Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Bài nghiên cứu của nhà giáo Vũ Đình Triểu

BÀI NGHIÊN CỨU
CỦA NHÀ GIÁO VŨ ĐÌNH TRIỀU

(Đời 21 chi III họ Hiển Đức)

Ban liên lạc dòng họ Vũ – Võ tại Hà Nội tuy chưa hoàn tất được cuốn Lịch sử dòng họ Vũ ở Việt Nam. Nhưng qua ngót 10 năm nghiên cứu đã cùng đi tới một công nhận chắc chắn: Họ Vũ – Võ ở Việt Nam có chung một Thuỷ tổ duy nhất: Thần Thuỷ tổ Vũ Hồn, Thành hoàng làng Mộ Trạch, làng được coi là đất Tổ.

Trong 964 dòng họ của dân tộc Việt Nam (theo kết quả điều tra dân số mới nhất), hiện nay các nhà nghiên cứu cũng mới rút ra được kết luận: có hai dòng họ, trong đó có dòng họ Vũ có chung một Thuỷ tổ - nghĩa là, những ai có gốc là họ Vũ (Võ - Đặng Vũ) đều có chung một Thuỷ tổ; đều là bà con dòng tộc.

Kết luận trên đây đặt ra cho các nhà khoa học những vấn đề cần nghiên cứu về xã hội học và cả  về di truyền học. Hiện nay, những công việc mà bà con dòng họ Vũ – Võ trong phạm vi cả nước đang tích cực làm gồm:

-         Bổ sung cho được những đoạn phả thất truyền từ Thuỷ tổ hoặc từ  một vị Khai tổ của mỗi chi, phái.

-         Ráp nối các mối liên lạc tông tộc giữa các gia đình, chi, phái của dòng họ Vũ – Võ trên toàn quốc.

-         Phát huy truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ người trồng cây”, thực hiện lời dạy của ông cha: “ Con người có tổ có tông. Như cây có cội như sông có nguồn”, bà con dòng họ Vũ – Võ ở các địa phương đã tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm ngày sinh 8 tháng Giêng và ngày giỗ 3 tháng Chạp hàng năm của Thuỷ tổ Vũ tộc.

Ban Liên Lạc dòng họ Vũ – Võ - Đặng Vũ Tp. Hồ Chí Minh cũng đã và đang xúc tiến những công việc trên , rất mong được ba con đồng tộc hưởng ứng, phối hợp và giúp đỡ.

Bài viết này nhằm nêu lên một vài suy nghĩ về Thuỷ tổ và dòng họ Vũ từ Thuỷ tổ Vũ Hồn đến Viễn tổ vũ Nạp, cùng những công việc nêu trên.

(I)

“Đức Thần Thuỷ tổ Vũ Hồn là người khai sáng ra dòng họ Vũ – Võ ở Việt Nam sau khi Ngài được miễn nhiệm chức An Nam Đô Hộ Phủ. Kinh Lược Sứ vào năm 846” (xem bài phiên âm và lược dịch  Ngọc phả của tập sách này). Sự xác nhận một Thuỷ tổ chung cho dòng họ Vũ – Võ đã dựa trên các gia phả, tộc phả của dòng họ cũng như các văn liệu, bi ký, hoành phi câu đối và lời truyền khẩu trong mỗi chi phái họ Vũ – Võ đã đóng góp cho sự xác nhận của ban liên lạc dòng họ tại Hà Nội, với ý thức “Nhân bản hồ Tổ”.[1].

Kể từ khi lập nên thôn Khả Mộ (tiền thân của Mộ Trạch ngày nay) đến nay đã được 1154 năm.

Sự kiện Vũ Hồn quyết định rời bỏ nhà Đường (Trung Quốc đời Mạt Đường) để về sinh cơ lập nghiệp tại An Nam, là một điều đáng để cho con cháu dòng họ Vũ – Võ suy nghĩ, tìm hiểu, có thể không chỉ đơn thuần là một lí do: “An Nam Đô Hộ Phủ là quê mẹ của Thuỷ tổ Vũ Hồn đã có nhiều giả thuyết được nêu ra trong các gia phả, tộc phả họ Vũ – Võ; từ khi các phả  này được viết liên tục trở lại, để giải thích sự định cư ở đất Việt này của Thuỷ tổ”.

-         Nước Việt là quê ngoại của Thuỷ tổ; thân mẫu là Nguyễn Thị Đức người làng Mạn Nhuế huyện Nam Sách , mộ phần hiện ở Kiệt Đặc huyện Chí Linh (đều thuộc tỉnh Hải Dương).

-         Thuỷ tổ chán nản với chính sự nhà Đường ở triều đại Ngài đang tại nhiệm.

-         Cũng có lời giải thích cho rằng Thuỷ tổ bị Vua Nhà Đường cho đi biệt sứ vì những sai phạm về chính trị và cai trị khi làm Kinh Lược Sứ ở An Nam Đô Hộ Phủ.

-         Thần Thuỷ tổ muốn thể hiện cho được cái nhân sinh quan của mình khi Ngài còn ở địa vị một quan cai trị rối cao của An Nam Đô Hộ Phủ. Nhân sinh quan này được con cháu đời sau bày tỏ qua câu đối thờ ở Đình làng Mộ Trạch:

“VỊ TRÍ TÔN LẬP VẠN ĐẠI CƠ, KHANH TƯỚNG CÔNG HẦU VÔ TRỊ LOẠN.

DỮ THIÊN ĐỊA ĐỒNG NHẤT NGUYÊN KHÍ, HOÀNG VƯƠNG ĐẾ BÁ HỮU LONG Ô”.

-         Thuỷ tổ muốn đem ứng dụng, chiêm nghiệm những điều sở đắc  của Ngài về thuật phong thuỷ.

-         Ông Vũ Công Huy[2], thân phụ của Thuỷ tổ quê ở Phúc Kiến, Phúc Kiến là đất của dân tộc Mân Việt thuộc chủng tộc Bách Việt. Vậy Thuỷ tổ là người Việt, nước Việt mới chính là quê quán của Ngài.

(II)

-         Trong suốt thời gian làm quan tại An Nam: Thứ Sử Giao Châu[3] , An Nam Đô Hộ Kinh Lược Sứ từ 825 đến 846, Ngọc phả viết vào năm Hồng Phúc thời Lê Trung hưng không thấy nói gì hơn những điều có thể khai thác làm cơ sở cho những giải thích trên Ngọc phả cũng không ghi chép được gì về phu nhân cùng các con của Thuỷ tổ. Tộc phả họ Vũ làng Mộ Trạch rất sơ lược rằng phu nhân của Ngài là người thôn Mạc Xá, kế cận thôn Mộ Trạch (chỉ cách nhau một cánh đồng). Như vậy có thể hiểu rằng mãi tới khi xin về hưu ở thôn Khả Mộ, Ngài mới lập gia đình, ở tuổi 42. Trên bi ký của từ đường họ Vũ thờ Khai tổ Vũ Uy ở thôn Đa Căng huyện Triệu Sơn tỉnh Hải Dương có ghi: “thuỷ tổ họ Vũ là Vũ Hồn, phu nhân họ Hoàng[4] (16) sinh hạ được  ba con trai, tất cả đều đỗ đạt tới Tiến sĩ[5] . Người con cả trở về sống ở Phúc Kiến, người con thứ hai ở lại Khả Mộ thôn, người con thứ ba văn võ song toàn, thiên cư vào Châu Hoan, hợp tác với vua Chiêm Thành”.

-         Về sự thiên cư của người con thứ ba của Thuỷ tổ Vũ tộc cho phép ta suy luận:

-         Sự kiện được ghi vào bia đá như trên hẳn phần nào phải có căn cứ, dù rằng bia này lập vào đời nào sau khi Thuỷ tổ mất. Như vậy ta có thể nghĩ rằng số đông các chi phái họ Vũ – Võ từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên có gốc lâu đời tại các nơi trên đều là hậu duệ của vị con thứ ba này của Thuỷ tổ Vũ tộc.

-         Chúng tôi đang xúc tiến dịch toàn văn cuốn phả chữ nho mang tựa đề “ Lịch sử dòng họ Vũ – Võ tại Thanh Hoá” (viết bằng chữ nho, dày ngót trăm trang, viết được về hơn 200 năm trước, do Lương y Vũ Huy Chức bảo quản và cho phép sao tặng BLL dòng họ tại Tp. Hồ Chí Minh). Sơ khởi được biết: Cụ Vũ Uy từ Chiêm Thành  về sau khi thăm dò binh tình đã quyết định phò Lê Lợi, Tham dự Hội thề Lũng Nhai (cùng 18 vị khác) và đã trở thành một vị tướng của Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh (1417 – 1427). Không một huyện nào ở Thanh Hoá là không có trang trại do Vũ Uy thành lập, Cụ đã xây dựng tất cả 48 trang trại để đảm bảo hậu cần cho nghĩa quân Lê Lợi.

Vũ Uy sinh năm Tân Dậu (1390) hẳn phải thuộc dòng họ Vũ ở Châu Hoan qua lập nghiệp bên Chiêm Thành, khi về phò Lê Lợi, trở thành danh nhân, mới được người đời biết đến ở miền Trung đất nước có dòng họ Vũ.

Như vậy một kết luận có thể chấp nhận được là: “Hai vị con trai của Thuỷ tổ Vũ tộc ở lại trên đất nước Việt đã có con cháu đông đúc nối dõi từ trước đến nay làm cho họ Vũ tồn tại và phát triển, cho đến nay dân số xếp vào hàng thứ tư hoặc thứ năm trong các dòng họ trên đất nước ta.”

(III)

Gs. Trần Văn Giáp, nguyên làm việc tại Nhà Bác Cổ trước đây tại Hà Nội có cho biết là trước thời Vũ Hồn, trong các tài liệu sử sách chưa tìm được một nhân vật họ Vũ nào có danh tiếng được ghi lại trong sử của nước ta và của Trung Quốc các đời Tuỳ, Đường.

Sự việc Tộc phả họ Vũ ở Mộ Trạch chỉ ghi chép được từ đời Trần (1226) với Khai tổ Vũ Nạp (tức Vũ Thị Phụ) cho thấy sự phả ký thất truyền suốt thời gian từ 853 đến 1226 phải có nhiều nguyên nhân, ta biết rằng:

Một là, từ 860 đến 1010, nước ta trải qua bao nhiêu  giai đoạn loạn lạc chiến tranh, như sự quấy phá của giặc Nam Chiếu. Sự thay đổi chuyển giao chính quyền xảy ra liên tiếp giữa nhiều dòng họ, triều đại: Khúc, Ngô, Đinh, Tiền, Lê, Lý.

Hai là sự đánh đuổi quân Nam Hán từ thời Dương Đình Nghệ, rồi trận Bạch Đằng thứ nhất thời Ngô Quyền.

Ba là, sự thất truyền phả ký thường xảy ra ở nhiều dòng họ; trong đó không ngoại trừ các chi phái dòng họ Vũ. Sự thất truyền phả ký từ khi Thuỷ tổ mất đến khi Vũ Nạp thành danh, không đồng nghĩa rằng trong khoảng thời gian đó người họ Vũ không tồn tại trong nhân gian, cũng không phải người họ Vũ mai danh ẩn tích do mặc cảm bởi vì một lí do nào đó, mà chỉ vì hậu duệ của Thuỷ tổ chưa có những danh nhân để người đời khắc ghi trong tâm trí.

Trong khoảng thời gian trên, ở đời nhà Đinh, đã xuất hiện các võ tướng họ Vũ ra phò tá Đinh Tiên Hoàng như Vũ Hiển, Vũ Hân, Vũ Tố, đó là 3 trong số 9 vị dũng tướng dưới trướng của Nguyễn Bặc, có Miếu thờ “ Cửu tướng quân” ở Phù Ninh huyện Siêu Loai.

Như vậy, từ 968 trở đi đã thấy xuất hiện những danh nhân họ Vụũ và ngày một xuất hiện nhiều hơn, như: Đời Lý Thái Tông có Uy Vệ Thượng Tướng quân Vũ Bạ Tư và chỉ huy sứ Vũ Nhị. Đời Lý Anh Tông có Điên tiền chỉ huy sứ Vũ Đái. Đời Lý Cao Tông có Tham tán chính sự Vũ Tán Đường. Đời Lý Huệ Tông có các võ tướng Vũ Lợi, Vũ Hốt.

Nếu có Sử liệu cho biết các vị danh nhân họ Vũ trên xuất xứ từ địa phương nào, quan hệ thế thứ dòng tộc ra sao thì ta có thể rút ngắn được thời gian thất truyền của phả ký Vũ tộc.

Người dân họ Vũ ở đồng bằng Bắc bộ thường truyền khẩu lời đánh giá của ông cha về dòng họ: “Tiền phù Lý, hậu phù Lê”.

Đúng như vậy, tuy nhiên mãi đến đời Trần mới có người thành danh ở đất Khả Mộ là Tiến sĩ, Tướng quân Vũ Nạp, được kể là Khởi tổ của Vũ tộc ở Mộ Trạch và tộc phả họ Vũ được chép liên tục tại đây.

(IV)

Các chi phái họ Vũ được lưu truyền tại Mộ Trạch có chi phái chỉ được 8,9 đời hay 12, 13 đời rồi dứt hẳn, vì đời cuối phần nhiều thiên cư lập nghiệp ở nơi khác hoặc không có người nối dõi.

Những chi phái còn lưu truyền tới ngày nay (1999) đã tới đời thứ 23 cho phái và đời thứ 25 cho các chi. Kê cứu chung từ đời thứ nhất (tính từ Viễn tổ Vũ Nạp) đến đời thứ 25 thì thấy họ Vũ ở Mộ Trạch có nhiều hay cả gia đình đã thiên cư lập nghiệp ở nơi khác, gần thì trong tỉnh Hải Dương, xa thì ở trong các tỉnh khác - từ miền xuôi đến miền ngược, từ ngoài Bắc đến miền Trung và Nam bộ, nếu tính đến ngày hôm nay thì bà con dòng họ Vũ đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Cụ Vũ Quân Tùng, quê Ninh Bình hiện sống ở Mĩ, những năm gần đây, hầu như không năm nào không đến Đống Dờm và về Mộ Trạch (Hải Dương) để viếng cội nguồn Vũ tộc. Cụ Võ Như Nguyện, nguyên Viện trưởng Hán Nôm ở Huế, quê ở Dương Xuân (Huế) hiện sống ở Pháp, mới gửi cho BLL chúng tôi cuốn phả ký nhằm phả nối phả để vấn tổ tầm tông. Trong cuốn phả này đã khẳng định dòng họ Võ ở Dương Xuân (Huế) là sự nối tiếp của dòng họ Vũ ở làng Trắm (huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương) thuộc phái Bính. Mà phái Bính họ Vũ là 1 trong 8 phái họ Vũ ở Mộ Trạch.

Hẳn chúng ta dễ thống nhất với nhau rằng có nhiều nguyên nhân Lịch sử - xã hội dẫn tới các cuộc thiên cư, như:

-         Thiên cư là lẽ tự nhiên khi dân số sinh sôi, phát triển.

-         Đi theo các đoàn quân viễn chinh thuộc các triều đại Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ xuống phương Nam hoặc ra biên ải, rồi theo quy luật “động vi binh, bình vi nông” - đến đâu lập trang trại đến đó, trồng trọt cấy hái chăn nuôi để đảm bảo hậu cần, sau này các trang trại trở thành làng xóm nên ta thường thấy nhiều vị “ Thành hoàng làng” (người sáng lập ra làng) là Võ quan của triều đình.

-         Lìa bỏ quê hương bản quán để tránh tai họa chiến tranh, rồi lập nghiệp, ổn định sinh sống ở nơi mới. Hoặc trốn tránh các cuộc bắt lính, bắt phu gắt gao hay các cuộc trả thù vì chính kiến và sự tranh giành quyền lực. Cũng có khi bỏ làng mà đi vì vi phạm luật lệ của Triều đình hoặc vi phạm hương ước, không còn mặt mũi nào sống ở quê cha đất tổ.

-         Có trường hợp như vị Khai tổ chi họ Võ ở Dương Xuân (Huế) phải rời bỏ quê hương làng Trắm (Hải Dương) mà vào Huế chỉ vì giỏi nghề thuộc da làm giày, tiếng thơm đến tai Triều đình nên đã bị vời vào để mở trường dạy nghề và lo đồ tế lễ.

Tụ điểm sớm nhất của làng người họ Vũ thiên cư là hai vùng Hoan Châu và Diễn Châu. Có những giai đoạn mà dòng người thiên cư lên cao như:

-         Các giai đoạn của nhà hậu Trần, hậu Lê phát động chiến tranh chống nhà Hồ và chống xâm lược nhà Minh (1107 – 1428).

-         Dưới triều Lê Thánh Tông, đã huy động rất nhiều nhân lực đi khai hoang lập ấp nên bờ cõi đã được mở rộng tới Quảng Nam, Thị Nại.

-         Thời nhà Nguyễn đã mở mang bờ cõi tới miền cực nam.

-         Dòng người (trong đó có bà con họ Vũ) đã trôi theo những sự kiện lịch sử đó. Ở miền Nam thì số gia đình họ Vũ – Võ mới đầu tập trung nhiều nhất ở vùng Gia Định rồi sau mới mở rộng ra tới miền Tây và miền Đông Nam Bộ. Tình hình trên có thể căn cứ vào số địa bạ của miền Nam lúc sau này về đời Minh Mạng cũng như danh sách các nhà khoa bảng (thời nho học) mà luận ra được.

Quá trình ráp nối mối liên hệ tông tộc, để khắc phục tâm lý “đừng thấy nhà sang bắt quàng làm họ” ta cần kiên trì tìm cho được những cứ liệu lịch sử có sức thuyết phục bà con cô bác, có khi chỉ là lời truyền từ đời này sang đời khác của các bậc trưởng lão. Họ Đặng Vũ ở Hành Thiên Nam Định nhờ đôi câu đối treo từ đường, ông cha dặn lại “Tổ ta họ Vũ ở tỉnh Đông” mà nhận được rõ tổ tông. Lại nữa, chi họ Vũ ở Phong Lâm thì bán tính bán nghi (một phần do sĩ diện), có cuốn phả ký chữ nho viết từ triều Nguyễn, đã dịch ra chữ quốc ngữ nhưng đọc mà không hiểu tầm quan trọng của câu viết “ông cha ta thuộc phái Bính”, đến khi được người có hiểu biết về dòng tộc kể chuyện về “Tiền ngũ chi, hậu ngũ chi, bát phái”, lúc đó mới “ô, thôi chết, đúng rồi” và xốc đi tìm và chiêm bái…”toàn tuyến” - từ Ngành trên, Phái, rồi đến Thuỷ tổ.

Cần lưu ý thêm, vì nhiều nguyên nhân đã dẫn đến tình hình thay họ,đổi tên - từ họ Vũ sang họ khác và ngược lại. Tuy vậy, mỗi kết luận phải được chứng minh bằng dữ liệu.

Có những chi phái họ Vũ vẫn giữ cách đặt tên với hai chữ, nhưng cách đặt tên kèm chữ lót (hay còn gọi là tên đệm) thì phổ biến hơn người ta đã thống kê được có 78 cách đặt như vậy, như: Vũ Đình A, Vũ Văn B, Vũ Công C, Vũ Huy N, Vũ Duy M v.v…Việc tra cứu chữ lót sau họ Vũ có lẽ giúp được phần nào trong việc sưu tầm mối quan hệ dòng tộc, chẳng thế mà ông cha ta thường dặn không được thay đổi tên đệm mà lạc mất dòng tộc.

(V)

Đoạn phả đồ kèm theo đây chỉ trình bày được cấu trúc ban đầu dòng họ Vũ ở Mộ Trạch để phần nào nói lên nền tảng của sự phát triển dòng tộc.

Kể từ năm 853, là năm Thuỷ tổ Vũ Hồn viên tịch đến năm 1226 tại đất Tổ Mộ Trạch, Tiến sĩ, Tướng quân Vũ Nạp thành danh, chính thức tái lập cơ sở cho họ Vũ ở Mộ Trạch là 373 năm. Nếu tính trung bình với một dòng họ cứ 28 năm lại thêm được một đời thì tộc phả họ Vũ (từ Vũ Hồn đến Vũ Nạp) đã bị thất truyền khoảng 13 đời (1226 – 853): 28. Nếu kể thêm 4 đời nữảơ Mộ Trạch trước đời Viễn tổ Vũ Nạp đó là: Vũ Mẫu, Vũ Thi, Vũ Việt, Vũ Hiệu thì phả ký chỉ còn thất truyền 9 đời. Khoảng trống này đặt ra cho con cháu Vũ tộc nhiệm vụ cố gắng nghiên cứu tìm tòi để Vũ tộc có được một phả đồ tương đối hoàn chỉnh.


[1] Đã có hơn 200 chi nhánh họ Vũ (Võ) về Hà Nội nhận nguồn gốc Vũ Hồn với “Ban liên lạc họ Vũ (Võ)”tại Hà Nội

[2] Có thể là Vũ Huy (Theo sách chữ Hán Vũ Công, huý Huy)

[3] Trong Phương Đình Dư Địa Chí có ghi

[4] BBT: Mộ Trạch và Mạc Xá đều có họ Hoàng từ lâu

 [5] ) Học vị Tiến sĩ này phải do nhà Đường cấp