Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Một biểu tượng về truyền thống văn hiến tỉnh Đông

MỘT BIỂU TƯỢNG

VỀ TRUYỀN THỐNG VĂN HIẾN TỈNH ĐÔNG

 

Hải Dương là vùng đất văn hiến, giàu di sản văn hoá, hội tụ nhiều truyền thống quý báu. Người Hải Dương nổi tiếng tôn sư trọng đạo và hiếu học. Đây là vùng quê đã sinh ra, nuôi dưỡng và đào luyện nên nhiều bậc hiền tài cho đất nước. Chỉ tính những người đỗ đại khoa trong 185 kỳ thi, từ 1057 đến 1919, cả nước có 2898 tiến sỹ, thì Hải Dương, tính theo địa bàn hiện nay đã có gần 500 vị, chiếm 1/6 của cả nước; trong số 47 trạng nguyên, Hải Dương có 12 người.

Sau khi thi đỗ, hầu hết các vị đại khoa đã đem sức lực, tài năng của mình cống hiến cho đất nước, nêu gương sáng cho đời sau, không chỉ bảng vàng bia đá lưu danh, mà còn được nhân dân đời đời thờ phụng. Điển hình là các vị: Mạc Hiển Tích (thời Lý), Mạc Đĩnh Chi, Tuệ Tĩnh, Phạm Sư Mạnh, Lê Cảnh Tuân, Nguyễn Phi Khanh (thời Trần, Hồ) Nguyễn Trãi, Vũ Hữu, Vũ Dự, Lê Quang Bí (thời Lê sơ), Vũ Duy Chí, Nguyễn Minh Triết, Vũ Phương Đề (thời Lê trung hưng), Nguyễn Quý Tân (thời Nguyễn). Đặc biệt, sử sách còn lưu mãi danh thơm của người phụ nữ hiếu học và tài ba là Bà chúa Sao Sa Nguyễn Thị Duệ, giả trai đi thi, trở thành nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam. Chúng ta còn được biết: Hải Dương có 8 người từng giữ chức Tế tửu hoặc Tư nghiệp Quốc Tử Giám, có 12 người trong số 28 nhà thơ lừng danh của Hội Tao đàn thời Hồng Đức, có hàng trăm nhà trước tác đem vốn tri thức uyên bác của mình viết sách, để lại cho kho tàng văn hoá dân tộc nhiều tác phẩm văn học, sử học, triết học, y dược, toán pháp rất giá trị.

Theo văn bia còn lại tại Văn miếu Mao Điền thì "đây là một khu đất bằng phăng và rộng rãi,  quả là một vùng đất văn minh của miền Hải Dương". Từ thời Lê sơ, nơi đây đã là một trường học, trường thi của trấn Hải Dương. Đến thời nhà Mạc, nhất là từ sau năm 1533, Thăng Long không được yên ổn vì quân nhà Lê trung hưng luôn uy hiếp, Mao Điền trở thành trường thi quốc gia. Đã 4 kỳ thi hội được tổ chức tại đây; trong đó, khoa thi năm Ất Mùi, niên hiệu Đại Chính thứ 6 đời vua Mạc Đăng Doanh (1535), Nguyễn Bỉnh Khiêm thi đỗ hội nguyên; sau đó ông thi đình và đỗ trạng nguyên. Nhà bác học Lê Quý Đôn cũng từng về làm giám thị tại trường thi Mao Điền.

Văn miếu là nơi thờ Khổng Tử, ông tổ của đạo Nho, một triết gia vĩ đại của nhân loại thời cổ và những vị sư biểu của đất nước, trong đó có các vị người tỉnh Đông. Văn Miếu trấn Hải Dương ban đầu ở xã Vĩnh Lại, huyện Đường An (nay thuộc xã Vĩnh Tuy huyện Bình Giang), có 3 gian chính tẩm và 5 gian bái đường; đến thời vua Quang Trung thì chuyển về Mao Điền, hợp với trường học, trường thi ở đây, tạo thành một trung tâm văn hóa lớn, toạ lạc trên một diện tích rộng tới 36.000m2. Từ đây, việc tôn tạo được đẩy mạnh, nhất là vào các năm 1801, 1806, 1823, 1825, làm cho Văn miếu Mao Điền trở thành một quần thể kiến trúc hoàn chỉnh, với hai toà (mỗi toà 7 gian) Tiền bái và Hậu cung xây theo kiểu chữ nhị, nhà Khải thánh, nhà Đông vu, nhà Tây vu, Tháp bút, gác Khuê văn, gác Trống, gác Khánh, Tam quan... tất cả đều được tạo dựng bằng một nghệ thuật tinh xảo. Bên cạnh khuôn viên là cánh đồng Tràng, nơi dựng lều thi của sĩ tử ngày xưa. Văn miếu Mao Điền trở thành nơi tế lễ, học tập đông vui, một thắng cảnh được lưu danh sử sách, một công trình văn hoá lớn rất giá trị, biểu tượng đẹp về truyền thống hiếu học đáng tự hào của người Hải Dương.

Đến năm 1947, các hạng mục công trình vẫn khá nguyên vẹn.

Năm 1948, giặc Pháp chiếm đóng khu Văn miếu, phá hoại nhiều hạng mục kiến trúc lấy vật liệu xây lô cốt, chòi canh. Thời chống Mỹ, Văn miếu lại là nơi cất giữ lương thực vật tư phục vụ cuộc kháng chiến. Thời gian phủ bụi và mưa nắng dầu dãi, cùng với chiến tranh tàn phá nặng nề; đồng thời, sự nhận thức chưa đầy đủ và thái độ bàng quan thiếu trách nhiệm của một bộ phận, đó là những nguyên nhân làm cho Văn miếu Mao Điền bị xuống cấp nghiêm trọng.

Hiểu rõ giá trị lớn lao của Văn miếu Mao Điền, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương đã quyết tâm giữ gìn và khôi phục di tích, tổ chức nhiều đợt trùng tu vào các năm 1991, 1994, 1995, 1999.

Tuy vậy, để trả lại cho Văn miếu Mao Điền diện mạo và vẻ đẹp vốn có, làm cho Văn miếu không chỉ là nơi để mọi người đến dâng hương tưởng niệm, tôn vinh các bậc tiên hiền, học tập truyền thống tôn sư trọng đạo và hiếu học, mà còn là nơi tổ chức các ính hoạt văn hoá, một địa chỉ khuyến học khuyến tài và thu hút khách tham quan du lịch, UBND tỉnh Hải Dương, được sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương, đã quyết định tu bổ toàn bộ di tích Văn miếu Mao Điền.

Công trình gồm nhiều hạng mục, được thi công trong 2 năm (2002 - 2003), phải bảo đảm tối đa tính khoa học, tính hiện thực lịch sử và các yêu cầu về kỹ thuật, thẩm mỹ đối với một công trình văn hoá cổ. Đó là những đòi hỏi rất cao, rất nghiêm túc, khắt khe. Vì vậy, chúng ta phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham gia vào công tác tu bổ Văn miếu Mao Điền bằng tất cả trí tuệ, tài năng và tâm huyết, bằng lòng biết ơn và trân trọng đối với các bậc thánh sư.

Bảo vệ, phát huy giá trị tác dụng của di tích là trách nhiệm của toàn dân. Mỗi người chúng ta phải đóng góp công sức giữ gìn, tu bổ Văn miếu Mao Điền, làm cho ánh sáng huy hoàng của nó tiếp tục toả sáng trong hiện tại và tương lai, góp phần nâng bước thế hệ trẻ vươn lên đỉnh cao trí tuệ, đưa nước nhà tiến tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu, như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong đợi. Văn miếu Mao Điền, chứng tích lịch sử và biểu tượng đẹp của truyền thống văn hiến tỉnh Đông, sẽ mãi mãi là niềm tự hào của người Hải Dương và nhân dân cả nước./.

Nguyễn Hữu Oanh

PCT UBND tỉnh Hải Dương