Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
LƯỢC KHẢO VỀ MỘT CHI HỌ VŨ NỔI TIẾNG Ở MỘ TRẠCH Cự Vũ (Vũ Hiệp) sưu khảo

 

LƯỢC KHẢO
VỀ MỘT CHI HỌ VŨ NỔI TIẾNG Ở MỘ TRẠCH

Đã có 6 Tiến sĩ và hơn hai chục Hương cống, Cử nhân

( Chi Ba, từ cụ Vũ Hữu đến ông Vũ Đình Ân, 6 đời Tiến sĩ)

Cự Vũ (Vũ Hiệp) sưu khảo

 

Làng Mộ Trạch ở huyện Đường An xưa (nay là huyện Bình Giang) tỉnh Hải Dương , Bắc Việt Nam là cái nôi đầu tiên của đại gia tộc Vũ Võ, đã định cư ở đó từ hơn 1160 năm trước (khoảng năm 844-845). Người đặt nền móng cho làng đó, cũng là người họ Vũ trước nhất chính là ngài Vũ Hồn 武渾 ( 804-853). Mẹ ngài là  cụ bà Nguyễn Thị Đức (Khỏang 785-850). Quê thân mẫu Ngài ở làng Kiệt Đặc, Chí Linh. Nhưng Cụ Bà trú ngụ ở trang Man Nhuế, Nam Sách, thuộc đất Hồng Châu (Hải Dương) chính là để coi sóc ngôi mộ Đống Rờm ấy.

Họ Vũ ở làng Chằm tức Mộ Trạch vốn nổi tiếng học giỏi, đỗ nhiều. Chỉ riêng đại khoa: Thái học sinh, Tiến sĩ, Sĩ vọng, Hoành Từ … đã đếm được hơn 30 vị (chưa kể 4 vị Tiến sĩ họ Lê, 1vị  họ Nhữ, 1 vị họ Nguyễn đều là người làng này, có mẹ, vợ họ Vũ nơi đây). Vì đỗ đạt nhiều như thế nên người xưa đã mệnh danh làng Mộ Trạch là “Tiến sĩ sào” nghĩa là “Cái tổ tiến sĩ” (nôi ấp nở ra Tiến sĩ đông đúc).

Từ cụ Thủy tổ họ Vũ  làng Mộ Trạch xưa đến khỏang đầu thế kỷ 15 đã chia ra thành Ngũ Chi, Bát Phái. Nhưng học hành thịnh phát, đỗ đạt đại khoa, trung khoa chỉ thấy có hai Chi họ Vũ là Chi Bachi Năm. Còn ba chi kia (1, 2, 4) cũng có một vài vị Tiến sĩ và Hương Cống, nhưng các thế hệ sau đứt đoạn, bần hàn rồi bỏ làng ra đi lập nghiệp xa. Phả Mộ Trạch (Mộ trạch Vũ tộc thế hệ sự tích) chép lại rằng, Chi Trưởng (1)chỉ  truyền được 9 đời, có 1 Tiến sĩ là cụ Vũ Đôn (đỗ năm 1487); Đến Chi Hai (2) truyền được 12 đời, chỉ có Hương Cống vài vị, không thấy có vị nào đỗ Tiến sĩ cả. Còn Chi Bốn (4) truyền được 10 đời, cũng không thấy có Tiến sĩ.

Chỉ riêng có Chi BaChi Năm là nổi bật về khoa hoạn và công danh cao. Mỗi chi có được sáu Tiến sĩ và mấy chục vị Hương Cống, Hội khoa trúng trường, chưa kể những vị đỗ Sĩ Vọng, Hoành Từ Bác Học (cũng là 1 cách đại khoa đặc biệt). Nhưng Chi Năm (5) chỉ thành danh từ các con cụ Vũ Quốc Sĩ (đời thứ tư chi này), tức 5 con trai sinh trưởng và hiển vinh lớn (đời thứ 5). Nghĩa là đến thế kỷ 17 mới phát đại khoa, cụ thể là Tiến sĩ Vũ Bạt Tuỵ (1602 – 1645) đỗ Điện Nguyên Hoàng Giáp, tức Thủ khoa thi Đình năm 1634, là người khoa bảng đầu tiên làm “ông Nghè” của Chi Năm và tiếp đó là em ông là Cầu Hối, rồi con ông (Duy Đoán), cháu ông (Duy Hài, gọi ông là Bác ruột), cháu đích tôn ông (Duy Khuông) đều đỗ Tiến sĩ. Người đỗ Tiến sĩ của Chi Năm, cuối cùng là ông Vũ Phương Đề (đỗ năm 1736). Như thế, chi này chỉ phát đại khoa trong khoảng 100 năm thôi! Về sau chi 5 lại phân chia là “Hậu ngũ chi” từ 5 con cụ Quốc Sĩ.

Riêng chi thứ Ba, thì ngay ông khởi Tổ Chi Ba là Hoàng Giáp Vũ Hữu (1441 – 1511) đã đỗ Tiến sĩ từ năm 1463 (đỗ trước Chi 5 hơn 200 năm) và người cháu xa đời (cháu chắt 6 đời) là Tiến sĩ Vũ Đình Ân (1680 – 1747) đỗ Tiến sĩ cuối cùng của Chi Ba năm 1712. Như thế chi này có đại khoa trong 250 năm (1463 – 1712). Chi Ba truyền đến nay được khoảng 20 thế hệ, tính từ cụ Nghè Vũ Hữu tới đầu thế kỷ 21 (1441 – 2001) tức 560 năm.

Vì thế, chúng tôi chọn Chi Ba họ Vũ đại tộc ở làng Mộ Trạch để lược khảo và giới thiệu với bà con họ Vũ, Võ và coi  như đây là một chi họ Vũ tiêu biểu có truyền thống hiếu học, đóng góp nhiều cho đất nước và xóm làng Mộ Trạch nhiều tài năng văn hóa, chính trị suốt 5 thế kỷ rưỡi. Độc giả  cả nước, nếu có quan tâm đến ngành Gia Phả Học Việt Nam, thì bản lược khảo về chi Họ Vũ này cũng phản ánh phần nào sự phát triển giáo dục, truyền thống đạo đức về  gia đình và gia tộc cả một quãng dài hơn nửa thiên niên kỷ thăng trầm và vững bền.

Để viết được bài biên khảo này, tôi căn cứ vào cổ phả: Mộ trạch Vũ tộc thế hệ sự tích của cụ Vũ Phương Lan và ba nho gia nữa: Thế nho, Tông Hải và Tiến sĩ Huy Đĩnh (soạn xong năm 1769 ở làng Chằm)và bản phả tục biên Chi Ba do cụ Vũ Đình Điềm và con thứ là ông Vũ Đình Triều thực hiện, viết nối tiếp bản cũ (thế kỷ 18). Đấy là tư liệu căn bản và chính xác nhất, tin cậy hơn cả.

Sở dĩ bài lược khả chọn Chi Ba – một chi họ Vũ lớn ở làng Mộ Trạch còn là vì, từ Chi này về sau lan tỏa ra nhiều chi nhánh ở Sơn Nam (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh. Có lẽ tới cả Thanh Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Nam Ngãi, Định Phú và trong hơn 100 năm nay, có hậu duệ ở Nam Bộ và Hải Ngoại.

Chẳng hạn, ngay thế kỷ XV (15), cụ Nghè Vũ Hữu được vua Lê Thánh Tông ban thưởng cho 100 mẫu (mẫu Bắc Bộ = 3600m2) ở làng Tào Nha, Tổng An Triền, huyện Nam Xang (Xương), phủ Lý Nhân, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Cuối thế kỷ 15, cụ Vũ Hữu đã đưa họ hàng và con cháu xa gần ở Mộ Trạch xuống làng Tào Nha canh tác đồng ruộng “Lộc Điền” của cụ được ban thưởng; Rồi những người họ Vũ định cư luôn ở đó, đến nay đã hơn 500 năm. Mới  đây, trong chuyến du khảo các làng họ Vũ nổi danh miền Bắc giữa năm 2006. Chúng tôi rất ngạc nhiên, thích thú, khi thăm Nhà thờ Tổ họ Vũ ở làng Lạc Tràng tại thị xã Phủ Lý (Hà Nam). Được các cụ cao niên của họ Vũ nơi đó cho biết: Vị thuỷ tổ họ Vũ ở Lạc Tràng là hậu duệ của chi thứ Ba họ Vũ làng Mộ Trạch mà viễn khởi Tổ chính là cụ Nghè Vũ Hữu. Vị thuỷ tổ họ Vũ Lạc Tràng vốn là nhà Nho, đi xuống phủ Lý Nhân từ thế kỷ 16, 17 dạy học tại đó. Rồi cụ xin nhập tịch, định cư lập nghiệp ở đó, mà đến nay được 14 thế hệ. Chính bà con dòng họ Vũ Làng Mộ Trạch cũng ít người biết đến này. Đấy chính là một chi họ Vũ có gốc từ Chi Ba họ Vũ Mộ Trạch có khoa bảng Nho học nổi tiếng ở làng Lạc Tràng về đời Nhà Nguyễn. Tiêu biểu là ông Phó bảng Vũ Duy Tuân (1840 – 1898?) và mấy vị đậu cử nhân, đều làm quan hiển đạt.

So sánh toàn quốc, thì họ Vũ ở làng Mộ Trạch là lớn nhất và đông đúc hơn tất cả các dòng họ Vũ, Võ các nơi. Mà trong Ngũ Chi, Bát Phái họ Vũ của làng Mộ Trạch, thì Chi Thứ Ba nổi bật về khoa bảng, từ đại khoa đến trung khoa (Hương cống, cử nhân) và tiểu khoa (sinh đồ, tú tài). Và 2 vị Cử nhân họ Vũ Mộ Trạch cuối cùng là cụ cử nhân Vũ Duy Đê, tức Vũ Đình Vân (sau đổi là Đình Tảo) và cụ Vũ Duy Điển đỗ nối nhau 2 khoa 1891 và 1894 đều ở Chi Thứ Ba .

 

I.                  CÁC VỊ ĐẠI KHOA CỦA HỌ VŨ, CHI THỨ BA LÀNG MỘ TRẠCH XƯA

A.   Lời mở đầu:

Có một điều từ xưa đến nay, nhiều bà con Mộ Trạch họ Vũ hay nhầm lẫn, tin tưởng vào 4 Nho gia họ Vũ, thời cuối Nhà Lê, Trịnh, năm Kỷ Sửu 1769, khi các cụ chép “Mộ Trạch Vũ Tộc Thế hệ Sự Tích”. Trong đó, các cụ xưa đã xếp cụ Vũ Bá Khiêm là cháu 4 đời sau nhà Hậu Thủy Tổ một đại chi họ Vũ là Ngài Hàm Tăng Thống Vũ Nạp. Vì ngang và trước thời cụ Nạp đã có song hành vài ba chi Phái họ Vũ ở Mộ Trạch từ thời Lý, thời Trần như Viễn Tổ bà Vũ Thị Tất Giới (Mẹ của ông Vũ Bá Khiêm) là cụ Vũ Mâu sống vào đời Lý Anh Tông và Cao Tông. Hoặc như bà họ Vũ là vợ ông Lê Huy Du, tức mẹ để nhà Nho ái quốc Lê Cảnh Tuân, có cha ông tổ tiên ở 1 chi phái có từ lâu đời, khoảng đầu thời Trần là cụ Vũ Tư (ông ngoại Lê Cảnh Tuân sống đời Trần, Hồ và thuộc Minh thế kỷ 14). Đó là đơn cử 2 ví dụ rõ rệt trong Phả cũ họ Vũ làng Mộ Trạch cho biết thế để chứng minh. Ấy là chưa kể trong Bát phái ở Mộ Trạch, có những phái chưa hẳn đã là hậu duệ cụ Vũ nạp, Vũ Nghiêu Tá, Vũ Nông! Mà thực chất, có thể là hậu duệ của ngành họ Vũ khác với chi phái dòng dõi cụ Vũ Nạp, như tôi đã trình bày ý kiến đó ở trên.

Có một điều cơ bản mà người đọc gia phả, tộc phả nên biết về vị Tổ tiên đời xa xưa đã sống vào thời nào? Năm nào? Đời vua nào? Nếu cổ phả có ghi rõ! Hoặc phải vận dụng phép tính thế hệ (đời người) là từ 20 năm đến 27 năm bằng một đời (thế hệ), chứ không là 80, 100 năm tuổi thọ tối đa của 1 thiểu số cụ già. Nhưng trung bình là 25 năm = 1 đời. Người cha có con trai nối dòng (xưa người ta không tính con gái, có khi kém cha mẹ 16, 17, 18 năm vì đời trước ông bà, cha mẹ và tiền nhân người Việt chúng ta lập gia đình khá sớm, từ 15, 16, 17 nên các cụ thường có con rất sớm. Ca dao đã có câu :

“Quả cau nho nhỏ

Cái vỏ vân vân

Nay anh học gần,

Mai anh học xa.

Lấy anh từ thưở mười ba

Đến năm mười tám thiếp đã năm con

Ra đường thiếp vẫn còn son

Về nhà thiếp đã 5 con cùng chàng”

Vì lẽ đó, 5 anh em ông Hoàng giáp tiến sĩ Vũ Hữu (Vũ Tuỳ, Vũ Tấn, Vũ Tráng và Vũ Phong) của Chi Ba ở Mộ Trạch được xác định sống vào đời nhà Lê. Theo cổ phả của nhóm Nho gia thế kỷ 18, họ Vũ đã ghi rõ: “ông Vũ Hữu sinh năm Tân Dậu (1441) và mất ngày 8 tháng giêng, năm Tân Mùi (1511), năm Hồng Thuận thứ 2 đời vua Lê Tương Dực, Vợ ông (phu nhân) tên là Phạm Thị Tuyên là cháu chắt 4 đời sau của Thượng đẳng thần Phạm Ngũ Lão Đại Vương là người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào. Ông Hữu năm Canh ngọ 1510 còn giữ chức Thượng thư Bộ Hộ và chưa kịp về hưu đã mất ở tuổi 71 (1511). Chính trong sách “Công Dư  Tiệp Ký” của Tiến sĩ đồng hương hậu thế: Vũ Phương Đề (1698 – 1761) cũng minh định cụ Nghè Hữu mất đời vua Hồng Thuận (Lê Tương Dực). Còn quốc sử chép “ông Vũ Hữu tước Tùng Dương hầu năm 1526 cầm cờ Tiết thay Vua Cung Hoàng về làng Cổ Trại phong tước Vương cho Thái sư Mạc Đăng Dung …” Ông Nghè Phương Đề cải chính: “Đó là 1 ông khác trùng tên Vũ Hữu gốc quê ở trấn Sơn Tây làm việc ấy. còn cụ Nghè Hữu đã mất trước đó 15 năm rồi!”.

Thế mà đời sau, do không đọc cổ phả tường tận, một số người nghiên cứu về tiểu sử Hoàng giáp Vũ Hữu, đã chép sai cả năm sinh, năm mất của cụ là: “sinh năm 1444, mất năm 1530, thọ 87 tuổi” là thiếu căn cứ (Nhóm Ngô Đức Thọ viết trong: Các Nhà Khoa Bảng Việt nam (1075 – 1919), trang 110, mục 198). Thậm chí, một người cháu 16 đời sau của cụ Vũ Hữu ở Chi ba, là 1 nhà giáo hoạt động trong Ban Liên Lạc họ Vũ, Võ còn ghi cụ Tổ xa đời trực hệ mình: “Vũ Hữu 1437 – 1530” (đăng trong tập “Dòng họ Vũ Võ ở Việt Nam xưa và nay” , trang 147-149). Rồi cụ giáo Vũ Huy Phú cũng mắc lỗi sai lầm này trong sách của cụ soạn: “Làng Mộ Trạch, làng Tiến sĩ” (Hải Dương, 1992)…

Nay, nhân khảo về Chi ba họ Vũ làng Mộ Trạch, chúng tôi căn cứ ở cổ phả Mộ trạch Vũ tộc thế hệ sự tích bản chữ Hán và bản dịch quốc ngữ của Nhà giáo Vũ Thế Khôi, TS. Vũ Duy Miền đã nêu rõ: “Vũ Hữu sinh năm Tân Dậu 1411, sớm đỗ Hương Cống. Năm Quí Mùi (1463), niên hiệu Quang Thuận thi đỗ Hoàng Giáp Tiến sĩ lúc mới 23 tuổi (âm)… Ông mất năm Tân Mùi (1511) thọ 71, giỗ ngày 8 tháng giêng năm đó. Được vua Lê truy tặng tước Thái Bảo, có tên tự (chữ đẹp trong sách) là Khả Đại, hiệu là Ước Trai. Mộ hợp táng (chôn kế bên) phu nhân họ Phạm, hiệu Phổ Huệ, ấm phong là Cẩn Nhân. Hai ông bà sinh con trai là Vũ Vĩnh Phu (đỗ Hương Cống, làm quan trải qua nhiều chức lớn) Làm đến chức Hiến sát phó sứ Thanh Hóa. Sau bị quân Chiêm xâm lăng đất Thanh Hoá, ông đem quân ra chống, bị tử trận. Vì có quân công, được tặng làm Thái Bảo. Cụ sinh 1 con gái gả cho ông Lê Bá Thắng (đời 6, họ Lê).

Điều đáng quan tâm và hiểu rõ là: 5 anh em ông Nghè Vũ Hữu không thể là các con trai của cụ Vũ Bá Khiêm, cháu nội cụ Thái Học Sinh Hành Khiển Vũ Nghiêu Tá. Tất cả ba thế hệ này đều sống và sinh ra trong thế kỷ 14. Theo Cổ Phả, cụ Vũ Bá Khiêm là đời thứ tư: “Trúng khoa thi Hương (Đời Trần) và làm quan dưới triều Trần, giữ chức An Phủ phó sứ Lô Qui Hóa (nay là tỉnh Bắc Kạn)…”. Như thế, tính theo niên đại lịch sử nước ta: Cụ Vũ Nghiêu Tá phải sinh ít nhất vào khoảng năm 1280 thì năm 1304 (Giáp Thìn) mới đỗ được Thái Học Sinh. Con cả là Vũ Như Mai phải chào đời khoảng từ 1300 – 1305? Và con là Vũ Bá Khiêm phải sinh trong khoảng 1325-1330? Thì ông mới làm quan cho nhà Trần đến chức Thiêm Tổng Tri ngang hàng Tam Phẩm. Lúc ấy, ông Vũ Bá Khiêm phải 40 đến 45 tuổi trở lên, khoảng năm 1370 – 1375? Mới có chức quyền như thế!

Như vậy, 5 con trai, 1 con gái ông, lại sinh ra từ năm 1435 đến 1448? (Nghĩa là theo phả: con trưởng tên Vũ Tuỳ (có lẽ sinh khoảng 1435 – 1436?). Con thứ 2 Vũ Tấn (có thể kém anh cả 2 tuổi, sinh năm 1437 – 1438?) và con thứ ba là Vũ Hữu, chính xác sinh năm 1441 (Tân Dậu), và con thứ tư là Vũ Tráng, thứ 5 là Vũ Phong và con gái Vũ Thị Vàng (gả cho Lê Đạc, đời 7 họ Lê ở Mộ Trạch). Ba vị cuối này phải chào đời từ năm 1443 đến 1448 đời vua Lê Nhân Tông?

Vậy nếu 6 vị trên là con cụ Vũ Bá Khiêm (sinh đúng lý lẽ từ năm 1325 – 1330?) theo nguyên tắc gia phả học Việt Nam xưa, thì chẳng lẽ 6 người con này kém cha từ 110 tuổi đến 123 tuổi? Rõ ràng là vô lý và có sự nhầm lẫn ở giữa thế hệ thứ 4 và thế hệ các anh em tiến sĩ Vũ Hữu. Chính các vị nho gia Hương Cống Hậu Lê là Vũ Phương Lan, Vũ Thế Nho, Vũ Tông Hải khi soạn sách phả: Mộ Trạch Vũ Tộc Thế Hệ Sự Tích (tiến sĩ thời Hậu Lê: Vũ Huy Đĩnh là người nhuận sắc) cũng có thể phát hiện ra vấn đề nghi hoặc, sai sót này? Nhưng không dám sửa đổi, vì không có tư liệu chứng minh. Bởi đời xưa các Nho gia đặt nặng sự hiếu kính đối với tiền nhân ghi chép. Dẫu biết là chép sai sót, cũng không dám có ý kiến phản bác các bậc tổ tiên nhầm lẫn. Chỉ nhẹ nhàng nêu ra một nghi vấn.

Ngày nay, ngành khoa học lịch sử chính xác, rõ ràng nên nhiều người họ Vũ, Võ sống trong thế kỷ XX và XXI đã thắc mắc, băn khoăn về niên đại của cụ Tổ thế hệ 4 (tính từ Hậu Thuỷ Tổ Vũ Nạp) là Vũ Bá Khiêm đã cách xa thế hệ các ông khởi Tổ Tiền Ngũ Chi: Vũ Tuỳ, Tấn, Hữu, Tráng và Phong, đến hơn 100 năm (đã chứng minh rõ ở trên). Quả thật là tồn nghi đáng xem xét. Bởi thế, nhà nghiên cứu người Pháp Alain Fiorucci ở trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội đã nêu thắc mắc về điều bất hợp lý về các thế hệ đầu của họ Vũ Mộ Trạch, từ cụ Vũ Nạp xuống ông tiến sĩ Vũ Hữu và cháu nội ông Hữu là Vũ Dự khoảng 265 năm (1226-1490) chỉ có 7 đời là không hợp lý? Đúng ra phải là 10 đời (thế hệ) như cách tính thông thường của ngành Gia Phả Học Cổ Việt Nam. Đặc biệt, vì sống trước năm sinh của 5 anh em ông Vũ Hữu hơn một thế kỷ mà cổ phả đó lại cho 5 ông đó là 5 con trai cụ Bá Khiêm thì khó có thể chấp nhận? Cha có thể hơn con đến hơn 100 tuổi được chăng? Vì thế, khi đọc Cổ phả, đến chỗ này, người nghiên cứu phải thận trọng! Theo lập luận của chúng tôi: cụ Bá Khiêm sinh sống và làm quan triều nhà Trần, phải là ông cố hay ông nội của 5 anh em ông Vũ Hữu mới hợp lý. Vì không ai hơn 100 tuổi mới sinh ra 5 con trai, 1 con gái? Vậy đây là tồn nghi của đời xưa, do lâu năm, lâu đời quá mới soạn lại Gia Phả. Xin nêu ra để bà con họ Vũ, Võ lưu tâm, đọc lại và kiểm chứng.

Do đó, chúng tôi xếp thế hệ ông tiến sĩ Vũ Hữu là đời thứ nhất của chi thứ Ba. Xin được tạm gác thế hệ cụ Bá Khiêm không phải là cha đẻ 5 vị khởi tổ của Tiền Ngũ Chi.

Chúng tôi đã phải dài dòng biện minh về cụ Vũ Hữu nhiều như trên. Bởi cụ là vị khai sáng ra một chi họ Vũ xuất sắc trong hơn 4 thế kỷ (1463-1894) đăng khoa nho học và làm quan, từ triều nhà Lê sơ xuống đến triều Nguyễn. Chi họ Vũ thứ ba này nối truyền nhau đỗ đạt, nổi danh trí thức trong Ngũ Chi Bát Phái ở Mộ Trạch đời xưa. Chúng tôi không đề cập đến các thế hệ họ Vũ của chi ba từ 1945 đến nay.

Vậy cứ coi Hoàng Giáp tiến sĩ Vũ Hữu (1441-1511) là đời đầu tiên của chi ba). Sau đây là tiểu sử các vị tiến sĩ thuộc thế hệ  từ Vũ Hữu về sau:

1.     Hoàng Giáp tiến sĩ Vũ Hữu (1441-1511);

2.     Tiến sĩ Vũ Lương (1621-1690)  tức Vũ Đình Lương:

Ông là con trai thứ của ông Vũ Đình Thoan. Ông Lương thuộc đời thứ 7 tính từ cụ Vũ Hữu. Sống cách cụ Nghè Hữu đúng 180 năm (trung bình 25 năm là 1 đời, rất hợp lý): 1441-1621. Ông Lương sinh năm Tân dậu (1621) đời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 2, ngang  thời chúa Trịnh Tùng cầm quyền.

Ông là cháu huyền tôn (6 đời sau) của cụ Nghè Hữu. Cha của tiến sĩ Vũ Đình Lâm, và là ông nội của Vũ Đình Thiều, là cụ nội của ông Vũ Đình Ân, gồm 4 đời liên tục đỗ tiến sĩ làm qaun to, phò các triều vua Lê, chúa Trịnh.

Ông Lương  đỗ Hương cống sớm lúc 22 tuổi (1642). Năm sau, Quí Mùi 1643 đỗ Đệ Tam Giáp đồng tiến sĩ xuất thân thứ 9/9 đời vua Lê Chân Tông và chúa Trịnh Tráng. Làm quan chỉ đến chức Thị Lang Bộ Hình (tam phẩm) nhưng được chúa Trịnh tin dùng cho làm Bồi Tụng (như phó tổng thống).

Năm 1674, quân Tam Phủ (gốc Thanh-Nghệ) nổi loạn giết chết quan Trạng Nguyên Bồi Tịng Nguyễn Quốc Trinh. Trăm quan sợ hãi bỏ triều đình đi trốn. Riêng ông Thị Lang Vũ Lương ung dung, hiền từ, khuyên bảo bọn chúng điều hay lẽ phải . Bọn lính Tam Phủ thấy mặt ông đều qui nể gọi ông là Phật sống (Hoạt phật). Chứng tỏ vẻ mặt ông đầy đặn, phúc hậu, nên chúng ngăn nhau không được xúc phạm riêng ông.

Năm Canh-Ngọ (1690), ông được 70 tuổi, ông dâng biểu xin được về hưu. Được chú Trịnh, vua Lê cho phép; nhưng chưa kịp về làng thì mất. Được tặng chức : Tả thị lang bộ binh, tước Đông Hà Bá, hiệu là Trực Khanh giỗ ngày 20 tháng chạp, táng ở xã Hoè Lâm (tổng Bạch Sam, huyện Đường Hào, bên cạnh huyện Đường An, quê ông, cách làng Mộ trạch không xa lắm).

Vợ ông là bà Lê Thị Đỗ quê ở làng Vạc (Hoạch Trạch gần Mộ Trạch). Bà được phong là Tự Phu Nhân, hiệu Từ Quảng, giỗ ngày mồng ba tháng tám âm lịch. Ông Nghè Lương còn có thêm 2 bà vợ bé (thiếp) là Thị Điểm và Thị Tô (không rõ họ gì?). Cả ba bà sinh cho ông 11 con trai, 4 con gái: con trưởng Vũ Đình Phúc (đỗ hương cống, nổi danh hay chữ là 1 trong ba nhà văn thơ lẫy lừng nửa cuối thế kỷ 17, mệnh danh là Tràng An Tam Hổ) làm quan to ở trấn Sơn Tây. Ông đứng đầu Tam Hổ và lấy con gái tiến sĩ Vũ Cầu Hối (chi 5). Ông Phúc là cha đẻ tiến sĩ Vũ Đình Thiều (đích tôn của ông Nghè Lương). Con thứ hai của ông Nghè Lương (em ông Phúc là tiến sĩ Vũ Đình Lâm, khoa thi 1670). Con thứ ba của ông Lương là Vũ Đình Chất (thi Hương trùng trường là Nho sinh, lấy con gái tiến sĩ Lê Công Triều dòng dõi Trạng Nguyên Lê Nại ở cùng làng Mộ Trạch).

Ngoài ra, ông Nghè Lương còn sinh thêm 8 trai nữa, 4 gái không nhớ tên gì? (Gia phả cổ không ghi được). Chỉ rõ có cô Vũ Thị Cẩm gả cho tiến sĩ Vũ Trác Lạc (đời 9, phái Ất).

Quốc sử và gia phả, hương phả Mộ Trạch công nhận cụ Nghè Vũ Lương làm quan thanh liêm và hiền hậu đạo đức. Quân Tam Phủ hung bạo còn mến gọi cụ Nghè Lương là Hoạt Phật. Sách Các nhà Khoa Bảng VN đã ghi chép sai về năm sinh, năm mất của cụ Vũ Lương rằng: 1606-1676 là không đúng! Cổ phả họ Vũ Mộ Trạch chép đúng.

3.     Tiến sĩ Vũ Trọng Trình (đỗ năm 1685, đời 8 Chi Ba)

Ông Nghè Trọng Trình là con trai trưởng cụ Vũ Đức Thắng, là cháu nội đích tôn cụ Vũ Chỉ, là chắt (cháu cố, tằng tôn) cụ Vũ Tiệm, là cháu 7 đời cụ Vũ Vĩnh Phu và cháu 8 đời cụ Nghè Hoàng Giáp Vũ Hữu.

Ông sinh năm Kỷ Mão 1639, có mẹ là bà Vũ Thị Chưng (con gái cụ hoàng giáp Vũ Bạt Tuỵ đời 6, Chi Năm. Ông Trình là con cả, còn 2 em trai tên Quan Xuân và Trọng Hoà, cùng 3 em gái. Bố là cụ Đức Thắng thi Hương trúng trường (chưa đỗ được Hương Cống, Sinh Đồ), làm nho sinh trúng thức, làm quan Huyện thừa (trợ lý Tri Huyện) ở 1 huyện tận xứ Nghệ An giáp nước Lào. Cụ Thắng có hiệu là Tín Trai tiên sinh.

Lúc trẻ tuổi, ông Vũ Trọng Trình “nhờ văn chương mà nổi danh ở đời. Thời ấy có câu ngạn ngữ: “Đường An Tam Hổ, Mộ Trạch kiêm chi” (nghĩa là huyện Đường An (Bình Giang nay) có “3 con Hổ” về văn hoá, văn chương thì làng Mộ Trạch chiếm cả!). Chính là nói về ông Trọng Trình cùng 2 ông Vũ Minh Lôi và Vũ Khắc Tiêu vậy[1] Ông Trình sớm đỗ hương cống, nhưng thi Hội hỏng mãi. Sau ông làm quan chức nhỏ: Tri Huyện Yên Thế (Bắc Giang – Kinh Bắc). Lên chức viên ngoại, Hiến Sát phó sứ. Ông thi đỗ khoa Bác Học Hoành Từ (1666) và Sĩ Vọng. Mãi năm ông đã 47 tuổi, khoa thi hội đình Ất Sửu (1685) ông Trình mới đỗ đệ Tam Giáp Đồng Tiến Sĩ xuất thân thứ 10/12 (đồng khoa với ông Thám Khoa Vũ Thạnh ở làng Đoan Luân Loan tức làng Độc là thủ khoa Đình Nguyên).

Năm đó, chúa Trịnh Căn đã ra đề thi thơ, vịnh “Bể Cạn” (hồ nước nhỏ có non bộ chơi kiểng – cây cảnh) ông trúng hạng nhất được Chúa thưởng cho 10 quan tiền. Về sau ông được bổ làm quan Giám Sát Ngự Sử đạo Tuyên Quang (hàm thất phẩm, như chức thanh tra 1 tỉnh nay). Còn trong sách Đăng Khoa và “Các Nhà Khoa Bảng…” lại chép: “Ông làm quan đến chức Hiến Sát Sứ” (tương đương Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân 1 tỉnh). Điều này Cổ phả họ Vũ Mộ Trạch không ghi nhận, nên còn tồn nghi! Phả phải chính xác hơn các sách Đăng Khoa về chuyện này.

Ông Nghè Vũ Trọng Trình, có tên hiệu là Lương Hiên Đài Công. Cổ phả đã không cho biết ông chết năm nào? Chỉ ghi ngày giỗ là 27 thnág 7 âm lịch, mộ ông táng ở Mả Rậm (làng Mộ Trạch). Bà vợ trước tên là Lê Thị Thịnh (con gái cụ Nghè Lê Công Triều cùng làng) hiệu là Thục Mỹ phu nhân, sinh 1 trai là Trọng Thẩm đỗ Hương Cống và làm quan, ông bà Nghè Trình có 1 con gái tên Thị Cung gả cho 1 người ở đời 8 phái Ất.

Sau ông Nghè Trình lấy thêm 1 bà vợ thứ tên Phạm Thị Hội, quê ở làng Hoa Đường gần đấy. Bà sinh được 1 trai, 1 gái. Rồi ông Nghè lại lấy 1 bà vợ nhỏ (thiếp) quê ở làng Tiền Liệt, huyện Vĩnh Lại, cùng trấn Hải Dương, sinh được 1 trai là Trọng Khuê.

Đây là 1 danh nhân văn hoá và khoa bảng làm rạng danh làng Mộ Trạch thời Hậu Lê. Sự thật ít người biết ông Nghè Trọng Trình là cháu gọi ông Nghè Vũ Lương bằng chú họ rất gần (bố ông Trình là anh em con chú bác với ông Lương).

4.     Vũ Đình Lâm (1640 – 1707) Hoàng Giáp Tiến Sĩ khoa 1670.

Ông Nghè Lâm là con trai thứ nhì của cụ Nghè Vũ Lương (đời 8, Chi Ba).

Trong quan hệ nội tộc, ông Lâm là em họ của ông Nghè Trọng Trình. Nhưng ông Lâm lại thi đỗ tiến sĩ sớm hơn ông Trọng Trình trước 15 năm, nên các sách khoa bảng Đăng Khoa xưa nay đã nêu tên Tiến Sĩ Vũ Đình Lâm (đỗ 1670) xếp ở trước ông Nghè Trình (đỗ 1685) khá xa. Và danh sách ông Nghè Mộ Trạch, còn 2 ông Nghè nữa: Duy Khuông (đỗ cùng ông Lâm 1670) và Vũ Đình Thiều (tiến sĩ khoa 1680) cũng đứng trên ông Nghè Trình. Dù cho ông Nghè Thiều là cháu gọi ông Nghè Trình là bác họ. Vì các ông Lâm, Khuông, Thiều đều đỗ lúc tuổi trẻ, chỉ ngoài 20 đến 27, 31 tuổi. Còn ông Nghè Trình, năm 47 tuổi mới đỗ.

Ông Đình Lâm sinh năm Canh Thìn (1640) học ở nhà do cha dạy bảo nên văn chương ông Lâm tinh tế, do thông minh. Nên lúc hơn 20 tuổi đi thi Hương đã đỗ Hương Cống xuất sắc từ năm 1659. Nhưng thi Hội nhiều lần chỉ đỗ Tam Trường. Đến năm Canh Tuất (1670) niên hiệu Cảnh Trị thứ 8, lúc ông đã 31 tuổi (đời vua Lê Huyền Tông) mới đỗ Đệ Nhị Giáp Tiến Sĩ xuất Thân, tức là Hoàng Giáp hay Chánh Tiến Sĩ như cụ viễn tổ Vũ Hữu (đỗ 1463).

Ông Đình Lâm cùng đỗ Tiến Sĩ với ông Duy Khuông (con cụ Nghè Đoán) nhưng ông Lâm đỗ cao, đứng hạng 4/31 Tiến Sĩ , còn ông Khuông đậu chót bảng. Nghĩa là ông  Nghè Lâm chỉ đứng hạng sau 3 ông Tam Khôi (Trạng: Danh – Công, Bảng: Sĩ Lâm và Thám: Hữu Danh) tức đứng đầu hàng Nhị Giáp Tiến Sĩ (chỉ có mình ông là đỗ hạng Hoàng Giáp, ở trên 27 ông Tam Giáp đều có tiếng hay chữ).

Cổ phả họ Vũ ở Mộ Trạch đã ghi rằng: “nhà ông thuở đó, cha con chú cháu là quan đồng triều”. Vì cha ông là Tiến Sĩ Lương, con ông là Tiến Sĩ Đình Ân (khoa 1712), anh họ của ông là Tiến Sĩ Trọng Trình. Bấy giờ là cuối thế kỷ 17, từ năm 1643 đến 1699, họ Vũ của Mộ Trạch có đến 13 người đỗ Tiến Sĩ  và 18 người họ Vũ, làm quan to trong triều đình Vua Lê, Chúa Trịnh (Tráng, Tạc, Căn và 5 vua: Thần Tông, Chân Tông, Huyền Tông, Gia Tông, Hi Tông). Như thế ông Vũ Đình Lâm, sống trong thời kỳ phồn vinh hiển hách về khoa cử và quyền cao chức trọng (có ông Vũ Duy Chí làm Tể Tướng và 6 ông khác  làm đến Thượng Thư, Bồi Tụng). Giai thoại làng Mộ Trạch ra Thăng Long làm quan thời chúa Trịnh Tạc, Trịnh Căn đông tới 50 ông quan chức lớn bé. Thậm chí sau khi họp trong triều đình xong, các ông còn cùng nhau họp việc làng. Có 1 số quan ở các nơi khác làng, thấy thế ganh ghét, đã mách chúa Trịnh. Nhưng chúa Trịnh chỉ cười và còn khen các quan Mộ Trạch biết lo việc nước mà không quên việc làng, việc họ. Và Chúa không bắt lỗi gì cả!

Tuy đỗ cao như thế, nhưng đường công danh của ông không cao! Chỉ làm quan đến chức Lễ Khoa Cấp Sự Trung (quan thường trực trong Phủ Chúa chức hàm có thất bát phẩm thôi).

Ông Nghè Lâm có tên hiệu là Nhã Hiên, thọ có 68 tuổi, mất vào năm Đinh   (1707). Sinh được 1 trai, 1 gái, mộ táng ở quê nhà.

5.      Vũ Minh Tá (đời thứ 8 chi 3) đỗ khoa Sĩ Vọng (khoa 1658) là một đại khoa chọn người có tài.

Ông ngang tuổi với ông Nghè Vũ Duy Đoán (1625 – 1684), đỗ Hương Cống sớm hơn ông Đoán độ 3 năm, tức khoảng 1648 (Mậu Tí)? Năm Mậu Tuất (1658) triều đình mở khoa thi Sĩ Vọng (chỉ dành cho quan tại chức đã đỗ Hương Cống và làm quan được 6 năm trở lên mới được dự thi trong sân triều đình). Ông Minh Tá đỗ thứ 6, còn ông Duy Đoán đỗ hạng ưu thứ nhất (Thủ Khoa). Năm đó làng Mộ Trạch đỗ 2 người hạng cao, lừng danh trong nước và Thăng Long kinh đô.

Ông là con trai cụ Vũ Văn Kiêm (đời 7 Chi 3) cháu cụ Vũ Tín (đời 6). Có lẽ ông sinh khoảng từ 1620 – 1625? Cổ phả không ghi được họ tên Bà Mẹ là gì? Còn ông có nguồn gốc ở Truy Viễn Đường ( Chi Một)?

Vợ ông là bà Vũ Thị Cẩn (con gái cụ Vũ Triệt, chi một, là con thứ ba của cụ Vũ Hoành, đời 6, chi Một. Như thế bà Cẩn là đời 8 chi Một, sinh giờ Thìn, ngày 26 tháng Sáu, năm Canh Thân, 1620, thọ 68 tuổi, mất năm 1687).

Ông Sĩ Vọng Vũ Minh Tá làm quan đến chức Hiến Sát Phó Sứ trấn Thái Nguyên, được ban tước Hương Lĩnh Nam. Ông có tên hiệu là Lý Hiên.

Ông bà Minh Tá có 2 con trai (Minh Tuấn, Minh Doãn và 1 gái thị Vật).

Không thấy cổ phả ghi năm mất và mộ táng ở đâu? năm tháng nào?

6. Tiến sĩ Vũ Đình Thiều (1658 – 1727) Tam Giáp khoa 1680.

Ông là con trai của ông Đình Phúc (anh ông Nghè Lâm) thuộc đời thứ 8.

Ông Nghè Đình Thiều thuộc đời thứ 9, chi Ba. Gọi ông Đình Lâm là chú ruột và là cháu nội đích tôn cụ Nghè Vũ Lương. Nhà được ba đời Tiến Sĩ.

Gia phả ghi rõ: “Ông Thiều sinh năm Mậu Tuất (1558) nhưng thật sự đó là năm Mậu Tí mới đúng lịch, không phải Mậu Tuất. Rồi dịch giả Vũ Thế Khôi lại cho là ông sinh năm 1660 Canh Dần, vì lấy cớ Cổ phả chép: ông 20 tuổi đỗ Hoàng Giáp Tiến Sĩ? Khoa Canh Thân (1680). Đúng là ông sinh năm 1658 Mậu Tí .

Sách Đăng Khoa và bia đá Văn Miếu đã chép rõ: năm ông Thiều 23 tuổi trúng Tam giáp Đồng Tiến Sĩ hạng áp chót bảng (thứ 18/19 Tiến Sĩ). Như thế rõ ràng ông sinh năm Mậu Tí (1658), đỗ năm Canh Thân, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 5 1680. Ông làm quan cũng không giữ chức vụ cao, chỉ đến chức Cấp Sự Trung Công Khoa ở phủ chúa Trịnh. Sau đó 1 thời gian, ông được giao nhiệm vụ lên biên giới Việt – Trung (Hoa) để phân định về ranh giới và vị trí cột đồng thời xa xưa. Ông Nghè Thiều nhiễm bệnh do Lam sơn chướng khí (sốt rét rừng). Công việc xong năm 1726 và năm sau 1727 ông bị bệnh nặng và mất, thọ 70 tuổi. Được triều đình truy tặng chức hàm Đô Cấp Sự Trung Bộ Công (tương đương nay như là Vụ trưởng Bộ Công Chánh, Xây Dựng…)

Ông có tên hiệu là Hoà Khanh. Bà vợ là Vũ Thị Giai (con gái của Tiến Sĩ Vũ Duy Đoán, chi 5). Sinh 1 trai là Đình Ân (Tiến Sĩ), và 1 gái Thị Loan (lấy Vũ Duy Trác đời 9 chi 5).

7. Tiến sĩ Vũ Đình Ân (1680 – 1747) đỗ Tam Giáp năm 1712

Ông Đình Ân sinh năm Canh Thân (1680) năm cha ông đỗ Tiến Sĩ Tam Giáp. Được sự dạy dỗ, rèn luyện của gia đình nên cha và ông đều là đại khoa cả. Nhưng mãi năm 29 tuổi, mới thi đỗ Hương Cống khoa Mậu Tí (1708). Năm ông được 33 tuổi thi đỗ Tiến Sĩ Tam Giáp (thứ 8/17), kho thi Hội Đình năm Nhâm Thìn, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712). Lúc đầu làm quan, được bổ làm Đốc Suất xứ Tuyên Quang. Tiếp đến làm chức Đông Các Hiệu Thư  năm 1726. Sau đó được phái lên biên giới đi cùng các quan chức Nhà Thanh xem xét các cột mốc biên giới. Về triều được làm chức Đốc Đồng Lạng Sơn, Sơn Nam, Kinh Bắc (như phó chủ tịch các tỉnh ấy). Tiếp nữa làm Tham Nghị Sơn Tây và làm Đốc Đồng xứ Hưng Hoá (Sơn La, Hoà Bình, La Châu…) Sau đó làm các chức vụ to như Hữu Thị Lang, Hiệp Thị Bồi Tụng, Lễ Bộ Thượng Thư. Thọ 68 tuổi. Nhưng Cổ phả họ Vũ Mộ Trạch chỉ ghi: ông làm quan có lỗi bị khiển trách nên về sau lúc mất chỉ còn được truy tặng chức Hàn Lâm Viện Thị Độc. Ông Nghè Ân mất ngày 4 tháng 6 năm Đinh Mão (khoảng tháng 7 năm 1747) thọ 68 tuổi. Con rể là Tiến Sĩ Vũ Phương Đề (con cụ Phương Nhạc, chi 5) có 1 bài văn tế ông lời lẽ tha thiết. Có sách chép: lúc ông mất được truy tặng Hàn Thái Bảo: Điều này còn có chỗ tồn nghi?

Ông Nghè Vũ Đình Ân lấy hai bà vợ: Vũ Thị Hạnh, thị Cung là hai chị em ruột con gái cụ Vũ Duy Nguyên ở chi 5. Bà Hạnh đẻ ra Vũ Thị Chập (gả cho Tiến Sĩ Vũ Phương Đề). Bà Hai Thị Cung sinh thêm 2 gái. Ông không có con trai. Như thế ông Nghè Đình Ân bị phạp tự (không có con trai kế nghiệp) cả ngành cha và ông nội.

8. Bạt Cử Vũ Tế, đỗ Hương Cống trúng cách khoa Bạt Cử (thi đặc biệt).

Ông Tế là đời thứ 6, tính từ cụ Vũ Hữu (Hoàng Giáp Tiến Sĩ) là đời đầu.

Ông là con cụ Vũ Tiệm, anh ông Vũ Chỉ, cha ông Vũ Nghi là ông nội của ông Hương Cống Lang Trung Vũ Đăng Doanh. Ông sinh giữa đời nhà Mạc, lớn lên vào đời nhà Mạc và đỗ đạt làm quan cho nhà Lê Trung Hưng, phò chúa Trịnh vua Lê (từ 1593). Ông tiếp tục làm quan đời Trịnh Tùng nắm quyền và Trịnh Tráng nối nghiệp.

Ông nổi tiếng ham học, lúc trẻ học qua đủ lục nghệ, nuôi chí lớn.

Khi nhà Lê Trung Hưng (1593 – 1600) ông đỗ Hương Cống, rồi vào thi Hội trúng trường (chứ không đỗ được Tiến Sĩ). Sau đó chúa mở khoa thi Bạt Cử để chọn lấy nhân tài, thật ra như 1  đại khoa dành cho các quan đã đỗ cấp Hương Cống (đang làm quan). Ông Vũ Tế trúng tuyển (đề thi: đánh Yên, phạt Tề). Sau ông giữ chức Tri phủ Bắc Hà, mãn nhiệm về hưu, thọ 90 tuổi (có lẽ ông sinh vào quãng 1580 và mất vào 1669?). Ông có tên hiệu là Nhẫn Trai.

Bà Tế, vợ ông có tên Hiệu là Từ Nghĩa phu nhân, sinh 1 trai tên là Vũ Nghi. Còn sinh 2 gái: Thị Chiền (gả cho Lê Ngạn, sinh ra Tiến Sĩ Lê Công Triều), và thị Diễn (gả cho Vũ Tự Khoái, quận công chi 5, bà Diễn là Quận phu nhân hiệu Từ Huy).

II. DANH SÁCH CÁC VỊ ĐỖ HƯƠNG CỐNG, CỬ NHÂN CỦA CÁC CỤ, CÁC ÔNG THUỘC CHI BA, HỌ VŨ LÀNG MỘ TRẠCH.

Đời xưa, thời nhà Trần, Hồ, Lê, Mạc và Lê - Trịnh (trung hưng) việc học rất thịnh, còn hơn đời Nguyễn. Thi Hương là khoa thi tổ chức ở từng vùng, từng trấn (tỉnh) dành cho các sĩ tử có quê quán ở nơi đó và quanh gần đó. Vì thế gọi là thi Hương, nghĩa là thi tuyển ở vùng quê hương của sĩ tử. Muốn được thi, phải làm bản cung khai tam đại không làm nghề ca xướng, nhạc, tuồng và không có thân nhân mấy đời làm “giặc” chống triều đình. Ngoài ra, còn phải thi sát hạch ở cấp Huyện, phủ gọi là Khảo khoá hay Tường Sinh. Nếu đỗ ở cấp này thì gọi là “anh Khoá, thầy Khoá hay Hiệu Sinh”. Nếu còn bị sát hạch thêm ở cấp Trấn hay Tỉnh thì mệnh danh là Nho sinh trúng thức. Có qua kỳ sát hạch này, trúng cách (đủ điểm) thì mới được dự kỳ thi Hương ở 1 trường thi gần làng xã, huyện, phủ, trấn, tỉnh mình. Đời xưa, thi Hương tổ chức đời Lê, đều có ở Tứ Chính (gọi chệch là Tứ Chiếng) tức: Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây và Sơn Nam là 4 trấn ở 4 phía Kinh Đô Thăng Long (Kẻ Chợ - Đông Kinh). Ở Thanh Hoá và Nghệ An đều có trường thi Hương. Đến đời Nguyễn thì bỏ trường Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Dương mà dồn về 2 trường Hà Nội và Nam Định. Và mở thêm trường Thừa Thiên, Bình Định và Gia Định cho miền Trong.

Có đỗ Thi Hương qua 4 kỳ thi gọi là qua 4 trường (Tứ Trường) thì được gọi là Cử Nhân (đời Lê sơ, Mạc, Hậu Lê, và đời Gia Long đều gọi là Hương Cống hay “Hương Tiến”, “Hương Giải”. Nhân dân quen gọi là “ông Cống” và có đỗ Hương Cống hay Cử Nhân thì mới được triều đình cho ra làm quan cấp thấp trước. Sau dần dần thăng chức thêm hoặc có tội lỗi bị hạ chức xuống là thường nếu có.

Còn lọt vào Tứ Trường, nhưng văn bài kém điểm thì chỉ là Sinh Đồ (đời Lê, Mạc, Hậu Lê và triều Gia Long). Đến triều Minh Mạng đổi tên gọi là đỗ tú tài, nghĩa là chỉ vượt qua Tam Trường. Xưa kia gọi là Sinh Đồ hay Nho Sinh trúng thức. Thi Hào Nguyễn Du, chỉ đỗ Tam Trường, chứ chưa trúng cách Sinh Đồ vào thời Lê Chiêu Thống. Nhờ tiếng tăm của cha và các anh ông cùng nổi danh văn chương chữ nghĩa nhiều. Nên Gia Long cho đặc cách làm quan. Vì đời xưa, đỗ Tam Trường, Sinh Đồ, Tú Tài thì không được bổ nhiệm làm quan chức gì, trừ trường hợp là Ấm Sinh (con cháu quan to) được đặc cách vào học trường Quốc Tử Giám (nay giống như học Bổ Túc xong cho vào học ở trường Đảng Cao Cấp) thì gọi là Giám Sinh. Nếu vua cho mở thi Hội, các vị Giám Sinh cũng đặc cách thi, có một số người đỗ Tiến Sĩ mà không hề đỗ Hương Cống, Cử Nhân. Học xong trường Quốc Tử Giám, thi Hội không đỗ, cũng coi như xong Cử Nhân, được cho làm các chức quan, nếu có tài và đạo đức.

Làng Mộ Trạch là một làng Khoa Bảng, quan chức, thời Hậu Lê (và trước đó thời Trần, Hồ, Lê Sơ (1225 – 1527) rồi triều Mạc (1527 – 1592) đã có hơn 30 vị Tiến Sĩ rồi. Vậy, học vị Hương Cống, Cử Nhân từ đời Lê sơ 1428 – 1527, đến hết thời Nguyễn 1807 – 1919, phải có hơn trăm người là ông Cống. Còn Sinh Đồ, Tú Tài thì khó thống kê xuể? Mỗi Chi, mỗi phái thường có từ 5 đến 30 ông Công Cử (kể cả họ Vũ, Lê, Nhữ, Nguyễn).

Đây chúng tôi đang sưu khảo về các nhà khoa bảng của chi Ba họ Vũ lang Mộ Trạch. Xin mở Cổ phả Chi Ba đó giới thiệu các cụ các ông Hương Khoa, của riêng chi Ba đó như sau:

Nên biết rõ, tất cả 8 vị đại khoa họ Vũ, Chi Ba, Mộ Trạch nêu tên ở trên, đều phải đỗ Hương Cống trước, thậm chí có nhiều vị còn dự thi Hội Đình Khoa (Tiến Sĩ xuất thân), rồi cuối cùng mới đạt danh hiệu là “ông Nghè” triều Lê, Mạc, Lê Trung Hưng (triều Nguyễn, làng Mộ Trạch không có ai đỗ đại khoa Tiến Sĩ, Phó Bảng, Cát Sĩ Hoành Từ được. Đây là 1 điều bí ẩn, khó hiểu? Chúng tôi đã có 1 bài khác lý giải nguyên do về vấn đề này).

Vì người đỗ Hương Cống, tức Hương Tiến, Cử Nhân  (đời Nguyễn) của làng Mộ Trạch hơi nhiều. Và riêng các ông Cống Cử của Chi Ba họ Vũ đâu có ít? Nội dung bài này chuyên khảo về chi Ba họ Vũ đó, tôi xin trích dẫn từ bộ Cổ pảh do nhóm các cụ Nho gia đời Hậu Lê gồm có các Tiên sinh: Vũ Phương Lan (1714 – 1786 ? hương Cống đời Vua Lê Ý Tông, Vĩnh Hựu nguyên niên – 1735 Ất Mão thời Trịnh Giang cầm quyền) là chủ biên. Cùng hai cụ đồng hương đồng tộc: Vũ Thế Nho (đời 15/ chi 5), Vũ Tông Hải (đời 10/ phái Kỷ) biên soạn bộ : “Mộ Trạch Vũ Tộc Thế Hệ Sự Tích” vào muà Thu, tháng Tám năm Kỷ Sửu (1769). Được Tiến Sĩ Vũ Huy Đĩnh (1730 – 1789) đỗ Tam Giáp Đồng Tíên Sĩ khoa Giáp Tuất (1754) nhuận sắc (xem lại góp ý, là em họ cùng phái của cụ Tông Hải).

Như thế, chúng tôi sưu khảo là căn cứ vào: “nói có sách” rõ ràng. Rồi tham khảo thêm Gia phả họ Vũ Mộ Trạch chi Ba của cụ Cử Vũ Duy Đê và con là cụ Vũ Đình Điềm cùng tục biên (đến đời thứ 15). Và tư liệu của ông Vũ Đình Triều (con thứ 3 của cụ Cả Điềm, đời 16 chi Ba) cung cấp, phổ biến (1996).

DANH SÁCH CÁC HƯƠNG CỐNG TRIỀU LÊ (1428 – 1527) CHI BA

1.     Ông VŨ HỮU (1441 Tân Dậu – 1511 Tân Mùi): đỗ Hương Cống năm 18 tuổi (1458 Mậu Dần) đời vua Lê Nhân Tông. Rồi 5 năm sau, ông 23 tuổi (ta) mới đỗ Hương Giáp. Ông Hữu là Khởi tổ chi Ba (kém cụ Vũ Bá Khiêm khoảng hơn 100 tuổi. Vậy không thể là con thứ ba của cụ Khiêm. Cổ phả đã chép nhầm (lầm) lẫn. Xem tiểu sử năm ông Hữu đỗ Tiến Sĩ Nhị Giáp ở phần trên (Tám ông Đại Khoa). Ông Vũ Hữu là người đỗ Hương Cống sớm nhất và đầu tiên của Mộ Trạch đời nhà Lê. Bà Hữu là Phạm Thị Tuyên quê ở xã Phù Ủng, chắt gái (cháu 4 đời) danh tướng Thành Hoàng Phạm Ngũ Lão, nhà Trần.

2.     Ông VŨ VĨNH PHU: (Đời thứ 2) Cổ gia phả ghi rõ ông sớm thi đỗ Hương Cống (không chép đỗ năm nào? Nhưng chắc chắn đời Vua Lê Thánh Tông (1470 – 1497 niên hiệu Hồng Đức). Ông kém cha khoảng từ 20 đến 25 tuổi? Tức trong khoảng 1460 – 1465? Và đỗ Hương Cống sớm, nghĩa là từ 1480 đến 1485? Thi Hội vài lần mà không đỗ nổi Tiến Sĩ. Chỉ trúng Nhất, Nhị Trường là hỏng! Ra làm quan Tri huyện Gia phúc (sau là Gia Lộc, Hải Dương từ năm 1509 trở đi mới có tên Gia Phúc). Rồi thắng Tri Phủ Thiệu Thiên (có lẽ đời vua Chiêu Tông 1516 – 1525?) ở Thanh Hoá trấn (Xứ Thanh). Sau tử trận trong lúc đánh quân Chiêm, được truy tặng chức Thái Bảo. Ông có tên hiệu là Thích Trai (Tướng công). Ông bà Vĩnh Phu có 2 con trai là Vũ Dự và Vũ Tri Tiết. Cả 2 con ông theo nghiệp võ, và làm tướng cho triều Nhà Mạc. Ông Dự không có con trai.

3.     Ông VŨ KHÁNH TÔNG:      (Đời thứ 4)Là con trai ông Tri Tiết, là cháu nội duy nhất của ông Vĩnh Phu, là chắt (cháu cố đích tông) của cụ Vũ Hữu.

Ông Khánh Tông sinh đời Nhà Lê (Chiêu Tông, Cung Hoàng mất ngôi về Nhà Mạc 1515 – 1527). Ông đỗ Hương Cống đời vua Mạc Phúc Hải (1541 – 1546)?. Nhưng ông không thần phục Nhà Mạc nên không ra làm quan và cũng không thi Hội. Ông lui về quê nhà (làng Chằm) ở ẩn “Giữ đạo quân tử để tự vui” (câu chữ trong cổ phả). Tên hiệu của ông là Dịch Trai. Vợ ông quê ở làng Vạc (Hoạch Trạch), hiệu Từ Ý phu nhân. Sinh hạ 5 con trai tên là: Vũ Tiệm, Bắc, Hân, Tường, Kỳ. Cổ phả không chép ngày giỗ, tuổi thọ.

4.     Ông VŨ TẾ (xem phần trên: đại khoa Bạt cử Vũ Tế) đời thứ 6.

Trước khi thi đỗ khoa Bạt Cử, ông tế đã đỗ Hương Cống đời vua Lê Kính Tông (1600 – 1619). Rồi thi Hội ở Thăng Long, có vào được 1, 2 trường Hội khoa, không đỗ nổi đại khoa Tiến Sĩ. Nhưng đỗ kỳ thi Bạt Cử (xem ở tiểu sử ông phần Đại Khoa chi Ba họ Vũ). Cũng không rõ năm sinh năm mất. Đây là người đỗ Hương Cống thứ tu của Chi Ba ở Mộ Trạch.

5.     Ông VŨ LƯƠNG (Sinh năm Tân Dậu 1621 – Đời thứ 7)

Trước khi ông Lương đỗ Tiến sĩ năm 1623 (Quí Mùi) đời vua Lê Thần Tông. Năm ông đỗ Tiến sĩ là năm chuá Trịnh chết và con Chúa là Trịnh Xuân đã làm loạn, cướp ngôi cha, bị chết thảm. Như thế  ông Nghè Lương đã đã đỗ Hương Cống năm Nhâm Ngọ (1622), lúc mới 22 tuổi. Ông nổi tiếng đức hạnh. Xin đọc tiểu sử Ông ở tiểu mục 2, phần các Vị Đại Khoa chi Ba họ Vũ, ở phần trước đã giới thiệu. Vợ ông là bà Lê Thị Đỗ quê ở Hoạch Trạch gần quê Mộ Trạch của ông. Ông rất đông con gồm 11 trai và 4 gái (1 gả cho Vũ Trác Lạc, 1 gả cho Tham Nghị Vũ Tự Cường, có 1 con trai thứ 2 đỗ Tiến sĩ là Vũ Đình lâm). Ông nhiều con là do có 3 bà vợ. Thọ 76 tuổi (giỗ 20  chạp).

6.     Ông VŨ ĐĂNG DOANH  (là đời thứ tám)

Ông là con trai trưởng ông Vũ Nghi (trưởng tộc Chi Ba), cháu đích tôn cụ Vũ tế (Bạt Cử). Có lẽ ông sinh vào giữa thế kỷ 17 (khoảng 1635 – 1640) đời hậu Lê (Thần Tông và Trịnh Tráng). Ông từ lúc nhỏ đã có tài văn học. Lớn lên, ngoài 20 tuổi đã đậu Hương Cống và đã dự thi Hội nhiều lần, chỉ qua được 2,3 kỳ văn bài trường thi, không đỗi nổi đại khoa trong nhiều lần thi.

Có lẽ ông đỗ Hương Cống đời Vĩnh Thọ 1658 ? Vua Thần Tông lần 2

Ông Cống Doanh làm quan chức từ cấp Sứ (nhân viên nghỉ lễ trong triều đình) đến chức Lang Trung bộ Công (ngang vụ trưởng nay) tới tuổi 70 xin về hưu ngang đời Vua Lê Kính Tông hoặc Dụ Tông lúc Trịnh Cương cầm quyền) 1705-1709? Tham dự vào Hội Kỳ Anh ở làng Mộ Trạch, đại diện các bậc nho gia đạo đức, dạy dỗ lể nghĩa cho dân làng được mọi người kính phục. Các vị Tiến sĩ trong làng đều nể trọng ông. Ông thọ đến 86 tuổi (khoảng từ 1720-1725) ? Cụ Doanh có hiệu là An Trai. Mộ cụ  chôn ở Mả Rồng trong cánh đồng làng. Cụ có 2 vợ đều họ Vũ. Vợ cả sinh ra ông Đăng Khoa. Bà vợ hai sinh Đăng Giai, Đăng Mỗ. bà vợ sau tính nhân hậu và rất cẩn thận, hiếm có (đọc cổ phả sẽ rõ về Bà Hai Vũ Thị Hinh), thọ 88 tuổi.

7.     Ông VŨ TRỌNG TRÌNH (1639) (đời thứ tám).

Ông bà con cụ Vũ Đức Thắng đời thứ 7 chi ba

Ông là vị đỗ Hương Cống thứ 7 của chi ba này. Và trước khi đỗ Kỳ Sĩ Vọng (tức khoa Hoành Từ Bác Học) ông đã nổi danh có tài văn học nhất huyện Đường An. Vì thế, chừng 23 tuổi đỗ Hương Cống (1661 Tân Sửu khoa). Khoảng 37 tuổi đỗ Sĩ Vọng, nổi danh thơ phú văn chương giỏi tài.

Mãi 43 tuổi, niên hiệu chính hòa 6 (1685 Ất Sửu khoa) ông mới đỗ Đệ Tam Giáp Tiến sĩ. Xin xem thêm tiểu sử ông ở trên phần Đại Khoa .

8.     Ông VŨ KHẮC TIÊU ( ngang tuổi ông Nghè Trọng Trình ở trên).

Là một trong “Đường An Tam Hổ” cùng 2 ông Trọng Trình Minh Lôi.

Ông Cống Tiêu thi Hương đổ Hương Cống cùng thời ông Trình. Có lẽ khoảng từ 1659 – 1665 ? và là một người được chép phụ lục Chi Ba.

Ông Tiêu dự thi Hội mấy lần, không qua nổi Tam Trường chỉ trúng nhất, nhị trường Hội thi. Nghĩa là không đỗ Đại Khoa Hội Đình .

Sau ông làm quan đến chức Hiến Sát Phó Sứ Sơn Nam. Sinh 2 con trai là Khắc Trung, Vĩ và 2 con gái.

9.     Ông VŨ KHẮC TRUNG là con ông Cống Khắc Tiêu.

Cũng đỗ Hương Cống vào đầu thế kỷ 18 ? khoảng 1700-1703 ?

Nếu căn cứ vào gia phả họ Vũ Chi Ba, ông là người đỗ Hương Cống thứ chín. Không thấy trong cổ phả chi tiểu sử và việc làm quan của ông này. Năm sinh, năm mất cùng bỏ trống.

10.                         Ông VŨ QUAN XUÂN (là con thứ 4 Đức Thắng) đời thứ tám :

Ông này là con ruột của tiến sĩ Vũ Trọng Trình trước có tên Thế Trân.

Ông chăm học vì giỏi văn chương, nên đi thi Hương đỗ liền Hương Cống khoảng giữa thế kỷ 17 (Từ 1660-1665) ? Làm quan chức Tri Huyện.

Nhà ông giàu có ở kinh thành Thăng Long, có nhà lớn ở phố Bạch Mã (Hàng Buồm). tên hiệu là Quán Hiên. Vợ ông họ Phạm quê ở làng Phí Xá huyện Thanh Miện. Ông có 3 gái, 2 trai tên là Hàn, Duệ (đời 9).

11.                        Ông VŨ ĐÌNH PHÚC (con trưởng cụ Nghè Lương) (đời thứ tám).

Là anh ông Tiến sĩ Vũ Đình Lâm. Ông có tên tự là Minh Lôi, đứng đầu “Đường An Tam Hổ” trên 2 ông Khắc Tiêu và Trọng Trỉnh là 2 anh họ của ông Minh Lôi (Đình Phúc). Có lẽ cũng đỗ Hương Cống cùng với 2 ông kia ? Đỗ khoảng những năm 1660-1664? Được bổ nhiệm làm Thị Nội Văn Chức (hàm bát phẩm, hầu Vua, Chúa về làm công văn, tức thư ký riêng trong cung).

Năm Ất Tỵ (1665) ông được thăng chức Tham Nghị Sơn Tây ông có hiệu là Lý Khanh, bà vợ tên Thị Hỷ (con gái tiến sĩ Vũ Cầu Hối ngành 5/chi năm). Sinh 1 con trai là tiến sĩ Vũ Đình Triều sau này.

Một tư liệu Phả Mộ Trạch họ Vũ chép : “ông Phúc còn dự thi Hội nhiều lần vượt qua Trường 1, trường 2, vào trường 3 Hội thi là hỏng. Bắt đầu ra làm Huấn đạo ở Tiên Hưng…… lại giỏi cả thuật phong thủy”.

Đây là người họ Vũ chi ba, thứ 11 đỗ Hương Cống thời Hậu Lê

12.                         Ông VŨ ĐÌNH LÂM  (1640-1707) là con thứ 2 cụ Nghè Lương

Là con ruột ông Cống Minh Lôi tức Đình Phúc ở trên.

Ông sinh năm Canh Thìn (1641) và đỗ Hương Cống năm 1664.

Xem tiểu sử ông Nghè Lâm này ở phần Đại Khoa trên.

Trước khi đỗ tiến sĩ khoảng 6 năm, ông đã là Hương Cống 25 tuổi.

13.                         Các con trai tiếp theo của cụ Nghè Lương, có vài người học giỏi thi đỗ Hương Cống hoặc Nho sinh trúng thức (Sình Đồ) làm quan đến Tri Huyện. Nhưng Phả cũ bỏ xót đến 7 trong 9 con trai Cụ Lương không rõ tên gì nữa. Cũng không chép các tiểu sử.

14.                         Ông VŨ MINH TÁ là con trai ông Văn Kiêm (đời thứ tám).

Trước khi ông đỗ khoa Sĩ Vọng năm 1658 Mậu Tý. Ông Tá đỗ Hương Cống khoảng năm 1655 ? Ông thọ bao nhiêu không rõ ?

Xem tiểu sử ông Minh Tá ở phần Đại Khoa phía trên.

15.                         Ông VŨ TRỌNG THẨM (là con trưởng ông Nghè Trình) đời thứ chín.

Ông Thẩm đỗ Hương Cống làm nho sinh trúng thức cuối thế kỷ 17 (Khoảng 1680). Phả cổ chép tiểu sử ông này sơ lược. có 2 con trai.

16.                         Ông VŨ HÀN con cụ Cống Quan Xuân (đời thứ chín)

Ông là quan viên Ấm Tử, lĩnh danh đỗ Hương Cống (1652 ?) Nên năm Quí Tỵ (1653) nhờ nộp lúa thóc cho quĩ triều đình, được bổ làm Huấn Đạo phủ Trấn Ninh. Tên hiệu của ông là Khoát Hiên , sinh 2 con gái, không có con trai nối dòng. Ông là Hương Cống 15 của chi Ba.

17.                         Ông VŨ ĐÌNH THIỀU con cụ Đình Phúc tức Cống Minh Lôi (đời 9)

(1658-1727) ông Nghè Thiều chỉ đỗ tiến sĩ Tam Giáp. Phả Mộ Trạch chép thành đỗ Hoàng Giáp là không đúng với sách Đăng Khoa đời Lê và Bia tiến sĩ. Ông đỗ Hương Cống năm Nhâm Ngọ lúc 14 tuổi. Năm 20 tuổi đỗi tiến sĩ (1680).

18.                          Ông VŨ ĐÌNH DIỆU, con trai Tiến sĩ Đình Lâm (đời 9).

Ông Diệu thi đỗ Hương Cống khoảng 1670? thuộc thế hệ 9.

Sau đó có dự nhiều lần kỳ thi Hội chỉ được 1,2,3 trường và không đỗ Hội Khoa. Ra làm quan Điển Bạ. Ông có 3 con trai,1 con gái. Đây là ông Cống thứ 18 của chi Ba họ Vũ Mộ Trạch.

19.                          Ông VŨ ĐÌNH LIÊN, Đời thứ 9 là thứ nam của cụ Đình Chất (cháu nội cụ Nghè Vũ Đình Lương, ngành 3).

Do lấy tập ấm (tôn) của ông Nội (Nghè lương), ông được dự khảo thí ở cấp Huyện Đường An, được dự thi Hương, lọt vào Tứ Trường. Có lẽ điểm hơi thấp? Mà số lượng Hương Cống trúng tuyển có số hạn nên lẽ ra ông đủ khả năng được Hương Cống mà không trúng? Sau làm Nho sinh (trúng thức) ra làm quan chức thấp. Tên hiệu của ông là Đoan Thiện. Bà vợ là Vũ Thị Phiến , hiệu là Từ Nhân ở chi 5 trong làng. Ông bà sinh được 2 trai và 1 gái. Dẫu sao ông cũng thuộc hàng Tứ Trương Hương Thí ngang với Hương Cống và có ra làm quan.

20.                          Ông VŨ MINH DOÃN là con thứ ông Minh Tá.

Nhà giàu có, chịu học, nên sát hạch được lĩnh chức Quan Viên Tử lĩnh Hương Cống. Tính ông mạnh bạo hơn người vào cung làm chức Thị Nội Văn Chức, thư hạ (dưới tay ông) có đến trăm người. Vì có thế lực nên thời đó có câu ngạn ngữ: “Thứ nhất Cống Trai, thứ hai Cống Chỉnh”. Cống Trai là ông Doãn (vì có on gái đầu tên Vũ Thị Trai). Còn ông Cống Chỉnh quê ở làng Trúc Lâm. Ông thọ đến 75 tuổi và có tên tự là Huyền Chu, hiện là Tố hạnh. Vợ ông là con gái Tiến sĩ Vũ Cầu Hối, có 1 trai.

21.                          Ông VŨ HIỆU, là trưởng nam ông Đăng Giai, cháu nội ông Doanh.

Ông Hiệu thuộc đời thứ 10, chi Ba (dòng cụ Vũ Hữu)

Ông học giỏi và đến Tràng An – Thăng Long học thầy Thượng thư Tiến sĩ (1652), Hồ Sĩ Dương (gốc xứ Nghệ). Nên học lực ông rất giỏi.

Đến kỳ thi Hương, ông dự khảo hạch trong xã, 3 khoa liền đều trúng hạng nhất. lần đầu ông đủ khả năng dự thi Hương, không trúng cách, bị bà mẹ ông lấy roi đánh ông rất đau! Nên ông xấu hổ và giận mẹ, bỏ về xã Lam Cầu, huyện Gia Phúc tránh mặt và bỏ học? Khoa thi năm Nhâm Ngọc, Chính Hòa 23 (1702), ông vào dự thi đã làm xuấ sắc, ông đỗ Hương Cống hạng cao. Năm đó, làng Chằm Thượng (Mộ Trạch) có 20 ông đi thi Hương cùng trường Hải Dương. Lúc ra bảng, đỗ được 8 ông Cống. Ông Vũ Đăng Xu đậu cao nhất, ông Vũ Hiệu đỗ thứ 2/8. Rồi các ông Công Nhạ, Duy Vinh, Đình Diệu, Duy Hoàn, Trọng Thẩm và Nguyễn Thường Thịnh cùng đỗ Hương Cống 1 bảng. Tất cả 8 ông đều đỗ Hương Cống cùng làng Mộ Trạch (1702)

Lúc đó (Nhâm Ngọ 1702), ông mới 22 tuổi và như thế ông sinh năm Tân Dậu (1681). Năm Ất Mùi (1715) ông 35 tuổi thi đỗ khoa Bạt Cử. Ra làm Huấn Đạo ở Phủ Phụng Thiên (Thăng Long và lân cận), rồi về làm Tri Huyện ở 2 nơi: Gia Phúc và Tứ Kỳ. Vì ông làm Học quan chấm thi nghiêm minh và đề cử nhiều người có tài năng, nên ai cũng khen ông có tài chọn người giúp nước. Hơn nữa ông nổi tiếng thanh liêm, không ăn hối lộ trong kỳ tuyển binh ở huyện Gia Phúc (Lộc). Ai cũng khen, nể trọng ông. Về sau, ông được thăng chức Viên Ngoại Lang Bộ Hình (như Giám đốc Sở Tư Pháp kiêm Viện Trưởng Kiểm Sát Nhân Dân nay). Ông thọ 61 tuổi, có tên tự là Phì Độn, hiệu là Thức Trai, từ trần năm Tân Dậu 1741 (Cảnh Hưng thứ 2) thời Chúa Trịnh Doanh cầm quyền chính. Vợ ông tên Vũ Thị Giãi (con gái ông Vũ Đăng Hiển, đời thứ tám, Chi Hai). Ông sinh được 3 trai là Vũ Đăng Trạc, Đăng Bật và Phương Lan (người về sau soạn phả 5 chi, 8 phái). Và có 2 con gái nữa. Sau vợ cả chết, ông lấy vợ kế họ Vũ (Thị Chấn) ở Phái Đinh con ông Vũ Công Tạo. Không sinh con.

Đây là ông Hương Cống thứ 20 của họ Vũ Chi Ba.

22.                          Ông VŨ THUẦN: (là con thứ ông Đăng Giai, em ruột ông Hiệu): đời thứ 10.

Ông đỗ Hương Cống năm Ất Dậu (1705), đỗ sau anh cả Hiệu đúng 3 năm (niên hiệu Vĩnh Thịnh). Năm đó, làng Mộ Trạch có 18 người dự thi Hương đã trúng tuyển Hương Cống gồm 7 ông họ Vũ: Duy Mô, Thuần, Duy Thuyên, Duy Trác, Công Tuân, Xuân Nhai và Bật Thật. Ông Vũ Thuần đỗ thứ 2 trong 7 ông Cống Mộ Trạch khoa đó. Vợ ông là con gái “ông Huyện Chưởng” (cùng Chi Ba, cháu nội gái cụ Nghè Vũ Lương) tên là Thị Nhẫm. Ông có tên tự là Độc Thiện, hiệu là Thận hành. Giỗ ông 27/ Giêng, không rõ tuổi thọ!

23.                         Ông VŨ TRỌNG TÚ: Con cả ông Trọng Liêu, chaú nội cụ Nghè Trọng Trình, ngành thứ (đời 10)

Ông Trọng Tú học giỏi và thông minh, thi đỗ đầu kỳ thi sát hạch ở trường phủ Thượng Hồng), nên được phép dự kỳ thi Hương. Sau ông Tú đậu Hương Cống khoa Nhâm Tý niên hiệu Vĩnh Khánh 4 (1732) đời Vua Lê Duy Phường và bạo Chúa Trịnh Giang. Khoa này làng Mộ Trạch có đến 19 người cùng dự thi, nhưng chỉ có 6 ông đậu Hương Cống: Vũ Trọng Quyến, Vũ Công Thuật, Vũ Phương Đẩu (chồng bà Nhữ Thị Nhuận, Hậu Thần làng Chằm Thượng). Vũ Đăng Giám và Nguyễn Xuân Mộc, kể cả ông Trọng Tú đậu trên 5 ông kia. Sau ông làm Giám Sinh Quốc Tử Giám (tục gọi là ông Cống Quyển có lẽ gọi theo tên con gái ông?). Bà Trọng Tú họ Vũ ở phái Đinh. Hai ông bà không có con trai nối dõi.

24.                          Ông VŨ ĐÌNH ÂN (1680 – 1747) con cụ Nghè Đình Thiều.

Ông Nghè Ân thuộc đời thứ 10, cháu nội ngành trưởng cụ Nghè Lương.

Trước khi đỗ Tiến sĩ (khoa Nhâm Thìn 1712) lúc 33 tuổi, thì ông Ân đã đỗ Hương Cống khoa Mậu Tý (1708) lúc ông đã 29 tuổi.

Tiểu sử chi tiết của ông đã giới thiệu ở Phần Đại Khoa Chi Ba (hãy xem phần trên sẽ rõ). Theo thứ tự gia phả, ông là Hương Cống họ Vũ, chi 3, hàng thứ 23 và cũng là Tiến Sĩ chót (6) của Chi Ba này.

25.                          Ông VŨ ĐÌNH VỊ:  (1696 là năm Bính Tý, đời thứ 10)

Ông là con cả của cụ Đình Liên, cháu nội cụ Chất, chắt 3 đời sau của cụ Nghè Lương. Ông thông tuệ, học giỏi, mới 15 tuổi đã đỗ sinh đồ (đời Nguyễn là tú tài) vào năm 1710 (Canh Dần).

Bốn năm sau, 19 tuổi ông Vị đỗ Hương Cống khoa Giáp Ngọ đời vua Vĩnh Thịnh (1714). Làm chức Giám Sinh, có tên tự là Thiếu Dĩnh hiệu là Bá Thuần. Bà Cống Vị là con gái cụ Vũ Phương Nhạc (chi 5).

Ông Cống Vị mất sớm vào năm Quý Mão (1723), mới 28 tuổi và vợ goá có 24 tuổi xuân xanh. Bà thủ tiết suốt đời, sống đạm bạc, thọ 65 tuổi (mất năm Giáp Thìn 1764). Bà tuổi Canh Thân (1700), cô đơn, buồn tẻ là thế! Chỉ có 1 con gái là Thị Lan gả cho Nho sĩ Vũ Tông Hải (ở phái Kỷ)

26.                          Ông VŨ TẤT TỐ là con ông Minh Tuấn- đời thứ 10.

Ông đỗ Hương Cống (không rõ năm nào?) làm tri huyện Tuý Vân thuộc trấn Sơn Nam. Ông giỏi và thích khoa phong thuỷ đã chọn đất táng cho ông ở đấy. Quả nhiên, sau ông chết ở huyện Thanh Lan (Quan) phủ Thái Bình, Sơn Nam Xứ. Vợ ông họ Vũ thuộc Chi Ba nhà ông, sinh ra 1 trai tên Vũ Dương Thanh. Sau ông lấy thêm 1 bà họ Vũ ở phái Canh sinh 1 gái gã cho Nhữ Đình Quy. Không rõ năm sinh, năm mất của ông?

27.                          Ông VŨ TẤT THÔNG: là em ruột ông Cống Tất Tố (đời 10)

Học giỏi, có tài văn học, thi 1 lần đỗ ngay Hương Cống. Nhưng sau đó dự ba lần thi Hội, chỉ qua được Nhị, Tam trường, không sao đỗ Đại Khoa Hội Đình Tiến sĩ đề danh được. sau làm Huấn đạo phủ Nam Sách. Hiệu là Lạc Hiên. Ông nổi tiếng có tài dạy học, giảng bài hay, đào luyện nhiều người có tài, đậu cao, thành đạt. Vợ ông họ Vũ (Thị Các), con cụ Vũ Duy Tư, sinh 1 con trai là Tất Tựu, không năm sinh năm mất.

28.                          VŨ PHƯƠNG LAN: (con út Cụ Vũ Hiệu, đời thứ 11)

Ông sinh năm Giáp Ngọ, 1714, mất năm ………………..

Khoa Ất Mão (1735) đỗ Hương Cống đời Trịnh Gian cầm quyền

Đã 5 lần dự thi Hội, đều qua được Nhất, Nhị, Tam trường, mà không đỗ nổi Đại khoa Tiến Sĩ. Nổi danh văn bút và có óc tham khảo sưu tầm. Ông chính là tác giả chủ biên bộ “Mộ Trạch Vũ Tộc Thế Hệ Sự Tích” soạn trong hơn 2 năm trời, cùng 2 ông họ Vũ khác.

Ra làm quan Tri Huyện, Tri Phủ rồi lên Lang Trung Bộ Hình.

Vợ Ông tên Lê thị Biểu, quê ở làng Trâu Khê (thuộc huyện gần đó).

Sau ông lấy thêm 1 bà thiếp Phạm Thị Phán, Đoàn Thị Khánh, Lê Thị Xuyến là 4 vợ ở 4 nơi ông đã đi làm quan.

Các bà sinh ra 6 con trai và 4 con gái (thuộc đời 12)

29.                          VŨ ĐÌNH DỤ: Là con cụ Đình Giảng (ông Dụ thuộc đời 11)

Ông đỗ Cử Nhân Võ (Bác cử Võ thí tam trường) năm Canh Ngọ 1750, làm Võ quan cấp trung đời Hậu Lê. Lấy vợ là bà Vũ Thị Trâm ở Chi Ba, là con cụ Duy Tăng. Chưa rõ con cái, năm sinh, năm mất? Ông là cử võ duy nhất của Chi Ba.

30.                          VŨ ĐÌNH UẨN – Đời 12

 Ông đỗ Hương Cống đời Hậu Lê, có lẽ thời Trịnh Doanh cầm quyền (1740 – 1767). Rồi được làm chức Giảng Dụ Quốc Tử Giám. Vợ ông họ Nguyễn ở làng Nhuế Đông, huyện Lang Tài. Sinh được 5 con trai.

31.                          VŨ QUY NIÊN:         con thứ 4 cụ Phương lan (đời 12)

Ông đỗ Hương Cống cùng thời với anh cả Đức Uẩn, muộn hơn độ vài năm thôi (vì anh em sinh cách nhau không xa nhiều, cứ ba năm đôi, và cụ Phương lan có đến 4 vợ. Ông Cống Niên là con 1 bà thứ như Phả ghi rõ.

Ông Cống Quy Niên có 4 bà vợ lớn, nhỏ. Bà cả sinh 2 trai.

Ông Niên từng làm Tri Huyện Vĩnh Lại (Hải Dương)

32.                          VŨ ĐÌNH HUYỄN     (đời thứ 12)

Là con ông Đình Ý, cháu cụ Đình Hiểu, cháu 5 đời sau ông Đình Lương.

Học giỏi, thông minh, thi đỗ Hương Cống 2 lần, nên được gọi là: Thầy Cống Kép, Thật cũng hiếm thấy!

Ông Cống Kép làm Giáo Thụ phủ Trường Khánh. Khi mãn nhiệm ông tụ họp môn sinh dạy học, giảng huấn nổi tiếng, có học trò thành đạt đến 6 người đỗ Đại Khoa (Tiến sĩ, như Vũ Văn Lý ở làng Đoàn Mỗ, huyện Tứ Kỳ, và Giải Nguyên Hương Cống Vũ Duy Ngạn ở chi Năm nhà ông Vũ Thế Nho)

Vợ ông người cùng làng Mộ Trạch họ Vũ, sinh 4 con trai, 4 gái.

Không rõ năm sinh, năm mất và sự nghiệp làm quan hơn nữa?

33.                          VŨ DUY ĐÊ (tức Vũ Đình Vân sau đổi là Tảo) đời thứ 15.

Ông là con trai duy nhất của cụ Vũ Đình Ngang, cháu nội cụ Đình Uý.

Mẹ ông Đê (Tảo) là con gái cụ Vũ Văn Ngũ, ở phái Kỷ cùng làng.

Ông Duy Đê đỗ Cử Nhân thứ 11/ 70 ông trúng tuyển Hương khoa năm Tân Dậu 1891. Và ông ra làm quan Huấn Đạo, rồi làm tri huyện Yên Thế (Bắc Giang). Sau cùng được Hàm Tri Phủ, nên cả làng, cả tổng, huyện gọi ông là “Ông Phủ Đê” (sở dĩ đổi tên Cử Vân là trùng tên 1 ông Bác đời 13)

Ông bà Phủ Đê sinh được 1 trai là ông Vũ Đình Điềm (Cả Điềm) lấy vợ họ Vũ làng Phú Khê, gần Mộ Trạch, là con gái ông Cử nhân Vũ Như Lang (bạn học, cùng đậu Cử nhân năm Tân Mão 1891 với ông Duy Đê (Đình Tảo)). Con cháu chắt của cụ Phủ Đê và Chi ba này có đời thứ 20.

TỔNG KẾT

Trong thời Nhà Nguyễn, họ Vũ, Chi Ba có xuống hơn so với các chi phái trong làng Mộ Trạch? Trước ông Cử Đê, chỉ có 2 cụ đỗ Tú Tài! Ông Cử Đê là 1 trong 9 ông “Cử Mộ Trạch” dưới đời các vua nhà Nguyễn, ông cũng làm quan vinh hiển nhất chi Ba cuối đời Nhà Nguyễn (và có lẽ là cả làng Mộ Trạch nữa?)

Điều đáng quan tâm, triều Nguyễn có ẩn ý triệt hạ tài năng học hành thi cử của Nho sĩ Mộ Trạch, giống như thời Hậu Lê, khi Trịnh Sâm (1768-1782) cầm quyền đã đố kị vụ ông Hương Cống Vũ Trác Oánh khởi nghĩa chống 2 anh em Chúa Trịnh Giang + Doanh (là Bác và Cha Trịnh Sâm) từ năm 1739 – 1742 ở huyện Đường An. Cống Oánh là người Mộ Trạch. Nên làng này bị nghi ngờ. Do đó, ông Vũ Huy Đĩnh (đời 10, phái Kỷ) là người sau chót đỗ Đại Khoa Tiến Sĩ Nhà Lê – Trịnh năm Giáp Tuất 1754 đời Trịnh Doanh của cả làng Mộ Trạch. Con cả ông là Vũ Huy Liễn, tức Huy Tấn được vua Quang Trung trọng dụng làm Nhà Ngoại Giao, tước Quận Công, chức Thượng Thư cho triều Tây Sơn.

Như thế, để bà con họ Vũ, Võ cả nước Việt Nam ngày nay hiểu biết thêm về một chi họ Vũ xuất sắc khoa bảng và góp công sức cho các thời đại Lê Sơ (1428 – 1927), Mạc, Lê – Trịnh (Hậu Lê 1593 – 1788), Tây Sơn (1789 – 1802) và Nguyễn (1802 – 1945) suốt năm thế kỷ, có 9 vị đại khoa, gồm 6 Tiến sĩ, 1 Sĩ Vọng, 2 Bạt Cử và 32 Hương Cống, Cử Nhân văn, võ ở trong 1 làng nổi tiếng nhất nước xưa có 45 vị Đại Khoa và hơn một trăm ông Cống Cử. Mà Chi ba trong “5 chi 8 phái” đã xuất sắc nhất ở Mộ Trạch xưa. Xin vinh danh quá khứ chi họ này./.

 

VH(2006)



[1] Trích nguyên tác trong Mộ Trạch, Vũ Tộc Thế Hệ Sự Tích, bản dịch Vũ Thế Khôi, NXB Thế Giới, Hà Nội 2004, trang 152