Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Sự phát triển của dòng họ Vũ từ Thủy tổ Vũ Hồn - Viễn Tổ Vũ Nạp cho đến ngày nay

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG HỌ VŨ TỪ THỦY TỔ VŨ HỒN-VIỄN TỔ VŨ NẠP CHO ĐẾN HIỆN NAY

(Theo Đặng-Vũ Phả Ký của Bà Đặng-Vũ Phương Nghi, viết tại Paris, Pháp, năm 1989 - Prolégomènes à la généalogie des Đặng-Vũ)

Dòng họ Vũ gắn liền với tên đất và tên làng Khả Mộ, Làng Mộ Trạch. Tại Làng Mộ Trạch hiện nay có 11 dòng họ, trong đó họ Vũ là họ lớn nhất: nhất Vũ , nhì Lê. Vào cuối đời Trần, họ Vũ đã chia thành năm chi và tám phái. Khởi tổ của Tiền Ngũ Chi Vũ Bá Khiêm là hậu duệ của Vũ Nghiêu Tá và Vũ Hán Bi. Khởi Tổ của dòng họ Lê là Lê Như Huy, gốc Thanh Hóa, làm Tả Giang An Phó Sứ Lạng Giang, hiệu là Trí Trai Tiên Sinh, lấy con gái họ Vũ Mộ Trạch, rồi lập nghiệp ở đây. Sự phát triẻn của dòng họ Vũ-Lê đã làm cho Làng Mộ Trạch mỗi ngày một đông, và cũng đã làm cho Làng Mộ Trạch nổi tiếng một thời. Sử sách đã ghi nhận Mộ Trạch là một làng của nho gia; người trong nước thường khen đất này là Làng Tiến Sĩ, đất của những nhà nho học rộng, nơi mà đời nào cũng có người đỗ đạt cao.

Trong hoàn cảnh dân số mỗi ngày một tăng; ruộng đắt ít, lại thuộc khu đồng trũng, thấp và xa sông; mưa nhiều thì ủng và nằng nhiều thì hạn. Cả làng chỉ có khoảng trên dưới 800 mẫu - trừ các ruộng công ích, ruộng hương hỏa, đình chùa, ao hồ, và những ruộng phải cấy tô cho những làng bên. Vì vậy, đến thời Lê - khi đó dòng họ Vũ phát triển thêm 5 chi sau (Hậu Ngũ Chi) với Khởi Tổ là Cụ Tổ Vũ Quốc Sỹ - các chi, pháí họ Vũ, đã như vét dầu loang, lan dần đến các thôn, xã trong vùng thuộc Huyện Đường An. Tiếp đó là việc di cư đến một số làng thuộc nhiều huyện trong Trấn Hải Dương, đến các tỉnh đồng bằng vùng trung du Bắc Bộ và đến các vùng biển Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, v.v. của Đất Bắc Hà, rồi dần dần phát triển đến Thanh, Nghệ, Trung và Nam Bộ. Khi vào đến Miền Trung, vào thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, dòng họ Vũ vì phải kiêng tên húy của Chúa Nguyễn, đã phát âm thành ra Võ.

Từ những đặc đìểm của bối cảnh trên, ta thấy xuất hiện bốn hiện tượng xã hội có ảnh hưởng đến những biến-thiên và biến-cố lịch sử trong giai doạn Thế kỷ 10-Thế kỷ 18, cùng sự tỏa rộng của dòng họ Vũ từ Làng Mộ Trạch ra khắp nơi trong nước.

Một là: Ngoài sự gia tăng nhanh chóng của các chi và phái trong dòng họ trong vòng trên dưới hai-ba trăm năm đầu, còn có những trường hợp xin nhập họ, xin làm con nuôi, hoặc nhận làm con nuôi, con rể do quan hệ đồng liêu, đồng khoa, đồng túc, đồng triều... vì họ Vũ Mộ Trạch không những có chỗ đứng đặc biệt so vớ các họ khác, do sự đông đảo về số lượng và vai trò chủ thể ở làng, mà còn là dòng họ có địa vị cao và quan hệ rộng rãi trong xã hội nhờ có nhiều người đỗ đạt làm quan hoặc dạy học ở nhiều địa phương,. Đây là lúc họ Vũ phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Hai là: Nho Giáo phát triển đi đôi với chế độ khoa cử để kén chọn nhân taì được coi trong. Là một làng nho học nổi tiếng, Làng Mộ Trạch, ngoài số lượng người thi đỗ Trạng Nguyên Hoàng Giáp, Tiến Si được cử làm quan, còn sản xuất ra một số lượng khá đông đảo thầy đồ, thầy khóa, trong giới này có nhiều người tuy đỗ cao, nhưng chọn đời sống ẩn dật, mở trường dạy học, làm thày thuốc chữa bệnh để cứu dân, độ thế. Phần lớn những người đỗ đạt, được bổ nhiệm quan chức, đều sinh cơ, lập nghiệp ở những nơi sở nhiệm, rồi nhận những nơi đó làm quê mới của nhánh họ Vũ sau này. Điển hình như nhánh họ Vũ ở Ngọc Quan (Gia Lượng Hà Bắc); Tổ thứ nhất là Vũ Phúc An, Vũ Phúc Nhân - Đình Úy Chỉ Huy Sứ đời Vua Lê Thánh Tôn; đến đời thứ 7 có Tiến Sĩ Vũ Miễn. Câu đối sau đây còn truyền lưu ở nhà thờ dòng họ:

Triệu thủy tích tông Đông Mộ Trạch

Thanh danh kim thị Bắc Lang Tài

Từ xưa đến nay, nhánh họ Vũ này hàng năm đều sai phái con cháu về lễ Nguyên Tổ vào dịp ngày 8 tháng Giêng, và ngày giỗ Cụ VŨ PHONG, Khởi Tổ chi 5. Một nhà hiền triết xưa đã nói, "Một ấp muời nhà tất có người trung tín; nhận định này hiển nhiên đúng khi áp dụng vào trường hợp các chi, nhánh xuất phát từ dòng họ Vũ Làng Mộ Trạch, một dòng họ có nhiều văn quan, võ tướng dưới các triều Trần, Lê, Mạc; một dòng họ có tiếng là Nhân-Trí.

Ba là: Trong Thế kỷ 17 và 18, nạn vỡ đê xảy ra liên miên, uy hiếp thường xuyên sự sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nông dân. Nghiêm trọng nhất trong giai đoạn này là nạn đói năm 1681. Nạn đói bắt đầu ở Trấn Hải Dương, sau lan dần ra khắp Đàng Ngoài. Sử cũ chép :

" Dân bỏ cả cày, cấy; thóc lúa dành dụm trong xóm, làng đều hết sạch; duy có Sơn Nam còn khá hơn, Dân lưu vong bồng bế nhau đi kiếm ăn đầy đường... Dân phần đông sống nhờ rau, quả; đến nỗi ăn cả chuột, rắn " (1).

Riêng ở vùng Hải Dương :

" Ruộng, vườn đã biến thành rừng rậm; những giống gấu chó, lợn lòi sinh tụ ngoài đồng. Những người dân sống sót phải bóc vỏ cây để đun, bắt chuột ngoài đồng để ăn " (2).

Những nạn đói khủng khiếp và kéo dài ấy đã làm nhiều người chết đói; những người sống sót vì không còn kế sinh nhai, phải bỏ làng, xóm, đồng, ruộng đi kiếm ăn trên rừng, tràn lấn sang các vùng trung du và ven biển, tạo thành một tầng lớp nông dân đông đảo. Trong một tình thế xã hội như vậy, nhân dân Làng Mộ Trạch nói chung, dòng họ Vũ nói riêng, dĩ nhiên cũng phải chịu chung cảnh ngộ ấy.

Bốn là: Những biến cố lịch sử từ năm 1737 đến năm 1740. Ngoài thực trạng trộm cắp như rươi, giặc giã đã xảy ra liên miên ở tất cả các vùng; đáng kể nhất là sự phát triển của phong trào đấu tranh của nông dân khắp Đàng Ngoài. Cuối năm 1739, Hải Dương là một trong những nơi phong trào nông dân khởi nghĩa rất sôi nổi, mãnh liệt : Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ nổi dậy ở Ninh Xá, Huyện Chí Linh; Vũ Trác Oánh ở Mộ Trạch, Huyện Đường An (3)) , Ông Oánh tự xưng là Minh Công, nêu khẩu hiệu "Phò Lê, Diệt Trịnh". Cuộc khởi nghĩa không thành; Chúa Trịnh đàn áp, khủng bố, đốt đình Làng Mộ Trạch; vì vậy, dân làng bị phân tán; con cháu và thân thuộc của Ông Oánh phiêu bạt đi nhiều nơi, mai danh, ẩn tích, đổi họ. Trong đó có người chạy về Hành Thiện làm con nuôi, con rể họ Đặng (4) , và đổi tộc tính thành Đặng-Vũ, như câu đối ở nhà thờ họ Đặng-Vũ ở Hành Thiện còn lưu lại:

Nguyên Vũ Thị bách niên tiền, Đông thổ Đường An cố quận;

Cải Đặng Tính tam thế hậu, Nam thiên Hành Thiện chi từ.

(nghĩa: Nguyên là họ Vũ, cách đây trăm năm ở tỉnh Đông, Huyện Đường An; Đổi ra họ Đặng Vũ, sau ba đời có nhà thờ ở Tỉnh Nam, Làng Hành Thiện).

Ngược lại có những hậu duệ dòng họ Mạc đổi sang họ Vũ-Tiến, như trường hợp chi Vũ-Tiến ở Xã Đông Xuân, Huyện Đông Hưng, Tỉnh Thái Bình. Theo gia phả viết năm 1632, năm Lê Đức Long thứ tư, họ Vũ Tiến đổi là họ Ngô, làm quan Nhà Mạc, rồi lại đổi sang họ Bùi và di chuyển về phía Nam, cư ngụ ở Trực Nội; đến đời thứ 3 có đất, vườn; đến đời thứ 5 lập đền thờ và đổi ngược tên, từ đời thứ nhất, về họ Vũ-Tiến; tính cho đến nay đã có đời thứ 18-19. Vậy gốc họ Vũ-Tiến (trước là Ngô và Bùi) chính là một chi họ Mạc. Bắt đầu tính từ ông tổ đời thứ 5 là Vũ Tiến Luyện, sinh năm Nhâm Thân, mất ngày 7 tháng 12, năm Qúy Tỵ, thọ 82 tuổi, làm Tổng Trưởng, tước Bách Lý Hầu.

Thái Bình còn có nhữ dòng họ Vũ như:

Họ Vũ ở Vân Đồn, Thụy Anh, Thái Bình, do 3 anh-em Vũ Đình Truyền, Vũ Duy Chi, Vũ Đình Đông - hậu duệ đời thứ 15 của Khởi Tổ Vũ Công Tráng, đỗ Hương Cống, thuộc Chi 5, Tiền Ngũ Chi, họ Vũ Mộ Trạch - dời cư về quê mẹ để sinh cơ, lập nghiệp , không còn ai ở nguyên quán.

Họ Vũ-Tiến ở Thôn Phúc Bồi, Xã Quỳnh Hương, Huyện Quỳnh Phụ, Có 7 hộ nhập ấp lúc ban đầu, trong đó có 3 hộ họ Vũ với 3 tên lót khác nhau: Vũ Tiến, Vũ Đình, Vũ Đăng. Khởi Tổ họ Vũ Tiến là Vũ Tiến Tộ, Phó Dốc Vận Quân Lương Quận Giao Chỉ. Ông Tổ họ Vũ Đăng là Tổng Quản Quân Lương. Ông Tổ họ Vũ Đình là người bảo vệ kho quan lương Hàng Kênh (cả 3 ông họ Vũ đều là quan quân Nhà Hậu Trần, chống giặc Minh). Tổ họ Vũ Đình lấy vợ Làng Mỹ Giá. Cả 3 nhánh họ Vũ trên cha truyền con nối đến ngày nay, nhưng không rõ phát tích từ đâu - Vũ Tiến Tộc gia phả chép năm Đinh Dậu, 1897, cũng ghi rõ : không có quan hệ gì với Vũ Tiến ở Đông Hưng.

Nhánh họ Vũ ở Nam Đường, Nam Xuân Trực và Nam Xuân Hậu, Huyện Kiến Xương. Khởi Tổ là Vũ Pháp Thông, đời 1, đến Vũ Pháp Tịch, đời 2, đời 3 là Vũ Pháp Đình . Chũ lót ban đầu là Phúc, nhưng vì phải kiêng tên húy của Vua Lê Duy Bang, hiệu là Hồng Phúc, nên phải cải là Pháp. Đền đời thứ 3 không phải kiêng kỵ, nên lại trở về chữ lót là Phúc. Nhánh xuất từ Tổ Vũ Định, cụ sinh được 5 con trai, hình thành "ngũ chi", cha truyền con nối cho tới nay. Dụng ý của người xưa là gợi nhớ cho con cháu tìm về ngưồn; nên ngay từ khi đến lập ấp, việc đặt tên làng đã phảng phất những nét tương đồng với quê cũ; nhưng do hoàn cảnh lúc ấy nên không dám ghi rõ tông tổ.

Cũng có những nhánh họ Vũ - như nhánh ở Văn Canh, gần Nhổn, Hà Tãy - đổi sang họ Nguyễn từ cuối đời Nhà Mạc, hoặc họ Lều-Vũ ở Cao Bằng. Tất cả những trường hợp này đều do những biến cố lịch sử. Tình trạng đổi tộc tính này cũng phổ biến tại các tỉnh Miền Trung, nhưng phần đông lại đổi ngược trở lại tộc tính cũ khi trở về Miền Bắc vào những thời điẻm khác.

Tóm lại, với thời gian trải dài hơn 11 thế kỷ, và do sự khắc nghiệt của hoàn cảnh, như phải trải qua biết bao nỗi thăng trầm, thiên tai, biến động lịch sử, và lại phải trải qua gần nửa thế kỷ chống ngoại xâm, Pháp rồi đến Mỹ, nhũng hậu duệ họ Vũ đã thiên cư đi nhiều nơi, từ Bắc chí Nam; và một bộ phận nhỏ di tản ra nước ngoái, ở khắp các nước trên thế giới - Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Canada, Úc, ... Hiện nay có chi phái còn giữ được gia phả, nhưng phần dông các chi phái đã bị mất gia phả. Dó là một thực tế phổ biến; phần nhiều các chi, phái chỉ còn nhớ gốc tích qua truyền miệng, qua lời trăn trối của người xưa: " Nguyên Tổ Tiên mình là Vũ Hồn, quê gốc ở Tỉnh Đông, hay Hải Dương".

Sau ngày 30/4/1975 và sau ngày thống nhất đất nước, phong trào vấn tổ tìm tông, tìm về cội nguồn được dịp phát triển nhanh - cả bề rộng và chiều sâu. Từng nhánh họ Vũ, tùng gia đình họ Vũ đã nỗ lực tìm về cội nguồn để mong đáp ứng được những bức xúc tình cảm và tâm linh của nhiều thế hệ, nhất là của những người thuộc lứa tuổi "xưa nay hiếm ", kể cả những người trong dòng họ Vũ đang sinh sống ở nước ngoài. Điều hiển nhiên là tuy hoàn cảnh sống có khác nhau, nhưng tất cả mọi người đều có một điểm tương đồng: luôn hướng về tổ quốc, nhớ về quê hương, dòng họ, nơi chôn nhau cắt rốn, với mái đình xưa, cây đa, giếng nước, và những kỷ niệm không thể nào quên của thời thơ ấu.

Chính từ tình hình chung đó mà các chi nhánh xa gần của dòng họ Vũ phát triển từ Mộ Trạch ra đi, nay hàng năm đều có các đại biểu tìm về gốc cũ, nguồn cũ, mang theo những chứng từ còn lưu giữ được: gia phả viết bằng chũ Hán, chữ Nôm, hoặc đã được chuyển âm và phiên dịch ra chữ quốc ngữ; câu đối ở nhà thờ, kỷ vật duy nhất, vì gia phả đã mất từ lâu, hoặc những di ngôn truyền khẩu của ông-cha về nguồn gốc mình. Có một thực tại rất đáng quan tâm và vui mừng là, dù còn định cư tại quê tổ hay đã đi xa, con cháu các chi, phái đời nối đời vẫn giữ được truyền thống chung của dòng họ. Qua sợi dây huyết thống vô hình và thiêng liêng. sớm hay muộn các chi-phái-nhánh họ Vũ cũng sẽ quy tụ lại được trong một cộng đồng gia tộc đồng nhất. Đó chính là một đặc diểm riêng và cũng là niềm tư hào của dòng họ Vũ Hồn.

Cho đến nay, ban liên lạc Vũ-Võ tộc Hà Nội, trong hai năm 1995-1996 ,đã nhận được trên 60 bản gia phả của các nhánh dòng họ Vũ gửi về để yêu cầu đối chiếu, tìm hiểu, và xác định xem nhánh mình thuộc chi, phái nào, thuộc Tiền Ngũ Chi hay Hậu Ngũ Chi của Nguyên Tổ Vũ Hồn. Những nguyện vọng này rất đáng tôn trọng.

Trên cơ sở những văn bản đã nhận được, hoặc qua những trao đổi trực tiếp với đại diện các nhánh, Ban Liên Lạc xin giới thiệu tóm tắt các nhánh họ Vũ ở các địa phương để các nơi tham khảo và cung cấp bổ xung thêm các tư liệu mới, góp phần hoàn chỉnh cuốn phả của dòng họ.

1. Tại Xã Yên Trường, Chương Mỹ, Hà Tây. Nhánh này còn giữ được gia phả, trong đó ghi danh tính Tiến Sĩ Vũ Tính, thuộc phái Bính Mộ Trạch. Sau khi từ quan, Cụ về dạy học và lập nghiệp ơ đây..

2. Tại Thôn Lạc Tràng, Xã Lan Hạ, Duy Tiên, Nam Hà. Gia phả ghi rõ phát xuất từ Mộ Trạch (Nhánh hiện còn một cụ Tổ Bà).

3. Tại Làng Hoành Nha, Xã Giao Tiến, Huyện Xuân Thủy, Nam Hà. Gia phả phả của nhánh họ Vũ ở đây ghi chép được từ năm Tự Đúc thứ 7, Giáp Dần, 1854, kể từ Cụ Vũ Diên, thuộc dòng Vũ Hồn, đến nay khoảng 20 đời và gần 500 năm. Con gái họ Vũ có người làm dâu họ Bùi cũng là thế gia tên tuổi trong vùng.

4. Tại Thôn Trung Lao, Xã Trung Đồng, Huyện Nam Ninh, Nam hà, Khởi Tổ của nhánh họ Vũ này còn ghi phả được từ Cụ Vũ Quang Thanh, nguyên Tổng Đốc Kinh Bắc và Vũ Quang Nhạ (đời bốn), Nguyên Tổng Đốc Hải Dương, cháu là Vũ Thế Hùng. Cả 3 thế hệ đều nối đời về lễ tổ tại Làng Mộ Trạch hàng năm.

5. Tại Thôn Phượng xã Nam Dương, Nam Ninh, Nam Hà. Con cháu họ Vũ ở đây đến nay có tới 4000 nhân khẩu; ông-bà truyền khẩu là thuộc dòng Vũ Hồn, quê gốc Hảỉ Dương.

6. Cụ Vũ Văn Phúc về cư trú tại Minh Khai, Hà NộI, cách đây khoảng 200 năm; con cháu tính đến nay đã là 8-9 đời, nguyên quán Mộ Trạch.

7. Tại Thôn Bồng Hải, Xã Khánh Thiên, Huyện Tam Điệp, Ninh Bình. Bài vị thờ ở Từ Đường họ ghi rõ Thủy Tổ của chi là Tiến Sĩ Vũ Phúc Lương. Con cháu trong họ ở định cư, và có một bộ phận nhỏ định cư ở nước ngoài đều thịnh đạt. Xa xưa hậu duệ đều cử đại diện về lễ ngày sinh nhật Thủy Tổ Vũ Hồn. Nay còn đôi câu đối ở Từ Đường:

Mộ Trạch nguyên lai, hải ấp kim hoa, trường kính phát

Chi qua phái diễn, băng đình thanh phúc, thượng lưu dư

8. Tại Thôn Đông Cao, Xã Đông Cụu, Huyện Gia Lương, và Xã Mão Điền, Huyện Thuận Thành, Tỉnh Hà Bắc. Khởi Tổ là các Cụ Vũ Hán Bích, Vũ Cầu, về đây dậy học và lập nghiệp. Con cháu còn nối tiếp đến nay và đã về lễ Tổ, thăm quê nội nhiều lần.

9. Tại một thôn nhỏ ở ven Sông Cầu, Kinh Bắc. Họ Vũ nhập cư sớm, là một trong 6 họ - Vũ, Ngô, Trung, Hà, Hoàng, Trần - đến lập nghiệp từ năm 1545. Khởi đầu là Cụ Vũ Văn Các, Tri Phủ, rồi kế đến đời các Cụ Vũ Quang Diệu, Vũ Quang Huyên, Vũ Đình Can. Đến nay có tới 20 đời; con cháu đông và thành đạt trên mọi ngành: kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học kỹ thuật. Dòng họ này có nhiều tên đệm, lót, khác nhau: Vũ Văn, Vũ Đình, Vũ Quang, Vũ Tiến, Vũ Quốc, ... Những đời gần đây, 1-2 thế hệ , từ Đáp Cầu có người trong gia tộc di cư đến Bắc Thái, Hải Hưng, Hà Nội,... Có người định cư ở nước ngoài: Pháp, Canada...

10. Bên cạnh Đáp Cầu còn có nhánh họ Vũ Xuân tại Thị Xã Bắc Ninh (Khu 1, Phường Thị Cầu),.. qua nhiều đời nối tiếp đã có nhiều người đi lập cư ở những địa phương khác, và hầu hết đều phương trưởng.

11. Tại Hải Hậu,Nam Định, một vùng ven biển trù phú, là một trong số các huyện có đông con cháu họ Vũ đến sinh cơ lập nghiệp rất sớm, trước cả thời kỳ Nguyễn Công Trứ về khai hoang lấn biển. Khởi Tổ là Thái Học Sinh Vũ Hán Bi (tức Vũ Nông), làm quan Triều Trần, chức An Phủ Sứ Ái Châu. Sau đó Ngài từ quan để cùng hai tiến sĩ đồng triều, là khởi tổ của họ Phạm và họ Hoàng ( Phạm Công Vũ, Phạm Công Cập, Hoàng Công Gia), và 2 bạn đồng liêu khác đến Trấn Sơn Nam, Huyện Thiên Trường, Huyện Giao Thủy khẩn hoang được hơn một ngàn mẫu ruộng đất, lập ra Trường Đông Xã, gồm 3 thôn, 3 giáp, và 3 chợ. Tiếp dền có 5 họ khác - Lại, Đỗ, Bùi, Phạm, Đoàn - hợp quần khai hoang lập ấp. Riêng họ Vũ -chi đến trước, chi đến sau nối tiếp - dần dần lập cư tại 11-12 xã trong huyện, và hầu hết các chi đều có nhà thờ họ Vũ Tộc Đại Tôn hoặc Vũ Tộc Từ Đường, kèm theo bia đá, đại tự, câu đối; nhiều thôn, nhiều xã - như Hải Anh, Hải Hà, Hải Phúc, Hải Lộc, Hải Quang, Hải Thịnh, Hải Thanh, Trà Hạ, tất cả đều thuộc dòng họ Vũ Hồn - còn lưu giữ được gia phả. Những xã trên đều đã cử đại biểu về Mộ Trạch viếng mộ Thần Tổ và đối chiếu gia phả để tìm về chi-phái gốc của mình. Hậu duệ Vũ Tộc định cư tại các xã trên, rồi tiếp tục lan dần đến các huyện phía nam Tỉnh Nam Hà. Dòng họ Vũ ở đây đã có nhiều nhân tài về mọi mặt: Văn, võ, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội. Và hiện nay cũng có nhiều người tham gia chính quyền từ cấp xã đến trung ương. Họ Vũ Hải Hậu à một trong những họ lớn, có tên tuổi, và đã góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển Tỉnh Hà Nam về mọi mặt.

12. Tại Làng Kiêu Kỵ, Huyện Gia lâm, Thành Phố Hà Nội. Theo "Bác Ninh Tỉnh, Gia Lâm Huyện, Đại Tốn Tổng, Kiêu Kỵ Xã, Vũ Tộc, ất Phái, Gia Phả Tư " viết năm năm Duy tân thứ 8, do Vũ Bá Ngự phụng biên: Từ Tổ thứ 6 trở về trước không còn ghi chép được tên húy, nên chỉ ghi chỉ ghi được từ Tổ ngũ đại trở về sau. Hiển Cao Tổ Khảo đời thứ nhất là Vũ Quý Công, huý Nhuận, tự Danh Vọng, Thụ Kiên Kim Phủ Quân, sinh 1 trai là Vũ Danh Thuận, và một gái là Thị Điển (do bà chính thất Phạm Thị Hầu sinh ra, thứ thất là bà Vũ Thị Triển, hiệu Từ Đức Phu Nhân), Đời thừ 2: Vũ Quý Công, huý Xã, tự Danh Vân, hiệu Thừa Cẩn Phủ Quân... Cho đến nay là 8-9 đời nối tiếp.

Đặc biệt chi họVũ ở Kiêu Kỵ, đến đời thứ 9, sinh Vũ Nguyên Bác, bí danh là Nguyễn Sơn, cư trú tại thành phố Yên Ninh, Phường Quán Thành, học ở Trường Sư Phạm Hà Nội, tham gia Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, được cử đi học Trường Sĩ Quan Hoàng Phố, Trung Quốc. Năm 1925 tham gia Bát Lộ Quân. Năm 1946 Ông trở về nước hoat động và được phong Thiéu Tướng. Năm 1948, sau sáu năm hoạt động, Ông lại sang Trung Quốc và được nhà nước Trung Quốc phong tướng; như vậy, Ông là người Việt Nam gần như là duy nhất được hai nhà nước phong Lưỡng Quốc Tướng Quân. Ông là con Cụ Vũ Danh Xương.

13. Tại Làng Yên Đông, Xã Yên Hải, Huyện Yên Hương, Quảng Ninh. Họ Vũ di cư đến khẩn điền từ đời Lê Thái Tổ (1461). Gốc từ Làng Kim Liên, Huyện Thọ Xương, Phủ Hoài Đức, Thành Thăng Long, cùng thập lục Tiên Công về đây, quải đê lấn biển, lập ấp. Đến naycon cháu trải 18 đời, trong đó có 20 hậu duệ dòng họ Vũ này tham gia thi Hương trúng giám sinh và sinh đồ; hai người được vào học ở Quốc Tử Giám là Vũ Tam Tỉnh và Vũ Văn Lan.

14. Tại Làng Minh Đức, Xã Mỹ Lộc, Huyện Hầu Lộc, Tỉnh Thanh Hóa. Lập cư tại đây từ Khởi Tổ Vũ Sư Thước. Di tích còn lại là đôi câu đối tại nhà thờ:

Đường An, Mộ Trạch cố gia, lưỡng triều khoa hoạn;

Hà Thượng, Lục tiên di phái, lục thế nho y

15. Tại Làng Yên Thọ, Xã Phúc Yên, Huyện Thọ Xương, Tỉnh Thanh Hóa. Ông Vũ Văn Thanh đang viết gia phả về chi họ tại làng và tại Làng Vĩnh Tân, Huyện Thọ Lộc, Tỉnh Thanh Hóa. Ông Vũ Văn Luyện cũng đang soạn phả chi họ Vũ nhiều đời ở đây.

16. Tại Làng Thiên Trị, Xã Yên Mạc, Huyện Yên Mô, Ninh Bình. Tổ tiên họ Vũ về đây tạo dựng làng này khoảng thế kỷ 14 (1344). Ba đời liền đều có người do võ công được phong Tước Hầu; sau nhiều đời mới chuyển sang nghiệp văn vào năm 1755. Gia phả chép được từ Cụ Vũ Như Đàm thuộc dòng họ Vũ Hồn Mộ Trạch, không rõ đời thứ mấy (?); vợ họ Phạm, là con một vị Hương Cống, sinh Vũ Phạm Khải. Năm Đinh Mão (1807) niên hiệu Gia Long, Cụ Vũ Phạm Khải làm Hàn Lâm Viện Thị Giảng Học Sĩ. Cụ là một văn thần yêu nước, là một ông quan tốt theo chuẩn mức Nho Giáo, là một nhà sử học đầy trách nhiệm. Con cháu còn nối đời đến ngày nay, hơn 30 thế hệ với khoảng 700 năm. Năm ất Dậu (1825) chi họ lập từ đường họ; tiết Đông Chí tế Thủy Tổ, tiết Xuân Lập tế Tiên Tổ. Đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên với truyền thống dòng họ Vũ ở Mộ Trạch (theo ý kiến của Cụ Vũ Trọng Kính, 77 tuổi, hậu duệ Vũ Tộc Yên Mô cư trú tại Hà Nội).

17. Tại Làng Cự Đà, Xã Cự Khê, Huyện Thanh Oai, Tỉnh Hà Tây. Phả Ký viết thời Tự Đức, Bính Tý (1876) : Đông Giáp Vũ Tộc Phả Ký. Tộc Trưởng là Vũ Văn Thịnh, hiện giữ Phả Ký nguyên bản. Phả ký không nói rõ từ đâu đến ( vì dấu tông tích), nhưng ghi đời thứ nhất là Vũ Phúc Thụ; vợ là Trịnh Thị, hiệu Từ Thiên, sinh một trai là Vũ Phúc Tân; vợ là Đinh Thi Hiệu, hiệu Từ Chính, người Chu Xã Thôn, Xã Tả Thanh Oai, sinh 6 trai : Vũ Phúc Mãn, Tín, Thường, Trị, Lý; đời nối đời đến nay. Năm 1995, 1996 những hậu duệ Vũ Tộc Cự Đà và Thành Phố Hồ Chí Minh, Ông Vũ Hiệp, đã về Mộ Trạch lễ Tổ. Ông Hiệp hiện ở Thành Phố Hồ Chí Minh và cũng đang biên soạn tập Lịch Sử Họ Vũ.

18. Tại Thôn Thanh Bồ, Xã Lưu Hoàng, Huyện Ưng Hòa, Tỉnh Hà Tây. Theo Cụ Tổ truyền lại: " Gốc tổ là Vũ Hồn, ở thôn Mộ Trạch, Hải Dương". Giữa thế kỷ thứ 18, có hai anh em ruột, người anh là Vũ Đức Thịnh đỗ Hương Tiến về Thanh Bồ mở trường dậy học, lấy bà Lã Thi Nhân; người em tên là Xồ, không thấy phả ghi vợ, con, có sắc phong " Cường Dũng Đại Tướng Quân", húy Xồ. Riêng người anh sinh 5 con trai, là Vũ Hữu Trí, Thanh, Cung, Kính, Châu; từ đó bắt đầu chia thành 5 chi : Giáp, ất, Bính, Đinh, Mậu; Con cháu các chi đông đảo, phát đạt. Nhà thờ còn đôi câu đối:

Thuở trước ở Hải Dương, bao đời hào hiệp quê hương gốc;

Đời nay về Sông Hát, Thanh bạch đức nhân giữ nếp nhà.

19. Tại Làng Hòa Xá, Huyện Ứng Hòa, Tỉnh Hà Tây. Gia phả chỉ viết được từ 1886, nhưng không ghi rõ nguồn gốc từ đâu đến, chỉ ghi so lược rằng Khởi Tổ là Cụ Vũ Quý Công, húy Vũ Công Chiến, Đô Đóc Quận Công. Con cháu dòng họ Vũ ở Hoà Xá sinh cơ, lập nghiệp ở 70 thôn trong số 122 thôn thuộc Huyện Ứng Hòa (theo tư liệu của Ông Vũ Văn Tước, nguyên Bí Thư Đảng œy Xã Hòa Xá và nguyên Bí Thư Huyện œy Huyện Ứng Hòa).

20. Tại Làng Vọng Doanh, Xã Cổ Lễ, Huyện Nam Ninh, Nam Định. Gia phả họ ghi: " Tổ Vũ Công, tụ là Tính, dòng họ Vũ Mộ Trạch, Hải Dương; di cư đến ở Thiên Bản, Hồ Sơn, Vụ Bản, Nam Định; sinh ra Vũ Thư, tự Phúc Khang vào đời Thần Tôn, Triều Lê, niên hiệu Thịnh Đức thứ 3, ất Vị (1655). Cụ Thư sinh ra Vũ Phúc Đức, Phúc Thiện, Phúc Phục. Và Cụ Thư đã cùng Tổ các họ Bùi và Nguyễn về khai hoang, lập ấp Vọng Doanh. Đến đời thứ 11, các Cụ Vũ Qúy Công, Vũ Bá Lân di cư xuống Hải Hậu lấn biển, lập Làng Đoan Châu, Xã Hải Đông, Hải Hậu". (theo tư liệu của Ông Vũ Huy Bưu, cháu đời thứ 15 họ Vũ ở Vọng Doanh, Cổ Lễ, Nam Định).

21. Tại Làng Vĩnh Chụ, Xã Công Xá, Huyện Lý Nhân, Tỉnh Nam Hà. Gia phả ghi: "Có một người họ Vũ ở Mộ Trạch, Tổng Tuyển Cử, Phủ Bình Giảng, tới đây lập nghiệp ( Làng Tây Lạc, Tổng Sa Lung, Huyện Nam Trực, Nam Định). Qua 9 đời, một số con cháu chuyển sang Làng Vĩnh Chụ, Tổng Công Xá, Phủ Lý Nhân, Hà Nam" (năm 1937 có tới 200 xuất đinh và khoảng 800 nhân khẩu).

22. Tại Làng Hương Khê, Xã Tràng Cát, Huyện An Hải, Hải Phòng. Phả ghi: Có hai anh em Vũ Đình Kế, Vũ Đình Cận thuộc chi nhánh họ Vũ ở Bắc Ninh xuống lập nghiệp ở đây và tham gia đánh giặc cứu nước; vì một lý do riêng đã đổi chữ đệm từ Vũ Đình sang Vũ Văn.

23. Tại Hàng Kênh, Thành Phố Hải Phòng. Họ Vũ từ Làng Đông Ninh, Xã Tiến Ninh, Huyện Tiên Lãng, đến nhập cư, lập nghiệp đã qua 300 năm, trải 16 đời. Khởi Tổ từ các Cụ Vũ Lê Phong, Vũ Phúc Điền, Vũ Đức Hồng, Vũ Kim Lăng, Vũ Kim Trạch, Vũ Nhất Lang, Vũ văn Khởi. Con cháu đông, sáng danh. Mấy năm gần đây, Bác Sĩ Vũ Ngọc Lung cùng anh em trong họ tổ chức về Mộ Trạch dự ngày húy nhật Cụ Nguyên Tổ, Thành Hoàng (Theo tài liệu " Họ Vũ Từ Một Vành Nôi ", Hải Phòng, 1994).

24. Tại Làng Minh Tân, Huyện Thủy Nguyên. Chi họ Vũ ở đây đều là con cháu Đông Giang Hầu, Tả Tướng Quân, quê hương thứ 2 của Cụ Vũ Nạp (tức Vũ Đại), Phó Tướng của Hoàng Tôn Trần Quốc Bảo, thời Trần Nhân Tông. Con cháu họ Vũ ở đia phương hàng năm họp mặt vào ngày giỗ tổ để cùng lưu truyền "Phúc Thần Vũ Công Phả Ký", được viết vào năm Hồng Đức thứ 9 (1473), do Cụ Đông Các Đại Học Sĩ Nguyễn Bính soạn và Quản Giám Bách Thần, Hùng Lĩnh Thiếu Khanh Nguyễn Hiền sao lại vào năm Vĩnh Tộ thứ 3 (1621).

25. Tại Làng Phương Lâu, Xã Ngọc Thanh, Huyện Kim Đông, Hải Hưng. Họ Vũ ở đây bị mất gia phả vì làng hay bị sụt lở, nên dân làng nhiều lần bị phân tán đi những nơi khác, như Phủ Lý, Nam Hà, Thái Bình, Hà Nội, Việt trì. Con cháu chỉ nghe truyền lại rằng dòng họ Vũ của họ nguyên gốc ở Hải Dương. Đến nay con cháu chỉ biết tên Cụ Khai Tổ là Vũ Văn Luân, em của Cụ Phó Bảng Vũ Văn Thuận (theo lời kể của Ông Vũ Minh Phương ở Quân 13, Ô Quan Chưởng, Hàng Chiếu, Hà Nội).

26. Tại Làng Đoàn Xá, Xã Hồng Phong, Huyện Đông Triều, Quảng Ninh. Theo Bia đá lập tại nhà thờ họ Vũ vào năm 1889, chi nhánh họ Vũ này đã từ Bắc Giang đến lập nghiệp ở Đông Triều. Khởi Tổ, đời 1, là Cụ Vũ Đình Liêm, Quận Công; Tổ đời 2 là Cụ Vũ Đình Thắng; và con cháu nối tiếp cho đến nay được 15 đời, với nhiều tên đệm khác nhau - Vũ Đình, Vũ Văn, Vũ Chí, Vũ Ngô, Vũ Bạch, ... - và đời nào cũng có người nổi danh; làng xã gọi họ Vũ là họ Cả. Năm Đinh Hợi (1887), đời Đồng Khánh, các Cụ Vũ Văn Tạo, Vũ Văn Khoán, Vũ Văn Cư đã hợp sức cùng cả họ làm lại từ đường. Mấy năm gần đây, di miêu của dòng họ Vũ Làng Đoàn Xá như Bác Sỉ Vũ Văn Sinh (đại tá) và Ông Vũ Văn Nha đã về Mộ Trạch dự ngày lễ Tổ, mồng 8 tháng Giêng âm lịch.

27. Tại Làng Tiên Cầu, Xã Hiệp Cường, Huyện Kim Thị, Tỉnh Hải Hưng. Theo lời truyền tụng lại của tiền nhân, " Ông Tổ từ Mộ Trạch sang Tiên Cầu. Khởi Tổ là Vũ Đình Chác; đến nay đã hơn 10 đời. Nhà thờ họ còn đôi câu đối:

Vũ công Tướng Quốc, Vương phong tặng;

Thiên Thu hương hỏa, thập dư dân.

(theo tài liệu của Ông Vũ Hoàng Đăng, có kèm theo bản gia phả bằng chữ nho).

28. Tại Làng Phương Để, Xã Định Hương, Huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Ông Tổ đời thứ nhát là Vũ Châu Tâm, nguyên quán là Làng La Xá, Thanh Lâm, Hải Dương, thiên cư vào Xã Phương Để, Huyện Châu Minh, Nam Định, khi ấy còn là bãi biển; lập ra 4 thôn : Cư Trừ, Như Nương, Phú Ninh, Cổ Chất; và cùng với 3 họ bạn - Bùi, Nguyễn, Phạm - lập nghiệp. Kế đến Tổ Vũ Viết Từ, tên chữ là Vũ Chí Đõo, Thụy là Tĩnh Hòa Tiên Sinh, đậu hai khoa Tú Tài, vợ là Nguyễn Chí Thi, hiệu Diệu Đức; sinh được 4 con trai : Vũ Khải, Vũ Tiệp, Vũ Hoằng, Vũ Kiều. Vũ Kiều đậu Cử Nhân, sinh ra Vũ Đôn và Vũ Tảo. Con cháu truyền đến nay được khoảng 20 đời. Họ Vũ Làng Phương Để còn có một chi nhánh ở Làng Lê Xá, Huyện Gia Viễn. (Hậu duệ Vũ Xuân Quế và Vũ Xuân Nùng còn lưu giữ nguyên bản phả ký).

29. Tại Xã Tân Phương, Huyện Tiên Lữ, Phù Tiên, Hải Hưng. Gia phả bị mất. Hậu duệ Vũ Văn Chuyên chỉ còn nhớ rằng ông nội, là Cụ Vũ Duy Trinh (làm Bang Tá), truyền lại rằng Tổ xưa ở Đường An, Hải Dương, dòng họ Vũ Hồn. (theo lời kể của Tiến Sĩ Vũ Văn Chuyên, nhà giáo nhân dân, giáo sư Đại Học Y-Dược).

30. Tại Làng Khương Thượng, Quân Đóng Đa, Hà Nội. Khởi Tổ là Cụ Vũ Viết Nhương từ Thanh-Nghệ ra Khương Thượng làm Tổng Đóc Chính Sự từ năm 1753 đến năm 1773, đã cùng em là Vũ Văn Kim công đức xây Chùa Bộc. Con cháu đều thành đạt; đến nay đã được 10 đời. Năm 1995, con cháu đã về nhận họ ở Mộ Trạch.

31. Tại Làng Yên Thái ( Làng Bưởi), Huyện Quảng Đức, Thành Thăng Long - nay là Đường Thụy Khê, Quận Tây Hồ, Thành Phố Hà Nội. Họ Vũ lập nghiệp ở đây từ khi các Ông Vũ Duy và Vũ Đình từ Phong Châu, Bạch Hạc, Vĩnh Phú xuống mhập cư. Khởi Tổ là Cụ Vũ Phục, dòng Vũ Hồn ở Mộ Trạch.

+ Nhánh Vũ Đình: Phả của nhánh chép được từ Cụ Vũ Đình Nhị (đời 1), Vũ Ngọc mai (đời 2), đến nay là đời thứ 5 (phả chi ghi được ngũ đại trở xuống, có sơ đồ đính kèm, tư liệu này do Ông Vũ Đình Xuyên thủ giữ).

+ Nhánh Vũ Duy: Phả của Nhánh ghi, " Họ Vũ ta từ 9 đời là Cụ Đoan Phủ, làm Thượng Thư; về các đời trước thì không ghi được".

Trong Bách Thần Thư Lục có đoạn ghi, "Vị Phúc Thần Làng Yên Thái sống vào đời Trần Anh Tôn (1287), tên là Vũ Phục, tức là Phúc Thiên Vị. Phu nhân là con gái Làng bảo Tháp, nọ Đỗ. Vũ Phục cùng Anh là Vũ Nạp cầm quân đánh giặc Nguyên, tử trận. Ngài được phong Phúc Thần. Phu Nhân tuẫn tiết theo Ngài tại Sông Tô Lịch. Sau này con cháu từ Phong Châu di cư xuống Làng An Thái để thờ phụng, đến nay đã hơn 20 đời, trong đó có người đỗ đại khoa.

32. Tại Làng Xuân Phương, Huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ông Tổ của từ đường Vũ Tộc Xuân Phương nhập cư vào khoảng Khải Định Ngũ niên. Gia phả tiểu chi được viết lại vào năm 1968-1975. Trong gia phả ghi rõ là con cháu của Nguyên Tổ Vũ Hồn, phát tích từ Mộ Trạch, Hải Hưng. Con cháu họ Vũ ở Xuân Phương phân tán đi lập nghiệp ở nhiều nơi và đóng góp tích cực cho đất nước và vẫn giữ được truyền thống của dòng họ, Đặc biệt là đức tính "Nhân-Trí-Bất Khuất" (theo lời phát biểu trong buổi đến nhận họ tại Ban Liên Lạc Vũ Tộc của Cụ Vũ Đình Thông, 75 tuổi, bí danh là Trần Quan Lê, nguyên quán Xuân Phương, vào Miền Nam công tác từ năm 1948, hiện nay là thẩm phán nhân dân Toà Án Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh, được chính phủ cấp bằng khen về xử án nghiêm minh, và bạn bè tặng danh hiệu "Bao Công Việt Nam".

33. Tại Làng Phú Khê, Xã Thái Học, Huyện Cẩm Bình, Hải Hưng. Cụ Cao Tổ là Vũ Pháp Dụng, hiệu là Huệ Trí. Cụ được coi là Khai Tổ dòng họ Vũ tại Phú Khê vì gia phả không ghi được các Tổ bâc trên cụ. Sau đó dònghọ lại chia ra nhiều nhánh, ngành, qua hơn 10 đời với nhiều chữ lót khác nhau, như Vũ Như, Vũ Xuân, Vũ Bỉnh, Vũ Trung, Vũ Kim, Vũ Pháp,... Và có nhiều hậu duệ đã di cư đến nhièu địa phương do sự phát đạt của chi họ.

34. Tại Làng Hải Bối, Huyện Đông Anh, Hà Nội. Từ Khởi Tổ Vũ Công Tể, cháu 7 đời của Hoàng Giáp Vũ Hữu, con cháu đã nhiều lần về Mộ Trạch. — Hải Bối còn có nhà thờ họ và gia phả (năm 1994 các Ông Vũ Quốc Việt và Vũ Thúy đã về nhà trưởng tôc dể nghiên cứu).

35. Tại Làng Phe, Xã Gia Hòa, Huyện Từ Lộc, Hải Hưng. Họ Vũ tại đây phát xuất từ Phái Đinh, họ Vũ Mộ Trạch. Đến nay dòng họ đã chia ra 5 chi, và đã trải qua 10 đời. Khởi Tổ về Gia Hòa từ các Cụ Vũ Huy Diệu, Vũ Xuân Thời. Hiện nay còn nhà thờ với 4 Đại Tự " NGà V DUY DƯƠNG", và câu đối di huấn của người xưa:

Thượng Thư, Tiến Sĩ Ngã tộc kỷ bách niên

Hiếu tử, tù tôn, nhân gian đệ nhất đẳng.

36. Tại Làng Quan Tinh, Giang Biền, Gia Lâm. Họ Vũ Làng Quan Tinh phát tích từ dòng họ Vũ Mộ Trạch. Tiên Tổ về đây dậy học rồi nhập cư; hiện có hai nhánh Vũ Duy và Vũ Đình. Con cháu của cả hai nhánh đã về Mộ TRạch dự lễ Tổ ngày 8 tháng Giêng âm lịch.

37. Tại Làng Lương Ngọc, Xã Thúc Kháng, Huyện Cẩm Bình, Hải Hưng. Làng Lương Ngọc xưa lần lượt có tên là Thôn Bông, Làng Hoa Đường, Làng Lương Ngọc. Họ Vũ ở Lương Ngọc có các chi nhánh phái Vũ Tông và Vũ Đình và phân thành 5 chi nam và 1 chi nữ: Vũ Huy, Vũ Văn, Vũ Tá, ...

Chi Vũ Tông: Khởi đầu từ Cụ Phan Thúc Lương - Cụ bà hiệu là Từ Ân; tiếp đến Cụ Khanh Diễn Công - Cụ Bà là Vũ Thị Hiếu, hiệu Từ Y; Tổ đời thứ 6 là Cụ Phúc Tâm Công, còn gọi là Cụ Đồ Văn hoặc Cụ Đồ Giầu, tự là Đức Hạnh; đổi sang họ mẹ, tức họ Vũ vào cuối thế kỷ 16 với các các chữ lót Vũ Tông, Vũ Đính, Vũ Hữu. Gia phả - viết năm Thành Thái 1907, còn lưu giữ được - ghi là thuộc Phái Ất.

Hồi ký của Cụ Vũ Đình Hoè - nguyên Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Tư Pháp (VNDCCH), cháu đời thứ 6 của Tiến Sĩ Vũ Tông Phan - nơi trang III ghi:

"Tôi sinh ngày 1, tháng 6, 1912 tại làng Đo Lô, Huyện Thanh Oai, Tỉnh Hà Đông. Bố là Ông đồ nho (đã vào tới tam trường), dạy học ở Làng Mậu Hoà, Huyện Đan Phượng, Tỉnh Hà Đông; mẹ dệt vải; bố là cháu 5 đời Cụ Vũ Tông Phan, Đốc Học Bắc Ninh,  thời Vua Thiệu Trị. Thời Vua Tự Đúc, Cụ xin nghỉ, về mở trường dạy học bên Hồ Gươm, Trường Kiếm Hồ, Thôn Tư Giáp, Thăng Long.Gốc làng Lương Ngọc, Phủ Bình Giảng, Tỉnh Hải Dương, dòng dõi Cụ Thủy Tổ Vũ Hồn."

Chi Vũ Tá: Gia phả chỉ ghi lại được từ Ngũ Đại Tổ Vũ Xuân Tá, xuất từ Đại Tổ Vũ Tá Cảnh ở Làng Lương Ngọc; tại đay hiện còn trưởng tộc Vũ Tá Mau. Con cháu Chi Vũ Tá đã đi lập nghiệp ở nhiều nơi: Thanh Hà (Hà Tĩnh), Thanh Chương (Nghệ An). Chi Vũ tá cũng có nhiều võ tướng tên tuổi : Vũ Tá Hổ, Vũ Tá Sắt, v.v.

Chi Vũ Huy hay Vũ Đình: Khởi Tổ là Cụ Vũ Đình Lân (đời thứ 1), Vũ Đình Pháp (đời thứ 2). Đến đời thứ 5, chữ đệm Đình đổi là Huy, và đại bộ phận di cư sang vùng Thổ Hà (Khối ?), Bắc Ninh; và một bộ phận vào lập nghiệp ở Thành Phố Hồ Chí Minh. Đến nay là đời thứ 6-7, và hiện phân làm 8 nhánh.

Lương Ngọc - Hoa Đường là nơi nổi tiếng văn vật, đã sản xuất ra nhiều văn quan, võ tướng (9 tiến sĩ, trong đó 6 vị thuộc về họ Vũ). Trong thời gian Nhà Nguyễn, được người đời ca tụng là địa danh nổi tiếng: Đông Hoa Đường, Nam Hành Thiện.

38. Tại Làng Gia Phù, Huyện Gia Viễn, Tỉnh Ninh Bình. Khởi Tổ là Cụ Vũ Cầm, Án Sát Phó Sứ. Cụ từ quan , về mở trường dậy học, làm lang y và lập nghiệp tại đây.

39. Tại Làng Vị Hoàng, Huyện Mỹ Lộc, Tỉnh Nam Định. Khởi Tổ là Tiến Sĩ Vũ Công Độ, hậu duệ dòng họ Vũ Mộ Trạch (theo tư liệu của Ông Vũ Sửu. Ông Sửu đã hai lần về Mộ Trạch).

40. Tại Làng Tàm, Thành Phố Hà Nội. Chi họ Vũ ở đây gốc ở Mộ Trạch. Gia phả chỉ ghi được từ Cụ Vũ Như Chương; tiếp đến là Vũ Hoài Chân, Vũ Đăng Thuận, Vũ Đắc, Vũ Đỗ Long, Vũ Đỗ Thìn, Vũ huy Hồn. Gia phả không ghi là thuộc chi-phái nào (theo tài liệu của Ông Vũ Gia Luân, Làng Tàm).

41. Tại Làng Mao Điền (Ghè) và Thanh Xá, Mỹ Vân, Tỉnh Hải Hưng. Họ Vũ ở đây bắt nguồn từ Cụ Hương Cống Vũ Bất Lại. Ông nội là Tể Tướng Vũ Duy Chí thuộc Chi 3, Hậu Ngũ Chi, dòng họ Vũ Mộ Trạch; cha là Tiến Sĩ Vũ Duy Hài, hiệu là Am Liêu,làm Tham Nghị, Sơn Nam, rồi dược thăng Liệt Đại Phu Thông Chính Sứ, được phong Tam Trạch Nam. Chính thất là Vũ thị Vấn, con Cụ Vũ Minh Tá, sinh ra Vũ Duy Cung, Vũ Thị Thái (lấy Vũ Công Tín thuộc Phái Đinh), Vũ Thị Đôn (lấy Vũ Trác Việt thuộc Phái ất. Kế thất là Phạm Thị Tiến - con Cụ Tham Chính Sơn Nam; mẹ là Công Chúa Trịnh Thị Ngọc Dung, Ông là Tiến Sĩ Phạm Công Trứ, Thượng Thư Bộ Công, người xứ Liêu Xuyên, Huyện Đường Hòa - sinh ra Vũ Duy Am, Vũ Duy Trác, Vũ Duy Hàm, Vũ Thị Uyên; tất cả đều lập nghiệp ở quê mẹ. Gia phả không ghi rõ thuộc chi nhánh nào. Từ đường di cư vào Thanh, Nghệ, và sau lại trở ra Bắc - có lẽ cùng thời Nguyễn Công Trứ. Hiện nay phả chỉ ghi tiếp được từ Tiên Tổ Vũ Tá Hỗ, Vũ Tá Bình, Vũ Trọng Khang, Vũ Trọng Kiều; dòng này họp thành chi và có đông con cháu; nhiều người có trình độ dại học và trên đại học, trong đó có Luật sư Vũ Qúy Vỹ, Chủ Tịch Ban Liên Lạc Vũ Tộc, và Kỹ Sư Vũ Mạnh Hà, Tổng Thư Ký Ban Liên Lạc Vũ Tộc Hà Nội. Gia đình Kỹ Sư Vũ Mạnh Hà đã công đức xây dựng toàn bộ Nhà Khách Vũ Tộc trong khu Miếu Thờ Thần Hoàng, Thủy Tổ Vũ Hồn ở Mộ Trạch (năm Qúy Dậu, 1993)

42. Tại Làng Lũy, Xã Cẩm Diền, Huyện Thuận Thành, Tỉnh Hà Bắc. Khởi Tổ là Cụ Vũ Kỳ, thuộc Chi 3, nhà thờ Hiển Đức; Cụ về Làng Lũy nhập cư và dậy học. Con cháu truyền đòi đến nay (theo tài liệu của Ông Vũ Đăng Can, Xóm Lũy, Thôn Cẩm Điền).

43. Tại Xã Quế Tân, Huyện Quế Võ, Tỉnh Hà Bắc. Gia phả bị mất. Cha-ông truyền lại rằng Cụ Khởi Tổ Vũ Cường thuộc dòng họ Vũ Hồn, Huyện Đường An, về đây dậy học và lập nghiệp, đến nay đã được 15 đời (tài liệu của Ông Vũ Lê, hiện ở Hà Nội).

44. Tại Xã Xuân Dục, Làng Xuân Đào, Huyện Mỹ Vân, Tỉnh Hải Hưng. Gia phả hiện nay chỉ ghi chép được những lời truyền tụng: Khởi Tổ vố dòng Vũ Hồn, phát tích từ Mộ Trạch về Xuân Dục dậy học và lập nghiệp. Đến đời Cụ Vũ Duy Viên sinh được 4 con trai và hình thành 4 chi: Chi 1: Vũ Duy Quốc; Chi 2: Vũ Duy Tốn; Chi 3: Vũ Duy Hoè; Chi 4: Vũ Duy Bách. Chi nào cũng đông con cháu và thành đạt (theo tư liệu của Đại Tá Vũ Duy Tráng và Ông Vũ Duy Tiêu).

45. Tại Làng Đa Căng, Xã Vạn Hòa, Huyện Nông Cống, Tỉnh Thanh Hóa.Tộc phả họ Vũ ở Thanh Hóa ghi ở trang đầu như sau:

Ông Cha sắp đặt cong lao trước;

Con cháu trông nom chắp nối sau.

Ông Tổ lập nghiệp ở Thanh Hóa là Cụ Vũ Uy, được mang quốc tính là Lê Uy. Cụ lá một trong 18 danh tướng tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Son chống quân Minh (1417-1427), và cũng là 1 trong 18 người tham gia "Hội Thề Lũng Nhai " cùng với Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi, ...

Cụ Vũ Uy sinh năm Tân Dậu (1390) và mất ngày 16, tháng 2, năm Quí Dậu, là di miêu củ Nguyên Tổ Vũ Hồn. Cụ cũng là Cao Tổ của 47 trang ấp xưa của 11 trong số 17 huyện thuôc Tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay bia mộ Cụ còn Tại Đa Căng, Xã Vạn Hòa, Huyện Nông Cống. Nhà thờ dòng họ còn lư giữ được 6 đạo Sắc Chỉ và 4 đạo Thánh Chỉ (theo tài liệu và thuật sự của Cụ Vũ Duy Chức, 75 tuổi. Khi ra Hà Nội năm 1992, Cụ đã cung cấp gia phả cho quý Ông Vũ Khiêu và Vũ Thúy).

46. Tại Làng Đoài, Thành Nội, Huế (?). Tổ thứ nhất của nhánh là Cụ Vũ Quý Công, chức Chánh Đội Trưởng, tước Uy Hùng Bá. Bia ghi chiến công của Cụ còn tại Làng Đoài, Thành Nội. Cụ là miêu duệ lưu lạc của Cụ Thế Tổ thứ nhất của dòng họ Vũ tại Xứ Đông Hải, Quận Thái Nguyên, nay là Tỉnh Hải Dương. Cụ Thế Tổ vì lánh nạn binh đao đã về định cư tại Thôn Đông, Giáp Đường Quan, Xã Thanh Viên, Diễn Châu, Và mất tại đây. Con Cụ Thế Tổ là Vũ Thái, đỗ Cử Nhân, di cư về Giáp Trung Thi, Thôn Trung. Đến đời Vũ Tướng Công, Doãn Dũng Hầu, Thượng Thư Bộ Binh, về trí sĩ ở Làng Nhân Phúc (cạnh Làng Sơn Hải), Huyện Quỳnh Lưu , cùng thời với Nguyễn Thi Huy, đầu thế kỷ 16, và các đời sau của nhánh này không còn liên lạc được với dóng họ ở quê cụ nữa. Con cháu của Cụ Thế Tổ đến nay đã truyền lưu được 23 đời. Miêu duệ Vũ Khắc Lãng hiện định cư ở Làng Phúc Nhân tức Quỳnh Thọ và Vũ Xuân Sinh ở Quỳnh Sơn, nay là Sơn Hải, Huyện Qùynh Lưu, Nghệ An; Ông Vũ Xuân Sinh hiện cư trú tại nhà số 84 Bà Triệu, Hà Nội.

47. Tại Làng Nghi Công, Nghi Lộc, Nghệ An. Nhánh họ Vũ tài đây xuất từ Phái Mậu dòng họ Vũ Mộ Trạch, nhà thờ Diên Nhánh Đường. Cụ Tổ đời 1 là Vũ Quóc Trung ; Tổ đời 2 là Vũ Du, tức Vũ Đăng Du, làm quan đến chức Kinh Bắc Sứ, Hiến Sát Phó Sứ, Lễ Bộ Thương Thư, đưọc phong Tước Vĩnh Bảo Lộc Quận Công; Tổ đời 6 là Tiến Sĩ Vũ Đăng Long; Tổ đời 10 là Vũ bá Thông vào lập nghiệp tại Làng Nghi Công. Con cháu hiện nay, đời thứ 20, rất đông, đều phát đạt và thịnh vượng.

48. Tại Làng Thiên Lộc, Huyện Can Lộc. Dòng họ Vũ tại đây phát tích từ Chi 2, Hậu Ngũ Chi, nhà thờ Thế Khoa Đường, nổi danh là Tam Đại Tiến Sĩ. Khởi Tổ là Vũ Bạt Tụy ( đời 9, chi 2). Đời 13, Vũ Duy Uyên, tức cháu 4 đời Cụ Vũ Bạt Tụy, con Cụ Vũ Duy Minh (chi 2, đời 12), vào định cư, lập nghiệp ở Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, đến nay đã 300 năm, và truyền nối dược 14-15 đời. Con cháu có nhièu người thành đạt, cả về văn lẫn võ - như Võ Minh Gia, Cẩm Y Vệ, Đô Chỉ Huy Sứ, Tư Đồ Chỉ Huy Sứ; Võ Minh Tâm, đỗ tam trường, làmTri Phủ, Phủ Diễn Châu - và đời nối đời phát huy truyền thống của dòng họ.

49. Tại Làng Hạ Hoàng, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Chi họ phát tích từ Cụ Vũ Tá Xuân, Làng Bông còn gọi là Ứng Hoà Đường và nay là Lương Ngọc, Xã Thúc Kháng, quê hương của danh nhân Phạm Ngũ Lão và Phạm Quý Thích. Cũng như các chi Vũ Đình, Vũ Tông, Vũ Huy, ở Làng Lương Ngọc, chi này phát tích từ dòng Vũ Hồn. Khoảng cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16, Tổ của chi thiên cư vào phía nam để lập nghiệp - lúc đầu ở Làng Bình Lãng, Huyện Thiên Lộc (Can Lộc), sau lại chuyển ra Làng Tràng Học, Xã hạ Hoàng, Huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Các con trai của Cụ Khởi Tổ là Võ Mỹ, Võ Cung, Võ Nhạc. Chi Vũ Tá có nhiều võ tướng thời Lê-Trịnh (1550-1600), nổi danh như Vũ Tá Sắt, Vũ tá Quân, Vũ Tá Đoan, Vũ Tá Kiên, Vũ Tá Liễn. Các vị này đã cùng Lê Lệ, Nguyễn Trọng Thân và Quốc Thích Trương Khương lên Kinh Bắc chặn đánh Nguyễn Hữu Cầu. Hiện nay tại Xã Phong Thịnh, Huyện Thanh Chương, Nghệ An, và các xã cùng huyện còn có từ đường thờ Cụ Vũ Tá Đức. Nhà thờ họ có câu đối:

Phát tự Bắc Phương Hạ Hoàng, thiên thu bất tận

Hành tuệ Nam hương, Mộ Trạch vạn kỷ trường Linh

Tuy gia phả chép lại gần đây có lúc ghi phát tích từ Ứng Hoà Đường hay xuất xứ từ Hạ Hoàng, nhưng cả hai cách ghi đều đúng

Năm 1934 Cử Nhân Vũ Văn Tố không ra làm quan, chỉ làm thày thuốc chữa bệnh cho dân, và năm 1943 Ông Võ Chuẩn, người Huyện Duy Xuyên, Quảng Nam ra làm Tổng Đốc Nghệ An, đều nói rằng các Ông thuộc dòng họ Vũ ở Huyện Đường Hào, Hưng Yên ( theo tư liệu gia phả họ Vũ Tá ở Lương Ngọc và tư liệu của Bác Sĩ Vũ Tá Liêu, quê Thạch Hà, hiện cư trú tại khu Hai Bà Trưng, Thành Phố Hồ Chí Minh)

50. Tại Làng Hà Mát, Xã Văn Lộc, Huyện Hậu Lộc, Tỉnh Thanh Hóa. Gia phả ghi gốc xưa ở Huyện Kim Thành, Tỉnh Hải Dương, Xã Đoan Tràng; Khỏi tổ là Cụ Vũ Qúy Công, húy là Lôc, lấy Bà Hoàng Thị, gọi là Ngọc Trâm, sinh được hai trai, Vũ Đình Thận, và (?) ra giúp nước thời vua Thuận Thiên Lê Lợi (Lê Thái Tổ) và đều được phong tước Công, Hầu. Con cháu còn truyền nối đến nay là đời thứ 15-16 (theo tư liệu của Ông Vũ Sương ở khu tập thể mãi dịch, Huyện Từ Liêm, Hà Nội.

51. Tại Làng Thương Phúc, Xã Xuân Thương, Huyện Xuân Trường, Nam Định. Theo truyền khẩu của ông bà, Nhánh họ Vũ Làng Thương Phúc phát tích từ dòng họ Vũ Hồn; phả bị mất (Bà Vũ Thị Mai trao đổi trực tiếp theo lời dặn của Cụ Vũ văn Phúc).

52. Tại Làng Phương Phương, Huyện Hương Điền, Thừa Thiên.

53. Tại Làng Nam Phổ, Phúc Vang Thừa Thiên, Huế. Dòng họ Vũ (Võ) có 5 chi lớn. Phả chép thời Lê Thánh Tôn (1450). Cụ Tổ đời 1 là Võ tá Nghiêm phát tích từ dòng họ Vũ ở Nghi Lộc, Nghệ An. Cụ có nhiều tích trong thời kỳ Lê-Trịnh-Nguyễn phân tranh.Con cháu dòng họ này thành đạt (tài liệu do Ông Vũ Tá Hỷ, chuyên viên Sở Tư Pháp Hà Nội cung cấp và sưu tầm chắp nối phả với phả dòng họ Vũ ở Nghi Lộc, Nghệ An).

54. Tại Xã Đức Khâm, Huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Dòng họ Võ ở Đức Khâm bị mất phả (trao đổi trực tiếp với Ông Võ Chung).

Trên đây là những chi, phái nhánh họ Vũ ở nhiều nơi đã có liên hệ tìm về dòng họ trong phong trào " tìm về cội nguồn " từ sau cuộc gặp mặt " Vũ - Võ Tộc" ngày 28/5/1995. Đến nay hẳn rằng chưa được đầy đủ, có thể còn nhiều thiếu sót. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để hoàn chỉnh dần.

----------------------------------------------------------------------------

(1) Việt Sử Thông Giám Cương Mục, bản dịch của Viện Sử Học, NXB Văn-Sử-Địa Hà Nội, 1967, tập VIII, tr. 1756.

(2) Phạm Đình Hổ - Vũ Trung Tùy Bút, bản dịch của Nhà Xuất Bản Văn Hóa Hà Nội, 1969, tr.119.

(3) Khởi nghĩa của Vũ Trác Oánh nổ ra khoảng năm 1739-1740. Ông là hậu duệ Phái ất, họ Vũ.

(4) Vũ Thiện Thể làm con nuôi nhà nho Đặng Phúc Long, sau lấy Bà Đặng Thị Từ Giảng, con gái Cụ Long; và từ đấy đổi sang họ Đặng-Vũ, với tên mới là Đặng-Vũ Thiện Thể.

 

 (Theo Đặng-Vũ Phả Ký của Bà Đặng-Vũ Phương Nghi, viết tại Paris, Pháp, năm 1989 - Prolégomènes à la généalogie des Đặng-Vũ)