Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
LƯỢC KHẢO VỀ PHÁI BÍNH GỐC Ở LÀNG MỘ TRẠCH Vũ Hiệp sưu khảo

 

LƯỢC KHẢO VỀ PHÁI BÍNH
GỐC Ở LÀNG MỘ TRẠCH

Di cư đến làng Phong Lâm (Trắm), huyện Gia Lộc. Thiên cư về làng An Trường, tổng Chúc Sơn, huyện Chương Đức (Mỹ), phủ Ứng Thiên, Sơn Nam xứ, có một chi di cư về thôn Đoàn Xá, huyện Đông Triều (Hải Dương)

Vũ Hiệp sưu khảo

Năm 2000, tôi được tham gia cùng đòan bà con họ Vũ ở Sài Gòn ra thăm Miền Bắc. Đi thăm các di tích liên quan đến Thần Tổ Vũ Hồn đến làng Mộ Trạch chiêm bái Miếu, Đình, Chùa, Lăng Thần Tổ. Sau đó đi về Đống Rờm (Man Nhuế, Nam Sách) thăm mộ ông nội Thần tổ họ Vũ; ra Tràng Kênh thăm di tích lịch sử Đền thờ Tướng Quân Hoàng Tôn (cháu nội Vua) Trần Quốc Bảo (gần thị trấn Minh Đức, huyện Thuỷ Nguyên). Nơi đây còn có miếu thờ Đồng Giang Hầu - Vũ tướng quân. Sau đó về Hải Phòng rồi quay trở lại làng Trắm ngủ 1 đêm ở nhà từ Đường họ Vũ thôn Phong Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, Hải Dương. Tên Nôm xưa của làng này là làng Trắm, làng Bồng. Đây là quê hương của các ông Vũ Thiện Nhiễu, Vũ Văn Chầm, Vũ Ngọc Thạch… hiện đang sinh hoạt trong Ban liên lạc họ Vũ - Võ ở Thành phố Hố Chí Minh.

Gia phả cổ đã xác nhận chi họ Vũ-Phong Lâm thuộc phái Bính Mộ Trạch huyện Đường An (Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Nhưng cụ thể thế nào thì chưa được rõ. Trong họ có thờ bậc danh thần của phái Bính là Tiến sĩ Vũ Tĩnh đời Mạc (đỗ năm 1562), nên nhiều vị  lại hiểu rằng Tiến sĩ Vũ Tĩnh là khởi tổ phái Bính! Theo phả cổ Mộ Trạch, thì Tiến sĩ Vũ Tĩnh là đời thứ ba của phái Bính ở Mộ Trạch.

Theo gia phả Mộ Trạch Vũ Tộc Thế Hệ Sự Tích  đã được xuất bản năm 2004 và 2005 thì khởi tổ phái Bính Mộ Trạch là ông nội của Tiến sĩ Vũ Tĩnh (không biết tên thật) chỉ gọi là “Vũ Công” tức là  “ông họ Vũ”. Còn cha của ông Nghè Tĩnh có tên là Bô              (còn đọc âm: Phô như phả ở An Trường đã dịch) .

Theo ông Vũ Thiện Nhiễu cho biết: tính đến nay (năm 2006) họ Vũ làng Trắm (phong Lâm) đã được 21 thế hệ (đời). Nghĩa là khoảng từ 500 năm đến 520 năm. Như thế, dòng họ Vũ này đã về Phong Lâm sống trong khoảng trước hoặc sau năm 1500, tức vào cuối triều Nhà Lê sơ.

Như vậy, thuỷ tổ họ Vũ ở làng có nghề truyền thống làm giầy dép này chỉ có thể có trước hoặc ngang thời cha ông Nghè Vũ Tĩnh.  Sách Đăng Khoa và phả họ Vũ Mộ Trạch viết rằng:

 Đời thứ nhất  Phái Bính có khởi  tổ là Vũ Công (không nhớ tên Huý) sinh ra bốn trai, ba gái. Vì thiên cư đi nơi khác nên phả cổ Mộ Trạch không ghi rõ được tên gì, mà chỉ gọi chung là ông Mỗ, thị Mỗ. Riêng vị con trai út tức là cha của tiến sĩ Vũ Tĩnh vì đã hiển danh, đỗ tiến sĩ nên  biết được tên ông là Bô. Các vị còn lại chỉ được gọi là Mỗ, cũng như ba bà con gái, đều không ghi đi đâu, làm gì, công danh sự nghiệp ra sao? Ở làng Mộ Trạch ông Bô được coi là nghành trưởng của phái Bính và được gia phả Mộ Trạch Vũ Tộc Thế Hệ Sự Tích  chép liên tục đến cuối phả là 10 đời.

Sự thực, từ đời thứ hai Phái Bính vẫn còn ba vị là anh của Ông Bô thiên cư khỏi làng, nên phả Mộ Trạch Vũ Tộc Thế Hệ Sự Tích không ghi chép được. Một trong số các vị đó có lẽ đã thiên cư đến Phong Lâm và có tên là Vũ Lệnh Công (ông đáng kính họ Vũ), tên tự là: Văn Phái (thuỷ tổ của Họ vũ phái Bính làng Phong Lâm).

Phả làng An Trường 安 長, tổng Chúc Sơn, huyện Chương Đức (Mỹ), phủ Ứng Thiên, Sơn Nam Sứ  cũng cho rằng khởi tổ của phái Bính Mộ Trạch là Ông Bô và các đời sau như Vũ Tĩnh, Đức Tú, Đình Kiên …Chứ không biết rằng, Khởi tổ của phái này phải là ông nội của Ông Bô, tức cụ Vũ Công như đã ghi trong phả Mộ Trạch Vũ Tộc Thế Hệ Sự Tích.

Đề tìm hiểu thêm về chi họ Vũ Phái Bính ở Phong Lâm, tôi đã cũng trao đổi với ông Vũ Đình Triều (có bộ phả chi 5 - Hiển Đức do cha ông là cụ Cả Điềm đã soạn). Chúng tôi thấy, từ cụ Văn Phái đến ông Chìu, ông Nhiễu là 18 đời, tương đương gần 450 năm và đến nay có thể hơn 500 năm? Trong khi ông Tiến Sĩ Vũ Tĩnh sinh năm 1525, mất 1587. Như thế, đến nay chưa được 500 năm.

Như vậy khởi tổ Phái Bính ở Phong Lâm chỉ có thể bắt đầu từ  một trong số 3 vị (Mỗ, Mỗ, Mỗ - không nhớ tên, cùng giỗ vào ngày 7 tháng giêng âm lịch), chứ không thể là Ông Vũ Bô cũng như hậu duệ của Ông Bô (vì trong các phả này còn khá đầy đủ mà không thấy nêu tên). Rõ ràng ba anh trai ông Bô (Vũ Giám (đời thứ 2)) đã không được ghi vào gia phả phái Bính ở Mộ Trạch. Vì ba ông đã bỏ làng Mộ Trạch thiên cư đi nơi khác. Trong ba ông đó, có thể có một ông tên là Văn Phái là Cao Cao Tổ Khảo Vũ Lệnh Công đã di cư đến làng Trắm (phong Lâm) ở huyện bên cạnh là Gia Lộc, định cư lập nghiệp ở đó.

Theo phả  Mộ Trạch  Mộ Trạch Vũ Tộc Thế Hệ Sự Tích các đời tiếp theo là:

Đời thứ hai: ông Bô (sinh năm Mậu Tuất-1478), con cụ Vũ Công + Bà Quý, sinh con là Tĩnh. ông Bô được hai người cậu là ông Đông Hiên  Vũ Nhân - Trung và Vũ Thế Hảo (đời 2, phái Ất) đích thân dạy bảo. Niên hiệu Thống Nguyên (1522-1527) đỗ Hương Cống và nhiều lần thi trúng Hội Thí Tam Trường (không đỗ Tiến sĩ). Sau đó làm quan Huấn Đạo phủ Tân Hưng (sau này đổi ra Tiên Hưng). Niên hiệu Đại Chính Nhà Mạc (Đăng Doanh 1530-1540), thăng chức là Lễ Kinh Học Chính và làm Tri Phủ 2 phủ Đà Dương (nay là Bất Bạt và Tam Nông ở Sơn Tây và Phú Thọ nay), và Sào Nam (có lẽ là Phủ Nam Sách?). Năm Quảng Hòa Ất Tỵ (1545) thăng chức Lễ Kinh Giáo Thụ. Mãn hạn tuổi (về hưu, 68 tuổi tức là 1546) ông về làng Mộ Trạch dạy học, nổi tiếng là một Tôn sư trên đời. Học trò ông nổi danh là 2 Tiến Sĩ Lê Quang Bí, Nhữ Mậu Tổ. Người ta gọi ông là “ Thầy Giáo thôn Tây”. Năm Ất- Mùi (1565) ông mất thọ 88 tuổi. Vợ ông là Bà Nguyễn Thị Hà (quê ở Mạc Thôn, cũng tổng huyện nhà, sinh một trai tên là Tĩnh. Năm Đinh Hợi (1587) niên hiệu Đoan Thái (đời Vua Mạc Mậu Hợp). Vua Mạc đã truy tặng ông, nhờ ấm của con (Vũ Tĩnh), được làm Thái Bảo, Thừa Tuyên Sứ, tước Lễ Huấn Bá, Hiệu là Tư Hiên. Tên Huý ông Bô là Vũ Giám.

Đời thứ ba: Ông Vũ Tĩnh 武 靖 sinh vào giờ Dậu (17-19 giờ chiều tối) ngày 20 tháng bảy, năm Ất Dậu (1525). Ông sinh được ra 2 người con: Đức Tú, Đình Kiên. Thưở nhỏ theo cha dạy học cho và sau 19 năm theo đuổi Nho học, Ông thi đỗ thuộc Văn và được sung vào làm Nho sinh ở Tú Lâm Cục, khoa Ất Mão (1555) niên hiệu Quang Bảo (đời Vua Mạc Tuyên Tông, Phúc Nguyên) ông đỗ Hương Cống khoa Nhâm Tuất (1562), 38 tuổi, thi Hội trúng Tiến sĩ, được bổ làm quan chức kiểm Thảo. Chưa kịp nhậm chức thì Mẹ ông mất. Sau khi mãn tang Mẹ, ông trở lại làm quan, trải qua nhiều cấp nhỏ đến lớn. Năm 1578, ông làm phó sứ sang Nhà Minh, khi đi về được thăng làm Binh Bộ, Hộ Bộ Tả Thị Lang, Phó Đô Ngự Sử. Sau nữa, thănh lại Bộ Tả Thị Lang, tước Tây Khê Hầu. Cụ Nghè Vũ Tĩnh mất năm Đinh Hợi (1587) thọ 63 tuổi. Sau khi mất được Vua Mạc Mậu Hợp truy tặng chức Binh Bộ Thượng Thư, ban tên Thuỵ: Nhã Đạt có tên Hiệu là Hưu -Trai. Vợ ông là bà Lê Thị Xán, hiệu Trinh Thục (tên cũ của bà là Xuyên) Bà là trưởng nữ của cụ Lê Cảnh Tượng (đời 8 họ Lê). Mộ ông bà đều ở trong đồng làng...

Xem như thế, Cụ khởi thuỷ tổ họ Vũ phái Bính làng Trắm là: Vũ Lệnh Công (ông đáng kính họ Vũ), tự là: Văn Phái (có thể gọi Ngài là Vũ Văn Phái). Ông là có thể là bác ruột của ông Vũ Tĩnh, tức  anh ruột của Ông Bô (tức Vũ Giám).

Phái Bính ở làng Mộ Trạch chép được 10 thế hệ tính từ cụ khởi Tổ phái là Vũ Công (ông họ Vũ) sống khoảng đời Vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức (1460-1497). Có thể cụ thuỷ tổ Phái Bính gần bằng tuổi ông Nghè Vũ Hữu (1441-1511) và ông Vũ Phong (Trạng Vật). Đến đời thứ 10 là 2 anh em ông Vũ Duy Đản, Duy Cản (con cụ Duy Táng). Có lẽ, 2 ông Đản, Cản sống khoảng sau nửa thế kỷ 18. Khi cụ Vũ Phương Lan, soạn phả Họ Vũ năm 1769 mới biết tên anh em ông này và chép vào phả đường thời Hậu Lê.

Còn Chi Bính thiên cư đến làng Trắm (Phong Lâm) phải từ cuối triều Lê-Sơ, khoảng đời Vua Lê Uy Mục (1505 – 1509) thì đến đầu thế kỷ 21 (2006) đã được 500 năm tức là  21 đời là hợp lý. Cụ Văn Phái (thuỷ tổ họ Vũ ở Trắm) – là bác ruột ông Vũ Tĩnh đã đến Phong Lâm định cư trước khi ông Vũ Tĩnh chào đời (1525), Nên 3 Nho gia Hậu Lê: Vũ Phương Lan, Vũ Thế Nho, Vũ Tông Hải  đã không thể chép tên cụ Văn Phái vào Phả Mộ Trạch Vũ tộc là vậy. Vì đã cách xa 260 năm (1590 – 1769) làm sao biết tên các cụ? Vả lại, cụ Văn Phái đã thiên cư về Phong Lâm (làng Rồng tức Trắm) lập một chi họ Vũ từ lâu rồi. Như thế, cụ không còn là người làng Mộ Trạch nữa. Chỉ là gốc cũ, có cha mẹ là vị Khởi tổ phái Bính thôi.

Phả họ Vũ Phong Lâm chép rằng: Cao cao Tổ Khảo Vũ lệnh công, tự  Văn Phái có nguồn gốc Phái Bính ở xã Mộ Trạch (là phái thứ ba trong 8 phái họ Vũ Mộ Trạch ). Chỉ có thể suy đoán Cụ Thượng Khai Tổ Phái Bính đó phải sinh ra lớn lên vào thời Vua Lê Thái Tổ hay Lê Thái Tông (khoảng 1428 – 1442). Trên cụ Khai tổ Phái Bính còn khá nhiều thế hệ là con cháu Thần Thủy Tổ Vũ Hồn (804 – 853). Cách nhau trên 620 năm (804 – 1428) có thể đã qua 25 – 28 đời? Và tính từ đời Trần, Thủy tổ đến khai tổ Phái Bính phải từ 26 - 29 đời và tới cụ Văn Phái bên Phong Lâm là đời thứ 30 giống như tới dòng cụ Bô (tên húy Vũ Giám) là phả ở làng yên Trường (An Tràng, Chương Mỹ, Hà Đông) cho biết thế.

Chính phả Mộ Trạch chỉ chép là: Ông Bô. Thật ra, ông giáo Vũ Thiện Chìu đã có nhắc đến hai chi phái từ Phái Bính ở Mộ Trạch di cư đến làng Đoàn Xá ngoài Đông Triều và làng Yên (An) Trường ở Chương Mỹ (Hà Tây nay), cùng gốc với Chi họ Vũ làng Phong Lâm chỉ đúng một phần thôi.

 Tôi cũng đã nghiên cứu bản phả ở An Trường. Bản phả do cụ Vũ Duy Thành tu chỉnh lại cổ phả năm thành Thái thứ 9 (1897). Phả cụ viết bằng chữ Nho rất đầy đủ đáng tin cậy. Nhưng đến ông cháu Nội cụ là Vũ Duy Quỳnh đã sao dịch phả cũ ra quốc ngữ thì có nhiều điểm chưa chính xác. Thí dụ: Bản dịch phả An Trường gọi ông Bô là ông Phô (Lễ Huấn Bá) lại  thuộc cụ Tổ trên 11 đời so với cụ Vũ Duy Thanh. Nghĩa là gọi ngược, lấy ông Duy Thanh là đời 1 và tính trở lên đến ông Phô là Tổ xa 11 đời. Rõ ràng sai với phả cũ, Phái Bính Mộ Trạch ở chỗ cụ Thanh hay ông Quỳnh đã xếp cụ Vũ Phô (tức Bô) làm khai tổ phái Bính là không đúng. Cha cụ Phô là ngài Vũ Công mới là Khai Tổ phái này...

Xem Phả An Trường đối chiếu Phả Mộ Trạch (phái Bính) thì thấy rõ: hai phả giống nhau suốt 10 đời đầu. Nghĩa là chi họ Vũ An Trường đã thiên cư từ Mộ Trạch sau năm 1592 để tỵ nạn Vua Lê chúa Trịnh (Tùng) trả thù những ai có ông cha cộng tác, phục vụ cho nhà Mạc trước đó. Cụ Vũ Tĩnh đã mất từ 1587 ở Mộ Trạch, hiện còn mồ mả ở làng này. Chỉ đến đời thứ 4, anh em ông Đức Tú và Đình Kiên mới phải bỏ Mộ Trạch đi tránh mặt vào cuối thế kỷ 16 (1592 – 1599) Hai ông này là con quan Phó Đô Ngự Sử, Tả Thị Lang Bộ Lại, tước Tây Khê Hầu: Tiến sĩ Vũ Tĩnh. Nhưng chỉ có ông Vũ Đức Tú đi định cư tại An Trường thôi. Còn ông Vũ Đình Kiên đi đâu không rõ? Nhưng hậu duệ của 2 ông này, đến 6 thế hệ sau còn liên lạc về xã Mộ Trạch, nên ông Vũ Phương Lan và nhóm soạn phả năm 1769 mới có chi tiết đủ 10 đời - từ Thuỷ tổ Vũ Công đến anh em ông Đản (sống khoảng từ 1740 – 1769). Phả Mộ Trạch ngưng ở đời anh em ông Đản. Nhưng Phả An Tường còn tục biên 7 đời nữa đến cụ Vũ Duy Quỳnh (sinh 1926).

Vậy, giữa Chi họ Vũ Phong Lâm và An Trường cùng một gốc từ cụ Khai Tổ Vũ Công (Nhân Khánh Bá). Khác cành nhưng chung một gốc từ 500  năm trước, cùng chung ở thuỷ tổ phái Bính thôn Mộ Trạch. Chúng tôi đã may mắn, được tiếp cận với các tư liệu Sử và Phả nên có thể trình bày rõ hơn về nguồn gốc và mối quan hệ của hai chi thuộc phái Bính này.

V.H.