Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
VĂN CHỈ TỔNG ĐỖ XÁ Nguyễn Ngọc Thạch

 

VĂN CHỈ TỔNG ĐỖ XÁ

Nguyễn Ngọc Thạch

Từ năm 1070, nhà Lý cho dựng văn miếu ở Thăng Long. ở các địa phương cũng dựng văn miếu, văn chỉ. Lúc đầu văn chỉ không có mái (theo từ điển Đào Duy Anh, thì văn chỉ là nền tế thánh, tế Khổng Tử ở các hương thôn lập nên) chỉ là một nền đất phẳng có 3 hoặc 4 bệ thờ. Đến thế kỷ 19, một số nơi xây từ đường khang trang sạch đẹp. Văn chỉ tổng Đỗ Xá (nay thuộc thị xã Bắc Ninh) được xây hồi đó. Tổng Đỗ Xá xưa gồm 8 xã: Đại Tráng; Phương Vĩ; Thanh Sơn; Đáp Cầu; Thị Cầu; Cổ Mễ; Y Na; Đọ Xá.

 

Ngày nay, từ thị xã Bắc Ninh đi về phía Phả Lại được hơn 1.000m rẽ trái vào đường của phường Đại Phúc chừng 300m tới văn chỉ ở giữa khu 3. Tại đường lớn của khu 3, vừa tầm nhìn vào cổng xây rộng rãi, bề thế, nối liền với tường bao có hoa rút chạy xung quanh. Trên cổng có 4 chữ “Cao sơn ngưỡng chỉ” (Ngưỡng mộ nơi đức cao nghĩa cả). Qua cổng tới một sân rộng 15 x 20m; tiếp sân, làn trên có 3 ngôi nhà hướng ra sân,  nhà chính là từ đường 5 gian làm bằng gỗ lim, mộng mạng còn khít khát rắn chắc (cả 3 nhà hiện nay chính quyền phường giao cho khu 3 quản lý dùng tạm làm nơi hội họp). Câu đầu bên phải nhà chính ghi chữ nho (Dịch nghĩa):

 Tự Đức năm thứ 10 (1857) tháng 11, cai tổng Đại Tráng xã Nguyễn Văn Thông cùng toàn gia quyến thống nhất một việc, do tháng 8 năm ấy, tư văn kỳ hội đang hành lễ tại văn chỉ lộ thiên theo lệ xuân thu tế lễ hàng năm, gặp mưa to không tiến hành được, vợ chồng ông cũng có mặt ở đó. Sau đó vợ chồng ông bàn bạc và xin xây dựng từ chỉ. Toàn gia đã xuất tiền của ra xây dựng 3 gian thượng điện, 5 gian hạ điện đẹp đẽ trang nghiêm.

 Chi phí cho gỗ ngói, gạch vôi mật, công thợ, các khoản cộng lại trên 3.500 quan, sau đó còn đưa thêm vào 3 mẫu ruộng tốt tại đồng Triền, để hàng năm thu hoa lợi lấy kinh phí hành lễ.

 Trải qua thời gian, công trình có nhiều thay đổi, từ chỉ bỏ không, nhưng qua văn hội bạ (ông Trịnh Khoan khu 4 còn giữ được) cho ta biết “Văn hội bạ tổng Đỗ Xá” gồm 22 trang cỡ 30 x 30 cm.

Trang 1: Lời nói đầu (văn hội bạ sao lại năm Thành Thái thứ 3 (1891) sau bổ sung vào).

Trang 2 đến 3: Danh sách tiến sĩ trong tổng.

Trang 4 đến 6: Danh sách cử nhân tú tài và giám sinh.

Trang 7 đến 11: Đóng góp ruộng tiền, quy định tế lễ.

Trang 12 đến 22: Nội dung tế lễ trong năm.

Phần danh sách các tiến sỹ có chép:

Xã Vĩ Vũ:

1- Vũ Tấn Chiêu khoa Bính Thìn (1496) tam giáp đồng tiến sĩ

2- Vũ Quang Túc khoa Giáp Tuất (1514) tam giáp đồng tiến sĩ

3- Vũ Khắc Dụng khoa Nhâm Thìn (1532) tam giáp đồng tiến sĩ

Xã Thanh Sơn: Nguyễn Sở Thùy khoa Bính Thìn (1496) tam giáp đồng tiến sĩ

Xã Đáp Cầu: Trần Bá Linh khoa Nhâm Tuất (1442) nhị giáp tiến sĩ.

Tiếp theo là tên tuổi của 9 vị cử nhân và 30 tú tài, giám sinh. Phần cuối quy định tế lễ, cùng số người tham gia, vị thế và trách nhiệm của từng người trong ban tổ chức, cũng như đóng góp tiền của công sức hàng năm rất cụ thể rõ ràng tới từng khóa tế, lần hưng, lần bái.

Qua nội dung văn hội bạ được biết tổng Đỗ Xá vốn là một trong những nơi coi trọng học vấn. Vùng này ngày nay vinh dự có văn miếu hàng tỉnh, vì thế nhân dân phường Đại Phúc nói chung, đặc biệt là nhân dân và lãnh đạo khu 3 càng thêm quan tâm, mong mỏi được đóng góp công sức phục hồi di tích văn hóa của riêng địa phương.