Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
MẤY NÉT VỀ LÀNG NGỌC CỤC Cự Vũ (Vũ Hiệp)

 

MẤY NÉT VỀ LÀNG NGỌC CỤC

Cự Vũ (Vũ Hiệp)

Làng này thuộc tổng cũ, tên Ngọc Cục, huyện Đường An gồm có 4 làng gần nhau, chung 1 tổng là: Đào Xá, Hà Xá, Hoa Đường và Ngọc Cục.

Chữ Hán: có nghĩa là “bàn cờ bằng ngọc, ván cờ chơi bằng những con cờ làm bằng ngọc. Cuộc chơi đồ bằng ngọc, đều gọi là Ngọc Cục” (Hán Việt Tự điển).

Xét trong sách thống kê các làng xã xưa đời Hậu Lê ở Đàng Ngoài có đến 2 Tổng cùng tên Ngọc Cục, 1 ở huyện Đường An, Hải Dương; 1 ở Huyện Yên Dũng thuộc Phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc, bay là tỉnh Bắc Giang. Đồng thời lại có đến 5 xã cùng tên là Ngọc Cục ở Bắc Bộ:

1.     Xã Ngọc Cục: thuộc huyện Đường An, Hải Dương (tục gọi Làng Guộc)

2.     Xã Ngọc Cục: thuộc huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang (Bắc Giang)

3.     Xã Ngọc Cục: thuộc huyện tổng Hành Cung, huyện Giao Thuỷ, Phủ Xuân Trường, trấn Sơn Nam Hạ (Nam Định).

4.     Xã Ngọc Cục: thuộc huyện Tổng Vân Cầu, huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc. Nay là Phủ Lạng Thương, Bắc Giang.

5.     Xã Ngọc Cục: thuộc huyện Tổng Chu Điện, huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Giang. Nay là huyện Lạng Giang, Bắc Giang.

Theo lời kể của các vị cao niên ở 4 xã Ngọc Cục tại các huyện Yên Thế, Yên Dũng, Phượng Nhãn và Giao Thuỷ (Hành Cung) thì Tổ tiên đều là họ Phạm, Đào, Vũ, Bùi, Nguyễn … ở làng Ngọc Cục huyện Đường An đã bỏ làng, di cư đông nhân khẩu đi đến 4 làng Ngọc Cục “Chi nhánh” kia sinh sống.

Nhà giáo uyên bác quá cố quê gốc ở làng Lương Ngọc (chuyên khảo về họ Vũ ở Bình Giang) là cụ Vũ Huy Chân có cha làm chức sắc trong làng Lương Ngọc, nên cụ đã hiểu rành rẽ về lịch sử thành lập làng của cụ hơn ai hết. Cụ Chân cho biết: Làng Ngọc Cục đã có từ đời Nhà Trần, khoảng đời Vua Trần Nhân Tông làm Thái Thượng Hoàng và vua Anh Tông lên ngôi báu (1293 – 1308 – 1314). Có lẽ lúc đó thế đất làng còn có nhiều gò đống, cây cối um tùm, qua con mắt nhà phong thuỷ cho biết: Cảnh quan đẹp như một bàn cờ đã bày ra thế cờ . Vì vậy, tiền nhân đặt tên cho ấp thôn đó là Ngọc Cục?

Theo cố GS Chân, ban đầu có vài gia đình ở các làng quanh đó là họ Vũ ở bên làng Chằm Thượng, họ Phạm ở Phù Ủng (là 2 làng có từ lâu đời hơn cả) di cư đấn nơi đất hoang sơ có nhiều gò đống, khai canh, lập nghiệp và đặt tên là Ngọc Cục (có thể ban đầu chỉ là 1 xóm thôi?). Về sau, qua thời Trần, Hồ, thời Minh thuộc (1293 – 1427) dân cư các nơi tụ về nhiều hơn, nên nhân khẩu Ngọc Cục tăng dần lên. Và đến triều Lê Sơ (1428 – 1527) thì đã khá sầm uất. Vì thế, đến thời Nhà Mạc cầm quyền (1527 – 1592) đã xuất hiện một khu đất gần làng (có lẽ là đất trồng hoa cũ) của bà Phi (vợ thứ) họ Phạm làng Phù Ủng, vợ Vua Trần Minh Tông (1314 – 1329). Bà là con gái ngài Điện Soái Phạm Ngũ Lão có lập chùa ở gần con sông giáp đới ngạn Ngọc Cục, Phù Ủng. Nơi đó Bà cho gia nhân trồng hoa, có tên nôm là “trại bông” lấy hoa cúng Phật và trang trí nơi Bà cư trú. Dần dần có nhiều người đến phục dịch Bà trồng hoa. Rồi đem gia đình vào ở đó thành ấp Ủng Hoa. Sau nữa, nhân số gia tăng, đã lập ra Thôn Bông, có tên chữ là: Ủng Hoa Đường. Thôn này thời Nhà Lê Sơ và đầu thời Mạc (1428 – 1578) là một xóm trồng hoa của xã Ngọc Cục. Đến năm 1578, lúc đó ở thôn Bông đã có nhiều Nho sĩ, sĩ tử đi thi đỗ cao như Đoàn Quảng Phu, trúng Tiến sĩ từ năm 1514. Bùi Đình Kiên, Phạm Điển, Trương Hữu Phỉ gốc Ngọc Cục cũng đỗ Tiến sĩ trong thời nhà Mạc. Cho đến năm 1578, thôn Bông được tách ra thành 1 xã Ủng Hoa Đường độc lập, không thuộc xã Ngọc Cục nữa. Thời Lê Trịnh (Trung Hưng) 1593 – 1788 làng Hoa Đường đã có tên như thế (bỏ chữ Ủng có nghĩa là Ôm, tụ họp đông người) để nghe cho thanh tao.

Như vậy, xã Hoa Đường ban đầu chỉ là 1 thôn của xã Ngọc Cục mà ra. Người đỗ sớm nhất mở đầu cho làng Ngọc Cục là ông Tiến sĩ Vũ Thiệu (1470 – 1528). Ông Tiến sĩ đời Vua Lê Thánh Tông, Quí Sửu (1493) làm quan đến chức Giám sát ngự sử nhà Lê (Chiêu Tông 1515 – 1526). Vì ông chống lại Mạc Đăng Dung lấy ngôi nhà Lê (Cung Hoàng) năm 1527. Ông mất có lẽ do bị giết hoặc tự vẫn? Nhưng tương truyền nhà ông ở thôn Bông thuộc xã Ngọc Cục. Có lẽ vì thế, từ 1578 – 1599 xã Hoa Đường (tức sau là Lương Ngọc) tuy đã biệt lập xã với Ngọc Cục, mà vẫn thờ chung 1 Thành Hoàng của Ngọc Cục. Đến khi Nhà Lê - Trịnh dẹp tan Nhà Mạc từ 1592 – 1599, có lẽ bấy giờ xã Hoa Đường mới dâng sớ lên Vua lê, xin truy tặng cho Tiến sĩ Vũ Thiệu làm vị phúc Thần Thành Hoàng xã Hoa Đường.

Có thông tin lại cho rằng: Ông Vũ Thiệu được vua Mạc Mậu Hợp truy tặng bao phong do dân làng Hoa Đường đã khai duệ hiệu cho ông là Ngọ Lang Đại Vương, dấu biệt tên thật là Vũ Thiệu đi? Rồi về sau, Nhà Mạc mất, Thành Hoàng chỉ có mỹ tự (chữ đẹp) là Ngọ Lang. Tuy các cụ có Nho học biết Thành Hoàng là Tiến Sĩ Vũ Thiệu, nhưng theo tục lệ xưa cấm phạm huý Thành Hoàng, chỉ gọi bằng mỹ hiệu Ngọ Lang Đại Vương. Rồi trong 50 năm chiến tranh và thay đổi xã hội chính trị (1945 – 1995), nhiều cụ, ông ở Lương Ngọc không biết tên huý Thành Hoàng Ngọ Lang là ai, đã đi nhờ người không thạo chữ Hán, không hiểu lịch sử về thôn Lương ngọc đọc bài Vị Thành Hoàng còn giữ được. Từ một khát vọng tâm linh đáng trân trọng lại trở thành câu chuyện trở thành hài hước. Theo lời kể của ông Vũ Thế Khôi (gốc người Lương Ngọc, nhà nghiên cứu sử phả, có tiên tổ 8, 9 đời đã bỏ làng ra sống ở Hà Nội – Thăng Long từ thời Hậu Lê) kể cho tôi nghe: “Có 1 ông nào đó, đọc bài vị thấy duệ hiệu Đức Ngọ Lang Đại Vương ở Lương Ngọc đã phán rằng: Vị Thành Hoàng này xuất thân đi …chăn ngựa!!! Nhờ ông Khôi có thông tin từ Gia phả họ Vũ làng Lương Ngọc của cụ Vũ Huy Chân soạn năm 1972 tại Sài Gòn từ Gia phả họ Vũ làng Lương Ngọc (tài liệu này do tôi cung cấp cho ông Khôi trong nửa đầu thập niên 90  của thế kỷ XX) dân làng mới hiểu được duệ hiệu Đức Ngọ Lang Đại Vương thành hòang làng đó chính là Tiến sĩ Vũ Thiệu đời Lê Sơ.

 Thế rồi khi trùng tu miếu đình Thành Hòang Lương Ngọc, nhờ ông Khôi chỉ dẫn mới biết chính xác vị Thành hòang khả kính của hai làng.

Trở lại giới thiệu làng Ngọc Cục, là một làng cổ ở huyện Đường An. Lúc đầu do còn hoang sơ, cây cối um tùm, nhiều gò đống, ao đầm và luồng lạch, dân cư còn thưa thớt và trình độ văn hóa còn thấp kém lạc hậu. Về tín ngưỡng  chủ yếu thờ cúng yêu ma, hổ báo… Do vậy, phong tục tập quán cũng còn lạc hậu, thậm chí có nhiều hủ tục.

Phạm Đình Hổ (1768-1838), một Nho gia lỗi lạc, làm quan đến chức Quốc Tử Giám Tế Tửu (như Viện Trưởng Viện Đại Học Quốc Gia ngày nay) thời đầu nhà Nguyễn thế kỷ 19, quê ở làng Đan Luân (Loan) gần với làng Ngọc Cục. Ông hiểu rộng biết nhiều về lịch sử, địa lý nước ta, nhất là huyện Đường An và trấn Hải Dương quê hương ông. Trong sách “Vũ Trung Tùy Bút” ông viết ra khoảng cuối thời Tây Sơn và đầu thời Gia Long (1801 – 1810), ông đã thuật lại 1 tập quán liên quan đến làng Ngọc Cục. Đó là truyện thờ Thần Hổ của dân làng Cổ Ngọc Cục đã có từ trước năm Canh Thân (1800) đời Tây Sơn Cảnh Thịnh. Tập quán thờ Thần Hổ của dân làng đã chấm dứt vào thời Tây Sơn!

Điều này, chúng tôi thắc mắc có hỏi cụ giáo Vũ Huy Chân thì cụ bảo rằng: “tôi ở Lương Ngọc cạnh đó, có nghe các cụ xưa kể như thế, mà sách của cụ Phạm làng Đan Loan cũng viết như thế từ đầu triều Nguyễn. Cụ kể: “làng Ngọc Cục, Lương Ngọc, Phù Ủng, Đan Loan là 4 làng ở huyện Bình Giang (Đường An) từ xưa, thời Mạc (1527 – 1592) và thời Lê Trịnh đều “phát ngoại”. Nghĩa là dân làng bỏ đi xa làm ăn sinh sống thì khá giả và ăn học, làm việc thành công hơn là ở lại sống trong làng. Xưa kia, có thời (phong trào) bảo nhau bỏ quê hương ra Thăng Long, Hà Nội sống thì đỗ đạt và buôn bán, làm nghề đều giàu có. Hàng năm, các cụ đều về làng thăm mộ tổ tiên lễ bái đình, chùa trong các ngày giỗ, ngày tết. Xong lại đi khỏi làng, tiếp tục sinh sống từ đời này qua đời khác. Thời Nguyễn (1802-1945) nhiều dân 4 làng trên không về làng sinh hoạt tín ngưỡng, đóng góp nữa. Họ lập “vọng từ” (đền thờ vọng về quê cũ, nhớ quê cũ) sinh hoạt riêng như 1 quê hương thứ 2 ở Thăng Long (Hà Nội).

Dân Đan Loan có phường hội nhuộm và bán vải ở phường Đông Các (hàng Đào) có đình thần riêng thờ ông bà thành hòang Triệu Xương và ngài Độc Tẩu Thiền Sư (người có công nuôi 7 con trai nghĩa tử mang 7 họ khác nhau: Phạm, Đào, Lê, Đòan, Vũ, Dương, Bùi). Ngài Độc tẩu là vị tổ công đức thờ được ở chùa Sùng Phúc.

Làng Phù Ủng có đền thờ vọng ở phố Lý Quốc Sư, Hà Nội.

Làng Ngọc Cục, thờ Thành Hòang là một vị tướng đời An Dương Vương (208 đến 179 trước Công nguyên) có mỹ hiệu là Trí Nghiêm Chiêu Vũ Thượng tướng quân và Phục Hổ Vũ tướng quân (không rõ là ai). Thành Hòang “Trí Nghiêm Chiêu vũ” là người cầm quân chống đánh lại quân của Triệu Đà khi xâm lược nước Âu Lạc năm -179 truớc CN. Một vị Thành Hòang nữa được dân làng Ngọc Cục thờ phụng là ngài Phạm Trí, một võ tứơng có công tham dự đánh quân Nguyên Mông thế kỷ 13.

Đình miếu thờ các Thành Hòang làng Ngọc cục đã đựơc xây dựng thời vua Lê Thánh Tông, đời Hồng Đức (1470-1497) vào trước 1954 còn là một cụm di tích tín ngưỡng. Đình Miếu Ngọc Cục gồm 3 lớp: Tiền bái gồm 7 gian, Trung Đình gồm 3 gian và Hậu Cung cũng 3 gian. Cụm đình miếu này là xây theo hình chữ “công” tại 1 khu đất đẹp ở làng.

Sau năm 1946 cụm đình miếu này đã bị tàn phá một phần trong lúc đánh nhau với Pháp đến càn quét từ 1946-1954. Thời cải cách ruộng đất, rồi sau này, người ta cũng chẳng bảo tồn, lại còn để hoang phế.

Ngòai hai võ tướng kể trên làng Ngọc Cục còn thờ 8 vị tiến sĩ:

1.Vũ Thiệu, đỗ tiến sĩ năm Quí Sửu (1496) năm Hồng Đức 24 đời vua Thánh Tông. Ông làm quan đến chức Đô Ngự Sử đời vua Chiêu Tông và Cung Hòang (1516-1527). Cụ chống lại việc Mạc Đăng Dung lên ngôi vua và tuẫn tiết. Về sau, thời Lê trung hưng (1600-1788) dân làng Hoa Đường (nay là Lương Ngọc) thờ Vũ Thiệu làm thành hòang. Đây là vị tiến sĩ đầu tiên của làng Ngọc Cục vậy.

2. Phạm Duy Viên,  đỗ năm Kỷ Mùi (199) năm Cảnh Thống 2 đời vua Lê Hiến Tông, tam giáp tiến sĩ làm quan Lục Sự.

3. Trương Hữu Phi, đỗ Nhị giáp tiến sĩ khoa Tân Sửu (1541) đời vua Mạc Phúc Hải (Tuyên Tông) làm quan đến chức Thượng thư, hàm Thiếu Bảo, tước An Quận Công.

4. Phạm Điển, sinh 1531, mất 1591. Năm 38 tuổi, năm 1569 (Mậu Thìn) đỗ Tam giáp tiến sĩ niên hiệu Sùng Khang 3 đời vua Mậu Hợp (Mục Tông).

5. Bùi Đình Kiên, sinh1544, đỗ Nhị giáp tiến sĩ năm Đinh Sửu (1577) lúc 34 tuổi làm quan đến chức Giám Sát Ngự Sử.

6. Phạm Liễn, sinh năm 1584 (đỗ thủ khoa Đinh Sửu 1637), là con út của cụ Nghè Phạm Điển đời Mạc. Kém cha 53 tuổi và đỗ tiến sĩ rất muộn, lúc tuổi 54 (1637), đỗ hàng tam giáp. Làm quan Công bộ thị lang, lúc mất được truy tặng Hộ Bộ Hữu Thị Lang. Làng Ngọc Cục sau đúng 60 năm mới lại có tiến sĩ (1577-1637).

7. Phạm Hữu Dung sinh năm 1652, từng đỗ khoa sĩ Sĩ Vọng và năm 29 tuổi thi đỗ Tam giáp tiến sĩ năm Canh Thân (1680). Làm quan đến chức Cấp Sự Trung.

8. Đào Tuấn Ngạn (1639-1718), 45 tuổi mới đỗ Tam giáp tiến sĩ khoa Quí Hợi (1683) niên hiệu Chính Hòa 4, đời vua Lê Hi Tông. Làm quan đến chức Tham Chính, Thái Thường tự Khanh, tước Nam. Ông về trí sĩ và thọ 80 tuổi.

Ngoài ra, làng Ngọc Cục này từ triều Lê Sơ (1428-1527) qua triều nhà Mạc (1527-1592) và triều Hậu Lê (1592-1788) đến triều Nguyễn (1807-1915) còn có gần 20 ông Hương Cống, Cử Nhân thành đạt. Đây là 1 làng khoa bảng và có 1 bề dày truyền thống Nho học ở huyện Đường An. Đa số, các vị danh nhân khoa bảng từ xưa đến triều Nguyễn đều ra Thăng long làm ăn và định cư từ thời xa xưa. Chỉ đến khi hiển danh mới quay về nhà Ngọc Cục khao vọng, lễ bái đình miếu và từ đừơng. Làng này họ Phạm lớn hơn cả và đỗ đạt, làm quan nhiều hơn các họ khác.

Từ giữa thế kỷ 20, từ Miền Nam, chúng tôi nghe các cụ quê gốc ở Phù Ủng, Họach Trạch, Lương Ngọc, Đan Loan, Mộ Trạch, Mi Thự, Thì (Tuyển)Cử, Đình Tổ, Châu Khê, Kẻ Sặt, Hà Xá… thuộc huyện Bình Giang, di cư vào Nam (Sài Gòn) từ năm 1954-55, kể chuyện lại, ở các buổi họp mặt tại trụ sở “Bắc Việt Tương Tế Hội” ở số 36 đường Hiền Vương Quận Ba (Sài Gòn) rằng: “ở vùng quê Bình Giang - Đường An chúng tôi có xã Ngọc Cục là 1 làng cổ thuộc loại “Địa Linh Nhân Kiệt” thế đất (phong thủy) rất đẹp. Thời nào cũng có người làm nên danh phận, không Văn thì Võ. Từ thời Hậu Lê đã có đến 8 ông nghè, 18 ông Cống và nhiều võ quan, võ tướng cao cấp khác. Nhưng các vị thành đạt ở xã Ngọc Cục, toàn sống ở các tỉnh thành khác hay ở kinh đô Thăng Long. Chỉ khi đăng khoa hay vinh hiển danh phận rồi mới trở về làng Ngọc Cục khao vọng, thăm mộ tổ tiên, lễ tạ ơn Thành hoàng bản thổ. Xong lại ra đi làm việc công.

Sở dĩ không sống ở trong làng vì đã thành đạt thì lại bận việc quan (công tác) ở Thăng Long và các trấn. Một phần do tục lệ làng Ngọc Cục xưa có nhiều hủ tục, bắt dân nhân trong làng đóng góp phiền hà. Một phần khác, trong dân làng này thường bạc nghịch, hay tụ tập bọn vô lại, du thử du thực đi cướp trộm các làng trong huyện. Những nhà có máu mặt không dám ở trong làng sợ mang vạ, nên cũng rủ nhau bỏ làng đi.

Nhiều gia đình, họ hàng rủ nhau di cư tới các trấn Kinh Bắc, Sơn Nam, Lạng Giang (Bắc Giang) lập ra mấy làng có tên Ngọc Cục như làng cũ. Nhiều đại gia ở luôn tại Thăng Long để con cháu có điều kiện thuận lợi học hành thi cử và làm quan. Phụ nữ Ngọc Cục buôn bán tại Thăng Long tốt ở làng, do đó cũng bỏ làng đi luôn.

Tóm lại, Ngọc cục là làng cổ, từ thời Lê Sơ, thời Mạc, thời Hậu Lê có nhiều người khoa bảng, làm quan to trị dân, giúp nước.

Nên biết qua, từ đầu thế kỷ 20, trở về trước, trên ấp thôn, xã còn có cấp Tổng, thấp hơn cấp Huyện 1 bậc. Huyện Đường An (tức Bình Giang nay) có 10 TỔNG. Trong đó có tổng Ngọc Cục gồm 4 xã lớn là: Ngọc Cục, Hà Xá, Hoa Đường (nay là Lương Ngọc) và Ngọc Xá. Rõ ràng làng Ngọc Cục là 1 làng có tiếng xưa và có từ lâu đời hơn cả mới lấy tên làng đặt cho Tổng. Tên xã ngày nay Thúc Kháng, có lẽ tên mới có từ sau năm 1945? Giới trẻ ngày nay, nếu không nghiên cứu nhiều, chắc không biết rõ các điều trên.

Một điều cũng nên biết là các dòng họ ở làng Ngọc Cục có rất sớm, họ Vũ cùng họ Phạm, họ Bùi, sau đó là các họ khác: Trương, Nguyễn, Đào, Lê…đã đến sau. Họ Vũ phải có mặt vào cuối đời Trần, Hồ (khoảng 1390 – 1407) thì đến triều Lê Thánh Tông mới có Tiến Sĩ Vũ Thiệu mở đầu khoa bảng cho làng này. Sau 4 đời lập nghiệp ở đó, năm 1493 ông đã đỗ Tiến Sĩ và ra làm quan, chống Mạc Đăng Dung mà chết.

Dân cả hai làng Ngọc cục và  làng Lương Ngọc cùng thờ ông làm Thành hoàng, càng chứng tỏ, xưa kia 2 làng là một.

 Sưu khảo 2006