Những người con họ Võ
Lập nghiệp đầu tiên trên đảo Lý Sơn
Huyện đảo Lý Sơn còn gọi là Cù Lao Ré, được tách ra từ huyện Bình Sơn tỉnh Quãng Ngãi, bởi quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1992, cách đất liền 22 km khoảng 15 hải lý. Huyện gồm có 3 xã: Hai xã An Hải và An Vĩnh nằm trên đảo lớn (Cù Lao Ré), một xã An Bình nằm trên đảo nhỏ (Hòn Ré) có diện tích 9.970 km2. Dân số toàn huyện có 20.460 người trong đó số dân mang dòng máu họ Võ chiếm 10% tức là 2.046 người.
Đảo Lý Sơn là vết tích còn lại của một núi lửa với 5 miệng, được hình thành cách đây 25 – 30 triệu năm. Các mạch nước nóng ngầm, dưới chân núi lửa cung cấp nhiệt năng để sản xuất điện phục vụ cho huyện đảo. Về kinh tế dân sống bằng nghề khai thác cá biển và trồng tỏi, hành. Từ thế kỷ XVII Chúa Nguyễn đã thành lập hải đội Hoàng Sa lấy người từ xã An Vĩnh huyện Bình Sơn phủ Quảng Ngãi ra đảo này thu lượm hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quí hiếm đem về nộp cho nhà vua…Trong thời gian chống Mỹ, đảo Lý Sơn là địa điểm hải quân Hoa Kỳ đặt trạm ra đa để kiểm soát hoạt động của tàu bè dọc theo bờ biển Việt Nam. Ngày nay, các trạm ra đa và ra đa tầm xa N50 của hải quân Việt Nam hoạt động trên toàn bộ đảo này.
Thời kỳ đất nước đổi mới, tỉnh Quảng Ngãi đã mở tuyến du lịch biển đảo Lý Sơn từ ngày 28-04-2007. Du khách ra đảo để thưởng thức ẩm thực các đặc sản của biển và chiêm ngưỡng ba di tích văn hóa tâm linh đó là: Đình làng An Hải liên quan đến đội Hoàng Sa trên biển; Âm Linh Tự thờ oan hồn và phối thờ tử sĩ Hoàng Sa, chùa Hang, cùng các di sản văn hóa Sa Huỳnh “Vương quốc tỏi”. Năm 2010 ông Võ Xuân Huyện làm chủ tịch huyện đảo cho biết: ở đảo Lý Sơn có ba nhánh họ VÕ, hai nhánh ở xã An Vĩnh và một nhánh ở xã An Hải. Ba nhánh này đều xuất phát từ mũi Ba Làng An ở trong đất liền. Chính ông Huyện và ông Võ Xuân Thành chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện đảo Lý Sơn đều thuộc nhánh thứ nhất của dòng họ ở xã An Vĩnh. Dòng họ Võ Xuân ở An Vĩnh trên đảo Lý Sơn do ông Võ Xuân Phước làm tộc Trưởng thuộc nhánh họ Võ ở An Hải trên đất liền. Ông Võ Thành Phượng và ông Võ Thành Hy dòng họ Võ Văn ở xã An Vĩnh trên đảo cũng nằm trong dòng họ ông Phước, còn ông Võ Minh Hoàng làm tộc Trưởng nhánh họ Võ An Hải ở trên đảo ngày nay.
Căn cứ vào lịch sử và các gia phả của các dòng họ Võ ở Quảng Ngãi thì thời vua Kinh Tông niên hiệu Hoàng Định (1604) vào ngày 20-02 có 8 người ở làng An Hải xã Bình Châu vượt biển ra đảo chiếm phần đất phía đông của đảo (nay thuộc xã An Hải huyện đảo Lý Sơn). Trong 8 người đó có một người họ Võ tên là Võ Ước. Gia phả của dòng họ Võ ở làng An Hải coi ông là Thủy Tổ được tục biên trong gia phả bao đời nay ở đất liền cũng như ở huyện đảo ngày nay.
Đến ngày 16-07 cùng năm nói trên, lại có 07 người ở làng An Vĩnh vượt biển ra đảo chia nhau phần đất ở phía Tây đảo, lập gia cư cho đến tận bây giờ. Trong số 7 người ra đảo thời đó có 02 người họ Phạm, 01 người họ Nguyễn, 01 người họ Lê, 01 người họ Trần và 02 người họ Võ đó là ông Võ Văn Lúa… [?] đều thuộc xã An Vĩnh. Ông Võ Văn Lúa sau khi tham gia chinh phục đảo, phân định được ranh giới với toán người vượt biển ra đảo trước, thì ông quay về lại đất liền, hàng năm ông chỉ ra thu hoạch sản phẩm và làm vụ mới. Tám năm sau, tức là năm 1612 ông đưa con trai Võ Văn Hòa ra đảo chính thức lập gia cư. Trải qua ba đời độc đinh đến đời thứ 4 mới sinh được hai nam là Võ Nhất Lang và Võ Nhị Lang. Nhánh lớn (Võ Nhất Lang) có nhà thờ tại thôn Tây xã An Vĩnh. Nhánh bé Võ Nhị Lang có nhà thờ tại thôn Đông xã An Vĩnh. Như vậy có thể khẳng định từ năm 1604 đã có 3 người mang dòng máu họ Võ đầu tiên đến khai cư lập nghiệp trên đảo Lý Sơn, nay là huyện đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quãng Ngãi: Đó là ông Võ Ước, Võ Văn Lúa và một vị còn khuyết tịch, cùng ra đảo với thời ông Lúa trong nhánh họ Võ Xuân ở xã An Vĩnh trong đất liền…
Năm tháng trôi qua, kể từ khi ba vị họ Võ nói trên ra đảo khai cư lập nghiệp đến nay (2014) đã ngót 410 năm hơn 4 thế kỷ.
Từ 3 vị ấy, đời nối đời, thế hệ nối tiếp thế hệ, đến nay đã có 2040 người họ Võ sinh sống trên huyện đảo Lý Sơn.
Theo lịch sử Việt Nam giữa thế kỷ XVII (1553) người họ Võ ở đàng ngoài đã hiện diện ở Quãng Ngãi, tập trung ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh. Sự kiện năm 1604 có 2 đợt tiên hiền từ 2 làng An Hải, An Vĩnh trong đất liền ra chinh phục đảo như đã nói ở trên.
Chứng tỏ các vị đó đã định cư ở Bình Châu, Ba Làng An huyện Bình Sơn 50 năm trước đó tức là năm 1550. Nói chung các nhánh họ Võ đã di chuyển vào phía Nam đều bằng đường biển và thường tạm cư và rồi định cư ở các cửa biển hoặc ven biển làm nghề đánh bắt cá để sinh sống, đều có gốc Tổ từ làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương ngày nay. Qua nghiên cứu một số gia phả có dòng họ Võ Văn ở Quãng Ngãi, Võ Quang ở Thừa Thiên Huế, Võ Tá ở Hà Hoàng - Hà Tĩnh thì những người họ Võ ở Quãng Ngãi đều xuất phát từ Thanh Hóa miền Bắc. Thời điểm 1550 là thời ông Võ Kỵ đã vào đến đất Hà Tĩnh, định cư ở xã Hà Hoàng huyện Thạch Hà làm nghề đánh bắt cá để sinh sống, rồi có nhiều thế hệ sau di cư tiếp vào phía nam.
Ngày nay cụ Thủy Tổ của dòng tộc Võ ở làng Tư Cung xã Mỹ Khê huyện Bình Sơn Quãng Ngãi, nay là thôn Tư Cung Mỹ Lai xã Tịnh Khê huyện Sơn Tịnh có tên là ông Võ Văn Siêu từ Cửa Sót huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh. Cổ phả cho biết cụ Siêu có ông bà cha mẹ quê gốc ở làng Mộ Trạch, Hải Dương Bắc Việt di cư vào Cửa Sót giữa thế kỷ XVII. Sau đó ông Siêu theo Nam Quân làm tướng thủy binh (Hải Quân) cho chúa Nguyễn…
Trên cơ sở nói trên có thể biết đâu được, ba người con đầu tiên đến lập nghiệp ở đảo Lý Sơn từ năm 1604, lại có giây mơ rễ má từ thế hệ ông Võ Kỵ ở Thạch Hà, Hà Tĩnh. Mong rằng thế hệ trẻ sau này, với nhiệt tình tìm về cội nguồn, trong điều kiện khoa học xã hội phát triển thuận lợi ngày nay, hi vọng sẽ khám phá thêm nhiều điều lý thú.
Đã hàng trăm năm trước đây những người con họ Võ, đã sát cánh với những người con dòng họ khác vừa bám biển mưu sinh, vừa tuần phòng bảo vệ vùng biển Đông của Tổ Quốc. Điển hình như ông Võ Khiết đã được Thái Đức Hoàng Đế (Nguyễn Nhạc) phong Tước Hội Nghĩa Hầu năm 1876, do có công trạng khi được vua giao làm Cai Đội gồm 6 người lính bảo về Hoàng Sa, nên được dân làng lập đình ông Thắm để thờ ông Cai Đội Võ Khiết và mộ của ông được mai táng ở thôn Tây, xã An Vĩnh huyện đảo ngày nay…
Phát huy truyền thống yêu nước của các vị tiền nhân họ Võ, trên đảo Lý Sơn. Ngày nay vẫn đoàn kết cùng với các dòng họ khác, cảnh giác trước những âm mưu thủ đoạn của bọn cướp biển Trung Quốc, thực hiện mục đích bành trướng bá quyền biển đông. Những người con họ Võ, kiên quyết bám biển để khai thác hải sản làm giàu cho gia đình cho huyện đảo và sát cánh cùng lực lượng Kiểm Ngư, Cảnh Sát Biển Việt Nam, dùng mọi biện pháp hòa bình để bảo vệ huyện đảo Lý Sơn nói riêng và vùng biển Tổ Quốc nói chung. Và giá như đến lúc phải tự vệ, để bảo vệ biển đảo thì nhân dân họ Võ trên đảo, sẽ cùng với toàn thể nhân dân Việt Nam phát huy truyền thống ngày Toàn Quốc kháng chiến 19-12-1946. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thà hi sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”... Và bây giờ không chịu mất biển. “Không có gì quý hơn độc lập tự do” để bảo vệ toàn vẹn lãnh hải của Việt Nam ta đã được luật biển quốc tế COC phân định.
Đà Lạt 16-6-2014
Võ Hoa Thám
P.Chủ tịch Hội đồng Dòng họ Vũ-Võ
Tỉnh Lâm Đồng
(Sưu tầm và biên soạn)