HĐDH VŨ-VÕ Q.NAM – ĐÀ NẴNG
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
TP. Đà Nẵng, ngày 07 tháng 12 năm 2014
|
VÀI NÉT VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA HĐDH VŨ-VÕ
QUẢNG NAM – ĐÀ NẴNG.
1.Dòng họ Vũ-Võ Quảng Nam-Đà Nẵng (QN-ĐN) hình thành khá sớm, từ năm 1996, cách nay 18 năm. Lúc bấy giờ, đơn vị hành chính vẫn còn QN-ĐN, Trưởng Ban liên lạc do ông Võ Văn Đặng, nhà cách mạng lão thành, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nguyên Khu ủy viên Liên khu V, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tỉnh QN-ĐN. Lúc thành lập, Ban liên lạc Dòng họ mới có 16 đơn vị của các huyện, xã tham gia. Đến lúc đơn vị hành chính QN-ĐN được tách thành 2 đơn vị Đà Nẵng và Quảng Nam, hai đơn vị hoạt động độc lập, trực thuộc Trung ương. Do các thành viên dòng họ tuy sống, làm việc ở Đà Nẵng, nhưng hầu hết có gốc từ Quảng Nam hoặc các địa phương khác, do đó dòng họ vẫn giữ nguyên như cũ, vẫn gọi Hội đồng Dòng họ Vũ-Võ QN-ĐN. Ban liên lạc được bổ sung tại Đại hội lần II (1997) 21 thành viên, tồn tại cho đến lúc đổi thành Hội đồng theo chủ trương của HĐDH Vũ-Võ Việt Nam.
2- Các hoạt động chính được đặt ra qua các kỳ họp mặt, các cuộc họp thường niên và kết quả thực hiện:
-Kết nối các chi họ: Lấy xã, phường làm cơ sở. Các chi họ được tập hợp lại bởi Ban liên lạc huyện, quận… Khi chưa kết nối với huyện, tạm thời liên lạc với Ban liên lạc tỉnh. Với hình thức liên kết với huyện, đã thực hiện được 4 đơn vị: Thăng Bình, Tiên Phước, Điện Bàn, Đại Lộc. Thăng Bình là đơn vị dẫn đầu, đã tập hợp gần hết các chi họ trong huyện, làm tốt đối với khuyến học, khuyến tài, giúp đỡ các hộ nghèo. Hàng năm có sinh hoạt định kỳ để kiểm điểm việc đã làm, xác định việc sẽ làm trong năm. Tính từ ngày thành lập đến nay, huyện đã có 18 lần Hội nghị tổng kết, trong đó lần thứ 15 rất hoành tráng. Mỗi lần được tổ chức tại nhà thờ chi họ của một xã, đại diện các chi họ đến dự khá đông đủ. Hội đồng Dòng họ này đã được HĐDH Vũ-Võ Việt Nam tặng thưởng các danh hiệu cao.
-Vấn đề tập hợp các chi họ vào một tổ chức tưởng đơn giản, hóa ra không dễ. Trong một xã có nhiều trường hợp, nhiều chi họ nhưng lại có nguồn gốc khác nhau, ông Tổ khác nhau, do đó không dễ hợp tác với nhau. Vì vậy, việc tập hợp, liên kết không dễ làm nhanh, cần sự thuyết phục. Các huyện Tiên Phước, Đại Lộc đã bỏ nhiều công sức cho việc này.
-Trong thời gian qua, các chi họ trong tỉnh lần lượt dồn sức trùng tu, nâng cấp, hoặc làm mới các nhà thờ Tộc để có nơi thờ tự, tập hợp cháu con hằng năm về dự lễ Tổ tiên. Việc tôn tạo, xây mới nhà thờ Tộc có nhiều bậc khác nhau, phần nhiều là tôn tạo. Do hoàn cảnh chiến tranh, nhiều nhà thờ họ bị đập phá, cho nên số xây mới có trên 250 nhà thờ họ. Như trường hợp ở Đông Yên, chi họ Vũ-Võ của xã Duy Trinh, huyện Duy
Xuyên được đăng trên tờ Thông tin Dòng họ -Học và Hành. Cũng chi họ này, phần lớn di cư vào thành phố Hồ Chí Minh, phát triển nghề dệt ở quận Tân Bình (Bảy Hiền), đã xây một nhà thờ Tộc tại chỗ (Bảy Hiền) để có nơi thờ phụng và hàng năm tập hợp cháu con dự lễ tế xuân, cúng giỗ, con cháu khỏi phải về quê. Nhà thờ này cũng được đăng trên tờ Thông tin Dòng họ Vũ –Võ phương Nam.
-Tất cả các chi họ Vũ-Võ ở các địa phương đều thực hiện chủ trương: Tìm và bổ sung tộc phả, tìm ông Tổ đầu chi từ ngoài Bắc vào định cư và sinh cơ lập nghiệp, cùng với việc xây mới, tôn tạo lăng mộ các vị tiền hiền, cùng các vị đầu phái. Thực hiện chủ trương này, phần lớn ở thời gian của thế kỷ XXI. Một thực tế diễn ra là rất nhiều ông Tổ (Tiền hiền) có tên, có mộ, nhưng lại không biết được ngày xưa từ nơi nào ở ngoài bắc vào, vì Tộc phả không có, hoặc có mà không ghi lại. Cứ tạm coi là từ đất Thanh, Nghệ vào, phần lớn là thế.
-Ban liên lạc Dòng họ Vũ-Võ tỉnh QN-ĐN, từ năm 2000 có chủ trương biên soạn Tộc phả Vũ-Võ QN-ĐN, giao cho các huyện, Thị thực hiện phần của mình. Chủ trương này đề quá sớm nên không có người làm, chưa có đủ điều kiện thực hiện. Trước mắt, các chi họ mỗi nơi tự làm Tộc phả chi họ mình, để con cháu biết ngọn nguồn, biết có bao nhiêu thế hệ đã trải qua, để biết mình ở đời thứ bao nhiêu của chi họ, tính từ cụ Tổ vào định cư lập nghiệp.
-Một trong các hoạt động chính của Dòng họ Vũ-Võ QN-ĐN, đó là công tác Khuyến học-Khuyến tài. Nơi nào có tổ chức dòng họ là nơi ấy có tổ chức Khuyến học-Khuyến tài, có lập quỹ, có tổ chức trao giải hàng năm, có tài trợ các học sinh của dòng họ có hoàn cảnh khó khăn, dưới các hình thức tài trợ, như: Cho mượn hoặc cho luôn không thu hồi. Chính qua việc đóng góp này mà dòng họ được uy tín và coi trọng. Hội đồng Dòng họ Vũ-Võ huyện Thăng Bình nhờ có đóng góp này đã được UBND huyện nhiều lần khen thưởng và được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện mời tham gia làm thành viên.
-Về danh nghĩa, Thường trực Hội đồng Dòng họ Vũ-Võ Quảng Nam-Đà Nẵng hiện có 7 người: Ô. Vũ Quang Thành, Võ Như Tiến, Vũ Ngọc Hoàng, Võ Duy Khương, Võ Xuân Thụ, Võ Như Lương, và Võ Đạt. Nhưng tham gia trực tiếp công việc chỉ có 3 người: Ô. Thành, Tiến, Đạt. Còn các thành viên khác không có điều kiện tham gia. Vì thế, công việc điều hành của Hội đồng Dòng họ trắc trở, nhiều việc không triển khai được. Trong số các vị nêu trên, có 2 người tham gia HĐDH Vũ –Võ Việt Nam, đó là ông Vũ Quang Thành và Võ Như Tiến.
Nơi nhận:
-HĐDH Vũ-Võ phương Nam- TP.HCM;
-Lưu Văn phòng.
|
TM. HĐDH VŨ-VÕ QN-ĐN
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Vũ Quang Thành
|