Bài được trích đăng trong bản tin số 11. Đây là bản tin nội bộ thuộc bản quyền của dòng họ Vũ-Võ phương Nam, bà con dòng tộc, ngòai tộc có thể download, in ấn, phát hành tự do tòan bộ bản tin mà không cần sự chấp thuận của bất kỳ cá nhân nào tại web link: https://www.mediafire.com/?urhb2h2yr3qvo4o hoặc xem cuối bài
BÀN THẢO VỀ TỔ CHỨC DÒNG HỌ
Kính thưa quý bà con dòng họ.
Trước khi mạn phép quý vị lãnh đạo, quý vị cao niên và cô, chú bác, anh chị, con cháu Tổ Vũ Hồn, tôi xin có đôi điều về tôi nói riêng và nguồn gốc chi họ Đặng Vũ trong đại gia đình Vũ-Võ Việt Nam để bà con cô bác, anh chị, ai chưa hiểu tại sao lại nhận là hậu duệ Tổ họ Vũ mà mang danh họ Đặng-Vũ. Xin thưa, không phải con cháu Tổ Đặng-Vũ thấy người sang bắt quàng làm họ. Thực tế theo gia phả Đặng-Vũ do các bậc tiền nhân để lại có ghi rõ sự kiện như sau: “Vào khoảng cuối thế kỷ 18, có một thanh niên tên Vũ Thiên Thể, con trai thứ 2 của cụ Vũ Pháp Huy, gia đình dòng dõi họ Vũ, từ Hải Dương đến tá túc tại khu chùa làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định từ 3 đời trước (cụ Vũ Huệ Trì, mộ chôn tại khu chùa ngoài Hành Thiện), kết duyên với cô gái họ Đặng tại Hành Thiện, tên Đặng Thị… hiệu Từ Giảng, là con gái duy nhất của 2 cụ Đặng Phước Long, công dân chính thức ở làng ngoài (khu chính) Hành Thiện. Sau đó, do quyền lợi cá nhân, vì phong tục tập quán khá chặt chẽ, do hương ước vì “Phép vua thua lệ làng”. Gia đình 2 họ Vũ và Đặng đã chấp nhận nguyện vọng của đôi bạn trẻ thành lập một dòng họ mới với tên Đặng Thiên Thể. Cũng xin thưa, trong dân cư Hành Thiện có đến 4-5 chi họ Đặng, như: Đặng Xuân, Đặng Đức, Đặng Huy, Đặng Trần đều có tổ tiên lâu đời tại Hành Thiện. Sau đó khoảng nửa thế kỷ, cụ Tú tài họ Đặng này muốn bày tỏ lòng tri ơn và cội nguồn tiên tổ họ Vũ nên đã họp dòng họ và xin bổ sung từ Vũ sau Đặng thành Đặng Vũ cho đến ngày nay. Đến anh em chúng tôi là đời thứ 7 và đã đến đời 11.
Còn tôi tên Đặng Vũ Bổng, sinh năm Đinh Mão (1927), đến nay đã 87 tuổi, hiện là Ủy viên của BCH HĐDH Vũ-Võ phương Nam; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ ca “Về nguồn” thuộc Dòng họ Vũ-Võ phương Nam từ 8 năm qua; Ngoài ra tôi còn là sáng lập viên việc hô hào bà con Đặng-Vũ tại Sài Gòn thành lập Ban liên lạc dòng họ Đặng-Vũ tại Sài Gòn từ 1982.
Thể theo tinh thần kêu gọi đại đoàn kết dòng họ, đòi hỏi sự đóng góp tài lực, trí tuệ của mỗi con cháu Tổ nhằm phát triển lành mạnh tinh thần gia tộc, thực hiện câu “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Lá lành đùm lá rách”… cùng nhau xây dựng các ngôi từ đường, tổ chức các sinh hoạt lễ hội, giỗ chạp tiên tổ và tương thân tương ái…thể hiện tinh thần lấy NHÂN và TRÍ làm phương châm hành động.
Thưa quý vị, được biết hiện nay 38/65 tỉnh, thành phố của Tổ quốc đã thành lập HĐDH Vũ-Võ để các con cháu Tổ có dịp và cơ hội họp mặt tham dự các tuần tiết thường niên. Tôi rất vinh hạnh được đứng vào hàng ngũ dòng dõi Thuỷ Tổ Vũ Hồn và có đôi chút đóng góp vào sự thịnh vượng chung của dòng họ. Tuy nhiên, gần đây có một vài sự kiện mà khách quan nhận định thì vấn đề đại đoàn kết dòng họ còn đôi điều nên tháo gỡ.
Dưới đây với trí thiển, tài sơ nhưng với bầu nhiệt huyết chân thành đóng góp cho sự hưng thịnh đời đời của dòng họ, tôi xin mạo muội trình bày:
VỀ QUAN NIỆM:
Đánh giá chân giá trị và mục đích tổ chức HĐDH. Theo tôi thì tổ chức Dòng họ chỉ là một tổ chức phi chính phủ, xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt tâm linh, không phải là tổ chức kinh tế, chính trị, cơ quan hành chính hay quân đội. Theo tinh thần bản trích báo cáo kết quả… đăng tải trong Thông tin Dòng họ Xuân Quý Tỵ 2013, do ông Vũ Ngọc Thức đọc trước Hội nghị BCH HĐDH Vũ-Võ mở rộng tháng 12 năm 2012, trang 10 và 12 có câu: “Xây dựng trên nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận, dân chủ và kỷ cương dòng họ..”
Về phần tổ chức cơ cấu dòng họ tôi có nhận xét:
-Về địa bàn tổ chức: Hoạt động trên chiều dài đất nước hơn 2000 cây số, việc tập trung quá nhiều gây tốn kém tiền bạc và thời gian nếu con cháu muốn tham dự.
-Về nhân sự: Qua 38 HĐDH Vũ-Võ đã có, chắc chắn con số con cháu Tổ có thể lên tới mấy chục vạn người.
Với hai yếu tố căn bản nêu trên, việc điều hành, quản lý rất nhiêu khê, các thành viên tổ chức lấy đâu ra kinh phí. Trong khi đó các cơ sở địa phương đều tự quản. Ngay về phong tục, tập quán, nghi thức cúng lễ cũng khó thống nhất, vì nơi đâu cũng có cái thuận và bất thuận. Cốt chung là khoa học, tiến bộ, bản sắc văn hóa dân tộc là được. Xuyên qua quan điểm tổ chức của dòng họ đang củng cố để phát triển, theo tiêu chí thì có tính chất hành chính, tức Trung ương rồi thành phố, tỉnh đến huyện. Tổ chức này áp dụng cho Dòng họ có mấy điều bất lợi, do 2 lý do địa bàn và nhân lực nêu trên.
Tôi không máy móc quan niệm hệ thống hành chính, vì tổ chức chính phủ khác với tổ chức quần chúng, chỉ cần áp dụng tổ chức, cơ cấu tốt là khoa học, tiến bộ, không câu nệ cấp trên, cấp dưới. Vì như đã biết, mọi cơ sở đều tự quản, việc quản lý chung của trung ương nó nặng về tinh thần, trách nhiệm chứ không phải trung ương với các cấp thuộc quyền. Hơn nữa sẽ là một gánh nặng về trách nhiệm khi để xảy ra sự kiện “cả vú lấp miệng em”, một điều tối kỵ trong việc đoàn kết.
Nay tôi kiến nghị:
Nếu có HĐDH Vũ-Võ Việt Nam (Trung ương) thì vai trò của cấp này cũng chỉ dừng lại ở việc trao đổi, nêu định hướng hoạt động, để Dòng họ Vũ-Võ các miền nghiên cứu vận dụng cho phù hợp với từng địa phương. Không thể đẻ ra cấp trên, cấp dưới, cấp lãnh đạo và bị lãnh đạo để ra quyết định này nọ, bắt các HĐDH phải làm theo ý kiến chủ quan của cái gọi là cấp trên (Giả thử HĐDH “cấp trên” ra một quyết định không phù hợp với địa phương nào đó, thì “cấp trên” có quyền gì để bắt HĐDH nơi đó không được hoạt động không? Có quyền kỷ luật và khai trừ ai đó ra khỏi HĐDH của địa phương được không?)
Với ý kiến này, tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự phát triển của sinh hoạt dòng họ, vì mỗi khu vực sẽ tổ chức lễ hội tùy theo khả năng và địa bàn lân cận, chắc chắn sẽ thu hút đông đảo con cháu về dự.
Kính chào đoàn kết
Đặng Vũ Bổng
Toàn văn tập san: