Trang chủ Diễn đàn Tin tức Đăng ký Thư viện ảnh Hỏi đáp Video Giới thiệu Liên hệ Đăng nhập Xin chào
Chùa Lương - Cầu Ngói

CHÙA LƯƠNG - CẦU NGÓI

Vùng đất Quần Anh xưa (lúc đầu mang tên Quần Cường ấp, có thời là xã Quần Phương ) còn lưu giữ những giá trị văn hoá phong phú.

"Quần Anh nổi tiếng từ xưa
Biển đình phong lạc, bia chùa Phúc Lâm"

Câu ca truyền đời nói đến một vùng đất mà cách đây 5 thế kỷ là cái nôi của cuộc khai hoang, lấn biển. Hồi đó 4 ông tổ khai sáng: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập và 9 dòng họ từ khắp nơi tụ về sinh cơ, lập nghiệp, trải qua bao gian nan, vất vả lập nên những xóm làng trù mật, phát triển trăm nghề, mở rộng địa bàn sinh sống để thành huyện Hải Hậu ngày nay.

Vùng đất Quần Anh xưa (lúc đầu mang tên Quần Cường ấp, có thời là xã Quần Phương ) còn lưu giữ những giá trị văn hoá phong phú, mà tiêu biểu là cụm di tích lịch sử, văn hoá Chùa Lương-cầu Ngói, là đình Phong Lạc có tấm biển mang 4 chữ vua Lê ban tặng: “Mỹ tục, khả phong”. Chùa Lương , Cầu Ngói đều ở trên đất Hải Anh hiện nay. Lịch sử xây dựng chùa và cầu gắn liền với công cuộc khai hoang lấn biển 500 năm trước.

Đây nơi Quần ấp
Dấu tổ tiên xưa
Chùa Lương, cầu Ngói
Đẹp như bài thơ

4 câu thơ trên được chép trong “Quần Anh địa chí” phần viết về xã Thượng (tức xã Hải Anh ) đã phần nào thể hiện giá trị nhiều mặt của cụm di tích này.

Chùa Lương (hay còn gọi là chùa trăm gian) tên chữ là Phúc Lâm Tự được xây dựng vào đời vua Lê Hồng Thuận (1509-1515) cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16, khi việc quai đê lấn biển đã giành nhiều kết quả. Đời sống vật chất của dân cư dần dần ổn định, bốn ông tổ cùng các dòng họ dồn sức chăm lo đời sống tinh thần: xây dựng, đền chùa, bắc cầu, mở chợ. Chùa Lương lúc đầu có quy mô nhỏ đã trải qua nhiều lần trùng tu, mở rộng. Hàng chữ ghi trên thượng lương “Dương hoà nguyên niên” (1634), bia khắc năm Chính Hoà thứ ba (1682), bia Chính hoà năm thứ năm (1684) cho biết có việc tu sửa chùa, dựng hai dãy hành lang Đông, Tây, làm đồ thờ tự bằng đá…Các bia có niên hiệu Vĩnh Thịnh, Vĩnh Khánh, Cảnh Thịnh lại nói đến việc làm thượng điện, tiền đường, tam quan, nội các và tượng tam thế. Sang thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 chùa vẫn tiếp tục được tu sửa, có lần trùng tu lớn; đổi cả hướng chùa ra phía Nam.

Ngôi chùa hiện tồn có quy mô khá lớn, gồm 100 gian, mang phong cách kiến trúc dân tộc của nhiều thời đại, nhưng đậm nét vẫn là phong cánh của hai thế kỷ 17 và 18. Chùa dựng trên thế đất đẹp, thoáng. Trước chùa là hồ nước trong xanh, rộng hàng ngàn mẫu như tấm gương in bóng tam quan, “Thiên thạch đài trụ”, cùng các cây cổ thụ…càng tôn vẻ đẹp của tổng thể công trình. Khuôn viên chùa Lương có thể chia làm hai khu vực gắn bó chặt chẽ với nhau. Những công trình quan trọng tập trung trong hai khu vực chính tất cả có 49 gian bao gồm: Tiền đường, tam bảo, gác chuông, hậu đường và hai dãy hàng lang Đông Tây được liên kết lại theo nối giao mái, bắt vần, tạo nên một tổng thể kiến trúc hài hoà. Vật liệu xây tường, lợp mái được dùng là gạch Bát Tràng vuông kích thước là 30cm x 30 cm và gói ta.

Nổi bật hơn cả là tiền đường năm gian bảo lưu kiến trúc đậm đà thời hậu Lê. Công trình không vươn theo trục dọc (chiều cao ) mà phát triển theo trục ngang (chiều rộng ) nên có dáng thấp với mái ngói uốn cong mềm mại. Kiến trúc thực hiện theo kiểu: bẩy, kẻ, trụ non, câu đầu-là thứ kiến trúc tiêu biểu của hai thế kỷ 17 và 18.

Khu vực thứ hai là chùa Lương bao gồm nhà tổ “ Quan âm các” nhà khách, tăng phòng, nhà trọ, nhà bếp…bao gồm 49 gian lớn, nhỏ cũng xây dựng theo phong cách kiến trúc cổ truyền của dân tộc. Phía Bắc chùa có hàng chục tháp mộ, gắn với tổng thể kiến trúc của ngôi chùa. Khách tham quan sẽ thấy rất thú vị trước giếng nước chùa Lương bởi sự độc đáo: Thành giếng được tạo thành bằng những chiếc cối đá xếp vòng tròn chồng từng lớp nên nhau. Nước giếng trong vắt, tinh khiết , vẫn thường dùng để đồ xôi sửa lễ cúng Phật.

Tổng thể kiến trúc chùa Lương, đặc biệt ở khu vực chính đã thể hiện trình độ điêu luyện, khiếu thẩm mỹ tinh tế của những nghệ nhân dân gian. Tài nghệ ấy biểu lộ trên nhiều khía cạnh. Đó là việc tạo nên bộ khung của các hạng mục công trình, đảm bảo sự chắc chắn, độ bền vững qua nhiều thế kỷ mà vẫn nhẹ nhàng thánh thoát. Kỹ thuật nắp ráp, làm mộng mẹo ở trình độ cao làm cho các thành phần kiến trúc được liên kết với nhau rất khít mộng, mặc dù ngôi chùa đã trải qua nhiều lần tu sửa. Đó còn là tài nghệ trong việc tạo dáng các đầu đao, con kìm, trụ, đấu, con giường, bắp quả, cách gia công đường hoành, lá mái, soi chỉ, các góc…Nghệ thuật điêu khắc cũng rất đặc sắc. Trên các thành phần kiến trúc, nhất là các vì của toà tiền đường tập trung chạm khắc hình tượng con rồng với nhiều tư thế: rồng chầu mặt nguyệt, rồng cuốn thuỷ, rồng vuốt râu, rồng ngậm ngọc, rồng bay, rồng cùng ngựa chim cá vui đùa, trúc hoa long. Nổi bật là hình ảnh “hổ phù” vừa oai phong vừa đẹp đẽ.

Hổ phù chạm nổi
Câu đối chữ bay

Câu đối chùa Lương được khắc vẽ công phu, nội dung phản ánh lòng tự hào dân tộc của người Quần Anh, chẳng hạn như câu sau:

Khí sĩ thứ khâm sùng, bất tự Hán-Minh đế thuỷ
Dữ kiền khôn trường tại, khởi ư Đường Hiến tôn chung


Tạm dịch:

Khởi sự sùng kính không phải từ thời Hán- Minh bắt đầu
Cùng đất trời còn mãi, há phải đến thời Đường Hiến Tôn là hết

Tượng phật trong chùa được đặt trên hệ thống cầu sàn, tạo dáng sinh động gần gũi với đời thường. Các pho tượng có kích thước lớn như Adi đà, tứ vị Bồ tát, Bát vị kim cương, hộ pháp càng thể hiện đậm nét phong cách và tài hoa nghệ thuật. Ngoài tượng Phật có giá trị nghệ thuật còn phải kể đến 3 pho tượng Tam Thánh, tượng ông tổ khai sáng, các khám thờ, tượng thờ khác.

Hai dãy hành lang Đông, Tây là nơi lưu giữ một khối lượng lớn văn bia có giá trị về nhiều mặt. Tổng số có gần 40 bia, theo hình thức có thể chia làm hai khối: “Bia vuông tạc tượng, bia tròn ghi công”. Nội dung văn bia phong phú, ngoài các bia hậu nghi công sức đóng góp xây dựng chùa, bia còn ôn lại công lao khai sáng của 4 ông tổ cho biết số lần trùng tu, nâng cấp ngôi chùa, quá trình khai hoang lấn biển và phản ánh nhiều mặt cuộc sống của nhân dân Quân Anh…Với khối lượng bia nhiều như thế nên tiền nhân đất Quần Anh đã phân chia thành 3 nhóm để tiện tra cứa căn cứ vào niên hiệu đời vua, bia được dựng theo các nhóm: Nhóm Hồng Thuận, nhóm Chính Hoà, nhóm Cảnh Hưng.

Cầu ngói cách chùa Lương khoảng 100m, nằm ngay trên con đường dẫn vào chùa, gắn với ngôi chùa thành một cụm di tích. Cùng niên đại xây dựng với chùa Lương, cầu Ngói mà nhân dân ta quen gọi là cầu Ngói chợ Lương (vì cầu ở liền chợ ) là một trong số 10 chiếc cầu cổ nhất Quần Anh xưa.

Chín giáp (từ giáp nhất đến giáp chín) chỉ dựng cầu bằng đá, kiến trúc cũng đơn giản, mục đích là để đi lại thuận tiện. Con giáp mười ở gần chùa, gần chợ, chốn đô hội của Quần Anh chỉ dựng cầu Ngói, khác biệt với cầu của chín giáp, không chỉ phục vụ cho giao thông mà đây thực sự là một công trình đắc sắc, xứng đáng được xếp vào một trong những chiếc cầu nổi tiếng của trấn Sơn Nam Hạ xưa mà câu ca còn nhắc: "Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài"

Theo đôi câu đối ở cầu thì tứ tổ đã quan tâm xây dựng cầu ngay từ những ngày đầu tiến hành công việc khẩn hoang:

Lê Hồng Thuận tứ tính thuỷ mưu giá ốc biệt thành giang thượng lộ
Hoàng Khải Định thất niên trùng tấp dư lương y cựu kính trung đề


Nghĩa là:

Đời Hồng Thuận (1509-1515) bốn họ tính kế dựng nhà trên cầu thành đường trên nước
Đời Khải Định thứ bảy (1922) tu sửa nhu cũ, từng bậc xếp nên gương.

Buổi đầu cầu Ngói chỉ là chiếc cầu mái ngói đơn sơ. Về sau mới tu sửa cầu nâng quy mô để hợp với cảnh chùa Phúc Lâm. Lần trùng tu lớn vào năm 1922 làm cho cầu không còn giữ được vẻ nguyên vẹn phong cách kiến trúc thế kỷ 17, song vẫn là một di tích có kiến trúc độc đáo trên đất Nam Hà (Nam Định ngày nay).

Cầu vắt ngang qua sông Hoành chảy dọc xã Quần Anh xưa. Kiểu dáng thuộc loại “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà dưới là cầu), các cụ già ở địa phương thì gọi là “Thượng hạ trì” (Trên là nhà, dưới là sông nước). Cầu dựng trên 18 cột đá vuông mửi cạnh 35cm xếp thành 6 hàng cột để gánh 6 vì, đỡ toàn bộ 9 gian nhà cầu. Trên cột đá là hệ thống xà ngang, xà dọc bằng gử lim to chắc để đỡ các dầm, nâng sàn cầu, nhà cầu. Sàn cầu được thiết kế làm hai phần rõ rệt. Phần sàn của lòng cầu rộng 2m, gồm nhiều thanh gử lim ghép lại nằm trên hàng dầm uốn cong, đồng thời có nhiều thanh gử ngắn hơn vuốt tròn cạnh tạo thành nhiều gờ nổi để khách bộ hành lên xuống đỡ bị trượt chân. Hai bên lòng cầu là hai dãy hành lang và cũng uốn cong theo thành cầu. Phía trong hành lang cũng được ghép ván. Phía ngoài hành lang là lan can với các đố thượng, đố hạ, con song. Hành lang là nơi khách bộ hành có thể dừng chân ngồi nghỉ ngơi ngắm cảnh sông nước, làng quê. Đặc biệt việc thiết kế nhà cầu đòi hỏi trình độ nghề nghiệp cao. Để tạo thành 9 gian nhà cầu, tất nhiên phải cần 10 vì xà cột làm theo nối kiến trúc cổ của dân tộc. Hệ thống xà dầm bố cục chặt chẽ nâng chọn 40 cột cái, cột quân, cấu kiện chủ lực của nhà cầu. Các vì kèo, 36 xà dọc, thượng lương, xà ngang. Xà máng trên, máng dưới, hệ thống hoành rui…đều được gia công tỉ mỉ, đạt yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, khiến bộ khung vừa cong, vừa uốn lượn, khít xà ăn mộng. Mái ngói được lợp rất khéo không bi xô, không bi dột. Người thợ tài hoa xưa đã đạt yêu cầu này nhờ sáng tạo ra kỹ thuật nửa lợp, nửa xây làm cho dáng mái rất đẹp tựa con rồng đang bay.

Tuy các mảng trạm khắc không nhiều và có phần đơn giản chỉ bằng các hàng soi, đường chỉ ở các vì kèo, các con bảy, hàng xà, ván bưng tạo hình con bướm, đầu con song tạo dáng lá đề cũng thể hiện tài hoa của nghề mộc cổ truyền đất Quần Anh. Đáng chú ý là hình tượng cuốn thư trên hàng trụ, dưới là cửa cuốn. Cuốn thư tạo dáng khá đẹp lại đề 4 chữ “ Quần Phương xã kiều” ( cầu xã Quần Phương). Mửi đầu cầu đều có 4 con nghê chầu, dáng vẻ vừa thân thuộc vừa lộ vẻ uy nghiêm, ý nghĩa đặt 4 con nghê ở đây được câu ca dân gian hé mở: “Bốn con nghê đực chầu về tổ tông”.

Cầu Ngói, một công trình kiến trúc cổ độc đáo đã là đề tài ca ngợi của nhiều thi sĩ xưa, nay,như đôi câu đối trên cầu cho thấy:

Hoàng lộ phong thanh quá thử kỷ đa đề trụ khách. Giang thành dạ tĩnh du phương ứng hữu thu thư tiên

Nghĩa là:

Trên đường gió mát nhiều khách qua đây lưu lại văn thơ ca ngợi. Đi trên cầu trong đêm vắng như có nhận được sách tiên.

Và cụ Trần Phúc Khiêm, nho sĩ thế kỷ trước, người ở xã Quần Anh thì tự hào vịnh về cầu Ngói:

Ba ngả dòng sông Ngói lợp cầu.
Công lao từ trước một mai đâu.
Quần Anh non nước xem như vẽ.
Đề cột nhà thơ cảm hứng sâu.

Chùa Lương-cầu Ngói, niềm tự hào của người dân Hải Hậu dấu ấn của sức mạnh con người vươn ra biển cả, đắp móng, xây nền hạnh phúc. Công cuộc ấy mở đầu từ 500 năm trước vẫn còn đang tiếp tục đến ngày hôm nay.

(Nguồn: Namdinh.vn)