Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
VĂN MIẾU MAO ĐIỀN - Thạch Thảo

 

VĂN MIẾU MAO ĐIỀN

--- Thạch Thảo ---

Nằm bên quốc lộ số 5, cách Hải Dương hơn 10 km về hướng Hà Nội, phía bên phải, giữa đồng lúa xanh rờn là toà nhà mái uốn cong rêu phong cổ kính. Đó là văn miếu Mao Điền, nổi tiếng của xứ Đông từ giữa thế kỷ thứ mười lăm.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi đã mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam. Từ Lê Thái Tổ (1424) đến đời Lê Cung Hoàng (1527) các triều đại nhà Lê tồn tại vừa tròn 100 năm. Chế độ phong kiến Việt Nam thời kỳ này đã đạt được nhiều thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội... Nhằm tạo nên động lực thúc đẩy phát triển xã hội, nhà Lê chủ trương mở mang việc học hành và xây dựng một chế độ đào tạo nho sĩ quan lại. Cùng với Quốc Tử Giám là cơ quan giáo dục cao nhất đất nước, ở các địa phương có trường quốc lập mà Văn miếu Mao Điền là một trong số những trường quốc lập đó.

Văn miếu Mao Điền thuộc tổng Mao Điền, phủ Bình Giang trấn Hải Dương, hiện nay thuộc thôn Mao Điền, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng. Văn miếu là một công trình bề thế, phần chính gồm hai toà nhà lớn, mỗi toà bảy gian áp mái sát vào nhau. Nhà trong thờ Khổng Tử. Nhà ngoài là nơi tụ hội bái lễ của các bậc quan trường học giả. Các tài liệu nghiên cứu và sử sách cho biết văn miếu Hải Dương trước thuộc xã Vĩnh Lợi, huyện Bình Giang sát sông Kẻ Sặt, đến thời vua Quang Trung mới được rời về Mao Điền. Năm Gia Long thứ 9 (1810) Văn Miếu được trùng tu, xây dựng thêm nhà khải các khúc văn, hai nhà giải vũ, hai lầu chuông...

Trấn Hải Dương nằm ở phía đông kinh thành (xứ Đông) khi ấy rộng lớn chạy xuống tới Hải Phòng và một phần Quảng Ninh ngày nay- là một vùng đất học. Triều Lê tổ chức nhiều khoa thi tại Mao Điền mà cánh đồng Tràn phía trước Văn Miếu là nơi sĩ tử dựng lều chõng. Năm 1527 nhà Mạc lên cầm quyền trụ được ở Thăng Long 5 đời vua, nhưng do nhiều lý do khác nhau, nhà Mạc đã tổ chức 3 khoa thi hội đầu tiên ở Mao Điền. Đó là vào năm 1532 dưới triều Mạc Đăng Dung niên hiệu Minh Đức thứ ba, trấn Hải Dương có 7 người đỗ; năm 1535 dưới triều Mạc Đăng Doanh, niên hiệu Đại Chính thứ sáu trấn Hải Dương 5 người đỗ, trong đó có danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm. Từ khoá tiếp theo, năm 1538, dưới triều Mạc Đăng Doanh, niên hiệu Đại Chính thứ 9, các khoa thi hội mới được chuyển về kinh đô.

Như vậy, trong quá trình tồn tại, Mao Điền từ vị trí trường học của trấn Hải Dương đã trở thành trường thi của cả miền góp phần đào tạo nhân tài cho địa phương và cho giang sơn xã tắc. Sinh thời Phạm Đình Hồ đã hai lần về thăm Mao Điền, bởi vì khi ấy cùng với Văn Miếu, Mao Điền còn là lỵ sở của trấn Hải Dương, ông đã tức cảnh làm thơ và ghi bút tích lưu lại đến ngày nay. Tháng 6 năm 1802 Phạm Đình Hồ về thám sát Mao Điền lần nữa và viết: Định Đô, đặt trấn mà chỉ lấy cho gần nơi thanh viện, tiên chạy trạm mà không để ý đến việc công, thủ sau này thì sao có thể khống chế được sơn hải, bảo vệ cho chốn bang kỳ được. Sau này vua Gia Long kinh lý ra Bắc Hà đã quyết định di trấn về phía đông hơn 10 km như vị trí hiện nay. Mao Điền trở thành di tích lịch sử và văn hoá của đất nước.

Năm 1948 giặc Pháp chiếm đường 5 trong đó có Mao Điền và biến Văn Miếu thành căn cứ chiếm đóng. Chúng phá nhà, Khải thờ Thánh Mẫu (mẹ Khổng Tử) và nhiều công trình khác. Chúng xây tường và rào kẽm gai chung quanh. Những năm tháng chiến tranh và thời gian đã huỷ hoại khá nhiều di tích văn hoá này. Năm 1973 năm gian giải vũ bị dông bão đánh sập. Mao Điền được Nhà nước công nhận di tích và xếp hạng theo quyết định số 97 ngày 21/1/1993.

Lễ hội Mao Điền diễn ra từ 15 đến 18 tháng 2 âm lịch hàng năm. Không khí tưng bừng mà trang nghiêm. Ngày xưa những dịp như thế này quan tổng trấn về được rước từ đường lớn vào Văn Miếu, trên đầu che lọng vàng lộng lẫy. Các nho sĩ khoa bảng, cùng nhân dân khắp nơi kéo về dự. Truyền thống ấy còn giữ gìn tới ngày nay. Chẳng những người Mao Điền, Cẩm Giàng mà khắp vùng, khách thập phương hân hoan đón chờ ngày lễ.