KHU MỘ VÀ ĐỀN THỜ VÕ TRƯỜNG TOẢN
Từ thị trấn Ba Tri đi khoảng 10km theo đường nội bộ để đến khu mộ, đền thờ Võ Trường Toản và Phan Thanh Giản.
Khu di tích mộ và đền thờ Võ Trường Toản thuộc ấp thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri. Cách trung tâm thị trấn Ba Tri khoảng 10 km và cách thị xã Bến Tre khoảng 50 km. Khu lăng mộ được xây năm 1995 và nhà thờ được xây dựng năm 1997. Cổng của khu lăng mộ và đền thờ hiện nay do báo Tuổi Trẻ ủng hộ xây dựng và khánh thành nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2004. Khu di tích này đã được Bộ Văn hóa – Thông tin quyết định công nhận là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia ngày 31/8/1998.
Võ Trường Toản là một nhà nho lớn, một nhà giáo tài ba lỗi lạc ở miền Nam – Việt Nam ở thế kỷ 18. Nhưng thân thế và quê hương của ông đến nay chưa được xác định chính xác. Có người nói cụ được sinh trưởng tại huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, nhưng cũng có người cho rằng quê hương của cụ ở huyện Thanh Kệ, tỉnh Quảng Đức (miền Trung). Cho đến nay, ngày tháng năm sinh của cụ chưa thấy có tài liệu nào ghi lại, chỉ biết cụ kết duyên với một người vợ hiền và sinh được một người con gái, nhưng bị bệnh mất từ thưở nhỏ. Về sau, vợ chồng cụ không sinh thêm người con nào.
Võ Trường Toản là người học rộng, tài cao, theo đạo thánh hiền, có chí hướng thanh cao. Sở học của ông đạt đến bậc uyên thâm. Ông không tham gia chính sự mà lánh ẩn về mở trường dạy học. Học trò của ông có đến hàng trăm người. Cuộc đời làm thầy giáo, ông đã đào tạo cho đất nước nhiều nhân tài như: Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Bá Phẩm...
Ông mất ngày 27/7/1792 (tức ngày mùng 09/6 năm Nhâm Tý) tại làng Hòa Hưng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định và an táng tại địa phương này.
Mặc dù ông không ra làm quan, nhưng các vua nhà Nguyễn hết lòng kính phục. Khi ông mất được vua nhà Nguyễn ban tặng danh hiệu cao quí: “Gia Định Xử sĩ Sùng đức Võ tiên sinh”, cho lập mộ và nhà thờ để hương khói.
Đến năm 1862, khi quân Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam bộ, Kinh lược sứ Phan Thanh Giản không muốn xương cốt của bậc danh nhân nằm trong đất bị xâm chiếm, nên họp cùng Nguyễn Thông đốc học Vĩnh Long, Nguyễn Hữu Chánh hiệp trấn tỉnh An Giang cải táng hài cốt của cụ, vợ và con về an táng tại làng Bảo Thạnh, Ba Tri, Bến Tre.
Hiện nay, những trước tác của cụ hầu như đã bị thất lạc hết, chỉ còn lại một bài duy nhất là: “Hoài cổ phú” dài 24 câu. Với bút pháp cổ điển, tác giả muốn ký thác vào đó tâm sự cùng quan niệm về cuộc đời và cuộc sống.
Cụ Võ Trường Toản, một nhà nho, nhà giáo, nhà trí thức uyên bác, chí khí thanh cao, có công đào tạo nhiều danh sĩ cho đất nước. Cụ rất xứng danh mà người đời nay tôn thờ, biểu dương: “Bách niên sư biểu”, người thầy của trăm năm.
(Trích trong quyển “Giới thiệu các tuyến du lịch Nam Bộ” – Tác giả: Trần Huy Hùng Cường)