Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Miếu và miễu ở miền quê

MIẾU VÀ MIỄU Ở MIỀN QUÊ

Lương Thư Trung

Ở miền quê, một trong nhiều nét tiêu biểu về việc cúng tế ở đình, chùa, thánh thất còn là việc cúng miếu và miễu hằng năm.

Theo Việt Nam Tân Tự Điển của Thanh Nghị, bản in năm 1956, miễu có nghĩa là cái miếu nhỏ. Theo Sơn Nam trong quyển Thuần Phong Mỹ Tục Việt Nam, chữ "miễu" là đọc trại từ chữ "miếu" mà rạ Theo Phan Kế Bính trong sách Việt Nam Phong Tục bàn về việc "Đình Miếu", tác giả viết :" Miếu là chỗ "quỉ thần bằng y", đình là nơi thờ vọng và để làm nơi công sở cho dân hội họp. Miếu thường hay kén những nơi đất thắng cảnh, nhất là trên gò cao, hoặc là nơi gần hồ to sông lớn thì mới hay". Và theo quyển Hán Việt Tự Điển của Nguyễn Văn Khôn giải thích danh từ "miếu" là đền thờ, còn gọi "cái miễu". Trong dân gian cũng thường gọi đình miếu và chùa miễu như ngầm phân biệt vài nét khác nhau giữa miếu và miễu ở miền quê.

Trước nhất, miếu là những đền thờ các bậc linh thần, hiển thánh thật trang nghiêm và được trùng tu, chăm sóc rất chu đáọ Mỗi năm, đến ngày cúng vía được tổ chức đúng hạn kỳ và thập phương bá tánh đến hành hương, chiêm ngưỡng rất đông đảo, tấp nập.

Chẳng hạn miếu Bà Chúa Xứ ở Núi Sam (Châu Đốc) luôn được các nhà biên khảo về phong tục tập quán vùng sông nước Châu Đốc đề cập đến. Đặc biệt, qua bài "Lễ Hội Bà Chúa Xứ " của nhà văn Lê Tùng Minh đăng trong đặc san Thân Hữu do Hội Thân Hữu Châu Đốc vùng Hoa Thịnh Đốn ấn hành năm 1998, đã cho người đọc biết rất rõ về ngày tháng cùng những nghi thức cúng tế Bà Chúa Xứ vào những ngày tháng ba, tháng tư âm lịch hằng năm vô cùng trang nghiêm và trọng thể. Năm nào cũng như năm nào, bá tánh thập phương về đây không biết bao nhiều mà kể để vía Bà, cúng lạy, vay tiền, cầu khấn sự linh hiển của Bà để xin phò trợ.

Ở Vũng Tàu, có miếu Năm Bà ở Bãi Dâu [1] cũng được dân trong vùng, nhất là các ngư phủ, đã dựng lên từ hơn một trăm năm để thờ Ngũ Hành, tức năm vị thần: Kim, Mộc, Hỏa, Thủy, Thổ. Tương truyền, ngày xa xưa lắm, dân chúng trong vùng đi đốn củi trên núi Lớn, xuống chỗ ngôi miếu này nghỉ trưa có gặp một cặp rắn thần thật lớn có mồng nhưng không cắn mổ ai, van vái một hồi cặp rắn từ từ bò đi nơi khác. Vào tháng Ba hoặc tháng Tư có lệ cúng gồm lễ nhạc, có bóng rổi, múa dâng mâm vàng, mâm bạc cho Bà để cầu cho cư dân thái bình, ngư phủ ra biển gặp điềm lành, tránh tai họa, giông bão ...

Ở Long Xuyên, những năm 1950, 1960 trong khuôn viên trường trung học Thoại Ngọc Hầu, nhà trường có lập ngôi miếu Tiên Sư rất khang trang để thờ phượng các vị giáo sư của trường đã mãn phần nhằm tưởng nhớ công đức các vị giáo sư đã dày công dạy dỗ học sinh của trường.

Văn Miếu là danh từ chỉ nơi thờ đức Khổng Tử ở Hà Nội. Theo sưu tầm của Tùng Khê, được sử gia Phạm Văn Sơn trích in ở phần cuối quyển 2, bộ Việt Sử Tân Biên, có nói sử sách chép rằng: "Về đời nhà Lý (1010-1225) đã có công mở mang việc học, nhất là thời Lý Thánh Tông (1054-1072) càng xúc tiến khai hoá nền văn học. Lý Thánh Tông là một ông vua rất thông minh lỗi lạc và sùng đạo Khổng. Tháng Tám năm Canh Tuất (1070), niên hiệu Thần Vũ năm thứ hai, Nhà vua cho khởi công xây dựng Văn Miếu ở phía tây thành Thăng Long để phụng thờ Đức Khổng Phu Tử và các bực tiền hiền, và cùng để biểu dương nền văn hiến của nước ta, nền Khổng học càng thêm sáng tỏ, người trong nước đua nhau học hành, Khổng giáo chấn hưng từ thuở ấy ." [2] Ngoài ra, theo Cổ Học Tinh Hoa và được Anh Tử ghi lại trên Việt Tấn Xã số 5.593, ngày 4-7-1966, in trong quyển Người Việt Đất Việt của Cửu Long Giang và Toan Ánh:" Ở Quảng Nam thuộc miền Trung, đền thờ Đức Khổng Tử được gọi là Khổng Tử Miếu. Ngôi cổ miếu này được thành lập năm Gia Long lập quốc, nằm về phía tây xã Cân Nhi thuộc huyện Diên Phước, quận Điện Bàn, lúc bấy giờ tên gọi là Văn Miếu. Về sau, nơi này bị nước sông xoi lỡ, Văn Miếu được dời về phía Đông xã Cân Nhi, rồi cũng không được bao lâu, nước sông lại xoi lỡ lần nữa. Mãi đến năm Minh Mạng thứ VI, Văn Miếu mới được dời đến làng Thanh Chiêm. Vào năm 1947, quân Pháp đổ bộ lên Vĩnh Điện, Văn Miếu bị đốt cháỵ Sau 16 năm dài không có nơi thờ phượng Đức Khổng Tử, mãi đến tháng Giêng năm 1961, Văn Miếu được khởi công xây cất lại trên quốc lộ 1, trục giao thông vào thành phố Hội An và hoàn thành vào năm 1963 với cửa tam quan có ba lối vàọ Lối giữa gọi là Đại Trung Môn. Ngay dưới mô hình được đấp theo điển tích Khổng Tử dạy học trò gọi là "Khổng Tử Giảng Đạo Đồ" có một tấm biểng lớn làm bằng đá cẩm thạch lấy từ núi Ngũ Hành Sơn về, có khắc chữ Hán :"Khổng Tử Miếu". [3]

Ở Long Hồ (Vĩnh Long) có Văn Thánh Miếu do cụ Phan Thanh Giản tạo lập vào cuối năm Giáp Tý (1865) và hoàn thành cuối năm Bính Dần (1867) để thờ Đức Khổng Tử [4]. Về sau, khi Pháp chiếm Vĩnh Long vào ngày 20-6-1867, vào ngày 5-7-1867 cụ Phan Thanh Giản tử tiết và được dân chúng thờ cúng nơi Văn Xương Các ở phía trước Văn Thánh Miếu, bên tay mặt cách khoảng 50 thước, nơi mà lúc còn sinh tiền cụ Phan thanh Giản dùng làm nơi hội ngộ các bậc văn nhân thi sĩ để trao đổi, ngâm vịnh văn chương thi phú [5].

Về phía Đốc Vàng Thượng bên kia sông Tiền, ngay vàm Đốc Vàng có cái miếu cổ cất bằng gạch ngói ngay tại đầu doi dể thờ Đốc Binh Vàng [6] và vùng Kiến An, bên này con sông Cửu Long thuộc quận Chợ Mới, tỉnh An Giang dân chúng có lập miếu để thờ Chưỡng Binh Lễ [7]. Rải rác, khắp các vùng đồng bằng Nam Phần, chúng ta còn thấy nhiều đền miếu như vậy như miếu thờ Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, Thoại ngọc Hầu ở núi Sam (Châu Đốc), núi Sập (Long Xuyên), mộ và miếu Trương Công Định ở Gò Công.

Theo quyển Bạc Liêu xưa và nay của Huỳnh Minh, tại thị xã Bạc Liêu, trong vòng thành dinh Tỉnh Trưởng, sau thuộc Bộ Tư Lệnh Sư Đoan 21 có ngôi miếu Bà Cố rất linh thiêng. Ngoài ra vùng Cà Mau (Năm Căn) có miếu Bà Mã Châu do sự tích một người đàn bà Tàu trong hoàng tộc nhà Thanh bị chết chìm ngoài biển trôi giạt vào vùng này rồi linh hiển và dân làng lập miếu thờ. Hằng năm đến ngày mùng 9 tháng ba có lệ cúng tế lớn như lệ cúng tế miếu Bà Chúa Xứ trên núi Sam (Châu Đốc) vào các ngày 23, 24, 25 tháng Tư âm lịch hằng năm vậy [8].

Thêm vào đó miệt Cà Mau còn là nơi chúa Nguyễn Ánh luân lạc nên Ngài nhờ thần linh vùng này phò trợ nhiều phen, nên để tỏ lòng tạ ơn, chúa Nguyễn Ánh đã truyền lịnh cho dân chúng vùng quê này lập các miếu thờ các vị thần linh tam giới gọi là miếu Hội Đồng và thờ các linh thần giang hải gọi là miếu Hải Linh là những ngôi miếu cổ tận nơi mảnh đất hẻo lánh cuối cùng của nước Việt. Và cũng để tưởng nhớ những người phò tá mình mà mạng vong, khi từ Phú Quốc chạy về Cà Mau, nơi Cửa Lớn, vàm sông Bãi Háp, chúa Nguyễn Ánh đã truyền lịnh lập miếu Công Thần để tưởng niệm các vị quanh vùng Cà Mau theo phò chúa mà tử trận [9].

Tại Giá Rai (Bạc Liêu) còn có miếu Ngũ Hành thờ các vị thần giống như miếu Bãi Dâu ngoài Vũng Tàu, gồm Kim, Mộc, Hỏa, Thủy, Thổ. Và làng Vĩnh Phước, tổng Thạnh Hưng (Bạc Liêu), theo tác giả Vũ Huy Chân, trong quyển Lòng Quê [10], có nhắc đến ngôi miếu cổ gọi là "Phước Hưng Cổ Miếu", miếu này thờ thần Bạch Mã của vua xứ Chân Lạp. Cũng theo tác giả Vũ Huy Chân, sách đã dẫn, ở Bình Thuận có miếu Bà Chúa ở thôn Phú Mỹ trên đảo Phú Qúy để thờ Bà là một công chúa của nước Chiêm Thành. Nơi đây cũng được cúng lệ Bà vào tháng Tư âm lịch hằng năm [11].

Ra đến Phú Yên, thôn Long Uyên, xã An Dân, quận Tuy An có miếu thờ vua Lê Thánh Tôn với khuôn bia ghi hàng chữ : "Hoàng Việt Tân Bang, Chiêm Thành Cựu Nhưỡng", có nghĩa là"Đất cũ Chiêm Thành, cõi mới Hoàng Việt" để tưởng nhớ công lao của Vua Lê Thánh Tôn đích thân chỉ huy hai mươi vạn quân đánh Chiêm Thành, vua Trà Toàn của Chiêm Thành bị bắt sống, đất Đồ Bàn (gồm Bình Định và Phú Yên) bị mất và được xáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam. Vua Lê Thánh Tôn muốn cho nước Chiêm Thành yếu thế, bèn chia nước ấy thành ba nước nhỏ và phong cho ba ngôi vua cai trị ba tiểu quốc là Chiêm Thành, Hoá Anh và Nam Phan. Ranh giới Việt Chiêm khi ấy định tại khu đèo Cả, núi Đại Lãnh, chỗ giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Nơi ấy vua Lê Thánh Tôn còn cho khắc bia kỷ niệm trên đỉnh núi và gọi là núi Thạch Bị Miếu quay mặt ra ngã ba sông và xoay lưng về khoảng giữa của hai núi Bình hòa và Phù Mỹ, thật là một thắng địa. [12] Và trong quyển Lòng Quê, tác giả Vũ Huy Chân khi đến đây chiêm ngưỡng có sáng tác bài thơ với tựa là "Miếu Lê Thánh Tôn" như sau:

"Từ năm thế kỷ trải bao đời, Di tích còn đây chửa đổi dờị Tôn miếu y nguyên khuôn cổ kính, Cung đình khác hản kiểu kim thờị Chiêm Thành cựu nhưỡng bia rành rẽ, Hoàng Việt tân bang chữ rạch ròi. Đến đó nguyên thờ Lê Thánh Chúa, Bình Nam chia cõi giữa dân Hời ."

(Phú Yên, Mồng 5 tháng 9 năm Canh Tuất, tức ngày 4-10 năm 1970) [13]

Vùng Long An, trên cánh đồng Nhật Ninh, quận Tân Trụ, ngay ngã ba giáp nước của hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây có ngôi miếu cổ gọi là miếu Ông Bần Qùy vì chung quanh miếu có những cây bần mọc xà ngang như qùy xuống nước, nhưng thật ra, ngôi miếu cổ này có tên là "Miếu Thần Tư Nghĩa" để thờ ông Mai Bá Hướng, một viên chức thấp trông coi về binh lương nhưng khí tiết, bảo toàn binh lương dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu dẹp loạn Chân Lạp vùng Cần Giuộc. Theo tài liệu của tác giả Vũ Huy Chân thu thập, ngôi miếu được xây cất từ thế kỷ 18, và là ngôi miếu cổ xưa nhất ở đất Nam Phần; trong đền có một bức hoành ghi bốn chữ lớn :"Hạo Khí Trung Liệt" có nghĩa là "khí sáng do lòng trung liệt tựu thành" [14].

Trong phạm vi bài viết ngắn, nên xin kể thêm về lăng và miếu Ông ở Gia Định mà ai ai cũng biết đến như một nơi bá tánh thập phương về hành hương chiêm bái bốn mùạ Vị trí miếu và lăng Ông được dựng trên khu đất rộng ở khu nam xã Bình Hòạ "Ông" là tên để gọi với lòng kính trọng đức Tả Quân Lê Văn Duyệt với chức vụ nguyên vẹn được phong như sau:" Vọng Các Công Thần Chưởng Tả Quân Dinh Bình Tây Tướng Quân Duyệt Quận Công" [15]...

Điều đặc biệt khi tìm hiểu về các ngôi miếu, việc cúng tế miếu thường tổ chức vào những ngày tháng nắng như tháng ba, tháng tư ở miền Nam cùng lúc với các lễ kỳ yên tại các đình làng. Theo lệ và theo thời tiết vùng nhiệt đới, vào những tháng nắng thường xảy ra bịnh dịch, nên cúng đình và cúng miếu cũng nhằm cầu an cho bá tánh cùng muôn loài được thái bình, an lạc.

Qua một vài tài liệu tham khảo, cũng như qua vài đền miếu trong thực tế cho thấy rằng, miếu là nơi tôn nghiêm, kính cẩn để thờ phượng các bậc thánh hiền, khai quốc công thần hoặc có công giúp đời, linh hiển và cũng là những di tích lịch sử.

Trái lại, khác với miếu, miễu có nơi được cúng kiến đàng hoàng, nhà giàu có lợp bằng ngói hay tôn, thiếc, nhưng phần lớn là miễu nhỏ được lợp bằng lá dừa nước, cột tre hay tràm, xiêu vẹo, hoang phế, ít được chăm sóc chu đáọ Thông thường, mỗi cuộc đất, ông bà xưa thường lập cái miễu để thờ ông Thổ Thần, Thổ Địạ Theo tương truyền từ các bậc trưởng lão từ lâu đời, ông Thổ Thần hoặc ông Thổ Địa không phải là để chỉ chung ông thần đất đai theo nghĩa rộng, mà chỉ là ông thần nhỏ phù trợ trong miếng vườn, mảnh ruộng riêng tư của mỗi gia đình. Vì vậy, phải lập miễu thờ ông Thổ Thần để cho cuộc đất được bình yên. Ngoài ra, trong các ngày giỗ chạp tổ tiên, ngoài mâm cơm cúng ông bà, cô bác khuất mặt, theo lệ thường phải có thêm một mâm cúng "đất đai viên trạch" mới gọi là đủ lễ. Điều đó cho thấy người dân quê luôn tin tưởng đến những vị thần dù nhỏ nhưng ở gần với loài người và đã ban cho con người cuộc sống yên ổn. Những miễu thờ ông Thổ Thần thường được cất ở ranh đất, ở vàm mương, kề bên gốc xoài, gốc sung, gốc da, gốc xộp... Ngoài ra, trong những cánh đồng vắng xa nhà, nhiều nông dân cũng đấp gò cao cất miễu để thờ Ông Tà hầu cho đất đai bình yên, trúng mùạ Bên cạnh đó cũng thường trồng một bụi tre gai để cho bóng mát, tiện thể để các người qua lại thăm ruộng có nơi ngồi nghỉ ngơi dưới bóng mát của bụi trẹ Do đó, ở nhà quê người nào cao lêu nghêu thường được ám chỉ "cao như cây tre miễu" là vậy.

Trong các miễu thờ ông Thổ Thần, Thổ Địa, Ông Tà người dân quê hay nhờ các người biết chữ Hán viết bằng mực tàu lên tờ giấy hồng điều hai chữ Thổ Thần, rồi để một lư hương, một chai nước mưa, vài cái chung nhỏ để cúng nước và một cục đá xanh được rữa sạch tượng trưng cho ông Thổ Thần, Thổ Địa, hoặc ông Tà. Đôi lúc, có những miễu nhỏ như vậy mà rồi vì linh ứng và được dân gian trong vùng truyền tụng nên trở thành một địa danh mà ai ai trong vùng cũng biết đến như miễu Ông Tà vùng Tri Tôn thuộc tỉnh An Giang. Nơi đây, ngày trước có một cái láng rộng bao la và cư dân vùng này cũng gọi là láng Ông Tà, rồi thành địa danh quen thuộc trong vùng.

Ngoài các cuộc đất, người nhà quê lập miễu như vậy, dường như nơi nào có người chết trôi trên sông như chìm ghe, chìm xuồng vùng Vàm Nao thuộc quận Chợ Mới (An Giang), hay miệt Cái Côn thuộc quận Phong Thuận (Cân Thơ), dân cư ở gần nhừng nơi ấy cũng thường lập miễu thờ những oan hồn chết chìm chết nổi để cầu cho khúc sông này trời yên gió lặng. Tại các ngã ba lộ tẻ như đường đi từ Mặc Cần Dưng vô Tri Tôn, từ Cái sắn đi Cần Thơ, Rách Giá, hoặc những nơi nào có tai nạn xe cộ làm chết người, cư dân tại những nơi đó cũng lập miếu thờ các oan hồn. Dọc theo các tuyến đường khác cũng vậy, từ Mỹ Thuận dài lên Sài Gòn có biết bao những cái miễu dọc đường như vậy, nhất là các vùng từ Mỹ Tho về tới Tân An, Bến Lức, Bình Chánh, Bình Điền.

Riêng người viết bài này, chúng tôi có dịp đi dọc theo con quốc lộ 1 và các tỉnh miền cao nguyên đã gặp nhiều miễu thờ cô hồn qua các tai nạn xe hơi, không kể xiết. Đặc biệt, các miễu nơi đèo Rù Rì, đèo Cả thuộc Nha Trang, đèo Cù Mông thuộc Phú Yên, đèo Sông Pha (còn có tên đèo Ngoạn Mục) thuộc Tuyên Đức (Đà Lạt), Bà Ngòi (Cam Ranh) là những ngôi miễu thờ các oan hôn chết trong các tai nạn lưu thông có đến hằng chục, hằng trăm người chết vì xe hơi đụng vào nhaụ Tại Ba Ngòi, vào khoảng năm 1973 (?), có một tai nạn giao thông, một chiếc xe lambretta chở hành khách bị chiếc xe nhà binh của quân đội Mỹ tông vào làm tất cả các hành khách trên xe đều tử nạn. Người ta bèn lập một cái miễu tại đây để thờ cúng các oan hồn. Sau đó chẳng bao lâu, vị chánh văn phòng của ông Thị Trưởng Cam Ranh lái xe ngang ngôi miễu này đang lúc học trò tan trường và đi theo hàng dọc cặp mé đường, nhưng không biết có người khuất mặt nào đã ôm tay lái và cứ thế lũi xe ngay vào các em học trò, mặc dù ông chánh văn phòng biết xe đang đâm vào đám học trò nhưng không cách nào lái xe tránh ra xa hoặc đạp thắn xe lại được. Tai nạn này đã làm nhiều em học trò bị chết và bị thương nặng. Sau tai nạn này, nơi đó lại mọc thêm ngôi miễu mới nữa để thờ cô hồn chết oan ức. Trường hợp chiếc xe đò từ Ninh Hòa vào Nha Trang, khoảng năm 1972, đang đổ đèo bị đứt thắn ở đèo Rù Rì, số người chết có đến gần bốn mươi người cùng một lúc , và rồi nơi đoạn đường đèo này mọc thêm một cái miễu mới tiếp theo những cái miễu có trước đó như một dãy nhà chòi ...

Có lần chúng tôi đi ngang qua đèo An Khê, đèo Mang Giang nằm trên quốc lộ nối liền hai tỉnh Qui Nhơn và Pleiku, nhớ câu thơ Trần Hoài Thư trong bài thơ Tháng Ba Đi Hành Quân thật trữ tình, được nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng phổ nhạc :

" Tháng Ba đi hành quân Trưa qua đèo Mang Giang Dưới đồi hoa cúc dại Nhớ em tôi tan trường ..."

Xa xa dưới triền đồi một màu hoa cúc rừng vàng rực làm nghe nhớ màu hoa qùy bên triền dốc Đơn Dương (Đà Lạt) năm nàọ Nhưng bên này con đường, một đoạn đường đèo lúc gần tới đỉnh khoảng chừng một trăm thước, có đến hàng mười mấy ngôi miễu nhỏ cùng với hằng chục cái xác xe đò, xe hàng năm ngỗn ngang bên vệ đường, cho thấy nơi này tai nạn xe cộ xảy ra làm chết người quá nhiều ...

Tương tự, cái dốc đèo Mẹ Bồng Con thoai thoải trên đường từ ngã ba Dầu Giây đi Bình Tuy, Phan Thiết, con dốc không cao nhưng luôn luôn xảy ra nhiều tai nạn giao thông chết người và cũng có nhiều ngôi miễu như vậy.

Ngoài ra, tại các khu đất nhị tì, bãi tha ma, nghĩa địa người ta cũng thường lập miễu thờ cô hồn và bên cạnh miễu cũng có trồng một bụi tre cho có bóng mát cùng vẻ u tịch. Riêng tại quận Phong Thuận, cách chợ Cái Côn độ hơn hai cây số về hướng rạch Mương Khai, có cái miễu tại khu nghĩa địa khá sầm uất cũng nổi tiếng về việc ma mặc áo quần bằng vải trắng đi lại dập dìu vào lúc trời vừa chạng vạng tối, làm cho mọi người qua lại vùng này cứ đâm đầu mà chạỵ Dân chung quanh vùng này thường lui tới lo cúng kiến ngôi miễu này thật chu đáo nhưng không làm sao tránh được được nạn sợ ma hiện hình lúc tối trời ...

Tại các lò gạch, cũng có miễu thờ ông Thần Lò để cầu cho việc vô gạch, đốt lò hầm gạch không bị trở ngại như sập lò, nhất là các tai nạn trong khi chất gạch vô lò hoặc lấy gạch hầm chín từ trong lò rạ Nếu lò gạch nào không có miễu thờ ông Thần Lò, người thợ chánh coi việc chất gạch vô lò để hầm họ sẽ từ chối, không chịu nhận làm công cho chủ lò gạch này vì sợ ông Thần Lò quở phạt. Nhắc đến lò gạch, chúng tôi nhớ có nhiều lần đi ngang quê hương của nhà văn Nguyễn Văn Ba, vùng Cái Tàu Hạ, Nha Mân, ngã ba Chuồng Dê có rất nhiều lò gạch và nơi đây cũng có nhiều miễu nhỏ dọc đường gần lò gạch. Dò hỏi, chúng tôi được biết khúc đường này thường xảy ra các tai nạn xe hơi, xe honda làm chết người, nên bà con lập miễu thờ cô hồn.

Thông thường, bên cạnh ngôi chùa làng cũng có vài ngôi miễu nhỏ. Đặc biệt, trong các dịp cúng miễu cũng như miếu đều cúng thức ăn mặn như thịt heo, gà, vịt, nhưng cúng miễu trong khuôn viên chùa chỉ cúng bằng các thức ăn chay hoặc trái cây, bông hoa.

Trong thực tế đã cho dân gian nhận ra rằng miếu cũng trù phú hơn miễu nhiều vì miếu ngoài vẽ tôn nghiêm, được chăm sóc thờ phượng chu đáo còn có bá tánh đến cúng vái, hành hương nên việc trùng tu thêm thịnh đạt. Trái lại miễu, thường thường xiêu vẹo, bệ rạc, trống trước dột sau, nhan khói thường cũng lạnh tanh vắng ngắt, vì thế trong dân gian ám chỉ những người nghèo vì quá thiếu thốn phải vay hỏi nợ nần, chỗ nào cũng vay mượn nhưng có lẽ còn một chỗ mà người nghèo không thể hỏi để nhờ vả đó là miễu ông Thổ Thần. Vì ông Thổ Thần cũng nghèo quá là nghèo, lấy đâu mà có để mình vay hỏị Cho nên trong thôn quê, người nghèo thường than vắn thở dài về nợ nần với câu nói quen miệng:

"Chỉ còn có miễu ông Thổ Thần là mình không thiếu nợ ."

Dù miếu hay miễu, nhưng ở miền thôn dã, người nhà quê luôn tin rằng miếu và miễu là nơi linh ứng, có qủi thần cư ngụ quanh năm. Nên ngày trước, mỗi lần có điều gì oan ức, người ta hay mang nhau ra ngôi miếu hoặc miễu để "vặn cổ gà " thề thốt vì nơi đó có quỉ thần chứng giám lời thề. Đó là chuyện đời xưa, nghe kể lạị Còn đời nay, kẻ hậu sanh như chúng tôi, không thấy ai vặn cổ gà trước miễu để thề thốt lần nào, nên không biết hư thực linh ứng như thế nào, do đó không dám bàn rộng ra thêm. Tuy nhiên, trong dân gian, có câu ca dao truyền miệng:

" Miễu linh chẳng dám đứng gần,

Đứng xa mà vái, thánh thần chứng tri."

(Ca dao)

Ngoài ra, để diễn tả cái lòng trung hiếu tiết nghĩa, người nông dân cũng mượn những hình tượng như miễu, trang, chùa trong việc thờ phượng cái lòng trung hiếu của mình qua mấy dòng ca dao sau đây:

" Ngó lên rừng thấy cặp cu đang đá;

Ngó dưới biển thấy cặp cá đang đua,

Biểu anh về, lập miễu thờ vua,

Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha."

(Ca dao)

Nhắc đến miễu thờ những người chết sông vì liều mình thủ tiết có lẽ không thể không nhắc đến thiếu phụ Nam Xương đã đi vào lịch sử truyền khẩu dân gian và văn học sử qua bài thơ cảm hoài khen tặng của vua Lê Thánh Tôn lúc Ngài có lần đi ngang qua ngôi miếu này bên bờ sông Hoàng Giang, thuộc làng Vũ Điện, huyện Nam Xang (nay là phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam):

" Nghi ngút đầu ghềnh toả khói hương,

Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.

Ngọn đèn dù tắt đừng nghe trẻ,

Làn nước chi cho lụy đến nàng.

Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt,

Giải oan chi mượn đến đàn tràng.

Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,

Khá trách chàng Trương khéo phủ phàng !"

(Lê Thánh Tôn) [16].

Trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, sự nghiệp văn chương của nhà văn Mai Thảo với 54 tác phẩm gồm đủ các thể loại như tùy bút, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, biên khảo và thơ, như một gia tài vô cùng lớn lao mà ông đã để lại cho nền văn học Việt Nam và cho hậu thế. Đặc biệt, tác giả của Đêm Giả Từ Hà Nội có một tập thơ mà ai ai cũng biết đến và ông đã dùng hình tượng "miếu đền" tự ví đời mình, đó là tập thơ "Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền", một tập thơ mà tác giả Nguyễn Hưng Quốc nhận ra trong từng dòng thơ của Mai Thảo là "những giọt nước mắt rơi trên triền núi thẳm, cái triền nghiêng xuống những thung lũng sâu ..." [17]:

"Ta thấy hình ta những miếu đền

Tượng thờ nghìn bệ những công viên

Sao không, khói với hương sùng kính

Đều ngát thơm từ huyệt lãng quên."

( Trích TTHTNMĐ)

Qua vài nét khái quát về miếu và miễu, cho chúng ta thấy rằng, từ xa xưa lắm trong dân gian, thời nào cùng tin tưởng rồi lập miếu và miễu để thờ phượng, cúng tế các vị thần linh khuất mặt, các anh hùng nghĩa sĩ hoặc các oan hồn như một nét mực in sâu vào trong tâm hồn người dân quê Việt Nam rồi, không thay đổi được. Phải chăng đó là một nét riêng về đặc tính phong tục, tập quán dân tộc Việt Nam nói chung và cư dân miền quê nói riêng trong lãnh vực tín ngưỡng. Chúng tôi chỉ muốn ghi nhận lại việc thờ cúng miếu và miễu như một trong nhiều nét thuộc về đời sống tâm linh của người nhà quê, nó đã có và đang có trong việc thờ cúng này chứ không nhằm mục đích cổ võ một hình thức mê tín dị đoan nào trong bài viết nàỵ Kính mong các bạn đọc qua như một bài viết về miền quê không hơn không kém với những điều trông thấy dọc theo những sông rạch, những con đường làng, hoặc theo các quốc lộ mà có lần chúng tôi đã có dịp đi qua như một hương sắc đồng quê với muôn màu, muôn vẻ, dĩ nhiên, rất cá nhân và còn nhiều thiếu sót ...

Lương Thư Trung

Tài liệu tham khảo :

Ngoài các tài liệu tham khảo sau đây:

- Việt Nam Tân Tự Điển của Thanh Nghị.

- Văn Minh Miệt Vườn của Sơn Nam.

- Tự Điển Hán Việt của Nguyễn Văn Khôn.

- Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính.

- Thuần Phong Mỹ Tục Việt Nam của Sơn Nam.

- Đặc san Thân Hữu (Tạp chí văn nghệ) của Hội Thân Hữu Châu Đốc vùng Hoa Thịnh Đốn.

Còn các tài liệu trích dẫn:

[1] Vũng Tàu Xưa và Nay của Huỳnh Minh.

[2] Việt Sử Tân Biên của Phạm Văn Sơn (quyển 2).

[3], [4] và [5] Người Việt, Đất Việt của Cửu Long Giang và Toan Ánh.

[6]và [7] Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười của Nguyễn Hiến Lê.

[8], [9] Bạc liêu Xưa và Nay của Huỳnh Minh.

[10], [11], [12] [13] và [14] Lòng Quê của Vũ Huy Chân.

[15] Việt Sử Tân Biên và Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn.

[16] Văn Học Việt Nam của Dương Quảng Hàm.

[17] Trích bài "Ba Sơn Dạ Vũ" của Nguyễn Hưng Quốc (Tạp chí Văn Xã số 3, tháng 7-1990).