LÀNG BÁI ÂN
Bái Ân từ thời Lý là một phường của kinh thành Thăng Long. Đầu thế kỷ XIX, phường Bái Ân thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức. Trong kháng chiến chống Pháp thuộc khu Đại La. Sau hòa bình lập lại thuộc xã Thái Đô, quận V, đến năm 1961 thuộc xã Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, Từ tháng 9 - 1997 đến nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy.
Mặc dù là một phường, nhưng Bái Ân chỉ là một làng nhỏ thuộc cụm làng vùng Bưởi. Xa xưa, làng nằm ven bờ sông Thiên Phù, có bến Giang Tân. Về sau sông bị lấp, tạo ra vùng bãi rộng lớn, dân cư lúc đầu ở tại xóm Bãi. Tục truyền, sau khi rời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La (tức Thăng Long), Vua Lý Thái Tổ đã đi thuyền rồng đến bến Giang Tân. Dân xóm Bãi căng tấm lĩnh có hình con rồng ra để đón Vua. Nhà vua bèn dừng thuyền để tgăm hỏi cuộc sống của dân và đặt tên xóm Bãi là Bái Ân (ân nghĩa của vua được thấm khắp cả). Trước dây dân làng sống chủ yếu bằng nghề dệt với các sản phẩm lụa, lĩnh rất nổi tiếng và làm giáy. Tương truyền, tổ nghề dệt là người họ Thái ở Trung Quốc sang từ trên một nghìn năm trước đây, truyền cho dân làng Bái Ân đầu tiên, rồi từ Bái Ân truyền sang các làng khác trong vùng Bưởi.
Làng Bái Ân có ngôi đình cổ nhất trong các ngôi đình còn lại của phường Nghĩa Đô hiện nay. Đình được dựng vào đầu thế kỷ XVII, cấu trúc theo kiểu ‘’nội Công, ngoại Quốc’’. Đình thờ vợ chồng ông Vũ Phục đã hy sinh thàn mình để giúp cho việc đắp đoạn đê ở chỗ ngã ba sông Thiên Phù và sông Tô Lịch vào đời Vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128). Cũng có thuyết nói ông bà hy sinh để cứu Vua. Ngoài ra, đình còn thờ em Vũ Phục vì thương anh mà chết. Trong đình hiện còn 16 đạo sắc phong cho ba vị thành hoàng, là Chiêu ứng Vũ đại vương (Vũ Phục), Thuận Chinh công chúa (vợ Vũ Phục) và Chiêu Điều đại vương (em Vũ Phục). Đáng lưu ý trong đình còn bản vi chỉ và lệnh chỉ của chúa Trịnh ban vào năm Cảnh Hưng thứ bảy và thứ tám (1746, 1747) cho phép dân phường Bái Ân được sử dụng Ao Cả là khíc sông Thiên Phù còn lại cùng khoảnh ruộng liền kề để phục vụ việc thờ thần.
Bái Ân có chùa Dụ Ân được xây từ thời Lý. Đây là nơi Lý Công ẩn - một vị tôn thất nhà Lý vừa tu hành, vừa dạy học. Trong số các học trò theo học tại đây, có người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Trong chùa còn tấm bia dựng năm Vĩnh Hựu thứ tư (1738), chuông đồng đúc năm Gia Long thứ 17 (1818), phản ánh nhiều tư liệu về làng xã và văn hóa vùng ven Thăng Long.
Bái Ân là quê của Nguyễn Đình Hoàn, 15 tuổi đã đỗ Hương cống, sau đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn niên hiệu Chính Hòa (1688), làm quan đến chức Bồi tụng (Phó Tể tuớng). Ông từng dẫn đầu đoàn đại diện của triều đình Lê - Trịnh hội khám với đại diện chính quyền nhầ Thanh về đất đai biên giới hai nước ở châu Lộc Bình (Lạng Sơn). Về sau, vào năm 1728, nhà Thanh phải trả lại khu vực này cho triều đình Lê - Trịnh. Ngoài Nguyễn Đình Hoàn, làng Bái Ân còn có Nguyễn Quốc Ngạn đỗ Tiến sĩ khoa ất Mùi niên hiệu Cảnh Hưng (1775), làm quan đến Cấp sự trung.
Bái Ân sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng. Từ năm 1940, làng là cơ sở của Xứ uỷ Bắc Kỳ. Từ năm 1941, làng được chọn làm một điểm trong An toàn khu của Trung ương ở bờ Bắc sông Hồng. Nhiều cán bộ cao cấp của Đảng đã ăn ở, hoạt động tại đây. Năm 1943, tại làng đã thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên.
Tiến sĩ Bùi Xuân Đính