ĐI TÌM NGUỒN GỐC
HỌ VÕ Ở TỈNH QUẢNG NGÃI
I. LỜI MỞ ĐẦU:
Từ lâu, chúng tôi quan tâm đến cộng đồng họ Võ – Vũ ở tỉnh Quảng Ngãi. Vì trong 50 năm qua (1957 – 2007), chúng tôi đã quen biết những người quê quán ở Quảng Ngãi vào miền Nam đi học, đi buôn, làm công, viên chức … là bè bạn, đồng nghiệp, hàng xóm, hoặc là thân hữu của chúng tôi. Thật bất ngờ, có không ít người mang họ Võ, Vũ trên giấy tờ cá nhân (Giấy khai sinh, thẻ sinh viên, thẻ căn cước, giấy chứng minh và danh thiếp…). Điều này, gây ra một sự chú ý và ấn tượng về “họ Võ, Vũ ở Quảng Ngãi” (và cả ở Bình Định nữa) với tôi.
Sự thật là họ Vũ Võ đều có mặt thường xuyên ở khắp ba miền của Đất nước Việt Nam từ nhiều đời nay. Bên cạnh các bà con thuộc nhiều họ tộc khác, như họ Nguyễn, Lê, Trần, Phạm, Hoàng - Huỳnh, Đặng, Đỗ, Bùi, Trương, Phan, Ngô, Đinh, Đoàn, Đào, Dương, Hồ …Đâu đâu cũng có ngưởi họ Vũ, Võ và những họ kể ra ở trên.
Chúng tôi có nhiều tư liệu quốc sử, gia phả thông tin về những dòng tộc Võ, Vũ lớn nhỏ ở 2 tỉnh Miền Trung – Trung Bộ là Quảng Ngãi và Bình Định. Thật ngạc nhiên khi được biết có tới 83 thôn, xã ở trong tỉnh Quảng Ngãi đã có các dòng, các chi phái họ Võ, Vũ sống rải rác ở 8 trong 12 huyện và 1 thành phố của tỉnh Quãng Ngãi. Nhờ có các bà con địa phương, bạn bè ở nơi đây thông báo cho biết sơ bộ như thế. Tuy chưa thông kê đủ tên các thôn, xã cụ thể có dòng họ Vũ Võ. Nhưng hàng ngày đọc sách, báo, tạp chí dòng họ Võ Vũ trong các sinh hoạt thường nhật gặp các nhân vật mang họ Vũ Võ ở 2 tỉnh, thành này. Những tấm gương người tốt việc tốt, học sinh giỏi, các công chức, thường dân mang họ Vũ, Võ có hành động tốt xấu, được nêu họ tên.
Vì lẽ đó, chúng tôi ao ước tổ chức một vài chuyến du khảo điền dã từ TP.HCM ra 2 tỉnh nói trên để nghiên cứu và chụp hình ảnh về các làng xã có những dòng họ Võ. Đồng thời, tìm hiểu và thu thập các tư liệu gia phổ họ Võ” ở các địa phương mà chúng tôi có thông tin, địa chỉ. Nhưng 5 năm qua, nhiều lần, nhiều cơ hội đi qua thành phố Quảng Ngãi, Qui Nhơn, cũng chưa có dịp thuận lợi và thời giờ, phương tiện … Vì thực tế, chuyến du khảo nghiêm túc nào, cũng phải có tổ chức chặt chẽ và “cơ duyên”. Du khảo không phải là du lịch tham quan bình thường mà còn đòi hỏi nhiều điều kiện nữa.
Tình cờ, đầu tháng 6/2007, cụ Vũ Khiêu từ hà Nội vào thăm TP.HCM đã gặp chúng tôi ( Vũ Hiệp và Vũ Hữu Chính) trong Ban Hội Đồng liên lạc họ Vũ – Võ thành phố này. Cụ giới thiệu một người xứ Quảng đang đi tìm dòng họ Võ để nối kết huyết thống và vấn tổ tầm tông. Đó là anh Năm Thìn (và Tự Chí) họ Võ quê gốc ở thôn Phú Vinh, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành (Chương Nghĩa cũ) tỉnh Quảng Ngãi. Cụ Khiêu tin cậy tôi có thể đi khảo cứu được ở Quảng Ngãi? Nên tới cuối tháng 6/2007 thì 2 anh Tư, Năm hẹn và chấp thuận hành trình chuyến du khảo một số làng có tộc Võ mà tôi nêu ra. Cuộc nghiên cứu trong 1 tuần lễ (từ 23 đến 30/6/07) do các anh họ Võ trong Công ty Sách Thành nghĩa bảo trợ, theo yêu cầu của chúng tôi: Kết hợp khảo sát họ Võ ở khu Chợ Chùa là hậu duệ của cụ Võ Quá (nữa đầu thế kỷ XIX). Và đi khảo cứu các di tích họ Võ nổi tiếng khác ở các huyện Nghĩa Hành, Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Tịnh … Đồng thời, đến thăm làng Mỹ Khê và từ đường danh nhân triều Nguyễn: Thái sư, Quận công, Cần Chánh Điện đại học sĩ, Thái Bảo Trương Đăng Quế. Di tích họ Phạm của cụ Cử Phạm Văn Nga, Tham biện các vụ, Giáo đạo (dạy học chữ Hán cho nhà Vua Duy Tân, 1909 – 1916) là thân phụ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở xóm Cây Gạo, làng Thi phổ, huyện Mộ Đức; Rồi đi thăm Đền và Mộ cụ Tiền hiền khai khẩn Trần Cẩm (1545 – 1640) người đã doanh điền phủ Tư Nghĩa, mở ra được 3200 mẫu ruộng tại đó. Cụ từng làm chức Đề Lãnh Chánh Khám Lý Tham Tướng Cai Phủ Tư nghĩa trong hơn 30 năm (1597 – 1630). Cụ cũng là danh nhân tiền khai canh khai cư ở Quảng Ngãi cách nay hơn 400 năm trước; Đi dự lễ giỗ 440 năm Ngài Bùi Tá Hán, Bắc quân Đô Đốc, trấn thủ Quảng Nam trấn từ thời vua Lê Trang Tông (1546 – 1567 là thời gian Võ quan họ Bùi trấn nhậm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Sau nữa, lên thăm thắng tích Tổ Đình Chùa Cổ trên núi Ấn thuộc cảnh đẹp xưa: Thiên Ấn Niêm Hà, nơi có mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng trên đó.
Chúng tôi chú trọng đến nhân vật khoa cử Nho học lớn và là anh hùng tuẫn tiết chống giặc Pháp năm 1859: cụ Võ Duy Ninh (tự sát ở thành Gia Định). Quê hương cụ ở làng Đại An, huyện Chương Nghĩa cũ (nay là xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi). Cụ còn có người anh ruột tên là Võ Duy Thành, đậu phó bảng triều Nguyễn. Đây là 1 dòng họ Võ nổi tiếng văn hoá. Chúng tôi cũng tìm hiểu được ít nhiều về ba cha con cụ Cử nhân Võ Duy Tịnh (tức Võ Văn Thanh đậu năm 1855). Hai con là Võ Trọng Liên (đậu 1879), Võ Thiếu Trinh (đậu 1900) quê làng Ba La, huyện Chương Nghĩa (nay là xã Tư Bình, Tư Nghĩa, sát TP. Quảng Ngãi).
Ngoài ra, chúng tôi còn đi khảo sát các nơi:
1. Tộc Võ của cụ Cử Nhân Võ Viện (1848) quê ở xã Vạn An, Chương Nghĩa.
2. Tộc Võ của cụ Cử Nhân Võ Như Khuê (1852) ở xã Trà Bình, Bình Sơn.
3. Tộc Võ của cụ Cử Nhân Võ Huy Côn (1861) ở xã Phú Mỹ, Bình Sơn
4. Tộc Võ của cụ Cử Nhân Võ Văn Quang (1891) ở xã Hòa Vinh, Bình Sơn
5. Tộc Võ của cụ Cử Nhân Võ Chức (1897) ở xã Trung Sơn, Bình Sơn
6. Tộc Võ của cụ Cử Nhân Võ Văn Hành (1876) ở xã An Tây, Mộ Đức.
7. Tộc Võ của cụ Cử Nhân Võ Dương (1884) ở xã An Thổ, Mộ Đức
8. Tộc Võ của cụ Cử Nhân Võ Văn Quý (1894) ở xã ,Mộ Đức.
Đó là các nhà Khoa bảng có danh vọng được sách cổ: Quốc Triều Hương – Khoa nêu danh tính, quê hương rõ ràng công khai vinh hiển. Ngoài ra, còn có đến vài chục làng, xã khác có các dòng tộc Võ ở nhiều huyện trong tỉnh Quảng Ngãi, là các tộc học Võ: nông dân, thợ tiểu thủ công nghệ, chài lưới trên sông (ở các vạn đò đánh cá sông, biển). Phần lớn các chi họ này, nay không có gia phổ, chỉ có Nhà thờ Tổ (từ đường) đơn sơ, thanh bạch. Nhưng vẫn tụ hội làm giỗ Tổ mỗi năm rất thành kính. Thậm chí gần đây, nhiều nơi còn xây được Mộ Tổ và Từ Đường Võ Tộc rất khang trang còn hơn các đại gia vọng tộc khác nhiều.
Nếu có đủ thời gian, kinh phí, sức khỏe để đi làm khảo cứu khắp các làng xã có nhiều tộc Võ thì quý biết bao. Có lẽ sẽ phải mất hàng tháng và phải đi bằng xe máy (ít nhất 4 người, chở nhau trên 2 xe) để luồn lách vào các thôn xóm chỉ có đường đất nhỏ và đường bờ ruộng mà tìm tòi mới có cơ biết được hết. Ngay ở các huyện giáp với thành phố Quảng Ngãi và dọc quốc lộ 1A, mà chúng tôi biết: có không dưới 40 thôn nữa có các gia đình dòng Võ đang sinh sống từ 4, 5 đời đến 10, 12, 15, 17, 19, 20 đời (như 3 chi phái tộc Võ ở 3 thôn Tân Phước, An Điền, Ngọc Trì thuộc xã Bình Minh, huyện Bình Sơn cùng chung 1 tổ, có ngôi mộ lớn mới xây đắp to đẹp, do bà con Việt Kiều về góp tiền bạc tỉ để tôn tạo mộ và từ đường ở gần con mương Thạch Nham. Theo 1 người trong tộc Võ nơi đây cho biết đã có 18 thế hệ, tương đương khoảng 450 năm rồi).
Sau đây là kết quả cuộc du khảo nghiên cứu điền dã về họ Võ ở tình Quảng Ngãi, với nhận xét sơ bộ bước đầu của chúng tôi:
Đúng như chúng tôi cảm nhận, tại tỉnh Quảng Ngãi, ở 5, 6 huyện mà chúng tôi đi qua, số làng thôn, xã thấy có gia đình, dòng tộc Võ đông khác thường so với nhiều họ tộc khác. Có lẽ họ Võ nơi đây chỉ kém họ Nguyễn về nhân khẩu? Có xã, thôn, dân cư lên đến trên 2000 người, mà số người họ Võ chiếm 1500 – 1800. Chẳng hạn, làng Năng Tây ở xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa có họ Võ đông đúc, chiếm đa số dân cư nơi đây. Có thể nói, đi tới đâu cũng có ít nhiều người họ Võ, có thể nhiều ngang người họ Trần nơi đây? Tỉ lệ họ Võ ở Quảng Ngãi xấp xỉ tỉ lệ họ Vũ ở Hải Dương, ở Hải Phòng, ở Thái Bình, ở Nam Định … . Theo chúng tôi đây là một hiện tượng đáng quan tâm khảo sát nếu có điều kiện hơn nữa.
Họ Võ, Vũ ở Quảng Ngãi từ đâu tới mà đông đúc như vậy? Chúng tôi được đọc qua một số dòng tộc ở đây đã có gia phả (phổ) cho xem và tặng bản in photocopy. Chúng tôi thấy các chi phái họ Võ ở Chương Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức … có tiên tổ đều được trên 14 – 18 thế hệ (đời), nghĩa là cách đây từ 400 năm đến 450 năm. Nghĩa là từ năm 1558 Mậu Ngọ, khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá và trấn Bắc Công Bùi Tá Hán đang trấn thủ xứ Quảng (Nam, Ngãi, Bình, Phú). Cho đến năm 1655 lúc Nam Quân của Chúa Nguyễn, tiến công ra Bắc Bố Chính chiếm 7 huyện Nam xứ nghệ (nay là tỉnh Hà Tĩnh). Sử cũ chép: “Bấy giờ, tướng sĩ của Chúa Nguyễn đã thu thập các chiến lợi phẩm ở 7 huyện, và bắt tù binh, nam nữ thanh niên khỏe mạnh đem vào nam phân bố cư trú và canh tác các phủ Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Hoài Nhân, Tuy Viễn…” (Đại nam Thực Lục Tiền Biên trang tập trang.)
Chính cụ Thuỷ tổ của dòng tộc Võ ở làng Tư Cung, xã Mỹ Khê, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là thôn Tư Cung - Mỹ Lai, xã tịnh Khê huyện Sơn Tịnh) có tên là Võ Văn Siêu, từ Cửa Sót ở huyện Thanh Hà vào phía Nam định cư. Cổ phả cho biết cụ Siêu có ông bà cha mẹ quê gốc làng Mộ Trạch, Hải Dương di cư vào Cửa Sót giữa thế kỷ 17. Sau ông Siêu theo Nam Quân làm tướng thuỷ binh cho Chúa Nguyễn. Mãi sau dời vào làng Tư Cung định cư ở đó. Còn “Gia phổ họ Võ ở xã Châu Sa (huyện Tư Nghĩa) và xã Ba La (huyện Chương Nghĩa) thì cho biết Thuỷ Tổ là Võ Khâm Định làm quan nhà Lê quê ở huyện Vĩnh Bảo, Hải Dương. Cụ vào Nam năm Quí Mùi (1643) đời Vua Lê Thần Tông – Chân Tông. Như thế đến nay mới có trên 360 năm, được 15 thế hệ. Dòng này, đời thứ bảy có nhân vật võ tướng lừng lẫy là Võ văn Dũng, phò Tây Sơn làm đến chức Đại Tư Đồ, Đại Đô Đốc, Chiên Viễn Hầu Đại Tướng Quân cuối thế kỷ 18 (1795). Nhiều sử liệu nay đã hiểu lầm, sai lệch, cho ông Dũng là người Bình Định (tác giả Quách Tấn Viết : Nhà Tây Sơn). Còn mới đây, có người còn nhận danh tướng Vũ Văn Dũng của Nhà Tây Sơn là người làng Đan Giáp, huyện Thanh Miện, Hải Dương? Cả 2 thông tin đó đều thiếu căn cứ lịch sử.
Họ Võ ở làng Năng Tây, huyện Tư Nghĩa, gần sông Vệ, đón tiếp chúng tôi rất ân cần. Vị đại diện Võ tộc này đã tặng 1 cuốn phả quốc ngữ: “TỘC HỌ CHÁNH VÕ HẬU HIỀN NĂNG TÂY” (151 trang khổ A4).Phả chép đơn sơ do phả cũ mất trong chiến tranh (1946 – 1975) và các bậc cao niên trưởng thượng đã mất gần hết trong 60 năm qua (1946 – 2006). Phả họ Võ làng NHU, NĂNG TÂY chỉ có 10 đời tương đương 220 năm? Có lẽ mới lập làng đời Tây Sơn (1778) mà thôi? Chúng tôi nghe ông Võ Toàn ở làng Tư Cung, Tịnh Khê - Mỹ Lai, Sơn Tịnh kể rằng: “Họ Võ làng Tư Cung phân nhánh đi các nơi lập nghiệp. Có 1 chi họ Võ về huyện Tư Nghĩa, ở làng Năng Tây. Nhưng đời nay, ông soạn phả ở Võ tộc Năng Tây là Võ Văn Vinh (đời 9) không hề biết gốc ở ngoài huyện Sơn Tịnh (Bình Sơn cũ) di cư về Năng Tây. Họ Võ làng này rất đông, có đến 2000 nhân khẩu. Chúng tôi còn biết ở thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) có 3 chi phái họ Võ từ nơi nào về đó lập nghiệp chỉ dưới 10 đời. Khoảng từ thời Minh Mệnh (1820 – 1840) cho đến thời Cảnh Thịnh Tây Sơn (1792 – 1802) có 1 chi phái họ Võ đã cải âm thành Vũ được 3 thế hệ. Đó là gia tộc nhà thơ Quỳnh Bang (Vũ Quang Bình) hiện di cư qua Mỹ đã 25 năm.
Khi chúng tôi ghé thăm Đền Thờ Ngài Trần Cẩm ở thôn Phước Thịnh xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tình cờ thấy có 1 ngôi Từ Đường xây dựng rất đẹp với 4 chữa quốc ngữ và Hán Nho: Võ Văn Từ Đường. Khi chúng tôi vào thắp nhang, thấy nội thất trang trí lối xưa đẹp mắt, đắt tiền. Dòng Võ này cũng có gia phổ, đã cho phép photocopy 1 bản để tham khảo. Như thế ở thôn này cũng có họ Võ tương đối đông và lớn, con cháu nay khá giả.
Chúng tôi được biết riêng chỉ 1 huyện Bình Sơn ở địa đầu Quảng Ngãi có đến hơn 10 thôn khác nữa có nhiều bà con họ Võ (không kể 3 thôn họ Võ ở xã Bình Minh, và 1 thôn Ngọc Trì ở Sơn Tịnh). Còn ở Sơn Tịnh, ngoài thôn Tư Cung ra, có đến 8, 9 thôn khác có họ Võ mà chúng tôi không thể đếm nổi, vì đường đất khó đi bằng xe hơi. Có 1 số làng xóm có họ Võ gần vùng núi đi lại không dễ chút nào, nên chưa có cơ hội du khảo.
Hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu, Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Đà Nẵng, có nhiều gia đình họ Võ gốc ở tỉnh Quảng Ngãi. Phần lớn là công chức, quân nhân và nhà buôn, nhà văn, nhà báo họ Võ, gốc xứ Quảng. Nhiều người xa quê lâu năm, đứt gốc rễ với dòng họ tộc và quê cha đất Tổ. Ví dụ như đại gia đình cố Thiếu tướng Võ Bẩm có các con ở TP.HCM và thủ đô hà Nội, không còn con cháu ở quê cũ Tử Cung, Sơn Tịnh. Vì thế, nhu cầu của nhiều bà con họ Võ ở Quảng Ngãi muốn kết nối tổ tiên xa đời với các chi họ Võ khác ban đầu cùng chung 1 Tổ. Nếu không có thông tin gia phả thì khó lòng biết nổi.
Nói tóm lại, trong 5, 6 ngày hè nóng nực, chúng tôi đã khảo sát và thu thập tư liệu và gia phả khoảng 10 dòng họ Võ ở 5, 6 huyện phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi. Rất tiếc nhiều thôn xã có dòng họ Võ ở huyện Đức Phổ, Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Trà Bồng, vẫn chưa đến được. Nhưng bù vào đó chúng tôi biết thêm được dòng họ ngài Trần Bắc Công Bùi Tá Hán và họ Bùi ở đó. Tiếp theo, tìm biết được dòng họ Trần của vị Khám Lý Tiền Hiền là Trần Cẩm (một nhà doanh điền sứ) ở Mộ Đức (M. Hoa cũ). Và dòng họ Phạm của cụ Cử nhân Thương Biện Phạm Văn Nga (đậu năm 1884) thân phụ cố thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chúng tôi thắp hương bàn thờ cụ Phạm Văn Thức, ông nội cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở 1 từ đường họ Phạm nghèo nàn, thanh bạch của con cháu cụ Thức dòng trưởng đang ở đó. Sau đó, chúng tôi còn đi tìm di tích lăng mộ cụ Tiểu Phủ sứ cử nhân Nguyễn Tấn, người có công dẹp yên giặc thiểu số miền núi, gọi là Đá Vách Man Tặc. Con cụ Tấn là quan cần chánh Đại Học sĩ Nguyễn Thân, nổi danh thân Pháp, đàn áp Văn Thân cùng phong trào Cần Vương từ 1885 – 1897. Cháu nội cụ Tấn là Nguyễn Hi, Binh Bộ Thượng Thư đổ Duy Tân - Khải Định (1912 – 1925). Cả 3 cha con, ông cháu còn mộ hoang phế, có bia đá, vẫn to lớn, đang bị huỷ hoại theo thời gian. Chúng tôi đi khảo sát các di tích họ Trần, họ Phạm, họ Nguyễn, họ Trương ở Quảng Ngãi là phụ. Chỉ nhân dịp đi khảo cứu về họ Võ tại Quảng Ngãi thì kết hợp thôi.
Điều làm chúng tôi xúc động là thấy ở Quảng Ngãi có nhiều gia đình, thôn, xã mang họ Võ quá. Điều ngạc nhiên là đang có một số khuynh hướng ở tỉnh này, một số bộ phận gia đình, cá nhân đã đổi lại họ Vũ, không dùng âm và chữ Võ nữa ngay cả ở nông thôn nơi đây.
Nghiên cứu về dòng họ Võ – Vũ ở Quảng Ngãi là 1 đề tài lịch sử, xã hội và phả học (Genealogy) Việt Nam nhiều lý thú. Nhưng phải có khả năng nhận biết về khoa học lịch sử nữa. Chứ không phải cứ mê họ tộc thích gia phả là có thể hiểu đúng ý nghĩa được.
Chúng tôi đi tìm 1 danh tướng họ Võ ở huyện Bình Sơn là ông Võ Văn Giải làm Võ quan cao cấp Nhà Nguyễn Thiệu Trị (1841 – 1847) đến chức Hậu Quân Đô Thống, kiêm Tổng Đốc, phụ Chánh đại thần (cho Tự Đức) cùng ông Trương Đăng Quế. Rất tiếc đi mấy ngày, không ai biết cả, dù sử sách ghi rõ quê hương Ông. Vì Ông có công bình định được Nước Chân Lạp và sắp đặt việc quân sự cho ổn thỏa ở Nam Kỳ Lục Tỉnh giữa thế kỷ 19. Riêng thông tin của ông Võ Toàn nhận là dòng họ Võ ở Tịnh Khê (Tư Cung) là của ông Giải thì không đúng sự thật! Chúng tôi đang nhờ người ở Quảng Ngãi đi tìm giùm.
Còn anh hùng Võ Duy Dương tức Thiên Hộ Dương thật sự quê ở Bình Định, ông mất ở đâu không rõ! Ông Vũ Khiêu có nhờ tôi đi xác minh nguồn gốc và con cháu ông Võ Duy Dương nhưng chỉ thấy có 1 từ đường tư gia mới thiết lập bàn thờ ông Duy Dương. Ngòai ra không có 1 chứng lý, gia phả sử liệu thuyết phục hơn minh chứng cho việc ông Thiên Hộ Dương có con cháu ở thôn Phú Vinh Tây, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi! Tại thôn này có 1 gia tộc Võ là con cháu của ông Võ Thành Chương (1891 – 1960) và ông Võ Thành Châu (1924 – 1992) mới thành đạt kinh tế. Cũng không có gia phả chữ Hán chứng minh sự liên hệ gì với nhân vật Võ Duy Dương, cũng như dòng họ ở làng Đại An của anh hùng Võ Duy Minh chống Pháp tử tiết ở vùng ngoại thành Gia Định năm 1859, với dòng họ Phú Vinh này.
Chuyến đi này có kết quả tốt về 1 số dòng họ Võ và các họ khác ở Quảng Ngãi từ 23 đến 29 /6/2007, là nhà 2 bạn Võ Kim Chi và Vũ Thìn tận tình giúp đỡ cho tôi là Vũ Hiệp và Vũ Hữu Chính (trợ lý) hoàn thành cuộc du khảo.
Xin nói rõ lần nữa: Chuyến du khảo về họ Vũ – Võ năm quan 2006, do anh Vũ Huy Thuận bảo trợ, lo liệu. Còn chuyến ra Quảng Ngãi tháng 6/2007 năm nay do anh em trong Công ty Sách Thành Nghĩa bảo trợ trọn vẹn. Chúng tôi không hề dùng một đồng nào tiền Quỹ của Hội đồng Vũ – Võ TP.HCM. Hoàn toàn do hảo tâm của 2 nhà hảo tâm “Mạnh thường quân” nói trên giúp đỡ. Xin cảm ơn và rất mong có sự bảo trợ cho chuyến đi Bình Định khảo sát về các dòng họ Võ ở đó.
Bài: Báo cáo thu hoạch du khảo
của Vũ Hiệp (cự Vũ)
Ảnh: Vũ Hữu Chính