Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
TẠO DỰNG LẠI CÁC DI TÍCH VĂN HOÁ XƯA CỦA MỘ TRẠCH Vũ Hiệp

 

TẠO DỰNG LẠI CÁC DI TÍCH VĂN HOÁ XƯA CỦA MỘ TRẠCH

Vũ Hiệp

(Góp ý với các anh: Huy Căn, Quốc Ái, và Huy Thuận về việc tạo dựng lại các di tích văn hoá xưa của Mộ Trạch.Cũng gửi ý này đến các Cụ Phu, ông Trứ, ông Tình  … v.v.. và các vị có tấm lòng bảo tồn văn hoá làng ta).

Tôi là Vũ Hiệp, tuổi gần 70, là người họ Vũ ở huyện Thanh Oai (gần thị xã Hà Đông), nay thuộc Hà Tây. Dù tôi không là người CHẰM Thượng ta, nhưng rất có thể các viễn tổ tôi cách đây vài trăm nay trước từ Đường An hay Cẩm Giàng về quê tôi ở Sơn nam Thượng lập nghiệp. “Ngày Việc Họ” chúng tôi xưa, nghe Bác, cha, chú tôi (đều sinh thế kỷ 19, từ năm 1982 – 1899) thường kể là: “Tương truyền các Cụ đời trước bảo: họ Vũ nước Nam là con cháu ông Vũ Hồn”. Thực chất, không có chứng cớ, nhưng ai họ Vũ ở miền Bắc đều tự hiểu như thế, dù chẳng Cụ nào biết Tổ Vũ Hồn là ai?

Vốn là người học về Cổ sử, Hán Nôm và lớn lên dạy học (cấp 3, rồi Cao Đẳng và Đại Học) về lịch sử Việt Nam. Khi ở tuổi 30 (đầu thập niên 1970) tôi chuyên khảo về lược sử các họ tộc Việt Nam và quan tâm đến họ Vũ hơn hết, cho đến nay.

Sau năm 1980, tôi có ra Bắc và về thăm Mộ Trạch lúc còn khó khăn chung của đất nước. Thấy nhiều di tích còn điêu tàn trong làng. Trước sau 4, 5 lần về Mộ Trạch, dù không là quê cha đất Tổ tôi. Tôi về chiêm bái Miếu Đình là chính và cả Lăng Thần Tổ. Lần cuối, gần đây nhất (tháng 05/2006), tôi được anh Thuận rủ về quê ta nghiên cứu di tích văn hoá Mộ Trạch. Và được ở thăm Mộ Trạch gần ba ngày đêm. Được anh  Ái, anh Căn, anh Thuận đưa đi thăm làng vài vòng và đến một số Từ Đường các Chi Phái (Nhà Thờ Họ), tôi đã cảm xúc và thành tâm yêu quí làng ta. Rất ngưỡng mộ di tích Miếu Đình và còn được biết một số di tích Văn hoá Mộ Trạch thửơ xưa, lúc Nho học thịnh thời từ triều Lê Sơ (1428 – 1527), triều Mạc (1528 – 1592), triều Lê _ Trịnh (1593 – 1788), Tây Sơn (1789 – 1802) và triều Nguyễn (1802 – 1945) đã làm vinh danh cho làng cổ khoa bảng Mộ Trạch được tiếng “Tiến sĩ Sào”. Tiếc thay, do hoàn cảnh xã hội và chiến tranh, thời thế suốt 60 năm qua (1946 – 2006) nhiều di tích văn hoá xưa đã suy sụp, mất đi chẳng hạn như: các quán: “Kỳ Anh Hội”, “Đồng Quan”, “Đống Chi Long”, “Tứ Vi Thừa Phong” và Văn Chỉ cũng như Cầu Ông Trạng …, nay chỉ còn là “Vang bóng một thời” hay “Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình” (chỉ được nghe nói mà không còn được nhìn thấy nữa). Nay tôi hiểu biết, tuy không được sâu sắc như các vị từng sống lâu trong làng, nhưng cũng xin mạnh dạn góp ý.

Là người họ Vũ ở nơi khác, thật sự không có trách nhiệm gì với làng ta. Nhưng là người hoài cổ, chuyên về nghiên cứu sử, phả họ Vũ và “Trăm họ Việt Nam”. Tôi mạo muội góp ý với các Cụ, các ông bà có trách nhiệm với Mộ Trạch hãy trùng tu các di tích cũ để tôn vinh văn hoá xưa của làng ta góp phần phục hưng văn hoá dân tộc Việt Nam. Tôi xin thử đưa ra 1 số địa điểm di tích ở quê ta như sau:

1.     Văn Chỉ:

Làng nào ở Miền Bắc và Miền Trung xưa cũng đều có Văn Chỉ là nơi thờ các Tiên Nho và các Nho gia có khoa bảng, có chữ nghĩa khá (sinh đồ, tú tài, hiện sinh, khoá sinh, hàm Văn Giai Cửu phẩm trở lên …) cũng như các vị có quan chức được khắc bia và bài vị thờ ở đó. Làng Mộ Trạch xưa có tiếng “nhiều chữ, nhiều quan, nhiều ông nghè, ông cống” nên ngói văn chỉ càng quan trọng hơn các làng khác.

Văn chỉ Mộ Trạch xưa tường gạch, cột, kèo bằng gỗ lim và mái ngói, có 2 lớp nhà song song hình chữ Nhị , thờ Khổng Tử và các Tiên Điền. Hàng năm, Xuân Thu Nhị Kỳ, hội Tư Văn chọn ngày Đinh trong tháng 2 và 8 âm lịch, tế các Tiên Thánh Nho. Văn Tế có ghi đủ các vị đỗ Đại Khoa và các quan Văn Võ có danh vọng, có học chữ Nho khá đã mất, được cúng tế các phối hương, cùng Thánh Khổng, Tứ phối, Á Thánh (Mạnh Tử, Trình Tử, Chu Tử và Thất Thập Nhị Hiền (72 Nho gia đệ tử Khổng Mạnh). Theo ông Phủ viết: “Thờ 33 vị bảng vàng, 183 vị có công truyền dạy chữ Nho kể cả các vị có công dạy dỗ các ông đại khoa. Cuối cùng là hơn 40 Hương Cống, Cử Nhân và 20 Tú tài có ra làm quan to và có công đóng góp tiền của xây dựng Văn Chỉ.

Các cụ, các ông bà Mộ Trạch nay nên trùng tu Văn Chỉ lại thì tỏ rõ có văn hóa hơn nhiều xã, thôn khác! Văn chỉ trước ở giữa làng ta, gọi là Đình Đông. Thời Pháp thuộc đã dùng làm Trường học kiêm bị cho cả Tổng thời cử học chữ Pháp, quốc ngữ và chữ Nho (từ 1926 – 1945). Phía trước, Văn Chỉ có hợp 1 chợ gọi là “Chợ Đình Đông”. Về sau, Văn Chỉ chuyển ra khu đất phần Chùa. Gần đây, trong thời cải cách ruộng đất và khắt khe, bị rỡ bỏ, nay không còn vết tích. Tiếc thay cho 1 làng khoa bảng Nho học xưa bậc nhất Việt Nam? Mà không còn Văn Chỉ là thiếu xót lớn.

Xin hãy phục chế, dù nhỏ cũng được ở chỗ “Chợ Đình Đông” để nêu cao văn hoá Mộ Trạch. Nếu được, chúng tôi sẽ góp bài nghiên cứu lịch sử Văn Chỉ quê ta qua các tư liệu tham khảo.

Tôi tha thiết góp ý với anh Ái và Ban Quản Lý Di Tích và anh Căn là Thôn Trưởng, ông Trứ, cụ Phu, ông Tình .v.v.. là các vị thủ từ Miếu Đình, nên bàn với bà con có chức trách của Làng ta. Lập dự án, tôi tin là có các nhà hảo tâm gốc Mộ Trạch từ Hà Nội, Hải Dương, hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và bà con hải ngoại sẽ góp tài trợ ngay. Làm Văn Chỉ và Quán Kỳ Anh trước. còn 4 nơi bia chỉ cần ban đầu là 4 bia giả đá (cao 1,5m 80cm bằng bêtông đúc) in Văn bia quốc ngữ và thơ văn cổ chữ Hán Nôm sẵn có xưa ca tụng di tích ấy. Có lẽ mỗi bia không quá 300.000 đồng? Vấn đề, thôn xã có đồng ý không? Dựng bia (bêtông) đâu có chiếm đất công là bao? Chỉ 2m2 mổi di tích là đủ để đánh dấu văn hoá cũ.

2.     Cầu Ông Trạng:

Đây là di chỉ, xưa có 1 Đình VMông (Phương Đình) nằm ở 1 khu đất rộng 1 sào ta (360m2), có doi đất hình cái bút. Cụ Trạng Nguyên – Lê - Nại (Ông Phú, ông Triều đều lầm lẫn là Lê Đỉnh, đỗ năm 1505 Ất Sửu) đã cho dựng 1 cái quán bên đường đó (chắc gần cầu?) để hóng mát, gọi là  “CẦU ÔNG TRẠNG”. Có 1 bài Phú Nôm ( Ông Phú gọi là bài ca là sai) của ông Hoàng Giáp Vũ Bạt Tuỵ ca ngợi như sau: “Yêu thay Cầu Ông Trạng, Yêu thay Cầu Ông Trạng … giáp đất ngõ Trung, trên đồng Chằm Thượng …” nay là 1 cầu bắc ngang cừ…

3.     Quán Đồng Quan:

Ở cửa Đông của làng. Đây là chổ các vị túc Nho khoa bảng gặp nhau hàng tuần bàn luận kinh sử và ngắm trăng thu. Quán nay không còn nữa, xưa còn là nơi các quan về làng, vào đó thay áo mũ, nghĩ ngơi rồi mới vào làng. Nay còn tên “Cánh Đồng Quan” từ Cổng Đông ra có 1 con đường đi về hướng Nam có tên như thế. Nếu không xây lại quán thì vẫn có 1 cái bia quốc ngữ mô tả số.

4.     Đống Chi Long:

Đây là khu đất hơi cao, xưa có 3 cái gò nhỏ, giáp kề làng Hà Xá, nay thuộc địa phận giáp Ngọc Cục xưa là doanh vệ (nhà bảo vệ của làng có tuần đinh gác coi an ninh cho làng). Theo các cụ xưa truyền lại, thời Hậu Lê, các vị đồ Tiến sĩ người Mộ Trạch , từ Thăng Long về vinh quy bái tổ, theo Hương Ước và Luật Vua, dân làng phải đi đón ở chùa Vô Ngại, h. Đường Hào (Mỹ Hào) về chợ Huyện xã Hoa Đường (Lương Ngọc). Đến bãi Chi Long làng ta, dừng võng lọng đợi bà con trong làng ra đón đông đảo hơn. Ông Vũ Cán có thơ.

5.     Quán Kỳ Anh:

Các gia phả, tộc phả xưa ở Mộ Trạch đều có nhắc và mô tả về Quán Kỳ Anh ở phía Nam làng, tức gần Cổng Nam làng, là nơi sỉ tử họp để học thi. Hãy đọc tư liệu của ông Phú sẽ biết rõ ra sao?

Tại sao không tái lập thành 1 Nhà văn hoá, Thư viện, phòng đọc sách báo cho bà con trong làng và các cháu có chổ ôn thi, học bài? Các cụ ra ngâm thơ, trò chuyện văn chương thân ái? Lập 1 bia quốc ngữ mô tả lại công dụng của Quán Kỳ Anh xưa ra sao? Ghi cả thơ văn cổ vào.

Tiến sĩ Vũ Duy Đoán cưa có bài thơ tứ tự, lục cú, tán tụng Quán Kỳ Anh cách đây trên 350 năm trước rất ý tứ xâu sắc. Về sau, đời Nguyễn, Quán Kỳ Anh dành cho các cụ già Nho học có tuổi về hưu ở làng họp ở đó. Ngày Ngày Yến Lão tháng giêng, được rước ra Đình. Nay ngòi thủng, lợi đào ngang, Quán cũ bị tàn phá, nên phục chế bên cạnh ngòi.

6.     Tứ Vi Thừa Phong:

Đây cũng là 1 di tích đẹp của làng xưa, gần đó có gõ động “Thần Đồng” hay  “Song Đồng Giảng Thư”. Vì xưa có gió mát, cây cối um tùm, nên dân làng ra đó hóng mát mỗi chiều hè thu. Nếu có bia mô tả, nếu có điều kiện xây nhà mái vuông (tôn đỏ giả ngói cũng được) cho bà con trong làng nghĩ ngơi. Đây là khu đất ở bên tả của làng, mà các cụ xưa bảo là có hình con Rồng xanh (Thanh Long) để đối với Đống Chi Long là Con Hổ Trắng (Bạch Hổ) … là 1 truyền thuyết đẹp của làng ta? Tại sao lại lãng quên?.

Đây chỉ là sự góp ý của 1 cá nhân hoài cổ và mến quý làng cổ Mộ Trạch. Mong được quan tâm và tha thứ, nếu có gì sai sót trong hiểu biết? Kính chào.

Tháng 09 năm 2006

Người nghiên cứu

 

VŨ HIỆP