Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
VÀI NÉT VỀ TÊN LÀNG XƯA CÓ DÒNG HỌ VŨ (GỐC MỘ TRẠCH) “ĐƯỜNG - XUYÊN, THƯỢNG XUYÊN, THƯỜNG XUYÊN” [PHỦ THƯỜNG TÍN Ở HUYỆN PHÚ XUYÊN (SƠN NAM THƯỢNG TRẤN)

          VÀI NÉT VỀ TÊN LÀNG XƯA CÓ DÒNG HỌ VŨ (GỐC MỘ TRẠCH)

“ĐƯỜNG - XUYÊN, THƯỢNG XUYÊN, THƯỜNG XUYÊN” [PHỦ THƯỜNG TÍN Ở HUYỆN PHÚ XUYÊN (SƠN NAM THƯỢNG TRẤN)

Mùa hè năm Bính Tuất (tháng 5 – 2006) nhóm đi du khảo các tỉnh miền Bắc,Bắc Trung bộ chúng tôi gồm: Vũ Hiệp, Vũ Hữu Chính và Vũ Huy Thuận, có về thăm làng Thường Xuyên, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, gần địa đầu huyện Duy Tiên của tỉnh Hà Nam. Theo lời mời của anh Vũ Hữu Chính, chúng tôi ghé thăm quê cha đất tổ của anh. Xe chúng tôi vào làng hơi vất vả, do đường đê hẹp (từ chân cầu Giẽ vào làng gần 02 cây số).

 

            Làng Thường Xuyên nay đã khang trang hơn xưa nhiều? Đường làng ngõ xóm đã lát gạch hay đổ bê tông. Làng đã có cột điện đưa điện khí văn minh tỉnh thành về làng từ nhiều năm qua. Có lẽ nhờ địa thế gần quốc lộ 1 (xa lộ cao tốc Pháp Vân, Hà Nội - Cầu Giẽ, Phú Xuyên) mà kinh tế của thôn dân nơi đây có vẻ cải tiến? Nói văn hoa bóng bẩy như Thi sĩ Nguyễn Bính từng viết: “Hương đồng, gió nội bay đi ít nhiều”.

 

            Chúng tôi vào từ đường họ Vũ Quang Đại Đường chi nhà anh Chính tham quan, chiêm bái ngôi nhà thờ họ Vũ thôn Thường Xuyên. Được biết cụ Thủy Tổ đây là Ngài Vũ Phúc Nhẫn, từng làm chức Chánh Đô Tổng Binh thời Lê – Trịnh, khoảng giữa thế kỷ XVII (từ 1650 – 1665), trấn giữ an ninh quốc phòng phía Nam kinh thành Thăng Long. Cụ Vũ Phúc Nhẫn là tên hiệu đời sau gọi thôi, vì thân phụ Ngài tên thật là Vũ Nhân Bả, đời thứ tám của phái Giáp làng Mộ Trạch, là cháu 7 đời của Tiến sĩ Vũ Quỳnh, một sử gia đời Lê sơ. Ông Nhân Bả theo cha di cư tị nạn, có lẽ lúc đại quân của Trịnh Tùng tiến đánh quân nhà Mạc năm 1592. Lúc đó, cha ông Nhân Bả là cụ Nhân Đài đã bỏ làng quê Mộ Trạch – Hải Dương dắt con là Nhân Bả đi chạy loạn xuống vùng Sơn Nam xứ ( nay là Thường Tín – Phú Xuyên – Phủ Lý … ). Như vậy, cụ Vũ Nhân Đài lúc đó chỉ khoảng trên dưới 30 tuổi và ông Nhân Bả có thể là một thiếu niên dưới 10 tuổi? Theo Cổ phả: “Mộ – Trạch, Vũ – Tộc Thế Hệ Sự Tích” của nhóm Nho gia Vũ Phương Lan soạn năm 1769 cho biết: cụ Nhân Đài lúc đi chạy loạn đã được đổi ra họ NGUYỄN từ cuối thế kỷ XVI. Và suy ra cụ Vũ Phúc Nhẫn phải có tên húy là NHÂN -  ? gì đó? Tên PHÚC NHẪN chỉ là “tên cúng cơm”, tức tên hiệu đặt ra gọi lúc mới qua đời, theo phong tục Nho giáo xưa. Đến ngày giỗ kỵ không được khấn bằng tên húy do cha mẹ đặt cho mà phải khấn bằng tên Hiệu (thường thường là đàn ông thì đặt chữ PHÚC, đàn bà đặt chữ TỪ hay chữ DIỆU, còn gọi là tên Thụy hiệu hay Pháp danh. Có nghĩa là tên gọi người đã chết rồi, để khấn giỗ và ghi vào bia mộ hay gia phả, tức “tên cúng cơm”).

 

            Như thế hai chữ PHÚC NHẪN là tên duệ hiệu chứ không là tên húy. Đời sau, con cháu kiêng kỵ, dấu tên thật, chỉ gọi bằng tên hiệu PHÚC NHẪN thôi. Vài ba đời sau cháu chắt quên mất tên húy, nên  cứ khấn giỗ là: cụ PHÚC NHẪN, PHỦ – LỴ, PHÚC NINH … là vậy. Ai có quan tâm về gia phả, lễ nghi cúng giỗ theo lối xưa của các cụ Nho học đều hiểu rõ điều tôi trình bày, giải thích trên là đúng phép tắc như thế. Mà thời gian trước khi cụ Phúc Nhẫn đem hai ông con PHỦ LỴ tức PHÚC KHANG và PHÚC  NINH quay trở về Mộ Trạch nhận họ hàng cũ năm 1687. Ba cha con cụ vẫn còn mang họ NGUYỄN để ẩn dấu tông tích thời Mạc tàn, Lê – Trịnh thắng? Có lẽ đến giữa thế kỷ XVII, tức là năm 1658, cụ PHÚC NHẪN (độ 40 tuổi) đang giữ chức “Chánh Đô Tổng Binh” cho triều Lê trung hưng vẫn mang họ NGUYỄN? Cụ và con cháu cụ đã đổi ra họ VŨ là gốc xưa phải sau khi cụ cho hai con trai lập ra hai Từ Đường là QUANG ĐẠI ĐƯỜNG và QUANG TRẠCH ĐƯỜNG ở hai làng: Đường Xuyên và Mộ Trạch. Theo cụ Vũ Hữu Cảnh (đời thứ 12) ở chi trưởng QUANG ĐẠI ĐƯỜNG làng Thường Xuyên nay, chi phái này đã được 15 đời. Còn chi thứ QUANG TRẠCH ĐƯỜNG đến ông Vũ Xuân Hịch cũng là đời thứ 12 và đã có cháu đời 15 (dòng cụ PHÚC NINH) ở phái Giáp làng Mộ Trạch.

 

            Điều chúng tôi quan tâm khảo sát, đó là 3 tên xưa, cũ, mới của làng xã nằm bên bờ  cuối dòng sông Nhuệ (trước khi chảy xuống huyện Duy Tiên đổ ra sông Hồng ở quãng cống đê Hòa Mạc (Hà Nam). Mà nay gọi là “làng THƯỜNG XUYÊN” (常川村) thuộc xã Đại Xuyên ở huyện Phú Xuyên của tỉnh Hà Tây. Các đơn vị địa danh hành chính này hồi trước năm 1955, chưa có xã Đại Xuyên, mà chỉ có xã Thường Xuyên thôi. Đây là tên xã mới đặt ra từ năm 1956 đến nay.

 

            Căn cứ vào sách Địa Dư Hành Chính cổ thời Hậu Lê (1600 – 1788) thời Tây Sơn (1789 – 1802) và triều Gia Long (1802 – 1819). Đó là cuốn “CÁC TRẤN, TỔNG, XÃ DANH BỊ – LÃM” (tên đầy đủ các làng xã, tổng, huyện, trấn được biết). Đã cho đời sau và nay biết “Huyện Phú Xuyên là 1 trong 3 huyện thuộc Phủ THƯỜNG TÍN xưa của trấn Sơn Nam Thượng. Huyện này có 11 tổng gồm 85 xã, thôn, trang, phường. Mà Tổng thứ bảy của huyện Phú Xuyên là TỔNG ĐƯỜNG XUYÊN.

 

            Tổng này có 9 thôn, xã là:

 

1/ Thôn THƯỢNG thuộc xã Đường Xuyên.

 

2/ Thôn CỔ TRAI thuộc xã Đường Xuyên.

 

3/ Thôn CẦU ĐÔNG thuộc xã Đường Xuyên

 

4/ Thôn CẦU ĐOÀI thuộc xã Đường Xuyên

 

5/ THÔN THÁI (Lai) thuộc xã Đường Xuyên

 

6/ Xã VÂN HOÀNG (tức làng Vàng)

 

7/ Xã TÔNG CHẤT.

 

8/ Xã THƯỢNG AN và …………

 

9/ Xã TỪ ĐIỀU (xem trang 19).

 

            Xem như trên, thì đến đầu thế kỷ XIX, khoảng năm 1808 – 1810 sách cổ trên được ấn hành cho các Bộ, Viện, Trấn, Phủ, Huyện từ sông Gianh trở ra miền Bắc sử dụng, tra cứu, tham khảo. May mà đời nay còn giữ được đã đem phiên dịch âm, dịch nghĩa và sắp xếp theo quốc ngữ A, B, C in vào năm 1981 – Hà Nội, NXB.KHXH dày 654 trang, chúng tôi trích dẫn như trên. Để chứng minh tên cũ của xã Đại Xuyên nay là xã Đường Xuyên xưa đời Hậu Lê cho đến thời vua Hàm Nghi (1884 – 1885).

 

            -ĐƯỜNG XUYÊN là “con sông Đường” có lẽ là tên khúc sông Nhuệ chảy qua huyện PHÚ XUYÊN (= nhiều sông) đã mang tên đó.

 

            -Huyện PHÚ XUYÊN là hậu thân của huyện cũ tên PHÙ VÂN (là mây trôi nổi) của thời nhà Lý, Trần, Hồ, Lê sơ và Mạc (từ 1010 – 1599). Theo sách sử, từ năm 1600 trở đi cho đến nay đã hơn 400 năm, các Nho gia, quan chức huyện này dâng Sớ lên vua Lê – chúa Trịnh (Tùng) xin cải danh (đổi tên) từ PHÙ VÂN thành ra PHÚ XUYÊN. Vì tên PHÙ VÂN đã mang nghĩa xấu, không hay trong cách nói bóng gió, ẩn ý là của cải hay vật gì trôi nổi, lấy được. Bởi tục ngữ xưa có câu:

 

“Của làm ra thì để trên gác (lầu)

Của cờ bạc thì để ngoài sân

Của Phù Vân thì để ngoài ngõ”

 

Mà “của Phù Vân” là của đi ăn không của thiên hạ, xã hội, tức của trộm cướp, tham ô mà có là thất đức, bất nhân. Vì ý xấu đó, bị nhân dân giễu cợt người quê ở huyện Phù Vân là không tốt đẹp. Nên triều đình cho phép đổi thành PHÚ XUYÊN từ lúc đó. Các sách xưa đều viết huyện Phú Xuyên từ thời nhà Mạc trở về trước là: huyện PHÙ VÂN.

 

            -Tại sao làng xã ĐƯỜNG XUYÊN xưa (gồm 5 thôn) lại phải đổi là Thường Xuyên? Ai đọc Việt sử cũ đều rõ tên húy Vua Đồng Khánh (1886 – 1888) là NGUYỄN PHÚC ƯNG ĐƯỜNG. Nên huyện Nam Đường phải đổi ra huyện Nam Đàn từ năm Bính Tuất (1886). Làng Lương Đường, làng Đường Lâm, làng Đường Xuyên và 2 huyện Đường An, Thủy Đường của Hải Dương. Tất cả phải đổi là: LƯƠNG NGỌC, CAM LÂM, THƯỜNG XUYÊN, huyện NĂNG AN, huyện THỦY NGUYÊN. Đấy là 5 trong số vài chục địa danh mang chữ ĐƯỜNG. Nhưng tên gọi hai miền Nam Bắc sông Gianh là Nam Hà. Bắc Hà được dân Việt xưa gọi là Đường Trong và Đường Ngoài. Nhưng thời Lê trung hưng có 1 vua Lê Dụ Tông (1706 – 1729) tên húy là Lê Huy Đường. Thưở đó cũng đã có lệnh cấm dùng âm Đường, nên phát sinh ra các danh từ: Đàng Trong, Đàng Ngoài, Thiên Đàng, Địa Đàng, Đàng Hoàng … lại được các Chúa Nguyễn tôn trọng.Vua Lê đáng thương (bị các Chúa Trịnh lấn át, ức hiếp). Nên nhân dân trong Nam Hà (Đàng Trong) phải đọc chữ “Đường” thành âm “Đàng” triệt để hơn miền Bắc thời Hậu Lê.Vì Chúa Trịnh và quan lớn có thực quyền, nên họ có tôn trọng Vua Lê đâu mà kính nể tên húy các Vua?

            Như thế, tên gọi là thôn, xã THƯỜNG XUYÊN mới được dùng gọi có 120 năm nay thôi trên giấy tờ hành chính. Thực tế ở bia đá, gia phả xưa đều chép, ghi là ĐƯỜNG XUYÊN với 5 thôn: THƯỢNG, THÁI, CỔ TRAI, CẦU ĐÔNG, CẦU ĐOÀI mà khoảng hơn 50 năm qua chính quyền cách mạng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mới đặt tên Đại Xuyên cho xã mới. Nhưng nhân dân quen gọi Thường Xuyên theo tập quán.

 

            Mới đây, anh Chính có cho tôi xem 1 tấm hình chụp cổng chùa làng rất cổ kính, đã phong hóa theo mưa nắng, thời gian bị xuống cấp. Ở trên cổng chùa có 3 chữ Nho (Hán) còn rõ nét “THƯỢNG XUYÊN TỰ” (上川寺)  nghĩa là chùa làng THƯỢNG XUYÊN. Có lẽ cổng chùa xây đã khá lâu, không tam quan.

 

            Như thế, lại thấy rõ thêm một địa danh được ghi nhận có chứng tích: thôn THƯỢNG của xã ĐƯỜNG XUYÊN trước năm 1886 đã có tên chữ Nho văn vẻ là THƯỢNG XUYÊN (thôn). Chứ đâu nói nôm na, đơn giản là “thôn Thượng” hay “làng Thượng” phổ thông đến tận hôm nay. Anh Vũ Hữu Chính nói với tôi rằng: “quê em gọi là làng Thượng” như bà con sở tại vẫn gọi thế.

 

            Nhưng theo đúng lịch sử lâu dài xưa, có thể từ đầu thế kỷ XV (1428) xã ĐƯỜNG XUYÊN, Tổng ĐƯỜNG XUYÊN được chính sử suốt gần 460 năm (1428 – 1886) công nhận tên gọi trên. Chỉ từ thời mất nước (1885) và mất Bắc Kỳ (1884) vào tay giặc Pháp, rồi dưới triều vua thân Tây là ƯNG ĐƯỜNG ĐỒNG KHÁNH làm méo mó, lệch lạc biết bao địa danh có chữ ĐƯỜNG bị thay đổi, biến dạng. Trong số đó có làng ĐƯỜNG XUYÊN thơ mộng bên bờ sông Nhuệ, biến danh: “Thường Xuyên”, như hai chữ Đại Xuyên “đao to búa lớn”, không phù hợp với một nơi gần con sông nhỏ sắp chết vì ô nhiễm ở huyện Phú Xuyên đó là sông Nhuệ. Vì tên Đại Xuyên (大川) có nghĩa là sông lớn, mà đặt cho mấy làng ven sông Nhuệ là cách đặt hơi thiếu tư duy.  

 

            Chúng tôi là người nghiên cứu thấy sử sách và thực tế địa dư như thế nào thì nói vậy. Nên nhớ, hành chính địa lý còn phải mang tính nhân văn và lịch sử văn hóa. Chứ đâu cứ đặt địa danh bừa bãi. Tập tục kiêng kị tên húy Vua đã bỏ từ thời Bảo Đại (1926 – 1945). Nhưng thủ tục đổi địa danh tùy tiện, trở thành quá lố. Như tên huyện Cần Giờ có từ 200 năm trước bỗng đổi ra “huyện Duyên Hải”. Sau bị chỉ trích, phê phán, lại phải trở về tên cũ thân thương: Cần Giờ đấy thôi!

 

                                                                                                               Cự Vũ (sưu khảo, 2007)

                                                                                                                   Ảnh: Vũ Hữu Chính