Về tác giả của Tân Đường thư, đầu tiên chúng ta phải nhắc đến Tống Kỳ (998-1061). Ông sinh tại Yên Lục, Yên Châu đời Bắc Tống (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), tên tự là Tử Kinh, đỗ Tiến sĩ vào niên hiệu Thiên Thánh (1023 -1032) đời vua Tống Nhân Tông, từng thăng chức Hàn lâm Học sĩ. Năm Khánh Lịch thứ 4(1044), Nhân Tông ban chiếu thành lập Đường thư cục giao cho Tống Kỳ phụ trách, tiến hành biên soạn lại sách Đường thư, đồng thời  ông còn kiêm nhiệm chức Tri Châu. Do công việc quá nhiều, nên sau gần 10 năm Tống Kỳ vẫn chưa thể hoàn thành việc biên soạn lại bộ sách. Năm Chí Hòa thứ nhất (1054), triều đình nhà Tống quyết định Âu Dương Tu chủ trì biên soạn và phụ trách các phần Bản kỷ, Chí, Biểu, Tống Kỳ chuyên trách phần Liệt truyện. Năm Gia Hựu thứ 5(1060) bộ sách được hoàn thành, trong đó phần Liệt truyện 150 quyển đều do Tống Kỳ biên soạn. Sau khi sách trình lên vua, ông được thăng chức Tả thừa, tiếp theo lại được giữ chức Thượng thư Bộ Công. Năm 1061 Tống Kỳ qua đời, hưởng thọ 63 tuổi, được ban tên thuỵ là Cảnh Văn.

Đồng Chủ biên của Tân Đường thư là Âu Dương Tu (1007-1072), người đất Lô Lăng, Cát Châu đời Tống( nay là Cát An, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc ), tên tự là Vĩnh Thúc, tên hiệu là Tuý Ông, về già lại có hiệu là Lục Nhất cư sĩ. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo túng, song rất hiếu học, có câu chuyện về việc hồi còn nhỏ ông từng dùng que vạch lên đất để luyện chữ. Năm Thiên Thánh thứ 8 đời Tống Nhân tông (1030), ông đỗ Tiến sĩ, sau đó ông nhiều năm giữ chức Tri  châu, được thăng chức Hàn lâm Học sĩ, rồi chức Khu mật Phó sứ, Tham Tri chính sự … Năm1054, ông được vua Tống Nhân Tông hạ chiếu cho phụ trách biên soạn lại Đường thư, Âu Dương Tu chủ biên toàn bộ sách và biên soạn phần Bản kỷ 10 quyển, Chí 50 quyển, Biểu 15 quyển. Sau khi hoàn thành bộ sách, ông được thăng Thị lang bộ Lễ kiêm trong Đường Tông bát đại gia. Hậu thế thường nhắc tới Âu Dương Tu với tư cách tác giả của bộ Tân Đường thư, bởi họ Âu là người chủ trì biên soạn lần cuối trước khi bộ sách được công bố, nhưng thực chất Tân Đuờng thư được soạn bởi một tập thể các nhà bác học nổi tiếng thời Tống, trong đó phải kể đến Tống kỳ người đã theo đuổi công việc từ khi bắt đầu tới khi bộ sách được hoàn thành, ngoài ra còn có Lưu Hy Văn, Mai Nghiêu Thần ….Cho nên giới sử học Trung Quốc thường coi  Tống Kỳ và Âu Dương Tu là Đồng Chủ biên Tân Đường thư.

Chúng tôi đã tìm trong Cựu Đường thư, kỷ Vũ tông, niên hiệu Hội Xương thứ ba, tháng 11,  chỉ thấy chép: Vua (Vũ tông) ban sắc lệnh cho bề tôi tinh giảm số lượng các quan dư thừa nhiều trong triều và các địa phương[1]. Như vậy phần viết về Vũ Hồn trong Tân Đường thư là do các học giả đời Tống sưu tầm, chọn lựa chép thêm vào, mà ở đây công chính thuộc về Âu Dương Tu, người đã biên soạn toàn bộ phần Kỷ của Tân Đường thư.

Trở lại với phần viết về Vũ Hồn trong Tân Đường thư 8, Bản kỷ 8, tờ 9b và tờ 10a, phiên âm nguyên văn như sau: (Hội Xương ) tam niên … Thập nhất nguyệt … An Nam quân loạn trục kỳ Kinh lược sứ Vũ Hồn[2].

Dịch nghĩa: Hội Xương năm thứ ba (843)… Tháng 11… loạn quân An Nam đuổi Vũ Hồn, Kinh lược sứ (của vùng đất đó ).

Theo những tư liệu của Tân Đường thư mà chúng tôi thu nhận được, thì chỉ có thông tin: Kinh lược sứ An Nam là Vũ Hồn bị loạn quân đuổi trong năm Hội Xương thứ ba đời vua Đường Vũ tông (843). Chúng tôi dựa vào Lịch đối chiếu giữa dương lịch và nông lịch Trung Quốc, biết rằng ngày 1 tháng 11 năm Hội Xương thứ ba tức năm Quý Hợi, là tháng đủ 30 ngày, bắt đầu từ ngày 25 tháng 11 năm 843 và kết thúc là ngày 24 tháng 12 năm 843[3].Tân Đường thư chỉ chép sự kiện diễn ra vào tháng 11 mà không chép ngày cụ thể nên chúng ta chỉ có thể nêu chung loạn quân đuổi Kinh lược Vũ Hồn vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 843.

Nhưng từ những chỉ dẫn ít ỏi trên cũng đủ để cho phép chúng ta khẳng định: có một nhân vật lịch sử tên là Vũ Hồn đã hiện diện trong Đời Đường Vũ Tông (841- 846), từng làm chức làm quan tới Kinh lược sứ ở Việt Nam. Còn việc các bộ chính sử của Việt Nam như Đại Việt sử ký toàn thư, sau này là Khâm định Việt sử thông giám cương mục, ghi chép nhiều hơn về Vũ Hồn và có nhiều khác biệt so với Tân Đường thư thì cần phải tiếp cận theo hướng nghiên cứu khác, Đầu tiên, chúng ta cùng nhau tìm hiểu những tư liệu được phản ánh trong các bộ tư sử của Việt Nam trước khi xuất hiện bộ Đại Việt sử ký toàn thư:

Bộ sách Việt sử lược khuyết danh, ra đời khoảng cuối nhà Trần, được lưu giữ tại Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu của Trung Quốc. Năm 1993 bộ Việt sử lược được dịch giả Nguyễn Gia Tường cho ra mắt bạn đọc với nhan đề Đại Việt sử lược, phần viết về Vũ Hồn như sau: Vũ Hồn, người thời Vũ Tông (841 – 846 - N.D) nhà Đường. Dịch giả có chú thích: Đường Vũ Tông tên là Triền, con của vua Mục Tông ở ngôi được 6 năm[4]. Chúng tôi căn cứ vào bản dịch của Trần Quốc Vượng được công bố vào năm 1960, cũng chỉ đưa ra thông tin: Vũ Hồn, người đời Vũ Tông (841-846). Phần chú thích của bản dịch này rất đáng chú ý : Vũ Hồn làm Kinh lược sứ An Nam, đến nơi bắt tướng sĩ sửa phủ thành, quân lính nổi dậy cướp kho đạn (843), Vũ Hồn phải chạy về Châu Quảng. Giám quân Đoàn Sĩ Tắc chiêu dụ bọn quân loạn . Dịch giả đề rõ xuất xứ từ Tân Đường thư  q.8, tờ 9a[5]. Chúng tôi đã tra Tân Đường thư chỉ thu được 16 chữ Hán viết về Vũ Hồn chép tại Bản kỷ 8, tờ 9b và tờ 10a như đã dẫn ở trên. Còn những tư liệu như: Vũ Hồn bắt tướng sĩ đắp thành, sau đó chạy về Quảng châu (hay châu Quảng ), rồi Giám quân Đoàn Sĩ Tắc phủ yên được… thì chúng tôi chưa tìm thấy. Mong rằng cácnhà nghiên cứu,hay độc giả nào tra tìm được, mách bảo chúng tôi thì xin muôn phần cảm tạ.

Bộ sách An Nam chí lược do Lê Tắc biên soạn khoảng vào những năm đầu thế kỷ XIV phần chép về Vũ Hồn:

Phiên âm nguyên văn: Vũ Hồn: vi An Nam, kinh lược, Hội Xương tam niên vi loạn quân sở trục[6].

Dịch nghĩa: Vũ Hồn làm Kinh lược An Nam, năm Hội Xương thứ ba (843) bị loạn quân đuổi.

So với tư liệu ghi trong Tân Đường thư, có thể đoán định Lê Tắc khi cư trú tại Trung Quốc từng tham khảo Bắc sử, đã chép lại đúng nội dung của Tân Đường thư, chỉ có điều ngữ pháp sử dụng trong An Nam chí lược gần gũi cách viết của người Việt Nam. Tóm lại, theo những ghi chép của các bộ tư sử ra đời vào thế kỷ XIV đầu XV, đặc biệt ghi chép của An Nam chí lược chỉ cung cấp thông tin: Vũ Hồn làm Kinh lược An Nam, bị loạn quân đuổi vào năm 843.

Vì sao đến những thập niên 80 của thế kỷ XV, theo lệnh của vua Lê Thánh Tông, nhà sử học Ngô Sĩ Liên viết bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư và được các sử gia khác tiếp tục bổ sung vào các thế kỷ sau, đã dành những dòng ghi chép kỹ hơn về Vũ Hồn? Phần viết về Vũ Hồn lại được chính thức ghi trong quốc sử ? Điều này có thể giải thích được khi chúng ta tìm hiểu về thời điểm xuất hiện Gia phả họ Vũ ở Mộ Trạch cùng tình hình biên soạn quốc sử đời Lê. Vũ Phương Đề trong cuốn sách Công dư tiệp ký, phần Thế gia ghi chép về họ Vũ ở Mộ Trạch có cung cấp thông tin: Đời vua Trần Minh Tông nhà Trần (1314-1329), Nghiêu Tá và em là Nông (theo gia phả chép là Hán Bi) cùng thi. Hai anh em nổi tiếng là hay chữ và làm quan tới chức Nhập thị hành khiển Tả bộc xạ[7]. Các ông bắt đầu tìm tòi tông phái, liệt kê thế thứ, khoa danh và tước trật. Từ đó mới có tài liệu để khảo cứu[8]

Như vậy vào đầu thế kỷ XIV, họ Vũ ở Mộ Trạch bắt đầu có gia phả, cho đến thế kỷ XVIII, những năm 1767 – 1769, hậu duệ họ Vũ là Vũ Phương Lan, Vũ Thế Nho, Vũ Tông Hải còn có cơ hội dựa vào những phần còn lại như Tông phái đồ trong Gia phả thế kỷ XIV của anh em Vũ Nghiêu Tá, Vũ Hán Bi để biên soạn Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích. Qua những thông tin chắt lọc được, chúng ta có thể khẳng định: Họ Vũ ở Mộ Trạch biên soạn gia phả vào những thập niên đầu thế kỷ XIV và Gia phả họ Vũ là một trong những bản Gia phả ra đời sớm nhất tại Việt Nam. Mặt khác do ý thức giữ gìn bảo mật của toàn thể tộc họ Vũ ở Mộ Trạch và cũng có phần nào do duyên may của lịch sử mà Gia phả họ Vũ thoát khỏi nạn binh hỏa, tránh được sự triệt hạ văn hoá tàn khóc do Minh Thành tổ tiến hành khi xâm lược Việt Nam vào đầu thế kỷ XV. Sử Gia Ngô Sĩ Liên đã từng chỉ rõ tội ác giặc Minh đối với nền văn hoá dân tộc nước ta như sau “…Giáo mác đầy đường, đâu chẳng bọn giặc cuồng Minh: Sách vở cả nước đều thành tro tàn tai ương”.

Chúng ta đều biết năm 1479, Lê Thánh Tông “sai sử quan tu soạn Ngô Sĩ Liên soạn Đại Việt sử ký toàn thư 15 quyển”. Chính vị vua tài giỏi sáng suốt với nhãn quan sâu sắc về ý thức độc lập quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và văn hiến dân tộc đã sớm chuẩn bị việc biên soạn quốc sử. Trong 38 năm nắm giữ vương quyền, Lê Thánh Tông đã hai lần hạ chiếu cho quần thần sưu tập tư liệu trong dân gian. Điều này đã được hai sử gia nổi tiếng của nước ta là Ngô Sĩ Liên và Lê Quý Đôn phản ánh trong các công trình sử học của mình. Trong Bài tựa sách Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên chép: Khoảng năm Quan Thuận (1460-1469) xuống chiếu tìm kiếm dã sử và các truyện ký xưa nay do các tư nhân cất giữ đều ra lệnh dâng lên để có sẵn tham khảo. Sách Đại Việt thông sử (hay Lê Triều thông sử ) của sử Gia họ Lê viết: “ Vua Thánh Tông [1460-1497] ham thích sách vở: hồi đầu năm Quang Thuận [1460-1469], hạ chiếu tìm tòi các dã sử, thu thập truyện ký cổ kim còn chứa ở các nhà riêng hạ lệnh cho đem dâng lên tấc cả. Khoảng năm Hồng Đức [1470-1497] nhà vua lại hạ chiếu cầu những sách còn sót lại đem chứa cất ở Bí các”. Sử Gia họ Lê còn cho biiết: trong dịp này nhiều người đưa ra cả sách quý, hiếm lạ, ngay cả những sách bí truyền cũng đều được khen thưởng. Vì vậy “…Những sách của đời trước cũng dần dần được đưa ra”[9].Tất cả những điều trên là minh chứng cho sự nỗ lực vì công việc biên soạn quốc sử của Lê Thánh Tông cùng những sử thần dưới triều Lê. Công việc này được sự hợp tác nhiệt tình tràn đầy ý thức bảo tồn truyền thống văn hoá dân tộc của nhiều tầng lớp nhân dân tại các vùng miền khác nhau của đất nước. Việc viết quốc sử là một sự kế thừa có chọn lọc các bộ sử của tiền triều, cộng với sự tìm tòi phát hiện sử liệu mới trong các nguồn tư liệu dân gian và sự sáng tạo của người biên soạn … Chính vì vậy trong Phần Phàm lệ việc biên soạn sách Đại Việt sử ký toàn thư đã nói rõ. “Sách này làm ra gốc ở hai bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và của Phan Phu Tiên, tham khảo thêm Bắc sử, dã sử, các bản truyện chí và những việc nghe thấy truyền lại,  rồi khảo đính biên tập mà thành”[10]. Như vậy, công việc biên soạn quốc sử ngay từ đầu đã xác định được một hướng bổ sung tư liệu quan trọng là thu thập, xử lý những tư liệu thành văn và truyền khẩu trong nhân dân. Theo ức đoán chủ quan và dựa vào tình hình thực tế việc viết quốc sử dưới thời Lê, chúng tôi cho rằng Gia phả của họ Vũ Mộ Trạch  có lẽ đã được thu thập trong những đợt sưu tầm tư liệu trong thời Lê Thánh Tông. Điều này phù hợp với chủ trương chung của triều đình đời Lê và hơn nữa vùng Hải Đông ở thế kỷ XV là nơi phát triển mạnh mẽ về các mặt kinh tế và khoa cử. Làng Mộ Trạch ở sứ Đông xưa nổi tiếng là “ Tiến sĩ sào”, nhiều người đỗ đạt thành danh trong chốn khoa trường và quan trường. Mà anh em Vũ Nghiêu Tá và Vũ Nông đều thi đỗ, nổi tiếng văn học, giữ trọng trách trong triều Trần, chắc chắn có ảnh hưởng không nhỏ đến việc hiển dương dòng họ Vũ. Cho nên những bề tôi của triều Lê trong quá trình tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập sử liệu không thể bỏ qua vùng đất Hải Đông nói chung và làng Mộ Trạch nói riêng được. Dân làng Mộ Trạch trong đó có con cháu họ Vũ cũng sẵn sàng cung cấp những tư liệu quý hiếm, kể cả bản Gia phả của đòng họ mình. Sau khi sưu tầm về, các sử gia triều Lê phải lao tâm khổ tứ, thẩm định, lựa chọn, đối chiếu rồi mới dám hạ bút viết lên những dòng sử lưu truyền hậu thế. Việc biên soạn quốc sử cũng được các vua triều Nguyễn quan tâm, đặc biệt vua Tự Đức đã lệnh cho các sử thần phải sớm hoàn thành bộ quốc sử. Ông từng nói: “Nếu bộ Việt sử ( tức bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục) chưa làm xong là một khuyết điểm của thời thịnh trị”.Tiếp sau, Tự Đức “hạ lệnh cho nho thần,tìm rộng cả dã sử tàng trữ ở nhà tư, tham khảo với sử chép việc nước ngoài của Trung Quốc”[11]. Bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn đã kế thừa có phê phán những ghi chép của các bộ sử trước đặt biệt là bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Các sử thần triều Nguyễn trong phần cẩn án sau khi tham bác các tài liệu, trong đó chủ yếu là các phần Liệt truyện trong bộ Đường thư đã đưa ra một cải chính theo chúng tôi là hợp lý và chính xác: người tiền nhiệm của Vũ Hồn phải là Mã thực chứ không phải Hàn Ước[12] . Quả thật để tìm ra lịch sử chân thật không phải một điều dễ dàng.

Với những phần ghi chép thêm về Vũ Hồn tuy vẫn chưa được đầy đủ trong chính sử, song cũng giúp chúng ta ngày nay có thể hiểu thêm về phần nào hành trang của một vị Kinh lược sứ sống vào thế kỷ IX . Đồng thời chúng ta cũng ghi nhận sự đóng góp tích cực, bổ sung của Gia phả họ Vũ Mộ Trạch cho phần khiếm khuyết trong quốc sử. Vì vậy chúng ta cần trân trọng hơn với các di sản văn hoá của tiền nhân để lại, kính trọng hơn ý thức tôn vinh dòng họ mà trong đó Vũ Mộ Trạch xứng đáng là một dòng họ tiêu biểu.

Hà Nội, tiết Thanh minh, Quý Mùi 2003



[1] Nhị thập ngũ sử, Cựu Đường thư, Bản kỷ đệ thập bát (Thượng), Vũ tông kỷ; Thượng Hải cổ tịch xuất bản x∙; Thượng Hải; 1987 Tr 3557.

[2]  Chúng tôi sử dụng bộ Nhị thập tứ sử, Súc ấn bách nạp bản, Tân Đường thư, Bản kỷ đệ bát, Vũ tông kỷ, tờ 9a và 10b; Thương vụ ấn thư quán xuất bản, Bắc Kinh, 1958. Chúng tôi còn đối chiếu với Nhị thập ngũ sử, Tân Đường thư, Đường thư quyển 8, Bản kỷ đệ bát, Vũ tông kỷ (Sđd). Tr 4517. Phần chép về Vũ Hồn trong cả hai bộ đều hoàn toàn giống nhau.

[3] Lưỡng thiên niên Trung Tây lịch đối chiếu biểu. Tiết Trọng Tam, Âu Dương Di hợp biên; Sinh hoạt – Độc thư – Tam  Liên  thư điếm; Bắc Kinh; 1956, tr.169. (Bản Trung văn )

[4] Đại Việt sử lược, Người dịch: Nguyễn Gia Tường, người hiệu đính: Ngyễn Khắc Thuần,Nxb,TP, Hồ Chí Minh, Bộ môn Châu Á học ĐH Tổng hợp TP.HCM;1993. tr 64. Việt sử lược, Trần Quốc Vượng phiên dịch và chú giải, Nxb. Văn sử Địa, H: 1960, tr.34

[5] Việt sử lược, Trần Quốc Vượng phiên dịch và chú giải, Nxb Văn Sử Địa,H:1960, Tr.34

[6] An Nam chí lược [Việt] Lê Tắc soạn, Vũ Thượng Thanh điểm hiệu :Trung Hoa thư cục, tùng thư sử tịch giao thông Trung ngoại; Bắc Kinh.1995, tr.226.(Bản Trung văn).

[7] Theo Đại Việt sử ký toàn thư, niên hiệu Khai Thái thứ 6 đời vua Trần Minh Tông (1329): “ Lấy Vũ Nghiêu Tá làm Nhập Nội hành khiển Môn hạ hữu ly Lang Trung.Nghiêu Tá( người Hồng Châu ), với em là Nông, đều đỗ cùng một khoa hồi Thượng Hoàng (chỉ Trần Anh Tông-NHT) còn ở ngôi vua. Anh em đều nổi tiếng văn học. Nghiêu Tá làm Hành Khiển đồng chi Nội mật viện sự. Đến nay trao chức này.”Trích từ Đại Việt sử ký toàn thư, T.II, Nxb.KHXH, H; 1985, tr.116. Như vậy Vũ Nghiêu Tá được trao chức Nhập nội hành khiển Môn hạ hữu ty Lang trung chứ không phải là Nhập thị Tả bộc xạ như  Vũ Phương Đề chép.

[8] 8 Công dư tiệp ký, Vũ Phương Đề, Nxb.Văn học, H; 2001, tr.15.

 

[9] Lê Quý Đôn toàn tập. Tập III: Đại Việt thông sử . Ngô Thế Long dịch, Văn Tân hiệu đính, Nxb. KHXH;H.1977,tr.101

[10] Đại Việt sử ký toàn thư, T.1, Nxb, KHXH; H.1983, tr.83.

[11] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, T.1, Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, Nxb. Giáo dục; H.1998, tr.54

[12] Sđđ. Khâm định…T,1 … Nxb. Giáo dục; H.1998, tr198.