Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
LƯỢC KHẢO TIỂU SỬ THỦY TỔ VŨ HỒN VÀ HỌ VŨ VÕ VIỆT NAM Nhà giáo Vũ Hiệp

 

LƯỢC KHẢO TIỂU SỬ THỦY TỔ VŨ HỒN VÀ HỌ VŨ VÕ VIỆT NAM

Nhà giáo Vũ Hiệp

Ngày mồng Ba tháng Chạp hàng năm là ngày giỗ Cụ Tổ đầu tiên của những người có họ Vũ-Võ nước Việt. Năm nay là húy nhật lần thứ 1153 (853 – 2007) nhằm ngày 21/01/2007. Chúng ta tề tựu về đây, nơi từ đường vọng thờ Thủy Tổ tại xã Long Đức, Huyện Long Thành, Đồng Nai, để cùng làm lễ giỗ Ngài và họp mặt hàn huyên với tình cảm của những người chung một dòng họ.

Mỗi chúng ta kính cẩn thắp một nén nhang (hương) tưởng nhớ đến Ngài, có công lớn khai sáng dòng họ Vũ – Võ nước Việt từ 12 thế kỷ nay. Thêm một lần nữa, ta lại hiểu thêm về Ngài Thủy Tổ cũng như cơ nghiệp người đã gây dựng từ ngàn năm nay?

Thủy Tổ sinh ở Trang Man - Nhuế, Hương Nam sách (sau thuộc phủ Hồng Châu, xứ Hải Dương) vào đêm ngày tám, tháng giêng, năm Giáp-Thân (là năm 804). Tương truyền, mẹ Ngài là cụ Bà Nguyễn Thị Đức ở Trang Mang Nhuế này, vốn là người Việt gốc ở làng Kiệt Đặc, Chí Linh. Thân phụ Ngài - cụ Vũ Huy vốn là nhà Nho, rất giỏi về khoa phong thủy, địa lý.

Thủy Tổ lớn lên được về học ở Trung Quốc đời Đường. Năm 841, Ngài 38 tuổi được cử làm chức Kinh Lược Sứ Giao Châu ở An Nam Đô Hộ Phủ, tức là Nước Việt ta thuở đó. Khi thấy quân Nam Chiếu của Nước Đại Lý (nay thuộc Vân Nam, Trung Quốc) đang lăm le đánh Giao Châu, Ngài ra lệnh bắt bọn tướng sĩ nhà Đường dưới quyền phải đào hào đắp lũy, củng cố Phủ Thành Long Biên (La Thành). Vì ngày đêm phải làm việc này vất vả, nên quân lính nhà Đường đã bất mãn. Năm 843 quân sĩ đã nổi loạn, đốt phủ Thành, gây binh biến. Ngài phải bỏ Phủ Thành Long Biên chạy về Quảng Châu (Nay là Quảng Đông Trung Quốc). Viên giám quân (chỉ huy trưởng quân đội) tên là Đoàn Sĩ Tắc sang dẹp yên được loạn quân và Giao Châu lại yên ổn (xem các sách Đường thư của Tàu, An Nam Chí Lược, Việt Sử Lược, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của ta sẽ rõ).

Năm sau, 844 lúc Ngài 40 tuổi đã chán ngán việc làm quan, Ngài về Nam Sách, Hồng Châu, Nước Nam ta thăm mẹ già. Vua nhà Đường cho phép Ngài từ quan và định cư ở đất Đường An (nay thuộc tỉnh Hải Dương). Ở đây, Ngài, chiêu mộ dân làm nhà, làm ruộng, khai hoang, lập lên ấp Chằm Trạch (vùng đất trũng, đầm lầy lúc đó) rồi đặt tên là Trang Khả Mộ, mở lớp dạy học, giáo dục lễ nghĩa cho dân trong ấp. Ngài phụng dưỡng mẹ già rất có hiếu. Vài năm sau, cụ Tổ Mẫu từ trần. Ngài than khóc thương cảm khôn cùng, rồi làm tang ma chu đáo và đưa về trang Kiệt Đặc ở Chí Linh chôn cất nơi quý địa. Có lẽ vào năm 850?

Trang Khả Mộ (có nghĩa là làng được mến mộ) đời trần đổi tên là Mộ Trạch (nghĩa ơn huệ được mến mộ). Nay vẫn là thôn Mộ Trạch xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Tỉnh Hải Dương. Cách quốc lộ 5 khoảng 7km, gần thị trấn Sặt, lối rẽ từ chỗ quán Gỏi.

Thương tiếc mẹ, buồn vì thế sự, quân Nam Chiếu vào tàn phá Giao Châu từ năm Bính Dần (846) đến năm Nhâm Thân (852), Ngài đau yếu luôn. Ngày mùng 3 tháng chạp năm Nhâm Thân (tức là tháng 01 năm 853) Ngài đột ngột từ trần, khi 49 tuổi. Mộ Ngài táng ở khu mả thần trong cánh đồng phía Bắc làng Mộ Trạch, gọi là sứ Đống Dị. Nay còn lăng mộ to, gọi là Mả Thần hay Lăng Thần.

Dân làng và con cháu Ngài ở Trang Khả Mộ đã lập miếu thờ Ngài như một ông Tổ đầu tiên của Họ Vũ Nước Nam. Về sau đến đời Trần (1225 – 1400) khoảng 400 – 500 năm. Dân sở tại, tôn vinh Ngài vừa là Thần thành Hoàng, vừa là Thủy Tổ Họ Vũ ban đầu, kính gọi là Thần Tổ. Bốn mùa cúng tế, hương khói không dứt cho đến ngày nay.

Lớp hậu duệ Ngài ở thôn Mộ Trạch ngày một đông đúc thêm. Về sau, phần vì đất chật người đông, phần vì hoàn cảnh lịch sử, đi lính, làm quan theo lệnh các triều đình, tị nạn lúc loạn lạc, giặc dã, do thiên tai, mất mùa đói kém…đã rời làng Khả Mộ thiên cư về khắp mọi miền đất nước.

Ban đầu (từ cuối thế kỷ 9 đến hết đời Trần năm 1400), các cuộc thiên cư phần lớn lan tỏa ra khắp 17 huyện của Hải Dương (gồm cả Hải Phòng). Sau lại định cư ở Kinh Bắc (Bắc Ninh) Bắc Giang, Sơn Nam (Hưng Yên, Thái Bình, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình). Cùng lúc đó, lại di cư theo đà Nam Tiến xuống Thanh Nghệ Tĩnh, Bình Thị Thiên khoảng thế kỷ 14 (từ năm 1306, lúc công chúa Huyền Trân lấy vua Chiêm. Ta được vùng đất Thuận Hóa). Sau nữa, vào đời Hồ, năm 1403 – 1407, lại có cuộc di dân nhỏ vào Quảng Nam, rồi năm 1471 – 1496, vua Lê Thánh Tông lấy được đất Chiêm đến Phú Yên (đèo Cả). Vua cho di dân trong 25 năm vào Quảng Nam, Thừa Tuyên (gồm Nam, Ngãi, Định, Phú ngày nay). Trong số hàng ngàn gia đình di cư đó, có cả gia đình họ Vũ. Từ đời nhà Mạc (1527 – 1592) cũng có nhiều tướng mang họ Vũ, từ Bắc Bộ vào theo đường ven biển đến Quảng Ngãi, Bình Định, cùng gia tộc vào đó lập nghiệp. Nhất là thời hai chúa Nguyễn Hoàng (1558 – 1613) và Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635), đã có nhiều bà con các dòng họ ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, cùng bà con gốc Sơn Nam, Hải Dương lũ lượt đi vào Nam, do hạn hán, mất mùa, đói rét và tránh nạn binh đao phía Đàng Ngoài do quân nhà Trịnh truy sát dân, quân Nhà Mạc ở Hải Dương (từ 1585 – 1600).

 Đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh (1627 – 1775), họ Vũ, Võ ở hai miền xa cách, mất liên hệ nguồn gốc trong 150 năm dài. Đến thời Tây Sơn nổi dậy rồi quân Đàng Ngoài tràn qua sông Gianh lấy Phú Xuân năm 1775. Bị đánh đuổi, chúa Nguyễn di tản hàng vạn quân dân Miền Trung vào Đồng Nai – Gia Đinh sinh sống. Những người mang họ Họ Vũ, Võ đã thấy có ở quanh Biên Hòa, Gia Định một số ít (như Võ Tánh, Võ Nhàn, Võ Trường Toản…). Từ đó đến nay, họ Vũ Võ đã phát triển không ngừng trên cả nước Việt Nam.

Tóm lại, từ Thủy Tổ Vũ Hồn (804 – 853) đến nay đã là 12 thế kỷ. Từ một nhân vật có thật trong quốc sử nước Việt ở nửa đầu thế kỷ thứ 9,  Họ Vũ Võ cả nước đã có đến 3.600.000 người trong tổng số 83 triệu dân Việt Nam, chiếm 4,5% dân số cả nước, chỉ đứng sau 4 họ tộc lớn hơn là Nguyễn, Lê, Trần, Phạm.

Chúng ta có quyền hãnh diện về một vị Thủy Tổ có sự nghiệp lớn trong lịch sử, rõ ràng về thân thế, mà hôm nay, hội tụ về đây cùng nhau tưởng nhớ tới công đức của Ngài.

Phát tặng bà con đến dự lễ Giỗ Tổ

ngày 3 tháng chạp nhằm ngày 21/01/2007

(VH biên soạn)